Tôi là Ê-ri

Chương 53 :

Ngày đăng: 19:45 19/04/20


Đầu gấu



Trong phòng giam tôi ở có một nữ đầu gấu là cô Wan. Không có ai là không sợ cô Wan vì cô ta có quyền lực lớn nhất trong số đầu gấu trong tù lúc bấy giờ. Cô Wan là tù nhân kiểm soát tất cả tù nhân còn lại theo chính sách để tù nhân kiểm soát tù nhân của nhà tù Thái Lan.



Trong tù bọn đầu gấu có địa vị, quyền lực, chúng bán đồ dùng cho tù nhân khác với giá cắt cổ để thu lại hoặc bán chịu rồi lấy lãi suất cao. Tù nhân đều biết vậy nhưng không còn lựa chọn nào khác khi mà không có người thân hoặc người thân mấy tháng liền mới đến tiếp tế. Bên ngoài người ta cho vay lãi và bắt trả lãi hàng tháng thì ở trong tù bọn đầu gấu cũng tính lãi chỉ khác là chúng bắt trả theo tuần mà thôi.



Phần lớn tù nhân có người thân và họ hàng tới thăm mỗi tuần một lần và gửi tiền lại cho chi tiêu. Còn nếu ai không có gia đình tới thăm thì tự kiếm việc làm thêm để có tiền.



Ví dụ như ngày chủ nhật là ngày đặc biệt của chúng tôi, bọn đầu gấu sẽ bán chôm chôm. Số chôm chôm này không không phải được lấy tại các chợ đầu mối mà khi giám thị mang chôm chôm tới bán cho tù nhân, bọn đầu gấu có nhiều tiền sẽ mua khoảng mười, hai mươi cân rồi bán lại cho các tù nhân khác. Giám thị bán mỗi cân mười bạt, bọn đầu gấu mua lại và bán mỗi cân mười lăm, hai mươi bạt. Nếu không có tiền mặt, mua chịu rồi trả góp thì giá sẽ đắt thêm rất nhiều do phải trả tiền lãi mỗi tuần.



Tù nhân đều hiểu tại sao giám thị lại bán cho đầu gấu một lúc tới cả mười, hai mươi cân chôm chôm trong khi thừa biết một người không thể ăn hết được từng ấy.



Cô Wan là đầu gấu độc ác nhất trong tù, dáng vẻ ngầu và có phần đáng sợ, răng cửa bị sâu gần hết, chỉ còn lại vài cái, người chi chít hình xăm. Mọi người nói cô Wan sexy bởi phong cách của cô ta là “No Bra” nghĩa là không mặc áo ngực, thực ra nhiều người khác buộc phải theo phong cách thời trang này nhưng là vì trong tù kiếm được áo ngực rất khó và vô cùng đắt. Ngoài ra, cô Wan còn rất thích trang điểm đậm, kẻ mắt thì chọn những màu vừa nổi vừa “đánh nhau” như xanh và tím chồng lên nhau, môi tô màu đỏ chóe. Ngày nào cô ta cũng trang điểm như thế đến mức mọi người trong tù gọi cô ta là “cô Wan ba màu”.




Có một dạo, tôi không có người thân đến thăm, tiền cũng hết, đồ dùng dần dần hết đi và thứ còn lại duy nhất là dầu gội đầu. Khi đó nó có tác dụng nhiều hơn ba trong một, có thể dùng thay xà phòng tắm, sữa rửa mặt, nước rửa bát hay đôi khi dùng một chút làm để giặt quần áo cũng được. Thế mà hôm đó, lúc đi tắm, khi tôi đang cố gắng dội nước cho kịp mười giây ngắn ngủi được phép, quay lại thì chai dầu gội đầu yêu quý của tôi đã biến mất trong chớp mắt. Chẳng biết ai lấy bởi ở đó có quá đông người. Tôi vừa tiếc vừa buôn, ngày mai biết lấy gì mà tắm. Thật là “Xong đời vì trộm!”



Quần áo cũng bị mất thường xuyên, thường là mất ngay trên dây phơi. Thế nên chúng tôi phải cho đồ dùng thiết yếu vào túi nhỏ mang theo bên mình. Chiếc túi này được cắt ra và may lại từ những bao tải bằng nhựa, sợi của nó giống như sợi chiếu vậy, chỉ có điều là được thiết kế lại cho đẹp mắt hơn để không phải quá xấu hổ khi đeo chúng và không bị lẫn với của người khác. Riêng túi của tôi, mọi người thường gọi là túi Louis vì tôi may rất đẹp và trang trí bắt mắt hơn hẳn so với túi của tù nhân khác.



Xà rông là thứ bọn ăn cắp rất ưa chuộng. Vậy nên chúng tôi thêu tên mình vào viền váy nhưng bọn chúng trộm xong dùng kéo cắt chỗ viền váy có thêu tên đi, thế là đã trở thành đồ của chúng. Tôi vốn là người nhận thêu tên thuê nên cô Wan nói: “Này Usumi, váy của tao thêu tên rồi vẫn bị mất. Mày thử thêu tên kiểu gì mới để cho chúng nó không ăn trộm nữa đi”. Tôi suy nghĩ, làm lại. Một chiếc váy tôi thêu tên trên ba chỗ thay vì chỉ thêu viền váy như trước. Tôi thêu ở hai gấu trên, dưới và thêu ở chính giữa. Bọn trộm váy có muốn cắt chữ thêu đi cũng không hết được, muốn cắt hết chữ thêu thì váy chỉ còn lại một gang tay, không thể dùng tiếp được.



Từ đó, khách xếp hàng dài chờ thuê tôi thêu tên, nhiều đến mức làm không kịp vì kiểu thêu chống trộm như thế này trong tù chỉ có mình tôi làm được mà thôi. Tuy nhận làm không kịp nhưng có một người mà tôi không thể từ chối đó là cô Wan, cô ta mang đồ đến khi nào là tôi phải vội thêu ngay lúc đó.



Thêu tên trên váy cần phải có kim khâu nhưng luật của nhà tù cấm phạm nhân mang kim khâu lên phòng ngủ. Cô Wan là khách hàng lớn của tôi nên tôi nhờ cô kiếm kim khâu cho tôi. Tất nhiên đó là chuyện nhỏ với cô ta vì đến hàng cấm như thuốc lá cô ta còn mang vào được nữa là. Cô Wan có cả một quy trình mang hàng hóa vào tù, lần nào cũng trót lọt. Ví dụ như đàn em của cô ta được ra tù, cô Wan sẽ dặn kẻ đó mang hàng đến cho cô ta ở địa điểm, thời gian hẹn trước, sau đó cô Wan sẽ đứng đợi tại chỗ hẹn vào khoảng thời gian đã được thỏa thuận, tên đó sẽ quăng đồ qua tường vào cho cô ta. Thường giám thị biết có đàn em của cô Wan được ra tù họ sẽ tuần tra, canh gác cẩn thận. Nhưng chẳng sao cô Wan vẫn mang hàng vào được. Thứ hàng hóa được vứt qua tường rào vào tù đó là thuốc lá, mỗi lần chuyển vào như thế cũng được khá nhiều.



Tôi ra tù khoảng bốn, năm năm thì được tin cô Wan chết vì bệnh AIDS. Cô ta bị lây AIDS từ kim tiêm. Lúc đó, tù nhân đã định thuê một đội kèn trống vào làm ma cho cô ta, họ sung sướng vì từ nay cô Wan không thể đàn áp tù nhân được nữa.