1930

Chương 22 :

Ngày đăng: 16:43 19/04/20


Lữ Hoán Viêm cho ô tô chạy mải miết về phía cổng lớn nhà họ Cao. Nhưng rồi bất thình lình bên trong hắn nảy lên một cơn khiếp đảm. Cơn giận giữ vừa rồi dần dà tắt ngóm, thay vào đó là sự nể sợ đối với Diêu Bội Tư. Có một loại người có thể không hề nể nang trước mặt bất kỳ ai, thế nhưng sẽ cẩn thận đến vô cùng chỉ ở trước mặt một người duy nhất mà thôi. Kẻ ấy có thể đối xử hung tàn với tất cả, nhưng không thể không chịu nép mình cầu toàn trước mặt một con người duy nhất. Chỉ bởi vì con người ấy đối với hắn có mối liên hệ sâu xa về những ký ức tươi đẹp, về những năm tháng đã từng rất sáng trong, những giấc mơ đã từng không lấm chút buồn thương. Lữ Hoán Viêm là một người như thế đấy, loại người mà viễn cảm của ngày sau khiến hắn trở nên thâm hiểm, để rồi quyến luyến đến khôn cùng một quá khứ trong ngời.



Hắn rảo bước hết một vòng trong sân nhà Cao gia, rồi lại trở về. Ba năm về trước hắn quen biết Cao Văn Nãi. Anh ta cung cấp súng ống từ Nam Dương cho hắn, giúp đỡ cho Lữ Hoán Viêm chia chác được một phần đất nhỏ trong cái thời mà quân phiệt làm phản. Khi hắn xuôi ngược như con thoi giữa các phe phái quân phiệt, tác dụng của Cao Văn Nãi trở nên có tính chất quyết định. Dù đế quốc Mãn Thanh đã là chuyện của lịch sử, nhưng Lữ Hoán Viêm biết, bọn họ tuyệt đối không quên được Ái Tân Giác La. Vì sao Văn Nãi lại phải giúp quân trung ương dàn xếp với thế lực quân phiệt đầy chia cắt thật sự khiến hắn có đôi chút không hiểu được. Dù cho bọn họ rất ít khi gặp mặt, nhưng tất cả lợi ích mà Lữ Hoán Viêm có được đều do con người này ban tặng. Do thế, sâu thẳm trong lòng, hắn đối với anh ta ít nhiều gì cũng có sự sợ hãi.



Hắn cho xe đỗ lại trước cửa nhà hàng Hòa Bình, nghĩ ngợi không biết phải giải thích thế nào với Cao Văn Nãi. Xòe một que diêm phất lửa, hắn châm một điếu thuốc hút, rồi thì thấy Phạm Văn Cổ đang chậm rãi bước đến từ phía đối diện mình. Đôi tay hắn không ghìm được, run rẩy, đốm lửa hắt xuống làm bỏng kẽ tay. Phạm Văn Cổ bước đi không nhanh, không chậm. Gió thốc những sợi tóc bay lơ thơ trên vầng trán rộng của anh, để lộ ra đôi mắt đen thăm thẳm. Đôi mắt đen hút mà sâu tối ấy Lữ Hoán Viêm đã từng nhìn thẳng vào chúng, vào đôi đồng tử sâu đến nỗi có thể khiến cho bất kỳ ai đều lạc lối bên trong nó. Bước chân của Phạm Văn Cổ khựng lại trước cửa nhà hàng Hòa Bình. Anh cứ hết mở cửa vào rồi lại bước ra, Lữ Hoán Viêm dõi theo ngón tay mảnh dẻ của anh đặt lên chiếc nắm cửa, nom anh khẽ chần chừ, rồi anh cũng đẩy mạnh cửa và bước hẳn vào trong.



Lữ Hoán Viêm bỗng dưng ý thức được, người Phạm Văn Cổ đến gặp rất có thể là Cao Văn Nãi. Hắn vừa dợm bước xuống xe để theo dõi Phạm Văn Cổ, thế rồi lại thấy nơi phía đối diện mình đã có một chiếc Ford đen tuyền, một loại trực giác đã trui rèn sau nhiều năm bị vây khốn nơi biên giới đã ngăn cản hắn hành động. Nương theo ánh đèn tù mù tỏa ra từ cánh cửa xe nọ, hắn trông thấy có một người đàn ông luống tuổi ngồi ở băng ghế sau. Ông ta sở hữu một đôi mắt đen sâu, mặt dài như mặt ngựa, cánh mũi hơi khoằm còn môi thì mỏng lợt, tạo ra một cảm giác đáng sợ vô cùng. Lữ Hoán Viêm chỉ thoáng nhìn qua, đã nghe trái tim nảy thật mạnh trong ngực. Quân thống cục Đới Lập[1], trăm triệu lần Lữ Hoán Viêm cũng không nghĩ đến rằng lão ma vương giết người không chớp mắt đó sẽ xuất hiện trong thời điểm này.



