Anh Hùng Bắc Cương

Chương 20 : Dư Âm Bạch-đằng

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Dư âm Bạch-Đằng -- -



Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cùng chắp tay hành lễ:



- Lý Mỹ-Linh, Thân Thiệu-Thái xin ra mắt hậu duệ của Ngô đại-vương. Mong tỷ tỷ thứ cho tội quấy rầy.



Nữ lang đáp lễ, rồi chỉ về phía ngư nhân chạy:



- Chúng ta mau đuổi theo.



Mỹ-Linh mỉm cười, nhìn lên trời, đôi thần ưng bay lượn không xa làm bao:



- Tỷ tỷ đừng sợ mất tích bốn người này. Họ vẫn ở phía trước kia, chưa đi xa đâu. Mà dù có xa, chúng ta cũng tìm cược. Khi họ muốn trêu chúng ta, thì chúng ta cứ ngồi đây, khắc họ tự dẫn thân tới.



Nữ lang nhìn xuống suối, rồi lại mơ màng ngắm trăng:



- Đêm thanh trắng sáng đẹp thế này, bỏ qua thực uổng. Vậy mời Công-chúa, Giáo-chủ xuống suối, chúng ta ngắm trăng hầu chờ bốn ngư nhân.



Ba người chọn ba tảng đá bên giòng suối. Mỹ-Linh, nữ lang tháo dầy, ngâm chân xuống nước. Thiệu-Thái hỏi:



- Tỷ tỷ! Tỷ tỷ khéo chọn khung cảnh u nhã này để ở, thực còn hơn tu tiên. Có điều, đường từ đây ra trấn hơi xa.



Nữ lang ngửa mặt nhìn trăng, thở dài não nùng:



- Giáo chủ đang bận quốc sự, thì muốn sống yên tĩnh. Còn ngược lại tôi đang ở trong hoàn cảnh cá chậu chim lồng, lại muốn thoát khỏi cảnh này. Sự thực, tôi nào có muốn giam mình trong rừng đâu. Chẳng qua do hoàn cảnh bất đắc dĩ mà thôi.



Mỹ-Linh ngập ngừng:



- Nghĩa là???



- Tôi không tự làm chủ được, mà bị người ta kiềm chế.



Mỹ-Linh muốn nữ lang tự mình nói ra, nên nàng đưa mắt cho Thiệu-Thái ngụ ý bảo chàng yên lặng. Quả nhiên nữ lang nhìn trăng một lúc rồi thở dài:



- Để tôi thuật hoàn cảnh của mình cho giáo chủ cùng công chúa nghe.



Nữ lang vục tay xuống suối. Nước bắn tung toé lên, như những thanh vàng óng ánh, rồi thuật:



_Tôi họ Ngô tên Cẩm-Thi, thuộc giòng dõi Ngô vương tộc Việt. Tổ phụ tôi, nhân dẹp Kiều Công-Tiễn, phá Nam-Hán ở sông Bạch-Đằng, lập nền chính thống Đại Việt vào năm Kỷ-Hợi (939). Như các vị biết, tộc Việt bị nhà Đông Hán đem quân nghiêng nước sang đánh. Vua Trưng tuẫn quốc ở Cẩm-khê. Trải hai trăm lẻ năm năm sau, Triệu nương lại khởi binh ở Cửu-chân, bị Ngô dẹp. Từ đấy, tộc Việt chìm đắm trong đêm dài vô tận. Mãi hai trăm chín mươi sáu năm dài, vua Lý Nam-Đế mới khởi nghiệp, lập ra nhà tiền Lý vào năm Giáp-Tý (544). Đến năm Nhâm-Tuất (602) lại bị Tùy diệt. Rồi năm Nhâm-Tuất (722) Mai Hắc-Đế khởi binh, nhưng chỉ như tia lửa lóe lên trong đêm dài. Qua sáu mươi chín năm sau, Bố-Cái đại vương khởi binh vào năm Tân-Mùi (791), rồi cũng không được bao nhiêu năm. Nối tiếp, họ Khúc, họ Dương tuy có khởi binh, song vẫn chỉ là chức quan của Trung-quốc. Phải đợi đến cao tổ phụ tôi, mới thực sự tạo dựng một triều đại mới.



