Anh Hùng Bắc Cương
Chương 6 : Cầm Chính Đạo Để Tích Tà Cự Bí -(nguyễn-công-trứ)
Ngày đăng: 12:12 18/04/20
Cầm chính đạo để tích tà cự bí -(Nguyễn-công-Trứ) --
Mỹ Linh kính cẩn mở tất cả ba mươi tờ giấy ra, trao cho Sử Anh. Sử Anh đưa ra trước đọc lớn:
- Hai mươi mốt tờ có chữ Khai-Quốc vương. Bẩy tờ có chữ Lý Long-Bồ. Một tờ có chữ chú hai, một tờ có chữ Bồ nhi. Tổng cộng đủ ba mươi tờ.
Trần Tự-An vẫy tay gọi Khai-Quốc vương:
- Vương gia! Mời Vương-gia lại đây.
Ông tóm lược mọi truyện cho Vương nghe, rồi kết luận:
- Những người viết Khai-Quốc vương hay Lý Long-Bồ khó biết là ai. Nhưng người viết Bồ nhi chắc của sư thái Tịnh-Huyền. Còn người viết chú hai hẳn công chúa Bình-Dương.
Khai-Quốc vương định từ chối, đại sư Huệ-Sinh vẫy tay:
- Đây không phải danh dự gì, mà một nhiệm vụ khó khăn cao cả. Vương gia chẳng nên chối.
Vương thấy sư phụ dạy, chối không nổi. Vương đưa mắt nhìn công chúa Lĩnh-Nam Bảo-Hòa, vua Bà vùng Bắc-biên như hỏi ý kiến. Bà xua tay:
- Cố đi cậu. Ngoài cậu ra, ai đương nổi.
Khai-Quốc vương kính cẩn chắp tay:
- Được các vị cao nhân tiền bối tín nhiệm. Nhất là sư bá, sư phụ cùng cô mẫu truyền lệnh. Long-Bồ này xin tuân theo.
Quần hùng vỗ tay hoan hô.
Đoàn Huy nhớ ơn Thuận-Thiên hoàng-đế ân xá cho ông tội sang Đại-Việt dò thám. Lại thâm cảm Thanh-Mai xả mệnh cứu ông sống. Ông đứng lên nói:
- Chúng ta đã bàn rằng có ba việc phải giải quyết. Một là các phái võ của người Việt, hiện không ở trong lãnh thổ Việt. Hai là vấn đề ủng Lê, ủng Lý. Ba là cử người đấu với Hồng-thiết giáo. Vấn đề thứ ba xin Khai-Quốc vương đảm nhận. Còn hai vấn đề trên. Mong chư vị giải quyết gấp. Riêng phái Thiên-tượng của tại hạ, nguyện làm bất cứ việc gì ngăn cản Hồng-thiết giáo, không thể để họ lộng hành.
Chưởng môn phái Trường-sa đứng lên:
- Phái Trường-sa của tại hạ hứa sẽ tỏ thái độ cương quyết với Hồng-thiết giáo. Chứ không buông xuôi tay đâu.
Thế rồi Kim-Sinh phái Cửu-long. Phủ-Van phái Vạn-tượng. Rat-ta-Na phái Pha-nôm. Chế Ma-Thanh phái Phật-Thệ cùng bang trưởng các bang Hồng-hà, Đông-hải, Quảng-nguyên cũng cương quyết tỏ thái độ với Hồng-thiết giáo.
Khai-Quốc vương đứng dậy nói:
- Thế là nhờ Quốc-tổ, Quốc-mẫu linh thiêng phù hộ cho các vị cùng hướng về đại nghĩa. Chúng ta giải quyết được hai vấn đề. Còn vấn đề ủng Lý, ủng Lê.
Vương đưa mắt nhìn Hồng-Sơn đại phu:
- Hôm qua phụ vương tại hạ đã họp các em, các con. Người cương quyết trả lại quyền cho giòng dõi vua Lê. Người chỉ mong Hồng-Sơn đại phu hứa cho ba điều. Một là không trả thù những tướng lĩnh, quan lại của triều Lê theo Lý. Điều này tại hạ cam kết với phụ vương rằng Hồng-Sơn đại phu làm thầy thuốc, cứu người chưa xuể, hơi sức đâu mà trả thù.
