Anh Hùng Bắc Cương

Chương 31 : Tống cung bí sử

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Tống cung bí sử ---- -



Thuận-Tông không hiểu nhiều về võ công Tây-vu. Nó hỏi Tự-Mai:



- Anh sáu! Anh thử đoán xem ai sẽ thắng.



- Hiện khó có thể đoán kết quả đi về đâu. Hai người chỉ học quyền, chưa luyện khí công, thành ra không phát chưởng được. Thắng hay bại đều trông vào sức lực cả.



Lưu Tường đánh liền bốn quyền như bão táp. Vi Chấn lui lại tránh đưởc hai quyền. Đến quyền thứ ba, bắt buộc y phải dùng cước đỡ. Bốp một tiếng, quyền đánh trúng gối. Đau quá, y nhảy lùi bước nữa tới mép đài. Lưu Tường đánh tiếp một quyền như vũ bão. Thình lình Vi Chấn trầm người xuống, luồn qua nách Lưu Tường, rồi quay lại đẩy một cái. Lưu Tường ngã lộn xuống đài.



Cử tọa vỗ tay hoan hô. Nùng Tồn-Phúc tuyên bố:



- Theo thể lệ, ứng viên Vi Chấn thắng trận đầu.



Lưu Tường đã lên đài. Vi Chấn tiến đến ôm lấy Lưu Tường:



- Đằng ý ngã có đau lắm không? Xin lỗi nhé.



- Không đau cho lắm. Mình chịu phục đấy.



Nói rồi cười. Cả hai ứng viên dắt nhau xuống đài, phơi phới như cuộc dạo chơi. Nếu không xem tận mắt, đố ai có thể tin rằng mới đây hai người dùng hết sức lực đấm đá nhau.



Quan khách kinh ngạc:



- Võ đạo Bắc-biên cao thực. Hai trẻ đấu với nhau mà như anh em tập dượt vậy. Tương lai chúng không tầm thường.



Nùng Tồn-Phúc xướng:



- Mời hai ứng viên Lê Thuận-Tông, Yên Đạt lên đài.



Yên Đạt vọt người lên đài như con én. Khi còn lơ lửng trên không nó đã chắp tay hướng cử toạ vái ba vái. Thấy võ công Yên Đạt cao hơn Lưu Tường, Vi Chân quá xa, dân chúng vỗ tay hoan hô vang dậy.



Lê Thuận-Tông khoan thai lên đài. Nó chắp tay vái bốn phía, rồi đứng thủ thế. Nùng Tồn-Phúc hô:



- Xuất chiêu.



Lê Thuận-Tông phát một chiêu Thiên-vương chưởng, mà Lê Văn dạy nó, hai tay chắp lại như hành lễ:



- Lê Thuận-Tông đệ tử phái Mê-linh xin tương kiến Yên huynh.



Yên Đạt không nhân nhượng, nó xuất một chiêu Võ-đang chưởng đánh thẳng vào mặt Thuận-Tông, cử chỉ cực kỳ vô lễ.



Thuận-Tông lùi một bước, tay phải nó khoanh tròn. Tay trái đánh thẳng. Đó là chiêu Loa-thành nguyệt ảnh của Cửu-chân chưởng. Hai chưởng chạm nhau đến binh một tiếng. Cả hai lảo đảo lui lại nhìn nhau.



Dưới đài Lê Văn cau mày:



- Khó quá, công lực tên này bỏ xa bọn Quách Quỳ, ngang với Triệu Tiết. Không biết Thuận-Tông có đương nổi không?



Đánh đến chiêu thứ mười, thình lình Thuận-Tông lùi lại, phát một chiêu trong Côi-sơn chưởng pháp. Chân từ Càn vị bước sang Tốn vị. Yên Đạt không biết gì về pho quyền này, y vung tay đỡ. Binh một tiếng, mắt nó đổ lửa, chân tay bải hoải như người đói, lồng ngực muốn nổ tung ra. Nó nhảy lui liền ba bước, trố mắt nhìn đối thủ.



Thuận-Tông tuyệt không ngờ quyền pháp Tự-Mai dạy nó lại linh nghiệm đến thế. Nó ngây người ra nhìn đối thủ.



Tự-Mai vỗ đùi than:



- Trời ơi! Nếu Thuận-Tông đánh tiếp chiêu Sơn-trung hoa lạc, chân từ Tốn bước sang Chấn thì tên Yên Đạt ắt bay xuống đài rồi.



Thuận-Tông thuận tay phát một chiêu trong Côi-sơn quyền pháp có kết quả. Nó đánh liền hai chiêu, trong khi chân từ Ly bước sang Khôn vị. Binh, binh. Yên Đạt rung động toàn thân. Nó lùi liền hai bước. Thuận-Tông đánh tiếp ba chiêu. Yên Đạt lại lùi ba bước nữa.