Mỹ-Linh thuộc làu giai đoạn lịch sử này:



- Cứ như quan thái sử bản triều chép, Ngô vương húy Quyền, tướng như sư tử, vai như gấu, lưng như hổ, uy mãnh không ai bì kịp. Vương xuất thân đệ tử của đại vương Dương Diên-Nghệ. Được Dương vương tuyển làm phò mã. Nhân Kiều Công-Tiễn ám sát Dương vương. Ngô vương dấy binh trả hận. Kiều Công-Tiễn sai sứ sang cầu cứu Nam-Hán. Nam-Hán sai Thái-tử Hoằng-Thao đem quân cứu Tiện. Ngô vương đại phá quân Nam-Hán ở sông Bạch-Đằng, giết Hoằng-Thao. Ngài lên ngôi vương, lập triều đình, đặt quan chức. Tộc Việt lại phục hưng thành một quốc gia có chính thống.



Cẩm-Thi gật đầu:



- Công-chúa bác học thực! Sau khi thành đại nghiệp, cao tổ tôi chỉ ở ngôi được sáu năm, rồi băng hà (945). Khi người hấp hối, có ủy thác con côi Xương-Ngập cho em vợ tên Dương Tam-Kha. Không ngờ Tam-Kha cướp ngôi của cháu. Xương-Ngập chạy trốn về Nam-sách. Sáu năm sau, tổ phụ tôi húy Xương-Văn đã lớn. Người xuất lĩnh quần thần đuổi Tam-Kha, được anh hùng tôn làm Nam-Tấn vương. Bấy giờ anh người tên Xương-Ngập xuất hiện. Người cho đón về. Hai anh em cùng coi triều chính.



Nữ lang nhìn lên trời, như nhớ lại công đức tổ tiên, rồi tiếp:



- Năm Ất-Sửu (965), tổ phụ tôi thấy thế nước suy vi, mà bên Trung-nguyên, nhà Tống thống nhất đất nước. Tôi không nhớ bấy giờ đã được mấy năm.



Mỹ-Linh tính đốt ngón tay:



- Bấy giờ bên Trung-quốc là niên hiệu Càn-đức thứ ba, đời vua Tống Thái-tổ.



- Phải rồi! Tổ phụ tôi sai hai vị đại thần, cùng phụ thân tôi sang sứ nước Ngô-Việt, bàn nhau đào kho tàng Tần-Hán lên, làm phương tiện kiến quốc.



Thiệu-Thái ngạc nhiên:



- Kho tàng Tần-Hán ở Quảng-Đông, sao triều Ngô không đến Quảng-Đông đào lên, mà phải sai sứ sang Ngô-Việt?



Nữ lang lắc đầu:



- Giáo-chủ quên sử rồi! Quảng-Đông lộ, tức chỗ chúng ta ngồi đây, hồi đó thuộc nước Ngô-Việt, rồi Nam-Hán. Nguyên sau khi vua Trưng tuẫn quốc, hào kiệt Tượng-quận nổi lên lập ra nước Đại-lý. Hào kiệt Nam-hải, Quế-lâm lập ra Ngô-Việt. Hào kiệt Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-Nam lập ra Đại-Việt.



Mỹ-Linh gật đầu:



- Tôi nghe, khi Thái-tử của Nam-tấn vương cùng hai đại thần ra khỏi biên cương, ở nhà vương băng. Trong nước lâm tình trạng mười hai sứ quân. Rồi sau sử không nói rõ việc đào kho tàng đi đến đâu.



Nữ lang buồn bã:



- Vì ở Đại-Việt, Ngô triều mất, hai vị đại thần thấy nếu mình đem vụ kho tàng ra, không chừng bị triều Ngô-Việt hại là khác. Vì vậy hai vị, một văn, một võ đem phụ thân tôi tiềm ẩn ở trong thung lũng này, âm thầm tìm kho tàng. Nhưng... nhưng tìm kiếm nhiều lần, tốn biết bao tâm huyết, mà có kho tàng ở đâu?



