Anh Hùng Tiêu Sơn

Chương 23 :

Ngày đăng: 12:10 18/04/20


Vạn Thảo Sơn Trang - ---nh Nam Vũ Kinh



Ông cật vấn Lê Văn về những diễn biến xẩy ra. Từ lúc nó đãi cơm Mỹ-Linh cho đến khi luyện kiếm cùng nàng. Sau đó nó cùng Thiếu-Mai phục phía trước nhà sàn theo dõi bọn Triệu Huy.



Nghe Lê Văn kể, mặt Hồng-Sơn đại-phu đờ ra.



Ông bảo Lê Thiếu-Mai:



- Con hãy chiết mấy chiêu với công chúa cho bố xem.



Thiếu-Mai biết bố mình muốn tìm hiểu võ công Mỹ-Linh. Nàng chắp hai chưởng vào nhau:



- Công chúa, tôi xin công chúa chỉ điểm cho mấy chiêu.



Nói rồi nàng từ từ đẩy ra một chưởng. Mỹ-Linh vốn đã úy kị bọn Triệu Huy, thế mà hôm trước trên đường đến đây, nàng thấy Thiếu-Mai đánh một chiêu làm Ngô Tích, Triệu Huy lạc bại. Bây giờ Thiếu-Mai thách đấu, nàng tự biết muôn ngàn lần mình không thể đối chiêu với bậc tiền bối này. Tuy vậy nghĩ đến nét mặt Hồng-Sơn đại-phu coi khinh ông nội mình, Mỹ-Linh bỏ ra ngòai sống chết, vận khí xuất một chiêu trong Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng đỡ. Bộp một tiếng, Thiếu-Mai rung động toàn người, bật lui hai bước. Trong khi Mỹ-Linh cũng lùi liền ba bước.



Khi thấy Mỹ-Linh vận khí phát chiêu, Thanh-Mai lo lắng cho nàng, không chết cũng bị thương. Nào ngờ kết qủa chính Thanh-Mai cũng không ngờ tới. Nàng nhủ thầm:



- Kỳ lạ không. Công lực Mỹ-Linh vốn thua xa cả Tự-Mai, Bảo-Hòa. Không hiểu sao, ta mới xa nàng có mấy giờ, mà công lực nàng bỏ xa bọn Triệu Huy đã đành, mà còn muốn hơn Thiếu-Mai nữa. Chiêu vừa rối rõ ràng nàng không biết phát lực, bằng không, mình e Thiếu-Mai cũng thua.



Thiếu-Mai hít một hơi, vận khí tiến lên phát chưởng nữa. Chưởng phong ào ào phát ra. Mỹ-Linh cũng hít một hơi, phát chiêu Tiêu-sơn Tượng đầu chưởng tên là Nhu huyễn hư không. Đây là chiêu âm-nhu, đặt cơ sở trên chữ không nhà Phật. Chưởng phong không có gió. Bộp một tiếng, chưởng của Thiếu-Mai mất tăm mất tích. Nàng lảo đảo lùi lại. Trong khi đó mặt Mỹ-Linh đỏ tươi lên như uống rượu. Nàng đứng im bất động. Rõ ràng thắng bại đã phân.



Hồng-Sơn đại-phu hỏi con gái:



- Cái gì vậy?



- Con không biết nữa. Chưởng phong của con bị hút mất. Tay trở thành vô lực.



Thiếu-Mai lại tấn công bằng một kỳ chiêu. Vốn liếng võ học Mỹ-Linh chỉ có mấy bài quyền nhập môn của phái Tiêu-sơn, và pho Tiêu-sơn Tượng-đầu chưởng. Nàng thấy chiêu số Thiếu-Mai tinh diệu, kỳ ảo, thì bỏ ra ngoài sống chết, cứ tùy chiêu chống đỡ.



