Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 24 : Ưng sơn song hiệp

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Tôn Mạnh bàn:



- Hay ta dùng lối bao vây, lâu ngày chúng hết lương, ắt phải đầu hàng.



Lê Văn lắc đầu:



- Không ổn rồi. Khi ta bao vây, lương hết, e chúng lấy lương của dân ăn, như vậy dân chết đói trước. Khi chúng thực sự hết lương đầu hàng thì không còn người dân nào nữa.



Hà Thiện-Lãm hỏi Đào Hiển:



- Đào huynh! Huynh có biết nhà nào của dân, nhà nào của bọn Hồng-thiết giáo không?



Đào Hiển chỉ lên bản đồ:



- Biết chứ, đây huynh đệ xem này: Căn nhà nào có dấu khoanh tròn là nhà của Hồng-thiết. Còn căn nhà nào có gạch chéo là nhà của dân.



Thiện-Lãm hỏi Lý-nhân-Nghĩa:



- Ta có thể dùng lối phóng mã-não, hoàng-thạch đốt nhà chúng được không?



- Kể đốt thì đốt được, nhưng khi nhà của chúng cháy, chúng sẽ đuổi dân ra rồi vào nhà dân mà ẩn thân, rút cuộc dân chúng lại khổ.



Lê Văn nói:



- Trước khi tìm được kế đánh vào, ta hãy cho bao vây làng đã, để chậm thì chúng trốn mất. Sau khi bao vây, chúng ta chia người thành năm toán, cứ một toán tấn công, bốn toán nghỉ. Như vậy ta đặt chúng vào thế bị động. Chỉ ba bốn ngày, chúng mệt nhừ, ta nhân đó tấn công, ắt thành công.



Hà Thiện-Lãm ra lệnh:



- Lê Văn, Trần Anh đánh cửa Bắc. Đào Hiển, Tôn Mạnh đánh cửa Nam. Lý Nhân-Nghĩa, Tôn Trọng, quận chúa Trường-Ninh đánh cửa Đông. Tôi với Tôn Quý, Lưu Tường, quận chúa Hồng-Phúc đánh cửa cửa Tây. Công chúa Bình-Dương tiếp ứng các mặt. Mỗi mặt ta chia người làm năm đội, mỗi đội tấn công một ngày.



Chàng nói với các tướng chỉ huy thú :



- Về hổ, báo, voi các em phân chia đều cho bốn cửa. Riêng chim ưng thì dùng để tuần phòng. Thôi, xin các em lên đường cho.



Các thiếu niên dẫn quân bao vây làng Yến-vĩ. Tại cửa Tây, Hà Thiện-Lãm cho đốt ba pháo lệnh rồi tung lên trời. Sau khi ba tiếng pháo nổ, các cửa cùng cho voi đi trước xông vào. Lập tức sau những ụ bằng rơm giáo chúng Hồng-thiết dùng tên bắn ra như mưa. Các quản tượng vội cho voi lui lại, vì sợ chúng bị thương.



Cứ như thế, sau hai giờ quân bên ngoài lại tấn công một lần, khi thì xua voi đi trước, khi thì xua hổ, xua báo đi trước, khi thì dùng pháo thăng thiên, dùng tên bắn hoàng-thạch vào trong. Cuộc công hãm được ba ngày, thì có chim ưng đưa thư của Khai-Quốc vương, truyền:



Cuộc giao chiến giữa quân triều với phản loạn tại Trường-yên rất gay go. Nếu hạ được Yến-vĩ ngay thì hạ, bằng không phải bỏ về tiếp viện Trường-yên.



Thiện-Lãm nhờ Lê Văn đi các cửa mật ra lệnh cho chư tướng chuẩn bị rút quân. Lê Văn đang đi qua hông phía Đông của làng, thì gặp đúng lúc các cửa bắn pháo thăng thiên tấn công. Khi pháo nổ đồng loạt, tiếp theo là tiếng chó tru bên trong. Chàng chú ý thấy dưới chân một lũy tre có bốn năm con chó đang cụp đuôi nằm bên nhau rên rỉ. Một tia sáng loé trong đầu. Chàng trở về cửa Đông gặp Lý Nhân-Nghĩa:



- Lý tướng quân, tôi có cách đánh vào trang Yến-vĩ rồi.



- Thiếu hiệp có cách gì?



- Tôi đi tuần thấy một chỗ có năm, sáu con chó chui ra ngoài lũy tre ẩn núp. Như vậy ắt có lỗ xuyên qua lũy vào trong. Chỉ cần sao ta âm thầm dùng thuốc độc trộn với cơm, ném cho mấy con chó. Chúng ăn vào, chỉ lát sau là lăn ra chết. Bấy giờ ta theo lỗ chó chui dùng dao cắt tre cho thành lỗ lớn, rồi thình lình lùa đoàn hổ, báo vào trong, ta đánh quặt ra chiếm các cổng, mở cửa cho quân vào.



Lý Nhân-Nghiã mừng lắm:



- Trước hết ta thám thính xem đã. Người thám thính võ công phải thực cao mới được.



Lê Văn nói nhỏ với Mỹ-Linh:



- Chị với em hành sự đủ rồi.



Chàng với Mỹ-Linh tới chỗ mấy con chó núp. Lê Văn vận sức ném mươi nắm cơn qua hào vào bụi tre. Quả nhiên mấy con chó xúm vào tranh nhau ăn. Khoảng nhai dập miếng trầu, chúng đều gục xuống không động đậy nữa. Mỹ-Linh, Lê Văn tung mình vượt qua hào. Lê Văn lần theo lỗ chó chui vào. Nhưng chỉ được nửa trượng thì lỗ nhỏ quá, không đi nổi. Chàng rút dao ngắn vận sức cắt tre. Không khó nhọc, chàng chỉ cắt có ba cây, thì chui lọt vào trong. Mỹ-Linh cũng chui theo. Vào trong rồi, hai người thấy đây là một khu vườn trồng toàn cam. Sau khi ghi nhận mọi chi tiết, hai người lại chui ra.