Thiệu-Thái hơi có vẻ tin lý luận của Ngô Cẩm-Thi:



- Tại hạ cũng nghĩ như vậy. Dường như thời vua Trưng, ba vị tài trí nhất thời bấy giờ là Phương-Dung, Trưng Nhị, Vĩnh-Hoa bàn nhau đặt ra câu truyện kho tàng với ngụ ý gì, trải qua gần nghìn năm, đời đời lưu truyền miệng, bị thất truyền chăng?



Cẩm-Thi nhăn mặt:



- Khổ một điều thời bấy giờ vua Trưng truyền chép Lĩnh-Nam vũ kinh, Dụng-binh yếu chỉ, mật dụ kho tàng chung với nhau. Có tất cả mười bản. Khi vua Trưng tuẫn quốc, không biết mười bản đó lưu truyền ở những địa phương nào, vào tay gia nào, phái nào. Mà hiện nay, bên Trung-nguyên từ Lưu hậu, Bình-Nam vương, cho đến bang Nhật-Hồ đều gửi người về tìm. Bên Đại-Việt, thì Lạc-long giáo, bên Chiêm-thành phái Phật-thệ cũng có người đến tìm. Ôi kho tàng ở đâu không biết, mà máu đổ thành sông, thành ao rồi! Chính phụ thân tôi, có bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, Dụng binh yếu chỉ cùng mật dụ kho tàng, mà khi giữ chức Phụ-quốc thái úy, đã đem hàng chục vạn binh tướng, lật từng viên đá, từng gốc cây tìm, nào có thấy?



Mỹ-Linh tính đốt ngón tay, rồi nói:



- Sử chép, Thái-tử của Nam-tấn vương húy Xương-Anh, mới mười lăm tuổi. Nếu người còn tại thế, năm nay đúng bẩy mươi bẩy tuổi. Như vậy tỷ tỷ là con của người?



Ngô Cẩm-Thi gật đầu:



- Hai vị cựu thần cho người về đón vợ con qua, rồi ẩn ở đây, dạy phụ thân tôi. Phụ thân tôi kết hôn với con gái vị quan võ. Tôi là con út của người. Tất cả ẩn nhẫn, chờ ngày hồi cố quốc, tái lập nền chính thống. Nhưng trong khi đó, ở Đại-Việt, vua Đinh dẹp mười hai sứ quân, rồi vua Lê kế sự nghiệp tổ tiên đánh Tống. Và gần đây, triều Lý đem nhân nghiã trị dân. Vì vậy, phụ thân tôi, cùng con cháu hai đại thần bỏ ý định về nước tranh ngôi vua. Vì làm như thế, chỉ giúp thêm cho Tống mang quân sang đánh, chẳng hoá ra chúng tôi cũng giống như Kiều Công-Tiễn hay sao?



Thiệu-Thái ngắt lời:



- Tôi nghe, Ngô vương vốn xuất thân phái Cửu-chân. Như vậy võ công cô nương là võ công Cửu-chân mới phải. Ban nãy cô nương xử dụng thế khinh thân đuổi theo ngư nhân lại thuộc phái Khúc-giang. Không biết bên trong còn có uẩn khúc gì không?



- Giáo chủ minh mẫn thực. Cao tổ nhà tôi, Ngô vương tìm được bộ Lĩnh-Nam vũ kinh bản của phái Tản-viên. Nhân người thuộc đệ tử Cửu-chân, nên biết hết thuật ngữ phái này, do đó luyện thành. Khi tổ phụ tôi sai phụ thân tôi sang Ngô-Việt, người trao bộ Lĩnh-Nam vũ kinh, cùng mật ngữ cho. Ngược lại vị võ quan theo phu thân tôi thuộc phái Khúc-giang, nên ông biiết mật ngữ phái này, rồi chiếu theo vũ kinh, luyện cũng thành. Tôi được phụ thân luyện cho võ công Cửu-chân, thân mẫu luyện cho võ công Khúc-giang.



