Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 10 : Trăm năm chữ tòng

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Tiếng Bảo-Hòa vẫn nhắc Lê Văn. Nó nhìn nhà vua rồi nói:



- Mắt của đại ca là mắt rồng, mũi lân, miệng sư tử. Tướng đi ngay, mắt nhìn thẳng. Ôi! Thực đệ chưa từng thấy ai có quý tướng như vậy.



- Liệu ta thi tiến sĩ có đậu không?



- Không! Đại ca không thể là tiến sĩ, vì thi không bao giờ đậu, nhưng văn mô, vũ lược đến bậc thầy tiến sĩ cũng không bằng. Đại ca sinh trong gia đình cực kỳ phú quý. Nhưng vừa sinh ra đã gặp bất hạnh, phải ly cách một trong hai thân.



Nhà vua gật đầu:



- Giỏi.



- Đại ca có mẹ nuôi. Mẹ là người học ít, mà thành công lại nhiều. Chính nhờ người này, mà đại ca có công danh sự nghiệp vượt hơn anh em mình.



- Giỏi.



- Đại ca được đến sáu anh em. Người nào cũng có sự nghiệp hiển hách, nhưng không thể nào bằng đại ca.



- Đúng qúa.



- Đại ca là người nhân từ, bình dị ít thấy trên đời.



Cứ thế Lê Văn đoán trúng ba mươi sáu câu. Nhà vua hỏi:



- Văn đệ nói ta sắp gặp biến cố lớn trong đời. Biến cố đó tốt hay xấu?



Lê Văn nháy mắt cười:



- Vấn đề này cực kỳ quan trọng. Đệ xin đoán, nếu trúng, sau này đại ca phải làm cho đệ một việc.



Nhà vua nhớ lại vụ bán núi của tổ tiên xưa, nên cẩn thận hơn:



- Việc gì, Văn đệ phải nói trước, xem ta có đủ sức không đã?



- Dễ lắm, nếu bọn đệ dự thi, trường hợp có thể, đại ca gà cho bọn đệ trúng tuyển. Thế thôi.



Nhà vua quên mất mình đang giả làm Nho-sinh, ông nghĩ thầm:



- Thằng bé này định thi tiến sĩ chắc? Tài của nó cho đến ba lần trạng nguyên cũng đáng. Ta nên hứa.



Nhà vua dơ tay:



- Ta hứa giúp.



Lê Văn nói nhỏ vào tai nhà vua:



- Từ trước đến giờ đại ca như cọp trong chuồng, voi trong cũi, phượng hoàng trong lồng. Chỉ nay mai thôi, có quý nhân phương xa tới sẽ phá cũi xổ lồng. Đại ca gặp mọi sự như sở cầu.



Nhà vua nắm tay Lê Văn:



- Ta sẽ tặng Văn đệ ba mươi sáu bài thơ.



Mỹ-Linh từ trong chạy ra, nàng kéo tai Tự-Mai:



- Em giả thái giám vào cấm thành chơi đấy à?



- Giả mà thực.



Mỹ-Linh cốc lên đầu Tự-Mai:



- Giả hay thực không thể giống nhau. Em đừng quên rằng mình đi sứ để kết hiếu. Kết hiếu mà làm truyện phi pháp sau lưng hoàng đế Tống, như vậy là vô phép, là thiếu tự trọng.



Tự-Mai lè lưỡi trêu Mỹ-Linh:



- Đúng là ngôn từ của công chúa, cha mẹ dân.



Nó chắp tay:



- Tấu lạy công chúa điện hạ. Hạ thần thấy Thiên-tử Tống lâm nguy, phải giả thái giám cứu người. Sau đó được Thiên-Thánh hoàng đế ban thưởng bằng cách cho phép mặc quần áo thái giám, rồi dắt đi khắp cấm thành.



- Thực không?



- Nếu em nói dối thì không đáng làm em bà chị xinh đẹp nữa. Em nói cho chị mừng, Hoàng-đế còn rót sâm thang thưởng cho em uống.