Huệ-Phương ngồi sau đại phu xen vào:
- Đa tạ Vương-gia! Đúng như Vương-gia nói. Phu quân tiện thiếp thấy người ta trầy da, đau bụng còn xót xa. Huống hồ trả thù. Điều này muôn ngàn lần không thể xẩy ra.
Khai-Quốc vương tiếp:
- Hai là giữ nguyên những luật lệ phụ vương tại hạ đã ban hành bấy lâu, khiến cho dân chúng được ấm no, hạnh phúc.
Hồng-Sơn đại phu mỉm cười:
- Còn điều thứ ba?
- Điều thứ ba, xin đại phu hết sức chăm sóc cho các nước Chiêm, Lào, Chân, Xiêm. Bởi họ cũng là con cháu Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Sau đó liên kết với Mân-Việt, Đại-lý. Chúng ta dần dần tìm cách thống nhất Việt tộc lại.
Hồng-Sơn đại phu tính vốn trầm lặng. Ông là thiên tài võ học, thiên tài y học. Cho nên trong tâm nuôi chí phục hồi sự nghiệp của vua cha, bị họ Lý chiếm mất. Ông được Tống hứa. Được phái Đông-a hứa giúp. Sau này có bàn tay của Tống, thêm Nguyên-Hạnh với lực lượng Sơn-tĩnh. Nùng Dân-Phú với lực lượng Quảng-nguyên. Thêm vào đó đạo Chiêm, Lào cùng người Hoa ở đất Việt. Nếu ông khởi binh, đương nhiên thành công. Nhưng thành công rồi, đất nước điêu tàn. Võ phái Sài-sơn, Đông-a đại chiến với Tiêu-sơn, Tây-vu. Hai phái Mê-linh với Tản-viên trước hứa trung lập. Bây giờ phái Mê-linh do công chúa Bình-Dương phái Tản-Viên do Bảo-Hòa làm chưởng môn, ắt theo Lý. Như vậy ông có được nước, cũng chỉ còn một nước điêu tàn. Tống kéo quân sang, liệu có giữ được không? Vạn nhất mất nước, ông trở thành thân bại, danh liệt, mà cái danh tiếng đánh Tống của vua cha cũng tàn phai.
Ông lẩm nhẩm:
- Khốn nỗi, mình đã bàn kế sách với đệ tử. Đã cầu viện được phái Đông-a, nhóm Sơn-tĩnh, châu Quảng-nguyên. Không lẽ nay lại rút lui? Như vậy còn gì thể diện? Trong ba điều kiện Lý Công-Uẩn đưa ra đều chính xác. Bấy lâu, y cai trị dân, làm cho nước giầu thịnh. Bây giờ mình có làm hết sức cũng không hơn.
Ông chưa biết sẽ lui hay tới, chợt nhìn Vũ Thiếu-Nhung. Lòng ông đau quặn lại:
- Huống hồ ta tôn kính Dương Ẩn. Nay, nảy ra y làm trưởng lão Hồng-thiết giáo. Bản phái bị vết nhơ quá lớn. Vợ ta bị Hồng-thiết giáo bắt đi làm điều ô nhục. Ta bất lực không cứu được, phải nhờ con trai Lý Công-Uẩn cứu ra. Việc này vỡ lở, ta không còn làm người được, chứ đừng nói làm vua.
Nét mặt ông đăm chiêu suy nghĩ. Ông nhìn sang bên cạnh: Lâm Huệ-Phương đẹp như thiên tiên. Nàng săn sóc, lo lắng cho ông đủ điều. Ông nghĩ:
- Nếu mình như Khai-Quốc vương, mình không bao giờ nhường nàng cho ai. Thế mà Quốc-Vương cắn răng cho nàng về với mình. Người như vậy, mình bằng thế nào được?
Chợt Huệ-Phương đứng dậy, đến trước Hồng-Sơn đại phu. Nàng lạy phục xuống đất liền bốn lạy. Đại phu kinh hoảng đỡ nàng dậy:
- Huệ-Phương! Có gì không? Tại sao lại hành đại lễ?
Ông phất tay, một kình lực đỡ Huệ-Phương dậy, ông kéo nàng ngồi xuống bên cạnh.
Huệ-Phương đầm đìa nước mắt:
- Anh ơi! Em nghĩ anh có làm vua, bất quá lo xây cái đức của mình cho cao lớn hơn. Trong khi học trò anh, và chính anh cứu chữa cho biết bao nhiêu người. Đức cao vòi vọi rồi. Em sợ anh làm vua, không còn thì giờ cứu chữa cái đau đớn cho vạn dân nữa.