Cẩm-Thi tiếp:



- Khi anh hùng hào kiệt tộc Việt khởi nghiệp từ Khúc-giang, tái lập nước Ngô-Việt, tôn họ Tiền lên làm vua. Phụ thân tôi cùng con cháu hai di thần Ngô triều, gạt bỏ hết những gì mưu tái lập sự nghiệp tổ tiên ở Đại-Việt. Tất cả cùng hào kiệt tộc Việt đứng dậy. Do đó triều đại Ngô-Việt tái lập. Phụ thân tôi được vua Ngô-Việt phong làm Tả tướng quốc, phụ quốc thái úy, quản Khu-mật viện, tước Khúc-giang vương. Con cháu hai vị cựu thần Ngô triều, một được phong Thái-phó, Đồng bình chương sự, tước Thường-sơn công, kiêm binh bộ thượng thư. Một được phong Thái-bảo, Bình-chương sự kiêm lại bộ thượng thư, tước Hành-sơn công.



Mỹ-Linh gật đầu tỏ ra hiểu biết:



- Giai đoạn này, quan thái sử bản triều có chép. Thì ra khi cầm gươm khởi nghĩa, Ngô bá bá không giữ tên cũ, mà đổi thành Ngô Quảng-Thiên. Còn con cháu hai vị đại thần, một tên Đào Tường-Phúc một tên Chu Bội-Sơn.



- Đúng thế! triều Ngô-Việt thấy mình chiếm vùng Quế-lâm, Nam-hải thời Lĩnh-Nam, như vậy chỉ mới đòi được phần đất phía Bắc thời vua Trưng. Anh hùng Ngô-Việt muốn kết hợp với anh hùng Tượng-quận nay thành nước Đại-Lý. Anh hùng Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-Nam, nay thành Đại-Việt. Cả ba thống nhất, thì chúng ta sẽ trở lại nước hùng mạnh như thời Lĩnh-Nam.



Thiệu-Thái suýt xoa:



- Chí khí các bậc tiền nhân thực vĩ đại. Nếu như việc đó thành, chúng ta tiến tới thống nhất tộc Việt, tức nhóm Việt-Thường trốn lạnh vào Nam, nay thành Chiêm-thành, Chân-lạp, Xiêm-la, Lão-qua. Sau đó tạo hạnh phúc cho dân như thời vua Hùng, vua Trưng, thực là truyện thống khoái kim cổ... Tỷ tỷ! Sao việc đó lại bỏ dở?



- Đâu có bỏ dở? Bấy giờ bên Đại-Việt vua Đinh mới thống nhất đất nước. Lòng người chưa yên, nội trị bấp bênh, kho lẫm trống rỗng, chỉ mong giữ vững cơ đồ cũng may lắm rồi. Cho nên khi sứ thần Ngô-Việt sang triều kiến. Vua Đinh hứa rằng nếu Tống xâm lăng Ngô-Việt, Đại-Việt sẽ đánh trở lên, để chia thế lực Tống. Còn bên Đại-lý Đoàn Tố-Thuận mới lên ngôi, tuổi còn trẻ. Trong triều lại thiếu người hùng tâm tráng trí, kết cuộc vẫn mong bảo vệ bờ cõi.



Tuy biết rằng cuộc thống nhất tộc Việt của anh hùng Ngô-Việt không thành, nhưng Thiệu-Thái, Mỹ-Linh vẫn hồi họp theo dõi.



Thiệu-Thái lắc đầu:



- Như vậy thì đại cuộc hỏng mất rồi! Triều Tống vốn yếu hèn run sợ trước các nước phía Bắc, nên kỳ vọng vào những gì ở phương Nam. Họ thấy anh hùng Ngô-Việt sáng chói, tất dồn nỗ lực đánh Ngô-Việt trước. Ngô-Việt mới lập, quân chưa tinh, tướng chưa đủ kinh nghiệm, nội trị lỏng lẻo, quốc dụng thiếu thốn. E cự không lại.



