Anh Hùng Bắc Cương

Chương 29 : Chủ đạo tộc việt

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Chủ đạo tộc Việt ---- -



Ngoài ngũ long Đại-Việt, đám Tôn Đản, còn lại không ai hiểu chủ đạo tộc Việt ra thế nào. Thuận-Tường hỏi sẽ Tự-Mai:



- Ông này là gia gia đại ca hả? Sao ông ác quá vậy? Ông vung tay mấy cái giết hơn ba trăm người, rồi ông lại bảo đó là chủ đạo tộc Việt!



Tuy Thuận-Tường nói nhỏ, mà mọi người đều nghe rõ. Tự-An đưa mắt nhìn. Ông thấy một thiếu nữ mười lăm, mười sáu tuổi phê phán mình. Ông mỉm cười vẫy tay:



- Tiểu cô nương! Tiểu cô nương phương danh Triệu phải không? Nghe giọng nói, dường như tiểu cô nương từ Biện-kinh tới, chứ không phải từ Lưỡng-Quảng hay vùng Hoa-sơn. Nào tiểu cô nương ra đây, ta sẽ vì tiểu cô nương mà nói về chủ đạo tộc Việt.



Thuận-Tường núp sau Bắc-Sơn lão nhân:



- Ông dữ quá, tôi không ra đâu. Lỡ tôi ra, ông vung tay một cái, thịt xương tôi nát hết.



Triệu Tiết đang nằm dưỡng thương, nó biết Tự-An là cha Tự-Mai, được dịp nó trả thù:



- Lão này thực ác độc hơn qủi sứ. Sư muội mà ra, lão xé xác sư muội rồi nướng ăn không chừng.



Bọn Hoa-sơn nghe Triệu Tiết nói, họ đều cảm thấy lạnh xương sống lo cho nó. Bắc-Sơn lão nhân quát lên:



- Im mồm. Mi không được vô lễ.



Triệu Tiết liều lĩnh:



- Y ác thực, đệ tử nói y ác. Dù y ăn tươi nuốt sống đệ tử cũng nói rồi chết cho cam tâm.



Tự-An nghe Triệu Tiết phê phán mình. Ông bật cười:



- Cháu nhỏ! Trên đời này chưa từng một ai xung chàng với ta mà yên thân. Được, cháu có đởm lược khí phách nam nhi đại trượng phu. Ta không giết cháu đâu. Cháu như vậy mới xứng đáng sĩ khí của Nho gia.



Sự thực Triệu Tiết khôn ngoan vô cùng. Nó biết Tự-An võ công cực cao, danh vọng cực lớn. Đời nào lão ra tay đánh bọn tiểu bối đã bị thương như gã. Vì vậy gã nói cho sướng miệng, lại tỏ ra can đảm trước người yêu.



Tự-Mai vẫy Thuận-Tường:



- Cô nương đừng sợ. Bố tại hạ chỉ giết bọn cướp nước, bọn ác bá mà thôi. Ngược lại người rất thương yêu bạn hữu của con, của đệ tử. Cô nương là bạn của tại hạ đời nào người hại cô nương!



Tự-An hướng Thuận-Tường vẫy tay hai cái. Nàng không tự chủ được, bay bổng lên. Bắc-Sơn lão nhân la lớn:



- Xin nhẹ tay cho!



Người Thuận-Tường còn lơ lửng trên không, Tự-An phất tay cái nữa, nàng rơi nhẹ nhàng trên lưng con hùm xám của Bảo-Hòa, giống như vọt lên cỡi vậy.



- Xin đừng sợ, ông kễnh của tôi không xơi thịt cô nương đâu.



Thiệu-Cực bật lên tiếng trấn an Thuận-Tường. Chàng nói với Bắc-Sơn lão nhân:



- Lão nhân yên tâm. Tịểu bối sợ Trần đại hiệp yêu thương Thuận-Tường hơn cả Tự-Mai. Người muốn kiếm cho cô nương cái nệm ngồi, hầu nghe nói về chủ đạo của tộc Việt, tộc Hoa.