Nó chỉ nhà vua:



- Có anh Lê Luyện làm chứng. Anh là Nho-gia chính tông, anh không nói dối đâu.



Mỹ-Linh thấy nhà vua, hỏi:



- Ai đây?



- Anh bạn mới của em tên Lê Luyện. Anh là nhà Nho.



Mỹ-Linh cúi chào:



- Kính chào Lê công tử. Mời công tử vào chơi.



Nhà vua thấy Mỹ-Linh, trong lòng nảy ra mối cảm hoài:



- Cứ như Tự-Mai nói, cô này là Lý Mỹ-Linh, được phong công chúa Bình-Dương đây. Gái Việt đẹp thực. Trong hậu cung mình làm gì có người như thế này. Những lời nàng trách Tự-Mai, tỏ ra Đại-Việt có thiện chí kết hiếu với Tống bằng tất cả chân tình. Hà! Một cô gái, cháu nội Lý Công-Uẩn mà tư cách đã như thế này, thì đủ biết y đạo đức biết chừng nào! Tự-Mai nói đúng. Bọn biên thần của mình tâu láo hết.



Nhà vua nắm tay Tự-Mai:



- Công chúa yên tâm. Chính mắt tôi hấy Thiên-tử dắt tay nhị đệ dạo chơi khắp cấm thành. Người còn lưu nhị đệ ngủ tại tẩm cung nữa.



Mỹ-Linh dặn Tự-Mai:



- Em nhớ nhé, tuy Thiên-tử kết huynh đệ với em, nhưng vẫn phải giữ lễ. Em đừng quên Định-vương Nguyên-Nghiễm là sư phụ, là chú thiên tử, mà người vẫn giữ lễ như quần thần.



Tự-Mai biết câu này Mỹ-Linh dặn thực. Nó tỉnh ngộ:



- Dĩ nhiên trước mặt mọi người em cũng phải giữ lễ như thường. Còn trường hợp hai người với nhau không lẽ ???



- Đạo lý Hán, Việt rất trọng trung nghĩa. Em kết thân với Thiên-tử tức là mang nhiều trọng trách lắm. Một là trọng trách của bậc tôi đối với vua. Hai là trọng trách người em đối với nghĩa huynh.



- Em sẽ noi gương Quan Vân-Trường đời Tam-quốc.



Mỹ-Linh vuốt tóc nó:



- Ít ra phải như vậy.



Mỹ-Linh hỏi Tự-Mai:



- Em cứu giá trong trường hợp nào?



- Em không thể nói ra được. Khi nào Hoàng-đế cho phép, em mới dám nói.



Lê Văn vào nhà lấy ra tấm lụa, nó mài mực, để bút trước mặt nhà vua:



- Đại ca là nhà Nho, chữ viết hẳn đẹp lắm, xin thứ cho thầy tướng ba mươi sáu bài thơ đi.



Nhà vua cầm bút thoăn thoắt đưa lên tấm lụa, phút chốc đủ ba mươi sáu bài. Mỹ-Linh nhìn ba mươi sáu bài thơ nhà vua chép vào lụa; nàng thấy cả ba mươi sáu bài đều tình ý đậm đà, nhưng toát ra nỗi cô đơn của tuổi niên thiếu. Nàng nói:



- Lê đại ca là nhà Nho, mà tình cảm lại trầm hùng, đâu kém gì Ngụy Võ-Đế thời Tam-quốc?



Thiệu-Thái, Thuận-Tông, Thiện-Lãm cùng ra. Tự-Mai đi một vòng giới thiệu. Thấy vắng mặt Khai-Quốc vương, Thanh-Mai, Thông-Mai, Bảo-Hòa nó hỏi Tôn Đản:



- Ông kẹ Thông-Mai với hai bà chằng đâu rồi?



