Hoàng Phi Sở Đặc Công Số 11

Chương 5187 : Thiên tử băng hà

Ngày đăng: 19:04 19/04/20


Hành lang đỏ son, mái ngói xanh biếc, ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá xuống trên đất, tô điểm thêm cho không gian cổ kính. Hoa nở rộ, hương vị ngày xuân treo hững hờ trên đầu ngọn liễu bên ngoài cửa sổ, lặng lẽ theo gió luồn qua song cửa vào phòng, ve vuốt nơi đáy mắt của cô gái trong phòng.



Bức thư trong tay nàng như mơ hồ thấm đượm mùi vũ khí và máu lửa, trên mặt giấy là nét bút cứng cáp, chỉ mấy dòng tựa như mặt nước gợn vài con sóng nhẹ, lẳng lặng lan tỏa trong tẩm điện ấm áp.



Sở Kiều mặc y phục xanh nhạt tựa người lên nệm lưng mềm mại, trước cửa sổ có treo một cái lồng chim, cửa lồng được mở rộng. Một chú chim trắng như tuyết đang lười nhác ngủ gà gật trong lồng, ba chiếc lông đuôi đỏ rực rũ xuống, nhìn không còn chút gì của vẻ uy phong ngày thường.



Nguyệt Thất nói con tuyết quyên được Gia Cát Nguyệt nuôi này vốn là giống chim hung dữ nhất ở Thanh Hải, bay cực nhanh, vuốt cũng cực sắc, hơn nữa còn hết sức thông minh.



Sở Kiều dùng đũa gắp một miếng thịt tươi đưa vào lồng, chú tuyết quyên không buồn mở mắt, chìa mỏ ngoạm lấy miếng thịt, chóp chép hai cái rồi nuốt chửng, sau đó nghiêng đầu ngủ tiếp.



Đúng là một con chim lười, cả ngày cũng không thèm kêu một tiếng.



Sở Kiều ngước lên nhìn nó, đầu ngón tay vuốt ve lá thư trong tay, trong lòng dâng lên cảm giác ấm áp.



Tuy lười nhưng rất hữu dụng.



Bức thư này từng là giấy báo tin, nhưng hôm nay đã xem như là thư nhà rồi.



Hôn kỳ gần kề, hai ngày nữa chàng sẽ trở về.



Nàng sẽ mặc hỷ phục, đội mũ phượng, ngồi lên kiệu tám người khiêng, đường hoàng bước qua cửa nhà chàng trong tiếng nhạc tưng bừng. Sau đó nàng sẽ là thê tử danh chính ngôn thuận của chàng. Nàng lấy tờ canh thiếp* luôn được đặt dưới gối ra, trên bao thiếp vẽ uyên ương nghịch nước và bỉ dực song phi bao phủ bởi trăm hoa, bên trong là tên của hai người bọn họ, một trái một phải.



*Canh thiếp: Lá thiếp biên tên, tuổi (nhân trong thiếp có biên tuổi, tức niên canh, nên gọi là canh thiếp). Theo hôn lễ xưa, khi bắt đầu dạm hỏi, nhà trai, nhà gái trao đổi canh thiếp của trai gái để đính ước với nhau.



Sở Kiều cảm thấy bản thân hiện giờ giống như loài tuyết quyên ở Thanh Hải này vậy, sau khi cởi bỏ lốt ngoài sắc bén sát phạt vốn có thì sẽ chỉ muốn yên ổn ở trong lồng son, dù cửa lồng mở rộng cũng chẳng chịu bay ra ngoài.



Trên đời có muôn vàn loại cửa, nhưng chỉ loại cửa vô hình mới có thể chân chính ngăn cản bước chân người khác một cách vĩnh viễn.