- Đúng thế. Bấy giờ là niên hiệu Thái-bình hưng quốc thứ ba đời Tống Thái-tông. Bên Đại-Việt, thuộc niên hiệu Thái-bình thứ chín của vua Đinh. Vua Đinh truất phế con trưởng là Nam-Việt vương Đinh Liễn, lập con thứ Hạng Lang làm Thái-tử. Nam-Việt vương giết Hạng Lang, rồi Đỗ Thích ám sát vua Đinh cùng Nam-Việt vương. Đúng lúc đó Tống đem đại binh đánh Ngô-Việt.



Mỹ-Linh than:



- Giặc ngoài luôn luôn để hàng nghìn mắt, hàng vạn tai nghe ngóng động tĩnh của mình. Hễ mình có biến cố bất lợi, lập tức họ đem quân qua. Tỷ tỷ! Tôi không thấy sử gia chép cuộc kháng chiến chống Tống của Ngô-Việt ra sao. Xin tỷ tỷ thuật chi tiết cho anh em chúng tôi được rõ.



Cẩm-Thi thở dài:
- Ngũ đệ! Sao vậy?



- Bị trúng Chu-sa độc chưởng.



Trưng-ương sứ giả nhăn mặt, tự nghĩ:



- Bản lĩnh độc công Đỗ Lệ-Thanh không làm bao, sao y thị có thể truyền vào người An-Bình?



Y hỏi Đỗ Lệ-Thanh:



- Đỗ muội! Người dùng độc chưởng đánh sứ giả của bang chủ, người có biết hậu quả sẽ như thế nào không?



Đỗ Lệ-Thanh cười nhạt:



- Trung-ương sứ giả của bản bang mà sao hồ đồ lắm vậy? Võ công Lĩnh-Nam, hầu hết đều đường đường chính chính. Họ làm gì biết độc chưởng mà dạy muội? Vừa rồi ngũ đệ dùng độc chưởng hại ta. Ta chống trả, rồi đẩy những gì ngũ đệ đánh ta vào người y mà thôi.



Gã áo vàng bảo gã áo trắng:



- Nhị đệ! Người lĩnh giáo mấy chiêu của Đỗ sư muội đi.



Đỗ Lệ-Thanh nói mát:



- Từ khi bản bang thành lập đến giờ, Ngũ-sứ được luyện độc công tới trình độ cao nhất, sờ vào tay bất cứ ai, người đó cũng mất mạng. Khi thừa lệnh bang chủ đi thanh trừng phản đồ, chỉ một chiêu, phản đồ mất mạng. Thế mà sao bây giờ Ngũ-sứ lại đau đớn thế kia? Phải chăng giáo chủ không còn xứng đáng nữa?



Gã áo trắng không nói không rằng, y phát chưởng tấn công. Mỹ-Linh nhận ra chưởng của y là Võ-đang chưởng. Nàng nhủ thầm:



- Trong các môn phái Trung-nguyên, võ công Võ-đang thiên về âm nhu, lấy Dịch-kinh làm căn bản, biến hoá khôn lường. Không biết Đỗ phu nhân có chống lại được không?



Đỗ Lệ-Thanh thấy chưởng của y chưa tới, mà bà muốn ngộp thở. Bà phát chiêu Phục-ngưu thần chưởng, mà Bảo-Hoà dạy bà. Bình một tiếng, người bà bay vọt về sau đến hơn trượng. Toàn thân bà như tê dại.



Tây-phương sứ giả như không muốn ra tay vội. Y đứng chờ cho Đỗ Lệ-Thanh phục hồi công lực rồi mới đánh tiếp.



Mỹ-Linh, Thiệu-Thái nhìn nhau, như cùng muốn nói:



- Công lực tên này không thua Đại-Việt ngũ long làm bao.



Đỗ Lệ-Thanh từ từ đứng dậy. Mụ biết muôn ngàn lần mình không phải đối thủ của đệ nhị sứ giả bản bang. Mụ cười nhạt:



- Tây phương sứ giả xuất thân nhân vật thứ nhì sau chưởng môn Võ-đang có khác, công lực quả tuyệt vời. Nhưng, ta nhất định không khai bí quyết luyện Hồng-thiết mật công. Thử xem người có giết được ta không?