Tôn Đản chỉ vào trong nhà:



- Anh cả với chị Thanh ở trong đó. Còn anh Thông-Mai với chị Bảo-Hòa có bao giờ cho chúng mình thấy mặt đâu? Hai ông bà ấy như chim vậy.



Nó nói với Thiệu-Thái:



- Ông ỉn ơi. Người này là nghĩa huynh của em, nhân từ nhất thiên hạ. Không may bị trúng Chu-sa ngũ độc chưởng. Xin ông ỉn trị cho anh ấy với.



Thiệu-Thái xòe tay ra:



- Trị cũng được, nhưng em phải trả tiền cho thầy lang chứ? Cứu một mạng người chứ có ít đâu?



Tự-Mai thấy từ xưa đến giờ bất cứ nó với Lê Văn nói gì Thiệu-Thái cũng chiều theo. Tự nhiên lần này chàng lại lý sự đòi tiền, thì chắc Bảo-Hòa xui đây. Nó hậm hực hỏi:



- Thầy lang đòi bao nhiêu tiền?



- Ta trị bệnh vẫn có lệ chia làm hai loại người. Có loại người anh phải năn nỉ để xin trị cho. Có loại người trả bao nhiêu tiền anh cũng không trị.



- Nói rõ hơn một chút đi ông ỉn!



- Loại ác đức, không những anh không trị, mà còn truyền độc chất vào người cho chết luôn. Còn loại chính nhân quân tử thì anh xin trị không lấy tiền.



Tự-Mai chỉ nhà vua:



- Lê đại ca của em là nhà Nho, dĩ nhiên là chính nhân quân tử rồi còn gì nữa.



Thiệu-Thái lắc đầu:



- Nho có Nho quân tử, Nho tiểu nhân. Khi anh sang Tống, đi đâu cũng thấy dân chúng, võ lâm, nhân sĩ ca tụng Thiên-Thánh hoàng đế là một nhân quân. Trong triều có những bậc quân tử như Trương Sĩ-Tổn, Lý Điệt, Vương Tùy, Lý Ty, Vương Đức-Dụng, Phạm Trọng-Yêm, Yến Thù. Ngược lại họ chửi bọn khuyển Nho như Lã Di-Giản, Trương Kỳ, Hạ Tủng, Trần Nghiêu-Tá, Phạm Ung, Triệu Thực.



Nghe Thiệu-Thái nói, Tự-Mai biết muôn ngàn lần ông ỉn không thể có ngôn từ đó. Nó đoán chắc là Bảo-Hòa mớm cho. Những người mà Thiệu-Thái nói là quân tử chắc thuộc phe thân Đại-Việt. Còn bọn mà chàng bảo là tiểu nhân chắc thuộc phe chủ Nam xâm.



Nhà vua tò mò:



- Vì lý do gì họ thống mạ sáu người ấy là khuyển Nho?



- Họ nói: Khuyển Nho còn khá. Bọn chúng đều phạm tội khi quân cực kỳ gia trọng. Nhưng Hoàng-đế vô quyền nên chưa thể tru lục chúng.



Nhà vua kinh ngạc:



- Họ nói chúng khi quân ra sao?



- Chúng a tùng với Lưu thái-hậu, đưa nhà vua vào đường đại bất hiếu. Chúng biết nhà vua không xuất từ Lưu thái-hậu, mà xuất từ Lý phi. Thế nhưng chúng ngậm tăm, hùa theo Thái-hậu, soạn chiếu để Hoàng-đế phong Lý phi làm Thuận-dung đầy ra coi lăng tiên đế. Ôi, trong lịch sử cổ kim chưa có ông vua nào lại đầy mẹ như vậy. Hết hạn lưu đầy, chúng đem bà về cung Ôn-đức hầu hạ công chúa Huệ-Nhu. Như vậy còn trời đất nào nữa không?



