Ác Hán

Chương 500 : Đại Kết Cục

Ngày đăng: 20:25 18/04/20


Năm đầu Đại Quan, Đổng Phi được bổ nhiệm làm nhiếp chính vương, tổng lĩnh tất cả sự vụ trong triều, có thể nói danh tiếng không ai bằng.



Quyết định của Đổng Phi khiến cho rất nhiều người cảm thấy thất vọng. Nhưng sau đó vào tháng 3 năm Đại Quan đầu tiên, Đổng Phi lại làm một quyết định kì quái.



Đổng Ký bị giam giữ tròn một năm cuối cùng cũng được thả ra.



Rất nhiều người cảm thấy Đổng Ký trải qua chuyện lần này thì địa vị thế tử sẽ bị hủy đi. Nhưng không, sau khi Đổng Phi thả Đổng Ký thì chính thức tuyên bố, Đổng Ký chính là thế tử Lương vương phủ, cũng xây phủ thế tử ở Tiến Xương phường, chấp thuận Đổng Ký mở phủ riêng, chiêu nạp phụ tá.



Đây là việc khiến người khác nhìn không thấu.



Nhưng có người thông minh thì sẽ nhìn ra trong quyết định của Đổng Phi một số manh mối.



Nhất là việc quan viên văn võ bị giam giữ cùng Đổng Ký lúc trước đều đến xin đầu nhập khi Đổng Ký mở phủ riêng, mà Đổng Phi lại không có bất cứ thái độ gì. Tình hình lúc này trở nên rõ ràng hơn, đồng thời bắt đầu có người động tâm tư, tự đến đề cử bản thân.



Nhưng trừ điều đó ra, Đổng Phi không lộ bất cứ điều gì khác.



Trong câu chuyện đầu đường cuối phố, mặc dù Đổng Ký được bổ nhiệm là Lương vương thế tử, nhưng thực tế từ khi được thả ra, thái độ của Đổng Phi với hắn vẫn rất lạnh nhạt.



Tháng 8 năm Đại Quan đầu tiên, Lục Tốn hỏa thiêu Sài Tang, đoạt Lư Giang.



Cùng tháng, Bàng Thống bày kế ở Ô Thương bắn chết Trình Phổ, bắt Ngu Phiên làm tù binh, chiếm lĩnh hoàn toàn Hội Kê. Trương Nhậm nhân cơ hội phân binh đánh vào Đan Dương.



Tháng 10, Sa Ma Kha, Hoàng Trung xuất kích từ Cửu Giang, trảm thái thú Đan Dương Trương Hoằng.



Có tin tức tốt, nhưng cũng có tin tức xấu... Trần Cung và Từ Thứ bày kế tập kích Khúc A, bị Gia Cát Lượng nhìn thấu, trên đường phục kích bắn chết Trần Cung.



Đây cũng là đả kích lớn nhất với Đổng Phi trong năm Đại Quan đầu tiên.



Tháng 12 năm đầu Đại Quan, Đổng Phi tuyên bố thay đổi triều chính. Loại bỏ chế độ cửu khanh, đặt riêng lục bộ, bố trí thượng thư, thị lang, thành lập nội các, đặt các chức quan thủ phụ, thứ phụ. Thật ra nội các chế sớm đã ra đời, chỉ là năm xưa gọi là Thừa Minh điện, hiện tại quang minh chính đại lập ra mà thôi. Về phần ưu khuyết của chế độ này, thì phải chờ thực tiễn sau này mới biết.



Nhưng ít ra trước mắt không ai dám đứng ra phản đối.



Tháng giêng năm Đại Quan thứ 2, chiến sự Nhữ Nam cũng xong...



Trương Yến bị Trần Đáo, Bàng Đức giáp công phải lui về giữ Nhương sơn, cùng tháng ốm chết.



Hồ Chiêu được bổ nhiệm làm thứ sử Kinh Châu, Bàng Đức được phong làm Kinh Châu hành quân tổng quản, tách quân sự và chính trị thành hệ thống độc lập.



Lâu Khuê được phong làm thứ sử Dự Châu, Trần Đáo đảm nhiệm Dự Châu hành quân tổng quản.



Lương Tập làm thứ sử Duyễn Châu, Trương Cáp đảm đương Duyễn Châu hành quân tổng quản...



Đến lúc này Quan Đông bình định, theo việc Đổng Phi phổ biến luật pháp mà dần khôi phục nguyên khí, tái hiện thịnh vượng và phồn vinh năm xưa.



Trong Đại Quan năm 2, Gia Cát Lượng thành thân với muội muội Tôn Nhân của Tôn Sách



Tôn Nhân, nhũ danh Thượng Hương, quả cảm dũng luyện, khi kết hợp với Gia Cát Lượng thì bù đắp được khuyết điểm của hắn.