Tây-phương sứ giả cười nhạt:



- Sư muội! Sư muội không khai, ta cũng chẳng ép. Ta mời sư muội theo chúng ta đến ra mắt Đặng bang chủ một lần.



- Ta không đi.



Tây-phương sứ giả tung ra một cái gói. Gói là tấm lụa. Lạ thay tấm lục cuộn tròn Đỗ Lệ-Thanh lại. Y lại ném ra sợi dây trong tay . Sợi dây cuốn tròn Đỗ Lệ-Thanh. Y giật tay một cái, Đỗ Lệ-Thanh bay bổng lên cao. Y cười:



- Ta bọc sư muội bằng vải nhung thế này chắc không ai phản đối.



Thình lình có tiếng nói ngay bên cạnh:



- Ta phản đối!



Rồi một người cầm cái cần câu vung lên veo véo. Sợi dây cuốn Đỗ Lệ-Thanh đứt rời ra. Mụ rơi từ tay Tây-phương sứ giả xuống đất. Trong khi đó cần câu rung liên tiếp, cái phao đập vun vút vào người Tây-phương sứ giả, khiến y phải nhảy lùi lại.



Bốn người đồng xuất hiện đứng xung quanh Đỗ Lệ-Thanh. Họ chính là bốn ngư nhân.



Trung-ương sứ giả nạt lớn:



- Bốn tên ôn vật kia! Suốt mấy hôm nay, bọn mi phá chúng ta không biết bao nhiêu mà kể. Hôm nay ta cho bọn mi về chầu ông bà ông vải.



Mỹ-Linh, Thiệu-Thái cho đến Ngũ-sứ, Ngô Cẩm-Thi đều giật mình kinh hãi, vì bản lĩnh họ đâu có tầm thường, mà bốn ngư nhân đến hồi nào, họ không khám phá ra. Mỹ-Linh nhìn lên trời: Đôi chim ưng vẫn bay lững lờ, mà sao bốn ngư nhân xuất hiện, chúng không báo cho nàng biết?



Đỗ Lệ-Thanh đứng dậy, mụ đã phục hồi công lực.



Ngư nhân mũ đỏ cười khành khạch:



- Năm vị là Ngũ-sứ của bang Nhật-hồ Trung-quốc, mà sao hồ đồ quá vậy? Anh em tại hạ dù gan to bằng trời cũng không dám vuốt râu hùm. Chẳng hay anh em tại hạ đã làm gì để Ngũ-sứ phải nổi giận?



Bắc-phương sứ giả chỉ mặt ngư nhân mũ trắng:



- Cách đây ba ngày, ta đang ngồi ăn uống ở tửu lầu Thái-bình, thì tên khốn kiếp kia vờ đến hỏi thăm đường, rồi thừa cơ bỏ mấy miếng cứt trâu vào bát canh nấu nấm hương. Sau đó y bỏ đi. Ta... ta vô tình gắp lên ăn, hôi thối chịu không được.



Ngư nhân mũ trắng cười khúc khích:



- Bản lĩnh Bắc-phương sứ giả cao thâm biết chừng nào, mà tôi bỏ phân trâu vào bát canh lại không biết, thực một kỳ tích thiên hạ. Tôi nghĩ, có lẽ người thích ăn phân trâu để luyện độc công e đúng hơn.



Cả bốn ngư nhân đều cười ồ lên. Bắc-phương sứ giả chỉ vào ngư nhân mũ xanh:



- Ta biết bọn oắt con nhà mi ắt có người lớn đứng sau nên chưa muốn ra tay. Tiếp theo Đông-phương sứ giả, tứ đệ của ta trong khi cỡi ngựa vào trấn, chính mi vờ chen lấn, rồi vuốt tay vào mông ngựa, sau đó bỏ đi. Con ngựa của tứ đệ thình lình phi nước đại. Tứ đệ giật cương thế nào cũng không được. Con ngựa phi như điên như khùng, cuối cùng kiệt lực, nó ngã lăn ra. Tứ đệ xem lại, thì ra mi đã đâm vào mông nó một cái kim. Đầu kim tẩm thuốc độc, khiến con ngựa ngứa quá, chịu không nổi nên phi nước đại.