Nàng ngồi sát lại bên đại phu:
Tự-An tiếp:
- Thứ nhì, tôn Lý Công-Uẩn trong ngôi vị Thuận-Thiên hoàng-đế. Người kế tục ngôi hoàng-đế sau Thuận-Thiên hoàng-đế là Khai-Quốc vương.
Lập tức trống thúc nhịp nhàng. Hàng mấy vạn người vỗ tay reo hò. Đợi cho tiếng reo hò dứt, Tự-An tiếp:
- Thứ ba, không chấp nhận để Nhật-Hồ lão nhân làm vua Đại-Việt. Đại-Việt ta là nước văn hiến đã bốn nghìn năm, không thể để dân chúng chịu đi vào đường tà ma ăn thai nhi, uống máu đơ.
Lê Ba lắc đầu:
- Côi-sơn đại-hiệp! Đại hiệp nói vậy e sai. Nước Việt mình từ cổ vốn nước văn-hiến, nhưng tổ tiên ta dùng võ công xây dựng đại nghiệp. Cho nên cần có người văn võ kiêm toàn làm vua. Có như vậy, mới mong bảo toàn được giang sơn. Vừa rồi bọn Tống chẳng mưu làm nhục quốc thể đó ư? Sư phụ cùng anh em chúng tôi đã đem toàn lực ra đuổi được bọn chúng đi. Chúng khâm phục, nhắc rằng ngôi vua phải đo giòng dõi vua Lê hoặc do một tôn sư võ học. Tôi nghĩ tôn sư võ học còn ai xứng đáng hơn sư phụ tôi.
Y ngừng lại, hướng vào quần hùng:
- Huống hồ trong thiên hạ, cứ trăm người, chín mươi chín người quy phục Hồng-thiết giáo. Như vậy phi sư phụ chúng tôi ra, còn ai xứng đáng hơn?
Đến đó giáo chúng Hồng-thiết reo hò vang dội. Trống thúc rung động trời đất.
Nhật-Hồ lão nhân dơ tay một cái, chiêng trống im phăng phắc. Lão vuốt râu nói:
- Bây giờ thế này! Phái nào không phục việc tôn lão phu lên làm vua, cứ việc cử người lên đây đấu. Lão phu hứa rằng, nếu như trong cuộc đấu này, lão phu hay bất cứ đệ tử nào tử thương, giáo chúng Hồng-thiết giáo tuyệt không trả thù.
Tự-An chỉ vào Khai-Quốc vương:
- Nhật-Hồ giáo chủ. Giáo chủ chưa biết đó thôi. Mới đây, đại tôn sư cùng chưởng môn nhân các phái đã quyết định hợp nhất tôn sư huynh Lý Công-Uẩn lên làm hoàng-đế vĩnh viễn, và người kế tục Thuận-Thiên hoàng đế phải là Khai-Quốc vương. Tất cả các tôn sư đều đồng nhất tôn Khai-Quốc vương làm minh chủ mười hai phái, ba đại bang. Vì vậy sẽ không có việc mỗi phái cử người lên tranh phong cùng quý giáo. Nếu quý giáo muốn tranh phong cùng võ lâm Đại-Việt, đã có minh chủ định liệu.
Nhật-Hồ lão nhân cười ha hả, cười rung động quảng trường. Một lúc sau lão chắp tay hướng Khai-Quốc vương:
- Vương gia! Vương gia đã cứu lão phu khỏi chốn lao tù, lại đối xử cực kỳ tử tế với lão phu. Đó là việc tư. Còn những ai chống Hồng-thiết giáo, đương nhiên trở thành giặc của đất nước, lão phu cần tru diệt. Vậy lão phu không thể trả ơn Vương-gia. Mong Vương-gia đừng buồn.
Khai-Quốc vương biết Nhật-Hồ nói gì rồi. Vương muốn y nói rõ hơn, để quần hùng kinh tởm y:
- Lão nhân! Tiểu bối tối tăm qúa, không hiểu tại sao: Ai chống Hồng-thiết giáo, lại trở thành giặc. Cần tru diệt?