Chàng là Tư mã của Đại Hạ, nhưng lại có tước vị phiên vương, nàng cũng xuất giá theo lễ nghi dành cho công chúa, hồi môn và sính lễ chất đầy một sân. Các loại châu ngọc kỳ trân chất như núi, triều phục do Thượng y cục chuẩn bị cho nàng và vật phẩm ban thưởng từ trong cung xếp thành dãy dài, lễ vật do các thế gia hào môn đưa đến cũng đã chiếm trọn một gian điện vốn trống trải.



Nàng cũng hiếm khi hăng hái như hiện giờ, thỉnh thoảng còn dẫn Thanh Thanh, Mai Hương và Hoàn Nhi đi xem đống lễ vật kia, mấy tiểu cô nương chưa từng nhìn thấy nhiều đồ quý giá như vậy nên ai cũng tròn mắt kêu to vô cùng khoa trương, hệt như một đám người nhà quê mới lên kinh lần đầu.



Tối nay Sở Kiều sẽ phải đến ở tại chính phủ Gia Cát, để chủ mẫu Gia Cát gia chuẩn bị tiến hành các nghi lễ trước ngày cưới dành cho tân nương. Nàng không có nhà mẹ đẻ, cho nên trước ngày cưới chỉ có thể ở tại phủ Gia Cát, sau đó xuất giá từ khuôn viện mình ở lúc nhỏ là Thanh Sơn viện, gả vào phủ Tư mã tráng lệ.



Hoàng hôn phủ xuống, thời gian như gợn sóng trên mặt hồ, từng chút một mở rộng, bao trùm bốn phía.



Sau khi tiến vào phủ Gia Cát, Sở Kiều cũng chưa nhìn thấy chủ mẫu, chỉ có nhóm người Kinh gia là vẫn luôn theo bên cạnh. Nàng bảo Vu Tiêu Hòa đến bầu bạn cạnh mình. Cô thiếu nữ xuất thân không cao này nhìn thấy nàng thỉnh thoảng sẽ thất thần thì lẳng lặng lấy ra một nắm hương Tô Hà. Mùi hương rất quen thuộc, dường như rất lâu về trước, nàng từng học được phương pháp điều phối nó ở ngự dược phòng thì phải.



Một nhúm hạt tía tô, một nhúm bách hợp, một nhúm quế, một nhúm mẫu đơn, hai nhúm nhụy sen, hai phần dầu hoa hồng, hai phần dầu chuối, hai phần…



Cũng chẳng phải dược liệu quý giá gì nhưng có thể tạo ra mùi hương giúp an thần dưỡng khí, hiệu quả nhất trong việc giúp người hay bị ác mộng quấy nhiễu an giấc.



Hai ngày sau, hạ nhân đi vào nói Gia Cát Nguyệt đã trở về, có đến bái kiến phụ mẫu ở chủ phòng nhưng theo lễ nghi không thể tới gặp nàng.



Sở Kiều được tin vào lúc đang tắm, cả người chìm trong nước ấm, vô cùng thư thái. Hạ nhân đưa thư đến, nước từ đầu ngón tay nàng thấm ướt giấy khiến nét mực hơi nhòe, trên thư chỉ có một dòng chữ thanh mảnh nhưng cứng cáp: “Ta đã về, năm ngày sau sẽ đến đón nàng.”







Năm ngày sau chính là đại hôn của bọn họ.



Đến đêm, Sở Kiều đưa tay sờ vào hàng dây leo đã hơi héo vì ánh nắng ban ngày, đầu ngón tay dính chút bụi li ti. Suy nghĩ trong đầu tràn ra như tầng tầng dây leo. Hình bóng bức thư chi chít chữ vương vấn lượn lờ, trên thư là những câu chữ chân thành vẫn đang viết dở.



Đầu ngón tay Sở Kiều trắng bệch, tiếng binh giáp đao kiếm ngày xưa như quanh quẩn bên tai, tựa một khúc nhạc đều đặn không ngừng.



“Đại nhân, người có đi cùng ta không?”







Sở Kiều lắc đầu, khẽ cười: “Ta phải ở lại đây.”







