Anh Chàng Ngu Ngơ Và Cô Nàng Rắc Rối
Chương 8 : Brady
Ngày đăng: 12:12 19/04/20
Ngồi trên máy bay thì không được làm nhiều việc lắm, nên tôi bắt đầu nghĩ tới những việc mình sẽ ráng quên vào tuần lễ có hội thảo. Chẳng hạn như sự thật rằng Sarah sẽ dọn ra ngoài. Ừm, cũng không đúng. Tôi mới là người dọn khỏi căn nhà, còn Sarah thì dọn ra khỏi cuộc đời tôi. Sarah không muốn chia tay, nàng từ chối dọn đi, vậy nên tôi là người ra đi.
Giống trong phim Seinfield – khi George cố gắng chia tay cô gái nhưng cô ta không chịu. Chỉ khác là nỗ lực của tôi không kết thúc trong vòng nửa giờ, không có tiếng cười thu âm sẵn, và giờ thì tôi bị buộc phải từ bỏ quyền thuê căn hộ mình đã sống suốt bảy năm để dọn tới một căn hộ mới. Nơi đó là của tôi trước khi nàng tới và lẽ ra vẫn là của tôi thật lâu sau khi nàng rời đi. Lẽ thường phải thế. Thật quá sức khốn nạn! Mất quyền thuê nhà… chứ không phải mất Sarah.
Bạn có thể hỏi vì sao tôi lại có thể từ bỏ quyền thuê nhà. Tôi sẽ nói thế này: Bạn chưa gặp Sarah mà thôi.
Marc chỉ cho tôi thứ anh ta đang nghe bằng iPod. Ted Leo và album Pharmacists. Chúng khiến tôi bừng tỉnh khỏi khoảnh khắc ngắn ngủi quên lãng về chuyến bay trốn khỏi địa ngục. Tôi không muốn là Marc. Tôi chẳng có gì giống gã cả. Nhưng album của Ted Leo thực sự hay chết đi được. Khỉ thật!
Cần phải làm gì đó. Ưu tiên số một trong danh sách là headphone mới. Tôi sẽ mua một cặp headphone Sony Noise Canceling màu đen thật to. Như thế, sẽ chẳng ai biết tôi đang nghe bằng iPod. Sợi dây trắng này đã làm lộ hết cả. Nhưng về sau sẽ không thế nữa. Tôi phải khắc phục việc này thật nhanh. Tôi sẽ không còn là một trong những tín đồ iPod, một đứa xài iPod. Ít nhất thì miễn là họ biết. Ưu tiên số hai là…
Tôi chỉ cần nghĩ lại mọi thứ. Chẳng hạn như, tại sao ban đầu mình lại muốn tới SXSW? Để khám phá Cat Power? Để chiêm ngưỡng cặp mông của Liz Phair? Thực ra, tôi không quan tâm. Nhưng những thứ còn lại thì sao? Toàn là nhảm nhí. Tôi đi chỉ vì mọi người đều đi. Tôi tham dự để xem ai tổ chức được những buổi tiệc xịn nhất. Để tụ tập với những kẻ mà tôi vẫn cùng tụ tập mỗi đêm tại New York – nhưng cảm giác sẽ khác, vì giờ chúng tôi ở Austin, Texas. Điều này sẽ thay đổi tất cả.
Từ sau vụ 11 tháng 9, tôi rất hay dòm ngó kỹ khi đi máy bay – phòng khi có mấy gã khủng bố trên đó muốn làm chuyện xấu. Thường thì tôi nhìn quanh, chọn ra một người yểm trợ và dăm ba người dự phòng. Tôi có thể thấy được ai có khả năng bị ném khỏi máy bay trong tình huống cần thiết. Nhưng trên chuyến bay này, thì vô vọng. Tôi hoàn toàn chỉ có một mình.
Đám mọt nghiện indie rock này sẽ làm gì nếu một thằng điên làm chuyện xấu? Cãi nhau với nó về Nursat Fateh Ali Khan để nó chán ngấy lên mà chết? Chết tiệt! Nếu có chuyện, e rằng sẽ phải tới phiên tôi. Quan trọng hơn nữa là… nếu máy bay tiêu tùng, thì ai sẽ bình luận về CD mới mua của Super Furry Animals đây?
“Tôi thấy Joe Levy lúc lên máy bay đấy”, Marc nói. Vậy thì sao nhỉ? “Tôi hỏi xin anh ta một tấm hình.”
Giờ thì thằng Joe Levy là người nổi tiếng rồi à? Ghê gớm một nỗi là, đúng vậy. Thằng khỉ đột trông giống Horshack đó xuất hiện trên mọi chương trình Behind the Music của VH1 trong suốt năm năm nay. Chỉ vì hắn chơi cho Rolling Stones, mà chúng ta phải xem hắn phát biểu về vụ Vince Neil giết Razzle, vụ tái hợp nghẹt thở của Leif Garret cùng gã què. Hay vụ đứa trẻ bị chết đuối tại nhà Vince ấy nhỉ? Không, Vince mất đứa bé vì nó mắc bệnh, và con của một người khác bị chết đuối tại nhà Tommy Lee. Nhưng Joe Levy chắc chắn là có nêu quan điểm tất cả về mấy vụ này. Tôi thầm nhớ trong đầu là cần giữ con cái của mình tránh thật xa những kẻ thành viên nhà Mötley Crüe. Nếu tôi có con.