Tự-Mai biết Bảo-Hòa ở quanh đây đang dùng lăng không truyền ngữ nhắc Thiệu-Thái, chứ muôn ngàn lần ông ỉn cũng không nói được những lời đó. Thấy mặt nhà vua tái đi, trong lòng nó khoan khoái:



- Chị Bảo-Hòa hay thực, sai ta đem nhà vua ra đây, rồi dùng lối khích ông. Có như thế mới hạ được bọn chủ chiến. Đã vậy ta phải đổ dầu thêm vào mới đựợc:



- Chắc vì bọn khuyển Nho này sợ Thái-hậu, hoặc giả chúng bị khống chế bằng Chu-sa độc chưởng nên mới phải a tòng chăng?



Mỹ-Linh bẹo tai Tự-Mai:



- Nói thế mà cũng nói. Phàm làm nhà Nho, là kẻ sĩ, phải lấy chính đạo, lòng trung phò tá quân phụ. Chị đọc Xuân-Thu thấy nói nhiều kẻ sĩ nhìn chúa bị nhục, biết rằng nói ra sẽ chết, mà dám khẳng khái đối địch với giặc. Em chẳng nghe quan thái sử Giản nước Tề, quan thái sử Đổng-Hồ nước Tấn, khi cường quyền kề gươm vào cổ bắt chép sai lịch sử. Hai ông cứ chép sự thực rồi thung dung chịu chết đó sao? Đây bọn này đẩy chúa vào đường vô đạo, bất hiếu, tội ấy phải tru di tam tộc.



Tự-Mai văng tục:




- Trần công tử. Kể từ nay, tấm thân bèo bọt này thuộc về công tử. Công tử đã minh oan dùm cho phụ thân tiểu tỳ.



Tự-Mai phất tay một cái, kình lực đỡ nàng dậy:



- Cô nương! Tự-Mai này vốn vô tài, sở dĩ tôi đoán trúng là do...



Nó định nói thực do nhà vua mách nước. Nhưng nhà vua viết trên đùi nó:



Cứ nhận nàng làm tỳ nữ đi. Sau này có nhiều điều hay. Tặng nàng vật gì làm lễ diện kiến.



Tự-Mai tiếp:



- ... nhờ ơn trên giúp cho.



Nó nói câu này, dự trù sau đây sẽ thú thực do nhà vua ám trợ. Rồi nó tháo sợi dây vàng trên cổ có tượng con rồng với con chim âu tượng trưng Quốc-tổ, Quốc-mẫu đeo cho nàng Tử:



- Đây là vật bố tôi cho tôi năm mười hai tuổi. Xin tặng cô nương làm lễ diện kiến.



Nàng Tử tạ ơn, rồi chắp tay đứng sau Tự-Mai.



Nhà vua hỏi nàng Thanh:



- Thế nào, Thanh cô nương có còn muốn đánh cuộc với nhị đệ tôi không?



Nàng Thanh đáp:



- Tiểu nữ vẫn không đổi ý. Trần công tử. Xin công tử tiếp cho.



Tự-Mai không thấy nhà vua viết trên đùi nữa. Nó biết vị tể thần thân sinh nàng Tử bị Lưu hậu cách chức oan, nên nhà vua không muốn bàn tới lỗi lầm của mẹ. Nó kết hợp những gì Thiệu-Cực nói, những gì Lý thái-phi tiết lộ, và những gì nhà vua viết trên đùi nó, rồi nói:



- Xét cho kỹ, tấm lụa còn mới, chắc viết chưa lâu. Vị tể tần này cũng mới viết mấy năm gần đây thôi. Vậy việc ủy thác con côi ứng vào với triều Tống. Con côi không ai khác hơn Thiên-Thánh hoàng-đế.



Nhà vua bẹo đùi Tự-Mai một cái, mỉm cười. Nó tiếp:



- Thiên-Thánh hoàng đế năm nay mới mười tám. Như vậy khi ngài lên ngôi năm mười hai tuổi. Chắc chắc đức Ứng phù, kê cổ, thần công, tuyên đức, văn minh, võ định, chương thánh nguyên hiếu hoàng đế tức vua Chân-Tông khi băng hà đã thác côi cho người viết bản văn này.