Những người ngoại cuộc, từ Hồng-sơn đại phu cho tới bọn Ngô Tích, Thanh-Mai đều kinh ngạc không ít. Vì Thiếu-Mai thì chiêu số kỳ diệu, kinh nghiệm dư thừa, công lực hùng mạnh. Còn Mỹ-Linh chỉ có mấy chiêu quyền thô sơ, chống đỡ ngượng ngập. Nhưng cứ mỗi chiêu nàng đánh ra, nội lực như thác đổ, như băng tan, khiến Thiếu-Mai không thắng được nàng.



Bọn Ngô Tích nhìn nhau nghĩ thầm:



- Bọn mình đáng chết thực. Bấy lâu giam giữ con nhỏ này mà không hề biết công lực nó cao thâm như vậy. Thôi rồi, chắc nó giả tảng để dò xét hành tung bọn mình đây. Bây giờ mình khám phá ra thì đã muộn.



Ngay chính Mỹ-Linh, nàng cũng không biết công lưc ở đâu sinh ra hùng mạnh như thế. Bình bình, bình nàng đỡ liền ba chiêu của Thiếu-Mai. Trong khi mải suy nghĩ, tòng tâm xử dụng, vô tình đúng vào lý thuyết vô nhân tướng, vô ngã tướng, vô chúng sinh tướng trong kinh Kim-cương, nội tức ào ào tuôn ra. Thiếu-Mai bật lui đến bốn năm bước mới đứng vững. Chân khí trong người gần như bị tuyệt.



Hồng-Sơn đại-phu cũng như Mỹ-Linh không hiểu là phải. Hơn nghìn năm trước, công chúa Trần Năng được Khất-đại-phu thu làm đệ tử. Ông truyền nội công dương cương của phái Tản-viên cho đệ tử. Trong lần viếng thăm núi Tam-sơn trên hồ Động-đình, Trần Năng được Bồ-tát Tăng-giả nan-đà giảng kinh Lăng-gìa, rồi kinh Bát-nhã cho. Bà hiểu, mà không biết áp dụng vào việc luyện nội lực. Phải đợi đến trận đánh đồi Vương-sơn, giữa lúc bà đấu với Trần Nghi-Gia đến chỗ nguy kịch. Tăng-giả Nan-đà bèn đọc đoạn đầu kinh Lăng-già lên. Trần Năng ngộ được, chuyển vào nội lực, mà thắng Trần Nghi-Gia, rồi thắng luôn chồng y là Phan Anh.



Sau đó trong trận đánh Trường-sa, Trần Năng giao chiến với đám đệ tử của Lê Đạo-Sinh là Đức-Hiệp, Hoàng Đức, Võ Hỷ, Ngô Tiến-Hy. Bốn người đấu nội lực với bà. Bà áp dụng phép không tâm, lập tức trong người như chiếc hồ rỗng. Bao nhiêu chân khí của đối thủ bị thu vào hết.



Sau này Bắc-bình vương Đào Kỳ cùng công-chúa Phùng Vĩnh-Hoa chép bộ Lĩnh-Nam võ kinh cũng chép phương pháp tổng hợp Thiền-công của Trần Năng vào. Nhưng vì sợ võ kinh lọt vào tay quân thù, công chúa Nguyệt-Đức xen vào bằng bẩy mươi hai thuật ngữ đặc biệt. Trần Năng đặt ra bài ca khuyết giải thích các thuật ngữ đó. Bà truyền miệng cho đệ tử. Khi bà tuẫn quốc, võ công của bà tuy thất truyền, nhưng khẩu quyết vẫn còn lưu lại. Hồi thành lập phái Mê-linh, một trong hậu duệ của Trần Năng đem bài ca khuyết đó dạy cho sư thái Tịnh-Huyền. Tịnh-Huyền truyền cho Mỹ-Linh. Do vậy Mỹ-Linh luyện thành.