Lê Văn than:



- Khổ quá anh Tông chưa hiểu hết Dịch-lý, nên cứ chiêu một, chiêu một đánh ra. Giữa hai chiêu có khoảng trống, thành ra chỉ làm cho Yên Đạt bối rối, mà không hạ được nó. Giá anh ấy biết biến hoá chiêu nọ nối liền chiêu kia như mây trôi, như nước chảy, thì mười tên Yên Đạt kia cũng bỏ mạng rồi. Cơ chừng này, nó phản công đến nơi rồi.



Đến chiêu thứ mười hai, thình lình Yên Đạt tung ra một chưởng. Bình một tiếng, Thuận-Tông choáng váng bật lui, chân tay nó cảm thấy vô lực. Nó còn đang hoảng hốt, Yên Đạt không nhân nhượng, nó lại đánh liền bốn chiêu. Thuận-Tông vẫn dùng Côi-sơn quyền đỡ. Cứ sau mỗi lần đỡ, nó cảm thấy chân khí mất đi một phần.



Tự-Mai hỏi Lê Văn:



- Cà chớn. Em có biết Yên-Đạt dùng võ công gì không?



Lê Văn cau mày:



- Võ công Liêu-Đông. Võ-đang thuộc danh môn chính phái Hoa-hạ, tại sao Yên Đạt lại biết võ công Liêu-Đông?



Nghe Lê Văn nói, Tự-Mai kinh hãi, vì nó nhớ lại truyện cũ:



- Hồi Bảo-Hòa, Mỹ-Linh tới Thiên-trường. Bố mình giảng về sự khác biệt của thần công Yên-lãng với các phái khác. Bố mình có nói: Thần công Yên-Lãng hơi giống nội công phái Liêu-Đông. Thần công Yên-Lãng chỉ hoá giải, cùng hút công lực đối thủ khi đối thủ đánh mình. Còn nội công Liêu-Đông thì không thế, nó làm tiêu tán công lực đối thủ, rồi truyền độc tố vào người. Cơ chừng này Thuận-Tông nguy đến nơi rồi.



Yên Đạt dồn Thuận-Tông tới cuối đài bằng mười chiêu khác nhau. Đến chiêu thứ mười một, y dùng tất cả bình sinh công lực đánh một chiêu như sét nổ, hy vọng đẩy đối thủ xuống đài.



Cáo chết ba năm quay đầu về núi. Con người học võ cũng thế, khi gặp nguy cấp, thường phản ứng tự nhiên. Tự nhiên thì chiêu số mình xử dụng hàng ngày sẽ xuất ra. Trong lúc Thuận-Tông gặp nguy hiểm, tính mệnh như treo trên sợi tóc, nó phát bừa một chiêu đỡ. Chiêu đó là Loa-thành nguyệt ảo gốc thuộc Cửu-chân. Bình! Một thân người bay bổng lên cao, rơi xuống giữa đài. Ai cũng tưởng người đó là Thuận-Tông, không ngờ là Yên Đạt.



Thuận-Tông vừa định đánh tiếp chiêu nữa, thì có tiếng chiêng báo hiệu đã được năm mươi hiệp. Hai bên hưu chiến.



Nùng Tồn-Phúc dơ tay nói:



- Đúng luật lệ, hai bên đấu với nhau được năm mươi hiệp. Tạm nghỉ nửa giờ rồi tái đấu.



Thuận-Tông xuống đài. Lê Văn thoa bóp các bắp thịt cho nó. Trong khi Tự-Mai dặn:



- Phải chú ý lắm mới được. Mình có hai loại võ công khắc chế với Yên Đạt. Khi thấy Yên Đạt dùng võ công Võ-đang thì mình dùng Côi-sơn quyền pháp. Còn khi thấy nó dùng võ công Liêu-Đông thì mình dùng võ công Mê-linh. Bất cứ trường hợp nào, mình cũng phải đánh nó một chiêu. Khi nó bị một chiêu khắc chế, ắt căn bản bị tuyệt. Bấy giờ mình phải đánh liên tiếp như sóng vỗ, như núi lở, như băng tan, như mây trôi, ắt nó bị hạ liền.



Nói rồi nó giảng chi tiết cách biến từ Côi-sơn quyền pháp sang Mê-linh quyền pháp. Nó giảng được một lần, đang định giảng tiếp về phương pháp từ biến từ võ công Mê-linh sang quyền pháp Côi-sơn, thì chiêng báo hiệu trận thứ nhì.