Tự-An nhìn Thiệu-Cực mỉm cười:



- Ta đã nói gã chăn trâu Lý Công-Uẩn thực không uổng đời người khi sinh ra được vua Bà Bắc-biên với Khai-Quốc vương. Thế-tử, nếu ta là Khai-Quốc vương ta cử thế-tử làm tể tướng. Thế tử có con mắt tinh đời như vậy, mà làm tể tướng, ta e vua Hùng sống lại cũng phải hài lòng.



- Đa ta đại hiệp quá khen.



Con hùm từ từ nằm xuống. Nó liếm tay Thuận-Tường tỏ vẻ thân ái. Được Thiệu-Cực trấn an, Thuận-Tường bớt sợ. Nàng vuốt ve đầu con cọp, hướng Tự-An:



- Trần đại hiệp. Con cọp này dễ thương quá. Đại hiệp bán cho tiểu nữ đi. Trong vườn thượng...



Bắc-Sơn lão nhân tằng hắng một tiếng, Thuận-Tường im bặt. Nàng đưa mắt nhìn sư phụ, rồi tiếp:



- Trong vườn thượng, vườn hạ nhà tiểu nữ cũng nuôi nhiều thú như nai, hoẵng, công, trĩ, mà không có con cọp nào cả.



Tự-Mai nghĩ thầm:



- Lý ra, Thuận-Tường là đệ tử nhỏ bé của Bắc-Sơn lão nhân. Cho rằng nàng được sư phụ cưng chiều. Song có đâu họ lại để nàng ngồi trên Hoa-sơn thất hùng đều vai sư thúc của nàng. Vừa rồi nàng buột miệng nói ra câu vườn thượng. Bắc-Sơn lão nhân tằng hắng, làm nàng phải chữa. Vậy nàng là ai? Ta phải dò cho ra. Vườn thượng gì của nhà nàng mà phải dấu diếm? Thượng-kinh ? Thượng du ?



Tự-An chỉ Thiệu-Cực:



- Hùm này vốn của vua Bà Bắc-biên nuôi làm lính biên phòng. Cô nương muốn mua, xin hỏi Thân thế-tử đây.



Thiệu-Cực là người tinh minh, mẫn cán số một số hai thời Thuận-Thiên. Sử chép, chàng có đủ đức tính của một vị biên cương đại thần: Mưu, trí, dũng, nhân, tín. Tài chàng chỉ thua có hai người. Một là cậu ruột tức Khai-Quốc vương, hai là mẫu thân tức vua Bà Bắc-biên.



Từ lúc Thuận-Tường xuất hiện, nàng từ ác cảm với Tự-Mai, tiến tới chỗ thân mật. Thoáng một cái chàng đã hiểu:



- Hoa cũng thế, Việt cũng vậy, tình cảm trai gái không có biên giới nào ngăn cách được. Tự-Mai ghép cậu hai với Thanh-Mai. Cậu hai tìm cách tác thành cho anh Thiệu-Thái với Mỹ-Linh, Thanh-Trúc với mình. Mỹ-Linh lại mở đường cho Thuận-Tông, Thiện-Lãm với Kim-Thành, Trường-Ninh. Tại sao ta không tác thành cho Tự-Mai với Thuận-Tường? Tình Việt duyên Hoa. Lương duyên Lý-Tống càng thêm đẹp.



Hơn ai hết, hiểu về mối tương quan Hoa-Việt. Thiệu-Cực quản lĩnh Khu-mật-viện Bắc-biên, chàng thông suốt hết những tranh chấp, những tình cảm, những bất đồng, tương đồng của dân Việt-Hoa vùng Bắc biên. Mạ mạ chàng muốn giữ nguyên đất nước, không để bị mất một thước. Vì để Tống lấn một thước, họ sẽ quen đà lấn mãi, rồi mất nước lúc nào không hay. Tống lại ỷ thế lớn, biên cương đại thần hống hách với quan nha Việt. Hiện hai bên cùng cố tranh dành ảnh hưởng 207 khê động.