Thế nhưng tháng 10 cùng năm, Tôn Sách phản công Thượng Ngu bị Bàng Thống bày mưu phục kích. Trên đường chạy về Ngô Quận lại gặp Cam Bôn.



Hai quân khổ chiến, Tôn Sách bị Cam Bôn giết chết tại trận. Có điều bản thân Cam Bôn cũng bị Tôn Sách liều mạng một kích khiến cho trọng thương. Tháng 12 cùng năm thì chết trên giường. Bàng Thống nhận nhiệm vụ, tiếp chưởng Vô Nan quân tiếp tục mãnh công Ngô Quận.



Năm 3 Đại Quan Đan Dương thất thủ.



Gia Cát Lượng lúc này mới thể hiện năng lực và trí tuệ như yêu nhân như vị kia trong diễn nghĩa.



Sau khi Tôn Sách chết, hắn được sự ủng hộ của Tôn Nhân tiếp chưởng Giang Đông. Chỉ dựa vào một Ngô Quận mà giằng co cùng Lục Tốn, Bàng Thống, Từ Thứ.



Khi Đổng Phi nhận được chiến báo thì không nhịn được cảm thán:



- Trên đời này làm gì có thiên tài? Bất kì ai cũng phải trải qua khổ luyện mới có thể hiển lộ năng lực. Nếu như ba năm trước đây Gia Cát Khổng Minh có thể có bản lĩnh ngày hôm nay, thì hươu chết về tay ai hãy còn chưa biết.



Đúng vậy.



Đổng Phi cuối cùng cũng được chứng kiến năng lực và thủ đoạn kinh người của Gia Cát Lượng.



Thế nhưng đại thế đã mất, hắn cũng vô lực xoay chuyển trời đất... Gia Cát Lượng chỉ còn cách phát huy hết thủ đoạn thiên mã hành không của hắn mà thôi.



Ít nhất trong thời gian tròn một năm, hắn đối mặt với ba người Bàng Thống, Lục Tốn, Từ Thứ mà không hề rơi xuống hạ phong chút nào.



Chỉ có điều Ngô Quận tài nguyên thiếu thốn, tài nguyên có thể sử dụng của Gia Cát Lượng càng lúc càng ít. Cuối năm 4 Đại Quan cuối cùng cũng nếm mùi thất bại.



Với Đổng Phi mà nói, năm 4 Đại Quan không thể nghi ngờ chính là một năm đặc sắc.



Ba người Bàng Thống, Lục Tốn, Từ Thứ kỳ mưu diệu kế vô kể, Gia Cát Khổng Minh một mình ứng chiến cũng là diệu thủ liên miên, không hề kém 3 người.



Chỉ có điều nếu cứ tiếp tục thế này Đổng Phi cũng không chịu được.



Đánh nhiều hơn một ngày, tiền lương hao tổn vô số kể. Cho dù y nhà to nghiệp lớn cũng không thể chịu được hao tổn như vậy.



Cho nên Đổng Phi viết một phong thư thông qua Gia Cát Cẩn gửi đến Gia Cát Lượng. Tháng 3 năm 5 Đại Quan, Gia Cát Lượng mắt thấy đại thế đã mất liền dẫn theo gia quyến tập kích Hải Diêm, cướp hơn 30 chiếc Ngũ Nha chiến hạm to lớn của hải quân Liêu Đông đang trú ở Hải Diêm, từ vịnh Hàng Châu chạy ra biển, tha hương mà đi.



Khoảng chừng 20 năm sau, tại nơi lúc đó còn là man hoang, mà hậu thế gọi là Malaysia và Indonesia xuất hiện một quốc gia hoàn toàn mới, quốc hiệu là Ngô, trong sử sách gọ là Đại Ngô thiên quốc, từ đó về sau hùng bá Nam Dương.



Có điều việc này xảy ra vào nhiều năm về sau.



Tháng 10 năm 5 Đại Quan, Lục Tốn phụng mệnh quay lại Trường An, được phong tước Thư hầu, thành thân với Thái Tiết lúc này gần 25 tuổi, trải qua 7 năm mòn mỏi đợi chờ.



Tháng giêng năm 6 Đại Quan, Bàng Thống khải hoàn hồi triều...
- Cha.



Đổng Phi trên lưng ngựa run lên, nhưng không quay đầu lại, chỉ là vẫy tay về phía sau, phóng ngựa chạy đi như bay...



Năm 7 Đại Quan, Đổng Phi dẫn binh mã viễn chinh Ba Tư, từ đó về sau không đặt chân trở về Trung Nguyên nửa bước.