Lần này đã có kinh nghiệm, Thuận-Tông xuất chiêu trước bằng Côi-sơn quyền pháp. Yên Đạt thấy chiêu số của Thuận-Tông hung hiểm lạ thường, lại khắc chế với võ công của nó. Nó kinh hoảng lùi lại một bước tránh đòn. Thuận-Tông không nhân nhượng tiến lên đánh liền ba chiêu. Yên Đạt đỡ được hai chiêu, đến chiêu thứ ba nó đẩy ra một chiêu Liêu-Đông. Bình một tiếng, Thuận-Tông bật lui liền ba bước. Nó cảm thấy chân khí bị biến mất.



Đã có kinh nghiệm, nó mượn đà lui lại. Trong khi Yên Đạt truy kích bằng hai chiêu Liêu-Đông. Thuận-Tông phát chiêu Hải-triều lãng lãng. Bình một tiếng Yên Đạt cảm thấy trời long đấtt lở, tai ù đi. Nó đang kinh hoàng thì lớp thứ nhì tới. Bình một tiếng, nó bật lui đến mép đài, thì lớp thứ ba đã bao trùm khắp người. Nó tung mình lên cao, chân đá gió một cái, người bay vào giữa đài.



Thuận-Tông chuyển mình một cái, lớp thứ tư như cái cầu vồng đánh về sau. Yên Đạt kinh hãi, nó đánh ra một chiêu Võ-đang. Bộp, cả hai lảo đảo lui lại. Kinh nghiệm, Thuận-Tông đổi sang Côi-sơn quyền, nó co chân đá vòng vào thái dương trái Yên-Đạt, trong khi tay đẩy thẳng về trước. Yên Đạt trầm người xuống tránh cước. Hai tay nó chụp lấy tay Thuận-Tông.



Thuận-Tông giật mạnh một cái, người Yên Đạt bay bổng lên cao rơi xuống dưới đài.



Khán giả vỗ tay vang dội hoan hô. Nùng Dân-Phú chờ Yên Đạt lên đài, y cho hai thiếu niên hành lễ với nhau, rồi hướng vào cử tọa:



- Tấu vua Bà. Thưa quý quan khách, theo thể lệ cuộc đấu thiếu niên Lê Thuận-Tông thắng trận nhì. Bây giờ tới trận chung kết. Lê Thuận-Tông đấu với Vi Chấn. Ai thắng sẽ trở thành người thừa kế Lưu lạc hầu, làm lạc hầu Thượng-oai.



Vi Chấn chắp tay hướng Thuận-Tông:



- Lê huynh võ công cao cường. Muôn ngàn lần đệ không thể là đối thủ. Đệ xin cung kính chịu thua.



Cử toạn vỗ tay vang dội.



Nùng Tồn-Phúc nói lớn:



- Theo thể lệ, ứng viên Lê Thuận-Tông trúng cách làm lạc hầu Thượng-oai.



Thuận-Tông ôm lấy Vi Chấn. Cả hai cười với nhau. Hai thiếu niên vái nhau rồi xuống đài.



Nùng Tồn-Phúc tiếp:



- Bây giờ tới bốn ứng viên Hà Thiện-Lãm, Hoàng Tích, Tu Kỷ, Nùng Sơn-Bi tranh tài làm lạc hầu Phong-châu. Mời bốn ứng viên lên đài.



Bốn thiếu niên lên đài hướng vào vua Bà hành đại lễ, rối rút thăm. Sau khi kiểm thăm, Nùng Tồn-Phúc tuyên bố:



- Trận đầu Hà Thiện-Lãm đấu với Hoàng Tích. Trận thứ nhì Tu Kỷ đấu với Nùng Sơn-Bi.



Tu Kỷ, Nùng Sơn-Bi xuống đài. Nùng Tồn-Phúc cho Lãm, Tích đứng đối diện nhau, rồi nhắc lại thể lệ cuộc đấu.



Nhớ chỉ dụ của vua Bà, Thiện-Lãm tự nhủ:



- Bất cứ trường hợp nào ta cũng không thể thẳng tay với Hoàng Tích. Ta cần tỏ ra lễ độ, mới mong thu phục nhân tâm vùng Bắc-biên này.



Nó chắp tay hành lễ:



- Hà Thiện-Lãm, đệ tử phái Tản-viên kính chào Hoàng huynh.



Hoàng Tích cũng chắp tay thành quyền:



- Đệ Hoàng Tích, đệ tử phái Tây-vu kính chào Hà huynh. Mong Hà huynh nhẹ tay cho.



Hoàng Tích phóng quyền đến vù một cái. Hà Thiện-Lãm nhận ngay ra đó là chiêu Long-hổ quyền, rất tinh diệu, hung hiểm, nhưng đường đường chính chính. Nó lùi lại một bước tránh đòn, miệng mỉm cười:



- Đệ nhỏ hơn Hoàng huynh hai tuổi. Vì vậy xin nhường Hoàng huynh một chiêu.