Hạ Tiêu gật đầu, cúi mình hành lễ, “Đại nhân bảo trọng.”







Thành cửa sổ hơi ẩm ướt, trăng trên cao vừa sáng lại vừa tròn, Sở Kiều ngước lên nhìn vầng trăng trong trẻo, nhỏ giọng lẩm bẩm: “Gió sắp nổi lên rồi.”







Gia Cát gia phái ba vị phu nhân đến chải tóc cho tân nương đều bị Sở Kiều đuổi đi, vài vị phu nhân lớn tuổi của Kinh gia chủ động yêu cầu cũng không được nàng đáp ứng. Đêm trước ngày cưới, cuối cùng vẫn là Mai Hương bị đẩy vào phòng ngủ.



Mai Hương luôn kiên cường nhưng bây giờ lại tay run run giúp nàng mặc hỷ phục bằng gấm tơ vàng dệt chìm hoa văn hải đường tinh xảo, viền áo thêu hình chim loan, hoa văn mẫu đơn tám màu trên tà váy điểm xuyến ngọc bát bảo, ngọc thiên thương, điền ngọc bạch ngọc và cả huyết ngọc. Bên dưới ánh nến, châu ngọc và trang sức vàng trên tóc càng thêm rực rỡ lộng lẫy.



Mai Hương chảy nước mắt lã chã nhưng khóe miệng lại nhoẻn cười vô cùng vui vẻ. Sở Kiều đưa tay lau nước mắt trên mặt cô gái nhiều năm qua vẫn ở cạnh mình rồi ôm nàng vào lòng.



“Tiểu thư.” Mai Hương cũng ôm lấy nàng, đã nói không ra lời, chỉ có thể không ngừng nức nở gọi: “Tiểu thư, tiểu thư…”







Sáng hôm sau, ngày đại hôn cuối cùng cũng đến.



Lễ quan Biện Đường dàn hàng ở hai bên, toàn bộ đều dựa theo nghi thức xuất giá của công chúa. Loan giá khởi hành ra khỏi phủ Gia Cát, trước đến biệt viện của Biện Đường ở kinh thành nhận thánh chỉ của tiên hoàng Lý Sách và chúc phúc của Đường hoàng Lý Tu Nghi rồi lần lượt đi qua công Trang Nghị, cổng Càn Khôn. Tiếng nhạc rộn ràng trỗi lên, lụa đỏ giăng khắp nơi, tiền vàng được ném ra suốt dọc đường đi. Đại Hạ cũng phái ra rất nhiều lễ quan đi theo xa giá, đều theo nghi thức hòa thân mà làm.



Dân chúng tụ tập chiêm ngưỡng đông như biển, tám mươi hỉ nương ngồi xe đi theo loan giá đều là tỷ muội và phu nhân của Gia Cát gia. Sở Kiều căng thẳng đến mức lòng bàn tay rịn đầy mồ hôi, hô hấp cũng khó khăn. Khăn hỉ che kín tầm mắt khiến nàng không nhìn thấy gì, chỉ có thể nghe được tiếng trống nhạc tưng bừng.



Đoàn xe càng đến gần phủ Tư Mã thì Sở Kiều càng khẩn trương. Nàng đã nhớ kỹ lộ trình, biết rằng nếu không có gì bất ngờ xảy ra, đến cầu Khổng Tước lễ quan Biện Đường sẽ chuyển giao kiệu hoa cho lễ quan Đại Hạ, Gia Cát Nguyệt sẽ đón dâu trên cầu Khổng Tước.



Song, đoàn xe vừa mới đến bờ hồ thì đột nhiên giảm tốc độ, sau đó ngừng hẳn lại.



Tim Sở Kiều giật thót, cùng lúc đó, từ hướng cung Thịnh Kim truyền đến một tràng chuông cổ ngân nga, mười bốn hồi chuông trang nghiêm văng vẳng lan khắp mọi nẻo đường, là năm hồi dài chín hồi ngắn chứ không phải là chín hồi dài năm hồi ngắn khi hoàng đế lên ngôi. Âm thanh thê lương tiêu điều như tiếng gió rít bao trùm đế đô Chân Hoàng phồn hoa.