Nàng Thanh thản nhiên:



- Xin công tử tiếp cho.



Tự-Mai xua tay:



- Tôi đã nói hết đâu! Dường như năm Càn-hưng nguyên niên (Nhâm-Tuất, 1022), tháng hai ngày Giáp-Thìn vua Chân-Tông phong cho Đinh Vị tước Tào-quốc công lĩnh Thái-tử thiếu-sư môn hạ thị lang. Phùng Thừa tước Ngụy-quốc công lĩnh Thiếu-phó lại bộ thượng thư, đồng bình chương sự. Tào Lợi-Dụng tước Hàn-quốc công lĩnh Thiếu-bảo đồng bình chương sự. Như vậy ba ông là tể thần bấy giờ. Sau vụ thăng chức tước này mười bốn ngày sau tức ngày Mậu-Ngọ vua băng. Vậy chắc chắn ngài thác cô cho ba ông Đinh, Phùng, Tào chứ không phải ai khác.



Cả ba cô đồng reo lên:



- Tuyệt.



- Có ba đại thần được ủy thác con côi. Thế nhưng tháng bẩy năm đó, ngày Tân-Mão, Đinh quốc-công bị cách chức, biếm làm Nhai-châu tư hộ tham quân. Năm sau, Thiên-Thánh nguyên niên ( Quý-Hợi, 1023) tháng chín, ngày Bính-Dần, đến lượt Phùng quốc công bị cách chức, Vương Khâm-Nhược lên thay. Cũng năm, tháng đó ngày Kỷ-Hợi, tức chín ngày sau Phùng quốc công chết. Hiện nay trong ba tể thần được ủy thác con côi chỉ còn có mình ông Tào Lợi-Dụng. Vậy người viết bản văn này là một trong hai ông Đinh, Phùng.



Nhà vua gật đầu khen:



- Giỏi.



- Cứ lý mà suy, ông Đinh bị đầy, hy vọng có ngày được phục chức, vì vậy đâu dám chép văn người xưa ký thác tâm sự? Bởi khi chép lời người xưa ủy thác tâm sự, tức cho rằng mình bị hàm oan. Chúa đầy, mà mình cho rằng oan, có nghĩa rằng chúa bất minh, là hôn quân. Còn ông Phùng, bị cách chức oan uổng, tâm tư rối loạn đến nỗi chết, viết văn ký thác tâm sự không nổi, nên đành chép văn người tỏ lỗi lòng mà thôi. Vậy người viết bản văn này là ông Phùng Thừa.



Nó hỏi nàng Thanh:



- Tiểu thư. Thì ra tiểu thư là ái nữ của Ngụy quốc công Phùng Thừa đó ư?



Đến lượt nàng Thanh quỳ gối hành lễ với Tự-Mai.



- Trần công tử đã minh oan cho tiên phụ. Tiểu tỳ nguyện theo hầu cả đời.



Nhà vua vỗ vai Tự-Mai:



- Nhị đệ! Mừng cho nhị đệ. Nhị đệ thấy con gái Hán tộc giữ lời hứa không?



Lời nói của nhà vua làm hình ảnh Đỗ Lệ-Thanh hiện lên trước mặt Tự-Mai. Nó vội lắc đầu:



- Đệ không thể, không dám nhận hai tiểu thư khuê các này làm tỳ nữ đâu. Còn thu nàng làm tỳ thiếp, đệ lại càng không dám. Trong tâm đệ chỉ có Thuận-Tường mà thôi. Đệ nhường cho đại ca đấy.



Nhà vua nói như ra lệnh:



- Nhị đệ là em ta, thì bất cứ cô gái trong thiên hạ này làm tỳ thiếp cho nhị đệ cũng là vinh hạnh. Nhị đệ cứ thu nhận hai nàng, thêm Thuận-Tường là ba, có sao đâu?