Hoàng Tích cười lớn:



- Hà huynh đệ là con cháu thánh Tản có khác, hành vi lễ độ phi thường.



Đấu được hai mươi chiêu, Thiện-Lãm thấy căn bản của Hoàng Tích rất vững chắc. Mỗi chiêu, công thủ, tiến thoái đúng khuôn phép, tỏ ra được huấn luyện rất cẩn thận. Nhưng công lực không được làm bao. Nếu nó muốn hạ Tích, chỉ cần đánh mươi chiêu Phục-ngưu thần chưởng thì xong ngay. Nhưng nó được Tự-Mai, Lê Văn dặn trước, nên cứ dùng những chiêu rất tầm thường, lại chỉ vận có năm thành công lực. Vì vậy trận đấu kéo dài.



Khán giả thuộc giới võ lâm chỉ nhìn qua cũng biết sự thực. Còn dân chúng thì cho rằng hai người ngang sức.



Hai người đấu với nhau đến chiêu thứ chín mươi, thì trống báo hiệu tới giờ nghỉ. Thiện-Lãm nhảy lùi lại xá một xá:



- Đa tạ Hoàng huynh nhẹ tay.



- Cảm ơn Hà huynh quá khen.



Hai người dắt nhau xuống đài. Khác với những cặp đấu trước. Khi xuống đài, ai về chỗ người đó, có đồng môn thoa bóp cho. Lần này hai đấu thủ cùng ngồi chung một chỗ, cùng uống nước suối, bóp chân, nắn tay cho nhau.




Bật ra câu nói tục, nó biết rằng quá vô phép, ở nơi bàn quân quốc trọng sự. Nó nhìn vua Bà Bắc-biên như tạ lỗi. Vua Bà biết ý, cười:



- Phải, chỉ có câu đó mới diễn tả cái nguy của gã Đinh Vị.



Thuận-Tông hỏi:



- Như vậy ông Đinh Vị nhảy một lúc đến năm bậc thăng quan, sao lại chết tổ bà?



Tự-Mai bẹo tai sư đệ:



- Tông nhớ nhé! Bây giờ em đã là Lạc-hầu Thượng-oai phải tiếp xúc hàng ngay với biết bao nhiêu loại người, khôn ngoan có, ngu đần có, trung thực có, xảo quyệt có, gian mạnh có. Không cẩn thận, e bị mắc bẫy nguy đến tính mệnh cũng không đáng kể. Nhưng hỏng đại kế dân tộc mới đáng sợ.



- Tự-Mai nhấn mạnh:



- Về việc Đinh Vị được Lưu hậu ban cho từ một chức nhỏ, bỗng chốc thăng nhảy vọt đến bốn năm bậc rõ ràng bà không hề có chủ ý tưởng thưởng, mà đưa y vào chỗ chết. Y đang từ một chức Bình-chương sự tức một chức quan dưới quyền Khấu Chuẩn, trông coi việc đọc các tấu chương từ các nơi gửi về, rồi làm bản tóm lược đưa Khấu để đệ lên vua. Vì được tín cẩn trong vụ hạ bệ Khấu, bỗng chốc lên đến Tư-đồ, một chức lớn nhất trong ba chức vụ đầu não triều đình. Nghiã là cao hơn Định-vương Nguyên-Nghiễm. Vô tình y bị Lưu hậu cho ngồi lên bàn chông. Tại sao? Một bị đồng liêu ghen ghét. Hai là bất tài, ngồi vào vị trí tể thần. Ba là do phản bội người trên mà lên chức, mà triều Tống toàn Nho-gia trọng khí tiết, nên ai cũng ghét y.



Thuận-Tông như người tỉnh ngủ. Nó cảm động:



- Đa tạ đại ca. Sau khi thưởng công, chắc Lưu hậu tính tới bọn chống bà, để từ nay mầm mống ấy không còn nữa.



Thiệu-Cực gật đầu:



- Đúng thế. Cũng vẫn niên hiệu Càn-hưng nguyên niên (Nhâm-Tuất, 1022) mùa Xuân, tháng hai ngày Mậu-Thìn, trước đã biếm tể tướng Khấu Chuẩn làm Đạo-châu tư-mã, nay biếm nữa, hạ xuống còn tư-hộ tham quâm Lôi-châu. Thượng-thư hộ bộ thị lang Lý Địch làm Hằng-châu Đoàn-luyện phó sứ. Tuyên-huy Nam-viện sứ Tào Vi làm Tả-vệ đại tướng quân.



Thuận-Tông lắc đầu:



- Đàn bà mà thù ai thì người đó phải chết. Tốt hơn hết đừng gây truyện với đàn bà.