Tất cả người đi lại trên đường đều dừng chân nhìn ra xa, mọi âm thanh đều im bặt, trời đất không một tiếng động, ngay cả chim trên trời như cũng ngừng bay. Không biết là ai phản ứng trước tiên nhưng ngay sau đó, tất cả mọi người đều đồng loạt quỳ rạp xuống đất, hướng về phía cung Thịnh Kim dập đầu.



Tiếng gào khóc vang vọng truyền đến quảng trường Tử Vi.



Sở Kiều giật hỉ khăn xuống, vén rèm xe nhìn ra ngoài, gió nhẹ phả lên mặt khiến tóc mai nàng bay bay.




Cũng ngay hôm đó, Tây nam quân vốn thuộc quyền Triệu Dương rời thành dẹp loạn trước đó cũng trở về thành Chân Hoàng. Thập thất hoàng tử Triệu Nghĩa những tưởng được cầm quyền lại bị cho ăn dưa bở, mười lăm vạn quân lại trở về trong tay Triệu Dương.



Sau đó, cuộc chiến song long đoạt đích rốt cục cũng rầm rộ nổ ra trong thời điểm băng tuyết vừa tan.



Sự tàn khốc của chiến tranh vẫn chưa bao giờ giảm bớt. Để đề phòng Sở Kiều lại dùng phương pháp phá thành kinh khủng kia, Triệu Dương không còn trấn thủ cổng thành mà phái rất đông binh sĩ bày trận mai phục trải dài gần ba mươi dặm quanh thành Chân Hoàng, bất đắc dĩ phải áp dụng phương pháp cận chiến với đại quân đông đảo hơn mình của Triệu Triệt và Gia Cát Nguyệt.



Có điều Triệu Dương lại không biết, trên thực tế, mấy năm gần đây Sở Kiều đều tự mình nghiên cứu cách chế tạo thuốc nổ, có làm thì cũng chỉ làm một ít. Vì không muốn loại vũ khí vượt thời đại này bị truyền ra ngoài rồi gây thương vong quy mô lớn, nàng chưa từng dạy cho bất kỳ ai khác phương pháp chế tạo.



Thi thể binh lính nằm la liệt như lá rụng cuối thu, trải dài khắp thảo nguyên xanh màu cỏ mới, tiếng kèn lệnh thê lương quanh quẩn trên bầu trời Đại Hạ cả ngày, khung cảnh tựa như địa ngục, khắp nơi đều là máu tươi tanh tưởi. Mỗi ngày đều có quân y khiêng băng ca chạy ra chiến trường, việc bọn họ làm nhiều nhất không phải là cứu người mà là cho những người bị trọng thương còn sống sót một đao, giải thoát họ khỏi cái chết đau đớn đến tột cùng.



Sở Kiều cũng là người kinh qua vô số chiến trường, nhưng nhìn thấy tràng diện như vậy vẫn không khỏi chạnh lòng.



Nàng từng hỏi Gia Cát Nguyệt, nhất định phải làm thế sao? Nhất định phải khiến binh sĩ Đại Hạ tàn sát lẫn nhau sao?



Gia Cát Nguyệt chăm chú nhìn nàng, khuôn mặt tuấn tú dị thường lộ vẻ kiên nghị không ai bằng, đáp rằng đây là chuyện không thể tránh, Triệu Dương cầm quyền trong một thời gian dài, thế lực trên triều đã cắm rễ rất sâu, trong quân đội lại hết sức có danh tiếng. Muốn Triệu Dương cam tâm tình nguyện để Triệu Triệt làm chủ nhân là chuyện không thể nào. Hắn và Triệu Triệt chỉ mới trở về Đại Hạ, rất khó trong thời gian ngắn tiêu trừ thế lực của Triệu Dương, cho nên nhất định phải đánh trận này. Khiến Triệu Dương vọng động, gán cái chết của Hạ hoàng lên đầu hắn, cũng như kích thích các chư hầu kéo binh mài mòn thế lực của hắn, nếu bây giờ không đánh thì sẽ không còn cơ hội tốt hơn nữa.