- Đệ là người Việt, không phải người Hán, cũng chẳng là vua là quan, đệ chỉ muốn một vợ thôi.



Nó nói với hai nàng:



- Tôi thực không xứng đáng làm chồng hai tiểu thư, lại càng không thể làm chủ nhân hai vị. Vả lại việc kiến giải này do người trên dạy dỗ tôi. Tôi... tôi không muốn lừa dối hai nàng. Thôi, hai tiểu thư có thể đi được rồi.



Nàng Thanh nói:



- Công tử ơi, công tử hiểu cho tiểu tỳ. Kinh Thi nói Phiếm bỉ bách chu, nghĩa là thân con gái như chiếc thuyền lênh đênh. Khi gặp được đấng quân tử mình mơ ước, thì dù chết cũng không bỏ. Chị em tiểu tỳ nhất định theo công tử đến cùng.



Tự-Mai vò đầu:



- Trời đất ơi! Tuổi tôi còn nhỏ, trên có cha, anh, chị. Tôi đâu dám quyết định càn. Huống hồ Hán, Việt khác nhau, tôi đâu có thể...



Đến đây nó chợt nhớ lại: Thuận-Tường cũng là người Hán, chứ đâu phải người Việt. Nó xua tay:



- Vạn vạn lần tôi không dám nhận hai vị cô nương làm tỳ thiếp hay nô bộc. Thôi hai cô nương nên rời đây. Xung quanh có hàng vạn vạn đấng quân tử khẩn cầu.



Hai nàng òa lên khóc:



- Nếu công tử không thu dụng, bọn tiểu tỳ đành tự tận thôi.



Tự-Mai hoảng kinh:



- Thôi, đừng! Đừng làm thế. Hai cô mà tự tử, bản sư nghe biết ắt đốt tôi thành than mất.



Nó thở dài:



- Hôm nay tôi đi chơi, không mang theo vật dụng làm lễ diện kiến. Đợi lát nữa trở về, tôi sẽ xin chị tôi mấy món tặng hai nàng. Tôi nói trước: Tính tôi ưa nghịch, ưa phá. Các cô theo tôi e mang khổ vào thân.



Thiên-Thánh hoàng đế quên mất mình là Lê Luyện. Ông phán như truyền chỉ:



- Hai nàng cứ theo hầu nhị đệ. Hễ nhị đệ vui lòng, thì tương lai trẫm... ta tin rằng phụ thân các nàng sẽ được truy hồi chức tước.



Sử-vạn Na-vượng nói với Khiếu-tam-Bản:



- Hiền đệ coi sáu thằng nhãi ranh chưa ráo máu đầu bịp bợm ba cô gái. Nhất là cái tên họ Lê kia làm như Hoàng-đế không bằng.



Nhà vua quát:



- Không được vô phép.



Sử-vạn Na-vượng cười ha hả:



- Ta cứ vô phép, thì mi tính sao?



Nói rồi y cầm cái chung trà bóp vỡ ra thành bột tung về phía nhà vua. Tự-Mai phất tay một cái, đám bụi bay chéo ra sau lưng nó.



Tôn Đản là người thâm trầm, nó dùng lăng không truyền ngữ nói với anh em:



- Chưa chắc nhà vua đã thực sự ghét hai tên này. Ta phải làm sao cho chúng vô lễ với nhà vua. Trong khi anh em ta càng tỏ ra sức nhũn nhặn, như vậy chúng càng làm tới. Thuận-Tông khéo nói, hãy lên tiếng trước đi.



Thuận-Tông đứng dậy chắp tay hướng Sử-vạn:



- Lão tiên sinh! Hôm nay tam sinh hữu hạnh anh em vãn sinh được ngồi ăn cùng phòng với tiên sinh. Chẳng hay anh em vãn sinh có chỗ nào vô phép, bịp bợm, mong tiên sinh chỉ cho.