Nói đến đó biết lỡ lời, nó đưa mắt nhìn vua Bà. Rồi nói lảng:



- Lúc nãy anh nói bà đưa Đinh Vị lên để hại y. Thế sau này Đinh Vị có bị hại không?



- Bị chứ. Đinh Vị đắc thế mà làm lớn, cũng không tự biết cái nguy. Y bị quan Ngự-sử đàn hặc vì phạm nhiều tội: Trong khi tang vua Chân-Tông, mà y ăn tiêu xa hoa, tuyển thêm mỹ nữ. Nhất là y ăn bớt tiền xây lăng tẩm vua Chân-tông. Cho nên bị biếm làm Nhai-châu tư hộ tham quân.



Những gì Thiệu-Cực thuyết trình, vua Bà Bắc-biên đều thuộc nằm lòng. Bây giờ bà mới lên tiếng:



- Thiệu-Cực đã trình bầy những bí mật về triều Tống. Mục đích để cho Khai-Quốc vương phi cùng năm cháu biết. Bây giờ chúng ta sang những vấn đề thực tế hơn, bí hiểm hơn: Xung đột trong nội bộ triều Tống. Xung đột lớn nhất, không thể cứu vãn là phe Lưu hậu với phe Định-vương Nguyên-Nghiễm tức Triệu Thành.



Bà chỉ Thiện-Lãm:



- Con làm lạc hầu rồi. Con thử luận xem, sự xung đột ấy có những gì? Nội dung ra sao. Nguyên do từ đâu?



Thiện-Lãm kính cẩn đáp:



- Con thấy cuộc xung đột này rất đặc biệt. Thứ nhất về Lưu-hậu. Bà tuy cầm quyền, lấn quyền, nhưng quyền đó của con bà. Tức bà lấn con. Thứ nhì Thiên-Thánh hoàng-đế với bà rất hợp ý nhau. Bà lại có chân tài, nên thời gian qua, làm cho nước giầu dân mạnh. Thứ ba, khác với Lã-hậu, Mã-hậu thời Hán, Võ hậu đời Đường, cầm quyền, dâm đãng, rồi mưu cướp sự nghiệp cho giòng họ mình. Ngoại thích lộng hành, đổi niên hiệu, đổi triều đại. Nên quần thần, dân chúng chống đối. Ngược lại Lưu-hậu nhất tâm nhất chí xây dựng cho họ Triệu, không dâm dãng, không dùng ngoại thích. Vì vậy mầm chống đối ít. Năm nay Thiên-Thánh hoàng-đế mười tám tuổi, biết đâu bà chẳng trả quyền cho con? Định-vương Nguyên-Nghiễm khó có thể tìm ra khe hở hạ bà. Nhưng bà có một yếu điểm lớn là dùng dư đảng bang Nhật-hồ Trung-quốc làm chân tay. Trong khi triều Tống truy lùng bang này rất gấp.



Mọi người gật đầu khen ngợi Thiện-Lãm. Nó tiếp:



- Còn Nguyên-Nghiễm. Ông ta có nhiều ưu điểm. Thứ nhất không có tham vọng làm vua. Ông ta muốn trở thành Trương Lương, Nghiêm Tử Lăng. Vua Nhân-tông định truyền ngôi cho ông, mà ông chối. Thứ nhì, ông ta nhất tâm phù trì cho cháu, cho học trò. Ông với Lưu hậu gặp nhau ở điểm này. Thứ ba, ông ta thu phục được võ lâm, danh sĩ hướng về ông. Lưu hậu cũng không tìm được khuyết điểm của ông. Mà dù ông có khuyết điểm, chả ai dám đụng vào ông.



Vua Bà Bắc-biên lại gật đầu khen ngợi. Nó tiếp:



- Thế thì hai người xung đột với nhau vì lý do gì? Không thể là quyền hành được. Vì ông ta muốn, thì đã làm vua rồi! Chúng ta phải tìm cho ra tại sao có truyện xung đột.



Thiệu-Cực nói:



- Cuộc xung đột giữa Lưu-hậu với Định-vương có lẽ trong chúng ta biết, chứ triều Tống chưa chắc đã biết. Ngay bọn tùy tùng, mới chỉ có một mình Minh-Thiên biết mà thôi. Hôm trước cậu hai sai Bảo-Hoà với anh Thông-Mai theo dõi sứ đoàn Tống. Sau đại hội Lộc-hà, Minh-Thiên với y kéo nhau ra chỗ kín nói truyện riêng. Bảo-Hoà nghe được. Nguyên văn như sau:



"Minh-Thiên:



- Vương gia ơi! Nếu vương gia không làm việc đó ngay, để Lưu hậu hại Lý thái phi rồi. Sau này hoàng thượng khám phá ra sự thực, ắt tru di tam tộc họ Lưu. Mà cũng không còn kính nể vương gia nữa.