Luyện Vô-ngã tướng thiền công cực khó, mà cực dễ. Thứ nhất phải hiểu đến cùng kỳ cực kinh Kim-cương. Thứ nhì, tâm tính phải đơn thuần. Như trong trận đồi Vương-sơn, Trưng Nhị, Sa-Giang cực kỳ thông minh, lại không giác ngộ, hiểu được. Trong khi tâm tính Trần Năng đơn sơ, chỉ nghe qua, đã vào tới cõi Vô-thượng Bồ-đề.



Mỹ-Linh quả có cơ duyên kỳ lạ. Nàng được học chữ Khoa-đẩu. Được một cao tăng đắc đạo giảng dạy thực kỹ kinh Lăng-gia, Kim-cương, Bát-Nhã. Rồi vô tình theo chú ra ngoài, bị bọn Đàm An-Hoà giam trong nhà tù, được Tịnh-Huyền truyền cho bài ca khuyết Long-biên kiếm pháp cùng Vô-ngã tướng Thiền-công. Tâm tính nàng lại đơn giản. Do vậy nàng luyện thành một thần công vô thượng của thế gian.



Hôm ở trong hầm đá, Mỹ-Linh đọc đến đọan này trên bia, nàng âm thầm luyện thử, song chỉ thấy trong lòng trống rỗng. Nàng có cảm tưởng bao nhiêu nội lực Tiêu-sơn luyện từ nhỏ mất hết. Nhưng trong người khỏe mạnh vô cùng. Nàng không biết, cho rằng nội lực bị tiêu hao, chứ đâu có biết nội lực chuyển vào đơn điền, và trở thành sức hút. Nàng hoảng sợ, vội bỏ không luyện nữa. Song từ nhỏ, mỗi tối đi ngủ, nàng đọc kinh Bát-nhã đã quen, vì vậy trong giấc ngủ, tiềm thức làm việc, nàng lại vận công theo trong Lĩnh-Nam vũ-kinh. Sau gần tháng, nội lực Tiêu-sơn trong người nàng đã qui liễm xong. Người nàng như một cái bình trống không. Khi đấu với anh em Ngô Tích, họ định dùng nội lực hại nàng. Không ngờ bao nhiêu nội lực bị nàng thu mất. Đinh Toàn nhập cuộc, cũng không tránh khỏi tai kiếp. Vì vậy trong người nàng hiện chứa nội lực của ba cao thủ. Cho nên khi Hồng-Sơn đại phu phát chiêu thăm dò, mới thấy trong người nàng có nội công Tiêu-sơn, Hoa-lư và Thiếu-lâm.



Hồng-Sơn đại-phu phất tay:



- Công chúa, người đã thắng con gái ta. Vậy người có thể rời sơn-trang được rồi. Nhưng ta có một thắc mắc, người học võ với thằng bé con Lý Long-Bồ, được phong cái gì Khai-quốc vương. Tên này tuy võ công cao thực, nhưng ta e cũng không hơn công-chúa. Vậy ai mới đích thực là sư phụ của công-chúa?



Tính Mỹ-Linh chân thực, nàng đáp:



- Thưa tiên sinh, từ nhỏ cháu học võ khai tâm với vương-mẫu. Vương-mẫu là đệ tử phải Mê-linh. Sau lớn lên cháu học với thúc-phụ và cuối cùng được đại-sư Huệ-Sinh thu làm đệ tử.



Hồng-Sơn đại-phu nghĩ thầm:



- Tất cả những người dạy con bé này đều không có gì xuất sắc. Lão thầy chùa Huệ-Sinh dường như đắc đạo thành Bồ-tát rồi, song khó có thể luyện cho đệ tử có công lực cao thâm ở tuổi nhỏ như vậy? Không chừng nó có cơ duyên ăn được thức ăn gì đặc biệt, nên công lực mới đầy ắp mau chóng đến thế.



Mỹ-Linh chỉ Bảo-Hòa, hỏi đại-phu:



- Tiểu bối đa tạ tiên-sinh quá khen. Chẳng hay tiên sinh có thể cho chị Bảo-Hòa cùng đi chăng?