Lê Văn không hổ đệ tử danh gia. Nó tiến lên chắp tay xá mụ Anh-Tần một cái:



- Phu nhân! Năm nay phu nhân sáu mươi sáu. Thấm thoát quay đi, quay lại thành bẩy mươi. Ông Đỗ Phủ đời Đường làm thơ có câu: Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Nghĩa rằng người ta sinh ra, sống tới bẩy mươi thực hiếm hoi. Phu nhân sắp đi vào tuổi quý đó rồi. Hôm nay sự đã ra thế này, phu nhân phải khai thực hết mọi sự. Bằng không Thân thế-tử cho ông kễnh xơi thịt phu nhân thì đau đớn lắm.



Không hổ câu gái đĩ già mồm. Tuy ngồi trước miệng cọp, mụ vẫn cong cớn:



- Lê công tử. Công tử bảo tôi phạm tội, vậy tôi phạm tội gì? Tôi đã làm gì nên tội? Tôi được Tống triều cử đi theo thiên sứ tới Hoa-sơn, rồi Tản-viên. Tôi đâu có phạm tội?



- Phu nhân không phạm tội ư? Thôi thì cứ coi như vậy đi. Thế phu nhân đang ở Thiên-trường, tại sao lại sang Trung-nguyên?



- Tôi đi chơi.



Biết gặp phải thứ xảo trá bậc nhất thế gian, không thể nhẹ tay được. Lê Văn nói với Tôn Đản:



- Phiền sư huynh đem tên Qúy-Toàn lại hốc đá đằng kia thẩm cung dùm. Ở đây đệ hỏi Tần phu nhân. Hễ hai người khai giống nhau, chúng ta thả ra. Bằng khác một câu, ta cho ông ba mươi xơi một miếng thịt. Sai hai câu, cho ông kễnh xơi hai miếng.



Tôn Đản vung tay một cái, sợi dây bay ra cuốn chân tên Qúy-Toàn. Nó giật mạnh, người y bay bổng lên cao. Ở trên cao, sợ quá y hét lên be be.



Tôn Đản hỏi:



- Mi đang ở Yến-vĩ sương-sen với con điếm già Anh-Tần. Tại sao lại có mặt trong phái đoàn Hoa-sơn?



- Tiểu nhân không có chủ trương gì hết. Sư mẫu bảo sao, tiểu nhân nghe vậy.



- Tại sao mi có vợ đẹp, con ngoan, lại bỏ nhà theo con điếm già Anh-Tần?



- Tại vì tiểu nhân mắc bệnh. Mỗi ngày phải mớm cá diếc ít nhất hai người. Bằng không, tiểu nhân hoá điên không chịu được.



- Con bà mi. Vợ mi cũng có cá diếc. Sao mi không mớm cá diếc vợ mi, mà đi mớm các diếc mấy con điếm già?



- Công tử không rõ đấy thôi. Ví như công tử ăn mắm. Mắm càng nặng mùi, càng thấy ngon. Mớm cá diếc cũng vậy. Con vợ tiểu nhân chỉ biết có chồng. Nó lại sạch sẽ quá, cá diếc không mùi vị. Trong khi bạn hữu sư mẫu toàn những người trên sáu mươi, lại ăn nằm với hàng trăm người khác nhau, cá diếc chạ người, mùi vị mới thơm.



Tôn Đản cảm thấy lợm giọng. Nó hỏi tiếp:



- Mụ điếm già Anh-Tần sang Trung-quốc với mục đích gì?