Sở Kiều rất muốn hỏi Hạ hoàng thật sự đã chết rồi sao? Đến cùng là ai ra tay? Là Triệu Dương sao? Là Triệu Triệt? Hay là chính bản thân Gia Cát Nguyệt?



Nhưng cuối cùng nàng vẫn không thể hỏi thành lời, mà ngược lại là do Gia Cát Nguyệt chủ động nói cho nàng biết.



Nhắc đến chuyện này, quả thật cũng là ý trời. Trong Ngự dược phòng có một gã ngự y tham ô, thường tự mình lén đổi vài loại thuốc tốt thành thuốc bị mốc. Mấy ngày đó lại đúng dịp bệnh tình trở nặng, Hạ hoàng sợ quan lại trong triều biết nên chỉ âm thầm bảo ngự y đổi thuốc chứ không báo ra ngoài. Trùng hợp là trong đám thuốc bị mốc có loại Hạ hoàng cần uống. Lúc trước Triệu Dương đảm nhiệm chức vị thống lĩnh Kinh kỳ quân nên từng sắp xếp vài người thân tín trong Ngự dược phòng cho nên biết được tin này trước tiên. Nhưng hắn lại không biết Triệu Triệt đã cài thân tín vào đội ngũ hầu cận của mình, cho nên thời điểm hắn được tin thì tin tức đó cũng đã được chuyển đến cho Triệu Triệt.



Cứ như thế, Hạ hoàng mỗi ngày uống thuốc theo đơn mới do ngự y thân cận kê đơn, thái giám thử thuốc khỏe mạnh nên uống thuốc mốc cũng chẳng hề gì, chỉ có Hạ hoàng tuổi già sức yếu bị thuốc mốc ăn mòn, cuối cùng lăn ra chết ngay ngày cưới của Gia Cát Nguyệt và Sở Kiều.



Hạ hoàng cẩn thận cả đời chẳng bao giờ ngờ rằng mình sẽ chết dưới tay một gã ngự y tham ô vô danh tiểu tốt. Hai đứa con trai của ông ta đều biết rõ chuyện này, nhưng lại không người nào muốn cứu ông ta.



Sau khi biết được, Sở Kiều im lặng hồi lâu, bất giác nhớ đến Yến Tuân thì chợt cảm thấy vô cùng bi thương.



Cả đời của Yến Tuân, tâm nguyện lớn nhất chính là giết chết Hạ hoàng báo thù cho cha mẹ và thân nhân mình, trải qua bao gian khổ mới nắm đại quyền trong tay, có được binh cường tướng mạnh nhưng kẻ thù lại bệnh chết trên giường. Không biết lúc được tin, Yến Tuân sẽ có cảm tưởng thế nào? Là vui sướng cười to hay bi phẫn gào lên? Có lẽ đều không phải, có lẽ hắn chỉ im lặng ngồi yên, dằn tất cả cảm xúc xuống tận đáy lòng, sang hôm sau vẫn tiếp tục làm chuyện nên làm.



Tiếng kèn hiệu vang lên, Triệu Dương vừa phái ba đoàn kỵ binh tấn công cánh hông, Gia Cát Nguyệt liền hạ lệnh cho bốn đội quân đến cánh hông tiếp sức, rồi từ đó tập kích Triệu Dương.



Cuộc chiến đã kéo dài hai ngày hai đêm không ngừng, đủ loại chiến thuật đều được thi triển. Triệu Dương và Gia Cát Nguyệt đều là kỳ tài hạng nhất, thế cục hiện vẫn ngang ngửa, không ai được phần thắng.