Hồng-Sơn đại-phu lắc đầu:



- Có hai điều kiện. Một là Bảo-Hòa không được nhận lão Lý Công-Uẩn làm ông ngoại. Hai là thị có thể đỡ được của Thiếu-Mai mười chiêu.



Mỹ-Linh xịu mặt xuống:



- Chị em tiểu nữ đi cùng đi. Về cùng về. Tiểu nữ xin ở lại đây cùng chị Bảo-Hòa.



- Được, công chúa cứ tự tiện.



Mỹ-Linh dẫn Bảo-Hòa trở về căn nhà sàn. Trải qua cuộc đấu võ, hai người đặt mình xuống là ngủ liền.



Bảo-Hoà tỉnh giấc vào giữa đêm, vì chỗ Hồng-Sơn đại phu phóng thuốc vào đau đớn vô cùng. Nàng mở cửa ra sân, nhìn trăng, ngắm hoa. Nàng nhớ lại hồi theo dõi bọn Địch Thanh, có một đêm trăng, nàng đã cùng nhà sư trẻ ngồi bên bờ suối nói truyện suốt đêm. Từ đó trong tâm nàng thường nghĩ đến nhà sư luôn. Nàng thở dài:



- Dù ta có thương nhớ chàng. Chung cuộc vẫn như hoa trong gương mà thôi. Chàng... chàng là một nhà sư.



Chợt nàng để ý thấy có bóng một người, ánh trăng chiếu nghiêng xuống sân. Thình lình nàng quay trở lại. Bóng đó chính là nhà sư, mà nàng thương nhớ bấy lâu. Cho rằng đây là một giấc mơ, nàng hỏi:



- Có phải anh đấy không?



Nhà sư rời chỗ nấp, tiến tới. Bảo-Hòa ngả vào lòng chàng. Nhà sư ôm chặt lấy Bảo-Hoà. Hai người lặng đi giờ lâu.



Trên không, một đám mây trắng che lấp mặt trăng. Có tiếng vạc ăn đêm kêu não nùng, pha lẫn với tiếng dế.



Nhà sư hỏi:



- Bảo-Hoà! Em bị trúng độc đấy ư?



- Đúng thế. Độc chất đã được Lê Văn cho uống thuốc giải hết rồi. Nhưng em bị đại phu phóng Hàn-ngọc đơn vào đầu gối, không đi xa được.



Nhà sư nói:



- Để anh dùng nội công trục bớt chất độc Hàn-ngọc băng ra cho em bớt đau. Sau đó, phải dùng châm cứu trị mới được.



Nhà như đỡ Bảo-Hoà ngồi xuống ghế, đối diện với mình, rồi áp hai tay ông vào hai bàn tay Bảo-Hòa. Bảo-Hòa rùng mình, cảm thấy như người bị ném vào lò lửa. Lát sau, mồ hôi nàng xuất ra như tắm.



Khoảng ăn xong bữa cơm, Bảo-Hoà cảm thấy buồn ngủ đến không mở mắt ra được. Nhà sư thu tay về, rồi nói với Bảo-Hòa:



- Thôi em vào nhà ngủ đi.



Nói rồi ông hôn phớt lên má nàng một cái, vọt mình biến vào màn đêm.



Hôm sau hai chị em tỉnh giấc, thì mặt trời lên cao. Mỹ-Linh xuống suối rửa mặt, dùng tay vốc nước uống. Nước suối thực trong, mát vô cùng. Muì hương, mùi hoa đưa lại ngào ngạt.



Hai chị em rảo bước, hướng chân núi dạo chơi. Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng, vì rõ ràng mới hôm qua, Bảo-Hoà bị trúng Hàn-ngọc đơn, đi đứng cực kỳ khó khăn, mặt tái xanh, mà bây giờ, nàng bước đi thoăn thoắt, da mặt tươi hồng như không hề trúng độc.