Nhật-Hồ cười lớn:
- Dẽ hiểu qúa. Hồng-thiết giáo do thánh Mã-Mặc, Lệ-Anh lập ra, để phá bỏ bọn Thích đần độn, bọn Khổng hủ lậu, bọn Mạnh tham ăn. Hồng-thiết giáo phá bỏ tất cả những gì chúng xướng ra như từ-bi, bác ái, tam cương, ngũ thường. Vì vậy ai chống Hồng-thiết giáo sẽ bị coi như theo thằng Thích-Ca, thằng Khổng, thằng Mạnh cần tru diệt.
Lão chỉ vào đám đệ tử:
- Bây giờ lão phu cả gan xin Vương-gia cử ra ba người đấu với lão phu. Bằng như Hồng-thiết giáo thắng hai cuộc, võ lâm phải tôn lão lên làm vua. Còn ngược lại, Hồng-thiết giáo nguyện quy phục triều đình.
Khai-Quốc vương ung dung đáp:
- Giáo chủ muốn thế, tại hạ đành cam thất lễ. Không biết bên quý giáo, ai sẽ xuất trận đầu? Nhưng này thưa giáo chủ. Nếu giáo chủ muốn lên ngôi vua hay hưng thịnh quý giáo, cũng nên giải thích cho anh hùng Đại-Việt biết rằng quý giáo có phải do bọn Tống đưa lên ngôi vua hay không?
Nhật-Hồ lão nhân vuốt râu:
- Anh hùng thiên hạ, chỉ có Hồng-thiết giáo với phái Đông-a là chống ngoại xâm đến cùng. Vương gia không lẽ không biết điều đó?
Khai-Quốc vương chỉ Đỗ Xích-Thập:
- Thế tại sao trong quý giáo lại có một trưởng lão lĩnh ấn phong hầu của Tống triều. Xin giáo chủ dạy cho một lời.
Tự-An thêm vào:
- Tại hạ cũng chờ giáo chủ minh xác rồi mới quyết định ủng Lý hay ủng Nhật-Hồ.
Nhật-Hồ lão nhân nghĩ nhanh:
- Tên này muốn ta giết bọn trưởng lão gian tế của Tống, chính điều ta cầu mà không được. Huống hồ diệt mấy tên trưởng lão già nua, vô dụng để được phái Đông-a, còn gì hay hơn.
Lão đưa mắt nhìn Xích-Thập:
- Người phải chứng minh rằng không làm gian tế cho Tống ngay. Bằng không sẽ nguy lắm đấy.
Đỗ Xích-Thập nghe Nhật-Hồ nói; cảm thấy lạnh gáy, y chỉ tay vào mặt Tự-An:
- Tên nhà quê kia! Mi không đủ tư cách bàn việc nội bộ của Hồng thiết giáo. Xuống đài ngay. Từ lúc đến đây, tên ôn con Tự-Mai đã làm ta muốn điên tiết lên rồi. Mi không xuống đài, đừng trách ta.
Quảng trường có tới mấy vạn người, khi nghe Xích-Thập nói câu đó đều nín thở, rùng mình, kinh khủng. Vì võ lâm Đại-Việt có hai môn phái hùng mạnh cực kỳ là Tiêu-sơn với Đông-a. Tiêu-sơn do Bồ-tát Minh-Không làm chưởng môn, dù người nào phạm vào phái này, với lòng từ bi hỉ xả, ngài bỏ qua. Nhưng phái Đông-a lại khác. Thiên-trường ngũ kiệt lòng dạ như biển, ai nhờ gì cũng xả thân ra giúp. Ngược lại ai xâm phạm vào họ, e khó sống được dưới trần gian.
Tự-An nhìn Xích-Thập với con mắt khinh bỉ:
- Quân mặt dầy. Mi không có nước, mà còn mưu bán nước. Mi không đủ tư cách nói truyện với ta.
Xích-Thập vung tay phát chiêu Ác-ngưu nan độ tấn công Tự-An. Y biết, võ công Tự-An cao thâm không biết đâu mà lường, nên y vận đủ mười thành công lực. Công lực y cực kỳ thâm hậu nên kình phong ào ào ập xuống.
Tự-An xuất chiêu Đông-a chưởng pháp Đông-hải lưu phong đánh thẳng vào người y. Bình một tiếng, đài rung rinh như muốn muốn sập. Tự-An cảm thấy khí huyết đảo lộn, trong khi Xích-Thập lùi liền ba bước, tai y kêu lên những tiếng vo vo không ngừng.
Khai-Quốc vương nói lớn:
- Trận thứ nhất võ lâm Đại-Việt đấu với Hồng-thiết giáo.