Triệu-Thành:



- Khó quá. Đệ tử sợ mình nói ra, e thiên tử không tin, rồi lộ cho bà biết. Trường hợp đó dĩ nhiên bà phải tổ chức binh biến trong hoàng cung. Tuy đệ tử cầm binh quyền thực, nhưng bà ta ra tay bất thần trong cung thì nguy thay. Nhất là cạnh bà có bốn tên Lê-lục-Vũ, Tôn-đức-Khắc, Sử-vạn Na-vượng, Khiếu-tam-Bản thống lĩnh mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Bản lĩnh bốn lão thế nào, sư phụ đã biết. Chẳng may đệ tử bị họa sát thân cũng không sao. Nhưng bà sẽ hại thiên tử trước, rồi lập một ấu quân lên thay. Sau đó Lý phi cũng bị hại.



Minh-Thiên:



- Việc này hiện mới có Lưu hậu, Lý thái phi, Dương thái phi, với vương gia biết mà thôi. Có còn ai biết nữa không??



Triệu-Thành:



- Những người khác bị giết hết rồi. Chính vì vậy mà bà ta phải chiều đãi Dương thái phi, với đệ tử. Đệ tử biết cái nguy của bà, nên cứ để yên như vậy, khiến bà phải nghe theo đường lối trị quốc của đệ tử. Mặt khác, đệ tử thấy bà có hùng tâm, thời gian qua bà với đệ tử làm cho Tống giầu mạnh hơn xưa nhiều. Vì vậy đệ tử muốn để bà yên.



Minh-Thiên:



- Bà không dám trực tiếp hại vương. Nhưng bà đang tìm cách gài vương phạm lỗi như Đinh-Vị. Bấy giờ bà mới giả nhân, giả nghĩa ân xá cho vương. Nhưng vương không còn uy tín gì nữa.



Triệu-Thành:



- Đúng như sư phụ luận. Cái vụ bà bàn với đệ tử, rồi sai đệ tử đi sứ Chiêm tìm hiểu nội tình các nước Đại-lý, Đại-Việt, Chiêm-thành, Lão-qua, sau sẽ đem quân đánh. Đệ tử tin thực ra đi. Bây giờ mới biết rằng bà muốn mượn tay võ lâm Giao-chỉ hại đệ tử. Hoặc ít ra cũng gây thù chuốc oán với họ. May thay đệ tử thoát chết. Còn vụ trót gây thù oán bây giờ ta làm hòa cũng dễ thôi. Đệ tử định kết thân với võ lâm Việt, rồi làm lộ hết những âm mưu của bà cho họ. Thế là mình được cả tộc Việt thành bạn hữu, họ quay ra chống bà.



Minh-Thiên:



- Cái chìa khóa là Lý-long-Bồ. Nếu kết thân với y được thì lo gì?



Triệu-Thành:



- Kết thân với y không khó. Vì y là đấng anh hùng đời nay. Y muốn gì? Muốn thống nhất tộc Việt. Ta giúp y. Ta lại truyền lệnh biên thần Nam-phương chấm dứt gây hấn với y. Tống-Việt kết thân. Đệ tử tin rằng y vui vẻ ngay.



Minh-Thiên gật đầu:



- Như vậy mọi việc xong xuôi. Còn đối với Lý thái phi, ta ra điều kiện cho Lưu thái hậu rằng: Nếu bà hại Lý thái phi, ta làm đổ bể hết.



- Đệ tử sẽ làm theo lời sư phụ. Theo đệ tử nghĩ, chúng ta chỉ cần kết thân với Khai-Quốc vương, thì trị bốn đại ma đầu cạnh Lưu hậu không khó. Việc này đệ tử đã làm xong một nửa rồi.



- Ý vương gia muốn nói bốn tên Tôn, Lê, Sử, Khiếu cùng mười trưởng lão chuyên dùng độc chưởng khống chế quần thần. Nếu bây giờ kết thân được với Khai-Quốc vương, đương nhiên ta xin vương sai Thiệu-Thái Hoa du, giải độc cho quần thần. Bấy giờ họ không theo Lưu hậu nữa, vương gia sẽ nắm được hết chăng?



- Thưa sư phụ không hẳn thế. Đệ tử muốn nói, chỉ cần một trong Thiên-trường ngũ kiệt giúp ta, dùng phản Chu-sa độc chưởng, thì bọn bốn ma đầu, mười trưởng lão quanh Lưu hậu kinh hồn táng đởm, thần phục ta.



Minh-Thiên nghĩ ngợi một lúc, hỏi:



- Theo như vương gia nghĩ, hai nghi án Huyền-âm độc chưởng cũng do Lưu hậu gây ra ư?