Nói rồi nó xá một xá nữa. Sử-vạn Na-vượng thấy dáng điệu Tôn Đản, Lê Văn rất quen, kể cả giọng nói. Nhưng vì hôm trước hai đứa hóa trang, nên y không nhận được. Thấy Thuận-Tông nói năng lễ độ, Sử-vạn cho rằng đám thiếu niên này sợ y. Y càng lớn lối:



- Ba thiếu nữ sắc nước hương trời này là của hiếm có trên thế gian. Hôm nay đại giá ta đến đây, các thị phải hầu hạ chúng ta. Vậy kể từ lúc này, ta cấm bọn mi không được đụng tới ba nàng.



Nhà vua bực mình hỏi:



- Phải chăng mi tên Sử-vạn Na-vượng trước đây thống lĩnh Ngự-lâm quân? Còn lão kia tên Khiếu Tam Bản trước làm tổng lĩnh thị vệ. Các người ỷ làm quan lớn, rồi muốn ăn hiếp thiên hạ ư? Dù các ngươi làm quan tới tể thần, cũng không thể vô lý như vậy.



Sử-vạn Na-vượng kĩnh hãi hỏi:



- Mi, mi là ai?



Tự-Mai dọa già:



- Hai lão tiên sinh ơi, dù hai lão có hóa trang đến đâu cũng không dấu được tông tích. Thế nào, hôm trước đây võ lâm Trung-nguyên đồn rằng hai tiên sinh mới phát tài một món lớn. Người ta nói những gì, tiên sinh nhập phủ Kinh-lược sứ Kinh-châu lấy cống phẩm xứ đoàn Xiêm đến hàng cân ngọc trai, hàng tạ vàng... Hai tiên sinh muốn anh em tại hạ nhường ba nàng này cho ư? Dễ lắm.



Khiếu Tam Bản kinh hãi hỏi:



- Mi... mi là ai?



Lê Văn cười:



- Bọn vãn sinh là ai, hai tiên sinh khỏi cần hỏi. Chỉ cần hai tiên sinh xác nhận xem những lời đồn đó có đúng hay không mà thôi.



Khiếu Tam Bản quát:



- Chúng ta cứ bắt bọn sáu tên về tra xét xem ai xui chúng phao vu chúng ta ăn trộm.



Nói rồi y vung tay chụp nhà vua. Lê Văn lạng người dùng lưng đỡ cho ông. Nó bị Sử-vạn chụp. Sử-vạn không ngờ chụp Lê Văn dễ dàng quá. Y nhắc bổng nó lên, rồi cười khành khạch:



- Ta chỉ định trừng phạt tên họ Lê mà thôi. Không ngờ mi tự hứng lấy đau khổ. Mi đừng trách ta tàn nhẫn.



Lê Văn cười lớn:



- Lão Sử-vạn Na-vượng kia! Vì muốn làm phò mã, ta phải kính trọng Tống thiên-tử nên không thể dùng võ công. Chứ ta dùng võ công, thì e mười mi chúng ta cũng giết chết.



Khiếu Tam Bản hỏi:



- Người nói cái gì phò mã?



Lê Văn đáp:



- Chúng ta là ứng tuyển sinh phò mã. Khi làm phò mã đương nhiên thành cha mẹ dân, có đâu dụng võ với bọn mi?



- Mi là ứng sinh phò mã, chứ dù mi có là phò mã, công chúa, ta cũng không cần biết tới. Bây giờ mi phải kêu ta ba tiếng Ông nội ta sẽ tha cho mi.



Lê Văn cười khành khạch, nó chĩa ngón tay điểm vào huyệt Khúc-trì Sử-vạn. Tay Sử-vạn bị tê liệt liền, Lê Văn cựa mình một cái đứng xuống cạnh nhà vua.



Khiếu Tam Bản lạng người tới chụp nhà vua. Nhà vua kinh hãi gọi Tự-Mai:



- Nhị đệ cứu ta với.