Tú lệ quân cũng đã ba lần phối hợp với quân Thanh Hải tấn công cánh phải phe Triệu Dương, Hạ Tiêu từng dẫn người xé toạc hàng phòng thủ của địch, nhưng chỗ hổng lại nhanh chóng bị địch lấp lại.



Ai cũng biết đây chính là cuộc chiến tranh đoạt hoàng vị. Người thắng sẽ ngồi lên đỉnh cao, người thua sẽ nhất định chết không chỗ chôn. Vì vậy thuộc hạ của bọn họ cũng mang tâm trạng liều mạng mà đánh, không có bất kỳ ai lùi bước, tựa như dù chỉ còn một giọt máu cuối cùng thì cũng phải đổ ra trên chiến trường.



Sáng ngày thứ ba, Gia Cát Nguyệt khoác quân trang, không hề dài dòng, chỉ rút chiến đao, cao giọng nói với các binh sĩ dưới quyền: “Hôm nay là ngày cuối cùng, sau trận chiến này, tên tuổi chúng ta chắc chắn sẽ được ghi vào sử sách.”







“Giết địch! Giết địch!” Hàng vạn hàng ngàn người đồng loạt hô to.



Sở Kiều đứng lẫn trong đội quân, ngước nhìn nam tử được vây giữa thiên quân vạn mã, bất giác khẽ mỉm cười.



Đánh một trận cuối vậy!



Trên thảo nguyên trống trải, chân trời xuất hiện một bóng đen dần lan ra. Quân đội của Gia Cát Nguyệt rốt cuộc cũng chính thức đụng độ quân chủ lực của Triệu Dương. Sau hai ngày khổ chiến, hai bên đều tổn thất nghiêm trọng nhưng không một ai có định lui bước.



Bóng đen trên thảo nguyên nhanh chóng trải rộng, không thấy đầu cũng không thấy đuôi, ào ạt tiến về phía đội quân của Gia Cát Nguyệt.



Hai trăm trượng, một trăm trượng, năm mươi trượng…



*1 trượng = 4 mét



Càng lúc càng gần, gần đến mức hai bên tựa hồ có thể cảm nhận hô hấp nóng hổi từ mũi ngựa của đối phương.



Chiến trường tràn ngập tử khí, quạ đen bay thành đàn trên không trung, thi thoảng phát ra tiếng kêu lạnh gáy.



Trống trận dồn dập không ngừng, hàng vạn hàng ngàn vó ngựa giẫm đạp khiến mặt đất chấn động. Ác chiến ở ngay trước mặt, tất cả mọi người như ngừng thở, tay siết chặt cán đao.



“Tấn công.” Gia Cát Nguyệt ngẩng đầu lên, lạnh lùng phát lệnh tiến công. Cùng một lúc, phía quân Triệu Dương cũng lan truyền mệnh lệnh như vậy.



Kỵ binh tuốt chiến đao ra, tiếng tuốt đao như đánh động cả một vùng. Thảo nguyên chợt nổi gió mạnh, lướt qua từng đầu mũi đao sắc, chờ đợi một cuộc chiến sinh tử.



Ngay lúc đó, từ xa đột nhiên vang lên tiếng vó ngựa hối hả, không gian tựa như có gió bắc lùa vào, lạnh buốt đến tận xương.



“Chiến báo khẩn cấp từ ba ngàn dặm! Chúc tướng quân ở biên giới Tây Nam gởi thư cầu cứu đế đô! Chiến báo khẩn cấp từ ba ngàn dặm! Chúc tướng quân ở biên giới Tây Nam gửi thư cầu cứu đế đô!” Viên lính đưa tin người đầy bụi đất nhanh như chớp lao đến giữa chiến trường trong ánh mắt kinh hãi của mọi người rồi nhảy xuống khỏi lưng ngựa, nói to: “Tướng quân! Điện hạ! Xin đừng đánh nữa! Có chiến báo từ Tây Nam! Biên giới xảy ra chuyện rồi!”