Tôi thận trọng tháo cuộn giấy, bỏ cuộn mới vào thanh đỡ, rồi bỏ phần cuối của thanh đỡ bằng ngón cái và ngón trỏ, sẵn sàng hứng chịu cú kẹp tay. Bạn biết cú kẹp đó rồi đấy. Gần như không thể nào tránh được mỗi khi thay giấy, bất kể bạn nhanh tay và thả rón rén đến cỡ nào.
“Ha!” Ông lên tiếng, dường như để tăng thêm kịch tính cho nỗi đau của tôi. “Giờ thử cái này đi.” Ông chìa ra một thanh đỡ cùng cỡ, nhưng có đục lỗ, dính vệt keo, bị một cái móc áo uốn cong xỏ qua, như thể nó là một xâu thịt.
Tôi nhìn nó, rồi nhìn bác Stu, tự hỏi làm thế nào để gắn thứ này được, và liệu có gắn được hay không. Ông lấy nó khỏi tay tôi, xiết chặt một đầu móc áo, khéo léo luồn nó qua một cuộn giấy mới, và đưa toàn bộ chúng vào khung thật dễ dàng. Tôi không hiểu nổi. Nhưng thứ này về sau sẽ biến thành thanh đỡ cuộn giấy toilet Cushion Spring Pinch-Proof.
Ông đang trong tiến trình giành lấy bằng sáng chế và tiếp cận một nhà sản xuất lớn về thanh đựng giấy toilet, nhằm quảng bá rộng rãi sản phẩm cải tiến này. Rõ ràng là ý tưởng đó hơi giống một cuộc cách mạng. Và thay vì nhìn đứa con tinh thần của ông cắt xén doanh số từ số mẫu giá đỡ kẹp-tay đã vô cùng thành công, người ta ưu tiên chọn cách đơn giản là mua đứt nó, rồi dìm sâu nó vào bóng tối địa ngục. Không vấn đề gì. Ông đã tích cóp được một mớ tiền lẻ và tiếp tục tiến đến nguồn cảm hứng mới.
Mối quan hệ giữa chúng tôi gắn bó tới mức sau khi ông mất, tôi nhận được tấm ngân phiếu ba mươi nghìn đô la cùng một mẩu giấy viết tay: “Tiền làm vốn cho thứ âm nhạc nhặng xị mà cháu vẫn nhắc tới suốt. Yêu cháu, bác Stu.”
Thế nên việc xóa tên bác Stu khỏi chiếc PDA là điều không bao giờ tôi nghĩ tới. Cho dù là khả năng liên lạc được với bác bằng những con số tôi còn lưu là điều hoàn toàn bất khả thi.
Nhưng nhiều mẩu thông tin khác ít nhiều được giữ lại chỉ để biện minh. Thực ra xóa chúng đi cũng chẳng khó khăn đến vậy, chỉ là tôi không thể nào xuống tay. Ai mà biết được, nhỡ lúc nào đó một trong số họ bỗng trở nên quan trọng thì sao? Nhỡ con chó nhà hàng xóm nào đó nôn ra chiếc giày, và tôi có nhu cầu tha thiết cần tới Foam-All thì sao? Vậy là hiện giờ, tôi đang nhìn đăm đăm vào các mẩu thông tin liên lạc từ sự kiên SXSW, cân nhắc tới việc cho chúng bước vào Danh bạ Hội trường Danh vọng của tôi.
Một số trong đó làm tôi tức giận. Chúng gợi cho cái tôi kiêu ngạo của tôi nhớ rằng tất cả mọi người tại hội thảo đều đang trên đà tiến tới thành công, trong khi tôi lại mắc kẹt tại vách xuất phát – vì quên mang theo giày chạy. Tôi nửa muốn dẹp quách hết mấy thứ này đi. Hẳn là việc luyện tập đã dạy tôi rằng mọi người đều đến rồi đi. Có lẽ điều đó là hoàn toàn chính xác.
Vậy là tôi bắt đầu xem qua các tấm danh thiếp. Chưa gì tôi đã quên mất ít nhất một phần ba trong đám người này. Ai đó từng nói: “Người khác bước vào cuộc đời bạn vì một lý do, một khoảnh khắc, hoặc cả cuộc đời”. Câu này thiếu một ý: Một số người bước vào chỉ để cho chúng ta thông tin liên lạc, cho chúng ta biết rằng đôi khi cần phải tụ tập, và tại sao chúng ta lại không gọi cho họ nhỉ?