Bốn ngư nhân cười ồ lên. Ngư nhân mũ xanh thè lưỡi ra nhát:



- Sứ giả nói lạ. Luật vua Hùng, vua Trưng định rằng, buộc tội phải có chứng. Bản lĩnh Đông-phương sứ giả biết dường nào, mà tôi châm kim vào đít ngựa, đến nỗi không biết. Hỏi ai tin được nhỉ?



Trung-ương sứ giả mặt hầm hầm chỉ ngư nhân mũ đen:



- Tên khốn kiếp kia! Cách đây bốn ngày, ta đang ngồi ăn ở tửu lầu Đông-phong, mi mang đến tấm biển, cùng một chậu cúc cực lớn. Trên tấm biển có nhiều chữ kỳ dị, thách đố ai đọc được, mi sẽ biếu chậu cúc. Ta vô tình vì tính hiếu kỳ, đứng dậy quan sát cho kỹ. Không ngờ lúc ngồi xuống, thì trên ghế, ai đã để một miếng gỗ, với ba cái kim chổng ngược. Ta ngồi xuống, bị kim đâm đau thấu tâm can. Ta đoán chắc mi với tên để kim cùng bàn kế hại ta.



Ngư nhân mũ đen cười khành khách:



- Trời đất ôi! Oan ôi là oan. Tôi có ba đầu sáu tay đâu mà đi trêu vị chánh sứ của bang Nhật-hồ. Tôi quả có mang bảng, mang cúc đi thách thiên hạ thực. Còn ai bỏ kim vào ghế hại chánh sứ tôi nào biết.



Tây-phương sứ giả bảo bốn ngư nhân:



- Bọn mi muốn sống, đừng can thiệp vào truyện bản bang. Bằng không ta bất chấp dư luận lớn hiếp nhỏ, mà giết chúng bay ngay tại đây.



Ngư nhân mũ đỏ cười lớn:



- Tôi cũng muốn xa lánh truyện của quý bang, ngặt vì chúng tôi là con dân Đại-Việt, quyết không để cho ai giết người vô cớ trên đất Việt.



Bắc-phương sứ giả quát lên:



- Đây thuộc Quảng-Đông lộ, lãnh thổ Đại-Tống. Bọn man mọi Việt mi không có quyền gì cả.



Ngư nhân mũ đỏ lắc đầu:



- Ông sứ giả dốt bỏ mẹ đi ý. Vùng này trước thuộc Văn-lang, sau thuộc Âu-lạc, rồi Lĩnh-Nam. Thuận-Thiên hoàng đế kế tục tổ tiên, cai trị thiên hạ, thì đất này thuộc Đại-Việt.



Trung-ương sứ giả đưa mắt cho Đông-phương sứ giả:



- Sư đệ cứ ra tay đi.



Gã áo xanh vung tay phát chưởng. Chưởng của y hùng hậu hơn Chu An-Bình nhiều. Ngư nhân mũ đỏ lạng người đi tránh. Không biết bằng cách nào, y xê dịch người ra sau địch thủ, rồi chĩa tay điểm đến véo một chỉ vào cổ Đông-phương sứ giả. Lạ thay, Đông-phương sứ giả trúng một chỉ nhẹ nhàng, mà người lảo đảo ngã xuống. Ngư nhân mũ đỏ vác Đông-phương sứ giả lao mình chạy. Bốn ngư nhân còn lại đồng tung lên một nắm bột trắng bay mịt mờ.



Ba sứ giả Trung-ương, Tây-phương, Bắc-phương sợ phấn độc, vội vung chưởng gạt, cùng nhảy lên cao tránh đám bụi. Khi bọn y ra khỏi vòng bụi, bốn ngư nhân đã biến vào đêm tối.



Trung-ương sứ giả hô lớn:



- Nhị đệ ở đây canh giữ ngũ đệ, cùng Đỗ muội. Tam đệ cùng ta mau đuổi theo chúng.



Hai người vọt mình theo bốn ngư nhân.