Bảo-Hòa nhìn đường lối trong trang chằng chịt, than:



- Cách đây mấy ngày chúng mình thăm Vạn-hoa sơn-trang đã cho là rộng, không ngờ Vạn-thảo sơn-trang còn rộng hơn. Hôm qua Lê Văn chỉ cho chúng mình cách phân biệt đường lối, chứ không, lỡ lạc đường vào vùng trồng cây-cỏ độc thì e mất mạng.



Mỹ-Linh nhìn những luống hoa thơm bạt ngàn, đỏ, vàng đủ mầu, mà nàng không biết tên. Nhiều lúc nàng định hái hoa chơi. Nhưng nghe lời Lê Văn dặn rằng phàm những hoa trong trang mà không biết tên thì tuyệt đối không nên đụng chạm vào. Ngay những hoa có biết tên, cũng không nên hái. Hoa này không độc, nhưng mang theo bên mình, tới vùng có thứ hoa khác ,mà hai thứ hợp với nhau, sẽ thành độc tố rất nguy hại.



Qua hơn trăm luống trồng cây thuốc, tới chân ngọn đồi. Trên đồi trồng toàn thông. Gió thổi, lá thông reo vi vu như những tiếng than thở của cặp tình nhân không trọn vẹn.




Triệu Thành đứng dậy cho mọi người hoan hô.



Dương Bình lại tiếp:



- Tùy tòng vương gia, còn có Minh-Thiên đại-sư, thủ tọa Đạt-ma đường chùa Thiếu-lâm, và đại-nhân Vương Duy-Chính, xuất thân tiến sĩ, cũng là cao thủ phái Võ-đang, hiện đang giữa chức chuyển-vận-sứ vùng Quảng-tây.



Triệu Thành đứng lên vận nội lực nói lớn:



- Thưa Hồng-Sơn tiền bối. Thưa các vị huynh, đệ, tỷ, muội. Bản nhân được chỉ dụ của hoàng huynh kinh lý vùng phía nam hoàng-triều cương thổ. Khi còn ở Trung-nguyên, tại hạ đã nghe danh đại-phu như sét nổ bên tai. Nào võ công đệ nhất Nam-thiên, nào y tài không thua Hoa-Đà, Biển-Thước. Cho nên bản nhân qua đây, xin có chút lễ mọn kính tặng tiên sinh, trước tỏ lòng biết trọng hiền của thiên tử. Sau là trọng thưởng đức cứu nhân độ thế của tiên sinh.



Y vẫy tay một cái, Vương Duy-Chính cởi túi trên lưng ra, mở nút, đổ xuống cái mâm để trước mặt, hai tay đưa cho Hồng-Sơn đại-phu. Đại-phu tiếp lấy bỏ xuống bàn.



Vương Duy-Chính cầm danh thiếp đọc:



- Vàng khối một ngàn lạng. Bạc khối năm ngàn lạng. Ngọc bích mười viên, kim cương mười hạt, hồng ngọc năm hạt.



Vương Duy-Chính tiếp:



- Gấm Thục một trăm tấm, hãy còn để ngoài xe.



Vương Duy-Chính về chỗ ngồi. Hồng-Sơn lão nhân hỏi Triệu Thành:



- Xin vương gia tâu lên đức Hoàng-đế rằng, tên thôn phu Lê Long-Mang này xin có lời đa tạ hoàng đế bệ hạ ban thưởng. Chẳng hay vương gia chỉ ghé thăm ban thưởng, hay còn có chỉ dụ gì khác?



Triệu Thành đứng lên nói:



- Từ khi nhà Đại-tống thuận mệnh trời cai trị thiên hạ đến giờ. Các vị tiên hoàng không ngớt hướng về phương Nam này, là nơi rồng nằm hổ phục, nhân tài như sao sa. Năm trước đây đức hoàng đế mở khoa thi võ. Ngài tuyển một trạng nguyên, hai bảng-nhãn, bốn thám-hoa, và mười lăm tiến sĩ. Cộng chung ba mươi hai người. Ba mươi hai người đang từ một võ-sĩ, phút chốc lên cầm quyền đại tướng quân, hiển hách uy danh.