- Đệ tử nghi thôi, chứ chưa chắc. Vì chưởng Huyền-âm tuyệt chủng từ hơn nghìn năm nay, không lẽ nay còn có người biết xử dụng? Cách đâu ít lâu, đại huynh của đệ tử là Sở-vương, trước khi hoăng đã nói rõ cho đệ tử nghe rằng chính Lưu hậu đã hại đại ca, nhị ca, để tam huynh lân làm hoàng đế.



- Bần tăng sợ vương gia bị gian nhân ám hại, nên lúc nào cũng theo sát bên cạnh hầu đề phòng. Bần tăng nào có thấy vương gia làm gì khác lạ đâu, thế mà vương gia bảo đã kết thân được với Khai-Quốc vương? Sự thực ra sao?



- Đệ tử sai Ngô Anh giả mê gái, rồi định giết y. Y trốn sang đầu quân cho Đại-Việt. Tất nhiên Dư-Tĩnh mật tấu với Lưu hậu.



- Việc này có thể qua mắt Dư, nhưng đâu qua mắt được Khai-Quốc vương?



- Đúng vậy. Đệ tử chỉ cần qua mắt Dư mà thôi. Còn đối với người của Đại-Việt, họ cho rằng Khai-Quốc vương giả trúng kế đệ tử, dùng Ngô thông báo tin tức ma cho đệ tử. Nhưng không phải thế. Sau khi theo Khai-Quốc vương, Ngô tìm cách yết kiến riêng, rồi trình bầy thực trạng đệ tử muốn kết thân Tống-Việt. Việc này chỉ có Khai-Quốc vương, Ngô-Anh, với đệ tử biết. Bây giờ thêm sư phụ.



- Mưu kế của vương cao thực. Đến bần tăng cũng không nghĩ tới. À, phải rồi, có phải việc vương gia cố tình thúc cho Nhật-Hồ lão nhân đòi làm vua, là nằm trong mưu đồ chung của Tống-Việt không?



- Vâng. Khai-Quốc vương nhờ đệ tử làm việc đó, để cho Hồng-thiết giáo đòi làm vua. Võ lâm tộc Việt kinh hãi, họ mới chịu ngồi lại với nhau, cùng diệt chúng. Cũng chính đệ tử cung cấp tin tức mụ Hoàng-Liên, tên Đỗ-xích-Thập, Vũ-nhất-Trụ làm gian tế cho ta; hầu Khai-Quốc vương tách thầy trò chúng ra làm nhiều mảnh nhỏ.



- Vương gia làm như vậy có hơi tàn nhẫn với Hoàng, Đỗ, Vũ không?



- Sư phụ ơi! Sư phụ là Bồ-tát đắc đạo, lòng dạ từ bi thì nghĩ thế. Theo như ý đệ tử, ba đứa này là người Việt, võ công lên tới địa vị tối cao. Nếu chúng đi chính đạo, nhất tâm nhất trí phù trợ tộc Việt, thì cái tước vương, tước công đâu có xa gì? Thế mà chúng nhẫn tâm bán rẻ sư thừa, môn hộ, dân tộc, cùng tổ tiên làm tay sai cho ta. Hỏi rằng bọn đó có nên tin chúng không? Huống hồ bản triều lấy Nho-đạo trị dân, nếu đệ tử dung túng chúng, e sĩ dân thiên hạ bất phục. Giết đi ba tên lưu manh, gian xảo, để giữ chính đạo, là điều nên làm».



Tất cả những gì Thiệu-Cực thuyết trình, Khai-Quốc vương đã được báo đầy đủ. Duy đoạn đối thoại cuối cùng đáng lẽ Bảo-Hòa, Thông-Mai báo với vương. Nhưng vụ này này xẩy ra hôm Thuận-Thiên hoàng đế làm lễ tấn phong Thanh-Mai làm vương phi. Vì vậy Bảo-Hòa sai chim ưng chuyển về để Thiệu-Cực báo cho vương.



Vương trầm tư, hỏi vua Bà cùng phò mã Thân-thừa-Quý:



- Anh chị nghĩ sao?



Thân phò mã nói:



- Nội dung cuộc đối thoại rất quan trọng. Trong đó ta thấy mấy điều sau. Một là Lưu hậu có bí mật gì liên quan đến Tống đế cùng Lý phi. Bà sợ bị lộ, nên muốn hại Lý phi. Triệu Thành cũng biết việc đó, vì vậy bà phải thuận theo Thành trong việc trị nước. Hai là Lưu hậu hiện có bên cạnh bốn đại cao thủ Tôn Đức-Khắc, Lê Lục-Vũ, Khiếu Tam-Bản, Sử-vạn Na-vượng mà bản lĩnh hơn Minh-Thiên. Ngoài ra còn mười trưởng lão bang Nhật-hồ. Trong lần đi sứ này, ta phải tìm cho ra những bí ẩn đó. Còn bang Nhật-hồ Trung-quốc hiện tình ra sao?, Thiệu-Cực sẽ trình bầy.