Sau khi Đổng Phi rời đi ba năm, Đổng Ký dưới sự thúc ép của triều thần, bức Thiếu đế nhường vị, đăng cơ làm đế, quốc hiệu là Lương.



Trong [Lương sử], Đổng Ký là Lương thái tông, còn Đổng Phi được tôn làm thái tổ.



Lịch sử từ đó về sau mở ra một chương mới.



**********



Khi Đổng Phi rời khỏi Trường An còn dẫn theo toàn bộ già trẻ Tào gia.



Lấy con thứ ba Tào Tháo là Tào Chương làm tiên phong, Đổng Sóc làm tả hộ quân, Đổng Hựu làm hữu hộ quân, còn Đổng Phi tự mình tọa trấn trung quân, Điển Vi, Sa Ma Kha thì theo quân mà đi.



Ngoài dự đoán mọi người chính là thái thú Tam Hàn Hạ Tề trở thành thống soái hậu quân.



Theo Hạ Tề nói:



- Đánh vài chục năm, giết ở Tam Hàn máu chảy thành sông, nhưng toàn thân cũng đầy sẹo. Nội chiến ta không muốn tham dự nữa, nhưng xuất chinh tây phương sao có thể thiếu được ta? Ta có ba con trai đều nguyện ý theo vương gia, kiến công nước khác.



Hạ Tề nói những lời này khiến Đổng Phi cực kỳ sung sướng.



Ba vạn đại quân trùng trùng điệp điệp tiến về Tây Vực.



Khoảng chừng 50 ngày sau khi rời Trường An, đại quân đi qua Vũ Uy, đến Ốc Lan huyện. Lúc này xem như đã tiến vào Trương Dịch.



Đêm đó Đổng Phi sai người nghỉ ngơi tại Ốc Lan.



Đồng thời phái khoái mã đến Hán An thành báo cho Từ Hoảng.



Thời gian trôi qua thật nhanh, thoáng cái đã 20 năm trôi qua từ lần trước nhập Tây Vực. Ba người Đổng Phi, Điển Vi, Sa Ma Kha đang ngồi trong quân trướng uống rượu, ôn lại sự tình năm xưa, không nhịn được cười ha ha. Lúc đầu chỉ có 3 người nói, nhưng đến lúc sau đám người Thái Diễm cũng tham gia.



Rượu đến lúc hưng phấn, đột nhiên Đổng Thiết tiến vào bẩm báo:



- Vương gia, ngoài doanh có cố nhân cầu kiến.



- Cố nhân?



Đổng Phi kinh ngạc:



- Cố nhân? Cố nhân nào? Cố nhân của ta ngươi đề biết cả, người đó là ai?



Đổng Thiết cười nói:



- Lai lịch vị cố nhân này rất lớn, không cho ta nói tên, nếu như ta nói rồi chắc chắc hắn sẽ không bỏ qua cho ta. Hơn nữa còn muốn đại vương tự mình ra ngoài nghênh tiếp.



- Bậy.



Sa Ma Kha nghe vậy giận tím mặt:



- Tiểu tử vô liêm sỉ kia không muốn sống nữa hay sao, lại dám trêu chọc các ông? Nhị ca chờ chút, để ta trói hắn đến.



- Khoan đã.



Trong lòng Đổng Phi đột nhiên khẽ động.



Người Đổng Thiết biết, lại có khẩu khí lớn như vậy, trong những người y biết thì dường như chỉ có một người dám nói như vậy.



Lẽ nào...



Đổng Phi bật dậy, bất chấp ánh mắt kinh ngạc của mọi người ba chân bốn cẳng chạy ra cửa doanh.



Dưới ánh lửa, một lão giả tướng mạo gầy gò tay vịn quải trượng đứng đó. Một thân y phục màu xanh, toát ra soái khí bất tận.



Râu ba chỏm dưới hàm trong gió đong đưa.



Phía sau hắn còn có hai nam tử ba mươi tuổi đang khoanh tay đứng.



Đổng Phi thấy được lão giả này thì cảm thấy trong lồng ngực có một luồng khí bộc phát, nhưng khi tới miệng lại không thể nói ra lời.



Lão giả cười nói:



- Nhìn thấy lão sư sao không nói lời nào? Ha ha, nghe nói đại vương ngài muốn Tây chinh, không biết lão già này có tác dụng hay không?



Đổng Phi cười rồi.



Y tiến lên một bước, vái chào sát đất:



- Nếu có tiên sinh đi theo, Phi... Không còn gì phải lo lắng.



Hai người nhìn nhau không khỏi cất tiếng cười to.



Tiếng cười kia trong màn đêm quanh quẩn mãi không thôi...