Y ngừng lại một lát rồi tiếp:



- Tuy nhiên trong ba mươi hai vị đó, không có vị nào người Việt cả. Mà đất Việt vốn là nơi xuất phát nhiều nhân tài. Thời Âu-lạc, Lý Thân được phong Vạn-tín-hầu. Thời Đông-Hán, Đào Kỳ được phong Hán-trung vương. Nghiêm Sơn được phong Lĩnh-nam vương. Đô Dương được phong Đô-đình hầu...đó chẳng là những người vang danh thủa nào ư? Năm tới đây, hoàng thượng lại mở khoa thi võ nữa. Vì vậy bản nhân tới đây mời tất cả các vị thuộc sơn-trang, vào ngày rằm tháng tám sang năm, nhớ đến Biện-kinh ứng thí.



Thanh-Mai ghé tai Lê Văn hỏi nhỏ:



- Tại sao đại-phu không có phản ứng gì vậy?



Lê Văn cười:



- Bố em có cái ưu điểm là bất cứ việc gì ông cũng không phản ứng ngay. Ông suy nghĩ cẩn thận rồi quyết định. Khi ông đã quyết định thì trời gầm ông cũng không đổi. Đối với việc này, lát nữa chị sẽ thấy.



Dương Bình đứng lên hướng vào cử tọa hỏi:



- Các vị đồng trang, các vị có ý kiến gì không?



Một vị mặc quần áo nâu, râu dài, vóc người mảnh mai đứng lên nói:



- Thưa trang chủ, thưa qúi khách. Lão là Lê Anh, chưởng-quản viện Âu-Cơ xin có đôi lời thắc mắc với Bình-nam vương gia. Theo như tiểu nhân được biết, thì niên hiệu Thuận-thiên thứ tám của đức hoàng-đế Đại-Việt, sứ thần Đại-tống phong cho hoàng đế Đại-Việt tước Nam-bình vương. Không hiểu tại sao vương gia đang là Bình-tây vương, cầm quyền chinh phạt Tây-hạ, Thổ- phồn, Tây-liêu, lại được cải phong là Bình-nam vương. Dường như Tống thiên-tử muốn ủy cho vương gia đánh chiếm Đại-Việt thì phải!



Vương Duy-Chính đứng lên:



- Không phải thế đâu. Tước Bình-nam vương của vương gia chỉ với mục đích chỉnh đốn lại cương vực phía Nam mà thôi. Chứ không có ý nghĩa nào khác.



Dương Bình hướng về Triệu Thành lễ hai lễ:



- Như vậy thì coi như nhà Đại-Tống không muốn gây chiến ở phương Nam. Thực là phúc đức.



Huệ-Phương đứng lên. Chiếc áo màu đỏ, phất phới bên chiếc khăn choàng cổ cùng dây lưng vàng, khiến nàng phiêu hốt như tiên nữ. Nàng hướng vào Triệu Thành vái một vái:



- Tiểu nữ có vài thắc mắc xin vương-gia giải đáp cho.



Triệu Thành thấy nàng đẹp như thiên tiên thì ngây người ra:



- Cô nương đây là...



Dương Bình đáp:



- Vị này là sư mẫu của chúng tôi.



Triệu Thành ngây ngất, lắp bắp nói:



- Thì ra Vạn-thảo sơn-trang chủ mẫu, tôi không biết lại tưởng là vị tiên nào giáng hạ. Không biết phu-nhân có điều chi thắc mắc?



Huệ-Phương vẫy tay một cái. Hai nữ đệ tử khiêng ra cái khung dựng đứng. Trên khung có cái trục lớn. Huệ-Phương cởi dây, trục mở ra một tấm lụa lớn bằng bốn cái chiếu, trên vẽ bản đồ. Triệu-Thành nhận ra đó là bản đồ biên giới vùng Hoa-Việt.



Bảo-Hòa, Mỹ-Linh kinh ngạc vô cùng, vì tấm bản đồ này hai người đã thấy ở bản doanh của biên-phòng Bắc-biên và tại Khu-mật-viện Thăng-long.



Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:



- Chị Thanh, chị thử đóan xem tại sao Huệ-Phương lại có tấm bản đồ giống hệt như tấm ở bản doanh cô hai cũng như ở Khu-mật-viện?



Thanh-Mai lắc đầu:



- Chị không rõ. Chúng ta cứ chờ xem.



Huệ-Phương chỉ lên bản đồ:



- Thưa vương-gia, hồi vua Hùng, vua Thục, vua Trưng, ranh giới Đại-Việt tôi Bắc tới tới hồ Động-đình. Tây giáp với Thục. Bây giờ chỉ còn lại một phần năm. Hiện giữa Trung-quốc với Đại-Việt tiếp giáp với nhau bằng 207 khê-động. Những khê-động này, nguyên gốc từ Tây-vu. Sau khi vua Bà tuẫn quốc, các động-chủ, trang chủ vùng đồng bằng bị Mã Viện truất quyền, thành lập làng-xã, quận huyện. Nhưng vùng Bắc biên tòan rừng núi, các trang chủ động chủ cương quyết kháng chiến, thành ra trải hơn nghìn năm Bắc thuộc, nay vẫn tồn tại. Vấn đề được đặt ra là: Hiện những trang, động chủ qui phục hoàng-đế Đại-Việt. Tại sao các quan nam biên của Tống lại cứ tìm cách mua chuộc, đe dọa, bắt họ bỏ Đại-việt theo Tống?



Triệu Thành ngơ ngác:



- Tôi không hề biết truyện này.



Lúc nghe Dương Bình tuyên bố Hồng-Sơn đại-phu mới tuyển được vợ. Mọi người trong trang đều lo sợ sẽ gặp người đàn bà ngu dốt, ương ngạnh như đời vợ trước của đại-phu. Bây giờ thấy Huệ-Phương đã xinh đẹp, sắc sảo, lại tỏ ra hiểu biết đại cuộc. Nàng mới đặt một câu hỏi, đã làm cho Bình-nam vương nhà Tống luống cuống.



Huệ-Phương mỉm cười rất tươi chỉ lên bản đồ:



- Vương gia lịch sự không muốn nói ta chẳng thèm trả lời con nha đầu Nam-man. Chứ sự thực vương gia nào phải không biết. Này vương gia ơi, Khu-mật-viện nhà Tống gồm những đại-thần có tài kinh thiên động địa. Hoàng-đế lại không tiếc tiền, sai hàng chục đoàn do thám sang Đại-Việt. Tể-thần Khấu Chuẩn cũng là danh sĩ Trung-quốc đã từng nói các nước Giao-chỉ, Tây-hạ, Đại-lý... mỗi ngày bò, lợn đẻ thêm bao nhiêu con, Khu-mật-viện đều biết hết. Vương gia trực tiếp chưởng-quản Khu-mật-viện lại không biết thì hơi lạ.



Triệu Thành hỏi Vương Duy-Chính:



- Lạ thực, những việc lớn như thế mà tại sao biên thần không tâu về triều? Có lẽ họ không theo dõi chăng?



Huệ-Phương mỉm cười:



- Vương gia cứ giả tảng hoài. Ngoài Khu-mật-viện ra. Nhà Đại-Tống còn ba cơ quan lớn nữa theo dõi, chỉ huy những đoàn do thám sang Đại-Việt, đó là Quảng-nam lộ, Quảng-tây lộ và Quảng-đông lộ. Mỗi lộ này dân đông hơn dân nước tôi, đất rộng hơn Đại-việt.



Nàng chỉ vào Vương Duy-Chính:



- Vương chuyển-vận-sứ! Có đúng không?



Vương Duy-Chính giả vờ ngơ ngác:



- Ty chức không hiểu. Xin phu nhân nói rõ hơn.



Huệ-Phương cười:



- Vương đại-nhân không muốn nói, thì tiểu-nữ nói vậy.