Thiệu-Cực lấy ra mấy cái thẻ tre, rồi nói:



- Sau khi Tống Thái-tổ băng hà. Thái-tông lên ngôi, đem quân sang đánh Đại-Việt thất bại. Ông ta nghĩ đến võ lâm Trung-nguyên. Trước tiên ông ta cho diệt bang Nhật-hồ, để những ai còn nghĩ đến triều Hán, Chu phải tuyệt vọng. Vì bị tập kích bất ngờ, hơn trăm đại cao thủ trong bang bị chết hết. Hai đại cao thủ còn rất trẻ giữ chức vụ Tả hộ pháp, Hữu hộ pháp trốn thoát. Từ hồi đó đến giờ không thấy xuất hiện. Gần đây một bang cực lớn hoạt động đọc sông Trường-giang điều khiển bởi bẩy người xưng Trường-giang thất hùng. Nhưng chúng tàn ác quá, người đời gọi là Trường-giang thất quỷ. Bẩy đứa này chia làm ba nhóm. Đứng đầu là Trường-giang song hùng Phương-Hổ, Phương-Báo. Kế tiếp là Động-đình tam ưng, Tương-giang nhị tiên. Có người cho rằng Trường-giang song hùng chính là hai gã tả, hữu hộ pháp kia. Trường-giang thất quỷ tuy làm đạo tặc, nhưng hai gã họ Phương lại là người của Lưu hậu, chính bọn bang Trường-giang cũng không biết.



Tự-Mai hỏi:



- Thế mà trước em tưởng chỉ có Hồ Dương-Bá với Đỗ Lệ-Thanh sống sót.



- Em nên nhớ rằng bang Nhật-hồ lớn vô cùng. Ba bang trưởng Lưu Trí-Viễn, Quách Ngạn-Oai, Sài Vinh làm vua liên tiếp. Vì vậy bang chúng có hàng ngàn cao thủ làm tướng trấn thủ khắp nơi. Nhà Tống diệt bang Nhật-hồ, đám cao thủ này trốn đi ẩn thân hết.



Tôn Đản hỏi:



- Thực lực bang Nhật-hồ Trung-quốc hiện ra sao?



- Trong trận Tống tấn công bang Nhật-hồ, đệ tử thứ nhì của bang chủ cuối cùng Đỗ Ngạn-Tiêu tên Đặng Đại-Bằng đi vắng, vì vậy y thoát chết. Y âm thầm kết nạp bang chúng, tái lập bang. Hiện thế lực bang này không bằng Hồng-thiết giáo Đại-Việt, nhưng cũng lớn hơn phái Thiếu-lâm, Võ-đang nhiều. Có tin nói bang này khống chế Lưu hậu. Vì vậy Lưu hậu phải tuân lệnh họ, nhận cho mười trưởng lão giả làm thị vệ trong cung. Cũng có tin nói Vũ Nhất-Trụ cung cấp thuốc giải cho bà, vì vậy ngược lại Đặng Đại-Bằng bị bà khống chế. Y nhận sắc phong, làm tế tác cho bà. Y gửi mười trưởng lão để bà sai khiến. Một tin khác nói, không phải vậy, mà gã Tôn-đức-Khắc, Lê Lục-Vũ vốn là tả, hữu hộ pháp Hồng-thiết giáo Đại-Việt theo bà. Cho nên hai tên này giúp bà giải độc vĩnh viễn cho Phương Hổ, Phương Báo, Đặng Đại-Bằng, khiến chúng phải tuân lệnh bà, nhận sắc phong. Sự thực ra sao, ta khó mà biết được. Kỳ này cậu đi sứ, cố dò cho ra.



Vua Bà bảo Khai-Quốc vương:



- Sau hôm đại hội Lộc-hà, Quốc-sư mời các tôn sư võ lâm hội với phụ hoàng. Đường lối ra sao, cậu bảo có nên nói cho các cháu này biết không?



Khai-Quốc vương tỉnh ngộ, bảo mấy sư đệ:



- Đúng ra với tuổi các em, không thể cho biết nội dung buổi họp tuyệt mật này. Nhưng các em đã tham dự vào quốc sự nhiều, công lao cũng không nhỏ. Bây giờ chúng ta lên đường đi sứ kết thân với Tống. Anh muốn các em biết rõ đường lối của triều đình cùng các đại tôn sư võ lâm.