Người nhạc công chơi jazz trong đại sảnh đang thổi saxo, một thanh niên ăn mặc đẹp đẽ ngồi bên dưới, trông như đang lơ đãng thưởng thức bản nhạc. Anh ta nhấp rượu trong ly, nhưng ánh mắt vẫn luôn liếc nhìn về phía cửa. Thế nên, khi Phạm Văn Cổ vừa bước vào, ánh mắt họ đã chạm nhau.



Phạm Văn Cổ bước đôi ba bước về trước, rồi phải khựng lại ở một nơi mờ tối vì bị hai tên bảo vệ ngăn lại. Người thanh niên ăn mặc sang trọng kia phất tay lên, bọn họ mới lùi ra. Phạm Văn Cổ đứng im lìm ở nơi ấy, nhìn gã thanh niên chậm rãi bước đến trước mặt anh.



“Đổi một địa điểm khác để nói chuyện, được không?” Người thanh niên mỉm một nụ cười. Khi anh ta không cười nữa, khuôn mặt trông rất vô cảm, nhưng khi cười thì lại thoảng như có chút rạng rỡ mùa xuân.
Phạm Văn Cổ mỉm cười nói, “Trừ phi tôi thấy được chiếc chìa khóa kia của anh!”



Thanh niên không thể không mỉm cười. Anh ta vươn tay trái ra phía sau gáy, móc ra một sợi dây chuyền bạc, ở phía đầu dây lủng lẳng treo một chiếc chìa khóa làm theo kiểu Tây.



Phạm Văn Cổ khẽ cúi hờ đôi mắt, lặng lẽ nhìn ngắm chiếc chìa khóa ấy. Gã thanh niên những muốn trông rõ nét mặt anh lúc này, nhưng biểu cảm trên khuôn mặt anh không rõ được là buồn hay vui. Hàng mi dài của anh đã khuất lấp đôi ngươi mất rồi. Cuối cùng, anh lên tiếng “Tôi không có chiếc chìa khóa ấy ở đây, mẹ tôi đã đánh mất nó từ lâu!”



Thanh niên thất thanh, “Mày nói gì?!”



Phạm Văn Cổ phóng mắt ra bên ngoài cửa sổ, nói: “Phụ thân đại nhân luôn nghĩ rằng mẹ tôi đã đủ cuồng si ông ấy, nên dù có thế nào đi nữa bà cũng sẽ luôn bảo vệ vật duy nhất mà ông ta để lại cho bà để làm tin, cũng là bằng chứng để nhận tổ nhận tông của đứa con trong bụng bà. Nhưng ông ấy đã không hế biết, khi đó bà chẳng qua chỉ là một người phụ nữ bụng mang dạ chửa, không có ai để cậy nhờ. Tất cả những gì còn khiến bà nhớ lại được là chiếc chài khóa ấy. Năm này qua năm khác, thời cuộc thì vật đổi sao dời mải miết, trước mắt đã thấy công cuộc Mãn Thanh phục bích[2]không còn khả năng nữa. Gã tùy tùng ông để lại cho bà lại muốn ép bà về làm vợ hắn. Bà sợ hãi, nửa đêm ôm con chạy trốn khỏi nhà trọ, lúc ra đi do vội vàng nên cũng không thể nào mang theo bằng chứng quan trọng ấy. Bà không có tiền bạc, cũng không có khả năng tự bảo vệ mình. Bà lại rất đẹp, cho nên đã phải gánh chịu hết mọi sự ức hiếp. Bản thân bà luôn chật vật như thế, nhưng bà luôn nhớ rất rõ, rằng phải bảo vệ cho tự tôn của con trai mình. Vật làm tin duy nhất là phụ thân để lại đã mất đi rồi, không còn gì, không còn gì để an ủi hay nhớ đến nữa. Bà lại lo rằng con trai mình không thể danh chính ngôn thuận trở thành con cháu dòng họ Ái Tân Giác La. Không được mấy năm sau, bà phát điên, rồi được một người làm vườn tốt bụng nhặt cả bà và đứa con trai về nhà…”



Phạm Văn Cổ quay đầu lại, nói: “Tôi không có bằng chứng gì để cho anh biết. Nhưng tôi là Ái Tân Giác La Văn Cổ.”