- Nguyên tân giáo chủ Hồng-thiết Trần Đông-Thiên đến trang Yến-vĩ sương sen đúng lúc sư mẫu mở hội Vu-sơn. Giáo chủ có tham đự. Đi theo giáo chủ có mười tân trưởng lão tuổi trên bẩy mươi. Các vị trưởng lão theo truyền thống bên Tây-vực cho mở cuộc thi thổi ống đu đủ. Sư mẫu tiểu nhân được chấm nhất, vì ngươi thổi đến hơn ba mươi người một lúc, cũng chưa mỏi mồm. Vì vậy giáo chủ dẫn sang Tây-vực chầu Hồng-thiết tổng giáo chủ. Tại đây, sư mẫu chiếm vô địch về mây mưa.



- Thế nào thì biết vô địch?



- Trong khi nói truyện với trưởng lão Cút-Độp. Cút-Độp khoe phụ nữ Tây-vực có thể mây mưa với hàng chục người, mà không biết mệt. Sư mẫu tỏ vẻ coi thường. Người khoe rằng mình có thể mây mưa với hai chục đàn ông. Cút-Độp không tin, cho thử...



- Thế mụ chịu được bao nhiêu người?



- Công tử thử đoán xem!



- Ít nhất mười lăm người.



- Sai! Hai mươi lăm người. Trưởng lão Cút-Độp thấy sư mẫu có bản lĩnh thổi ống đu đủ nhất thế gian. Vì vậy người xin tổng giáo chủ mang sư mẫu sang phương Đông.



Thấy việc mụ điếm già với thằng khùng Qúy-Toàn trong phái đoàn Hoa-sơn, không liên quan gì tới quốc sự. Tôn Đản yên tâm. Nó trở lại gặp Lê Văn, được biết mụ Anh-Tần cũng khai giống hệt.



Lê Văn nói với Thiệu-Cực:



- Anh em mình nghi thầy trò mụ điếm già Anh-Tần dẫn đường cho giặc. Nhưng thực sự không phải. Chúng ta tha quách.



Thiệu-Cực lắc đầu:



- Tuy chúng không phạm trọng tội, nhưng cũng phạm tội gian nhân hiệp đảng cùng tội làm bại hoại thuần phong tộc Việt. Để anh giải giao chúng về Thăng-long cho quan Hình-bộ thượng thư tùy nghi xét xử.



Tuy trải qua trận đấu giữa Hoa-sơn với Tản-viên, cuối cùng Thiệu-Cực khám phá ra manh mối do bọn Hồng-thiết Tây-vực. Hoa-Sơn tam lão không ngớt xin lỗi phái Tản-viên.



Nhị-Bách sai làm tiệc khoản đãi phái Hoa-sơn. Nhưng Hoa-sơn tam lão quá xấu hổ, nhất mực chối từ. Thiệu-Cực sai một đoàn voi hộ tống phái Hoa-sơn về Tống. Biết Tự-Mai với Thuận-Tường có tình ý. Chàng bảo y:



- Sư đệ hãy theo tiễn chân các vị về Tống. Nhưng phải trở lại trước ngày rằm tháng sau, để dự tranh ngôi động trưởng.



Tự-Mai kinh ngạc không ít, vì rõ ràng người tranh là Thiện-Lãm, Thuận-Tông. Tại sao Thiệu-Cực lại bảo nó tranh?



Vốn cực kỳ thông minh, thoáng một cái nó hiểu liền:



- Trận đấu vừa rồi, Triệu Tiết, Khúc Chẩn bị nó với Tôn Đản đả bại dễ dàng. Mà hai người này vốn do biên thần Tống cho trà trộn tranh dành hai chức châu trưởng. Vì vậy Thiệu-Cực nhắn nhủ nó, với chủ ý đe doạ phái Hoa-sơn: Hãy cho Triệu, Khúc rút lui trước thì vừa. Bằng không sẽ gặp Tự-Mai, Tôn-Đản e mất mạng.



Quả nhiên Hoa-sơn tam lão, Thất-hùng nghe Thiệu-Cực nhắc Tự-Mai. Họ đưa mắt nhìn nhau, như cùng có ý nghĩ:



- Rút trước đi là hơn.