Toàn trường im lặng như tờ, không một ai đáp lời gã tiểu binh to gan chạy đến giữa cuộc ác chiến này.



“Ngươi nói gì?” Một giọng nói trầm thấp đột nhiên vang lên, thân là tổng thống lĩnh ở Tây Nam, binh lính ở đó đều xuất thân từ Tây nam quân, Triệu Dương tiến lên hỏi.



“Điện hạ! Xin điện hạ cứu mạng!” Gã tiểu binh nhìn thấy Triệu Dương thì mừng rỡ, vội vàng bẩm báo: “Yến Tuân dẫn bốn mươi vạn đại quân công phá cửa khẩu, đánh vào nội cảnh nước ta rồi. Trong vòng hai ngày đã càn quét mười chín tỉnh thành, khu vực Tây Nam đã biến thành một vùng đất khô cằn rồi.”







“Nói bậy!” Nguyệt Thất tay vẫn lăm lăm chiến đao, nghe vậy liền lạnh lùng nói: “Nhạn Minh Quan có hơn ba mươi vạn binh trấn giữ, sao có thể để Yến Tuân lặng yên không tiến động tiến vào nội cảnh Tây Nam?”







Tất cả nghe nói đều luôn miệng tán thành. Sở Kiều cố áp chế cảm xúc vọng động trong lòng, cũng cảm thấy chuyện này không hợp lý. Dẫu đang có nội chiến thì ai cũng biết tầm quan trọng của Nhạn Minh Quan trước sự uy hiếp của Bắc Yến. Bất kể là Triệu Dương hay Triệu Triệt đều không hề điều người từ Nhạn Minh Quan về. Quân binh đầy đủ, Yến Tuân làm sao có thể công phá Nhạn Minh Quan mà đánh thẳng vào nội cảnh Đại Hạ?



“Tư mã đại nhân, cửa khẩu bị Bắc Yến công phá không phải là Nhạn Minh Quan mà là Bạch Chỉ Quan!” Gã lính truyền tin bi thương tiếp lời: “Nội cảnh Biện Đường xảy ra đại loạn, Tĩnh An vương phi giơ cờ tạo phản, tự mình mở cửa khẩu Đường Hộ Quan để quân Bắc Yến tiến vào Biện Đường. Toàn bộ lãnh thổ phía đông nam của Biện Đường đều đã bị san bằng, Đường Kinh hiện tại đang hết sức nguy ngập. Bắc Yến hợp lực với đại quân của Hoài Tống đi xuyên qua Biện Đường tấn công Bạch Chỉ Quan. Tây nam quân đóng ở Bạch Chỉ Quan đều đã bị điều đi, hiện chỉ còn không đến một vạn quân đánh thuê, tin tức lại bị người của Phong tứ gia* phong tỏa. Chưa đến hai ngày mà khu vực Tây Nam của chúng ta đã bị chiếm trọn.”



*Phong tứ gia là biệt hiệu của Phong Miên (thư đồng hồi xưa của Yến Tuân) đóng ở thành Hiền Dương, biên thành giáp với Bạch Chỉ Quan (cửa khẩu ngăn cách Biện Đường và Đại Hạ)



Toàn trường thoáng cái tĩnh lặng đến mức kim rơi cũng nghe được, gió bắc lẳng lặng thổi qua chiến trường đã hóa đá.



Ngày 8 tháng 4 năm 882 theo lịch Bạch Thương, một tin tức như đùa đã chấn động tất cả mọi người:



Đầu tháng 4, Yến Tuân dẫn dắt bốn mươi vạn quân Bắc Yến, vòng qua Biện Đường đánh thẳng vào Đại Hạ, càn quét toàn bộ lãnh thổ phía Tây Nam, gần bốn trăm vạn dân chúng bị biến thành nô lệ mất nước.