Hai chị em trở về cửa Bắc hội họp cùng chư tướng, trình bầy chi tiết cuộc thám thính.



Lý Nhân-Nghiã nói với Thiện-Lãm:



- Xin châu trưởng cho tiểu tướng mượn kiếm lệnh.



Thiện-Lãm rút kiếm trao cho Lý Nhân-Nghĩa. Lý Nhân-Nghiã cầm kiếm lệnh rồi nói:



- Lê thiếu hiệp đã tìm ra phương pháp đánh làng đêm nay. Bây giờ là giờ Dậu. Chư tướng cho tấn công vào các cửa ráo riết, để địch không có thời giờ tuần tra. Trong khi đó Lưu Tường mang thực nhiều rơm tẩm bùn, cho voi chở đến hông phía Đông, rồi ném xuống lấp hào. Khi hào lấp xong thì cho voi trở về vị trí cũ. Sau đó rút tất cả hổ, báo về cửa Đông. Đến đây thì tôi cho phát năm tiếng pháo, các cửa lại tấn công như vũ bão. Các vị thiếu hiệp Đào Hiển, Lê Văn, cùng công chúa Bình-Dương mỗi vị dẫn theo một trăm võ sĩ đột nhập theo đường đặc biệt vào nhập làng trước, rồi bảo vệ cho châu trưởng Thiện-Lãm, châu phó Lưu Tường xua hổ, báo vào trong. Khi tất cả lọt vào rồi, thì chia lực lượng làm ba. Thiếu hiệp Đào Hiển cùng các võ sĩ đi đốt nhà bọn Hồng-thiết giáo. Trong khi công chúa cùng châu trưởng dẫn đoàn hổ đánh vào phía sau quân giữ cửa Đông. Thiếu hiệp Lê Văn cùng châu phó Lưu Tường xua đoàn báo đánh vào sau lưng đám quân giữ cửa Bắc.



Chàng ngừng lại cho chư tướng theo kịp, rồi tiếp:



- Khi phá vỡ cửa Bắc, thì thiếu hiệp Trần Anh cùng một đội quân giữ cửa chắc, để không cho tàn quân chạy trở ra. Còn toàn quân tiến vào quặt sang cửa Tây. Tại cửa Đông thiếu hiệp Tôn Trọng giữ cửa, để quân chúa Trường-Ninh với tôi đánh quặt sang cửa Nam.



- Còn chư tướng trấn cửa Nam, cửa Tây, hãy dùng tre, gai lấp cửa ra vào, rồi dùng voi, với hổ, báo trấn bên ngoài, cần giữ thực chắc, không cho chúng thoát khỏi làng.



Chàng hỏi Mỹ-Linh:



- Xin công chúa ban chỉ dụ.



- Theo như tin tức, thì đạo rút theo Đặng Trường có Vũ Hào, Thạch Nan-Biện võ công chúng rất cao. Trong khi đó hiện diện tại đây chỉ một tôi với Văn đệ đủ khả năng loại trừ chúng. Vậy nếu cánh quân nào gặp chúng, ta dùng hổ, báo vây lấy, rồi đốt pháo thăng thiên báo cho tôi với Văn đệ biết.



Nàng hỏi Thiện-Lãm:



- Em có ý kiến gì không?



- Chúng ta phải bàn cho rõ, khi bốn cửa bị tràn ngập, phản ứng của chúng sẽ ra sao? Tôi nghĩ, một là chúng bỏ hàng ngũ chạy lẫn vào với dân chúng. Trường hợp này ta phải mất công thanh lọc, e thời gian không quá một ngày. Hai là chúng tập trung lại, phá vòng vây ra ngoài. Trường hợp đó, ta không nên dồn chúng vào đường cùng, cứ để cho chúng chạy, ta sẽ dùng voi đuổi theo. Vả hiện khắp hương đảng đều thù hận chúng, chúng chạy đâu cho thoát?



Trần Anh hỏi Thiện-Lãm:



- Anh Lãm này, anh học binh pháp bao giờ, mà dùng binh hay quá vậy?



Thiện-Lãm ghé miệng vào tai Trần Anh:



- Trên đường đi sứ, Khai-Quốc vương tìm được bộ Dụng binh yếu chỉ, Thuận-Thiên thập hùng thi nhau nghiên cứu, nên ta có kiến thức như đại tướng. Ta sẽ dạy cho em sau. Thôi lên đường.



Chỉ lát sau, các tướng đâu về đó, Lý Nhân-Nghĩa đốt pháo lệnh. Cả bốn cửa cùng xua quân tiến đánh. Lần trước mỗi lần, họ chỉ xung phong lấy lệ, rồi lui ra. Nhưng lần này họ dùng hỏa pháo, tên lửa bắn vào mấy ụ rơm phía trong. Ụ rơm bốc cháy. Đám quân thủ phải liều chết lăn xả vào cứu hỏa.



Trong khi đó, Mỹ-Linh, Lê Văn, Đào Hiển cùng điểm ba đội võ sĩ phái Đông-a, mỗi đội hơn trăm người. Nàng dặn dò họ chi tiết cuộc tấn công, cùng ứng phó khi có biến cố, nhất là mật khẩu trong đêm, vì sợ ngộ nhận với các cánh quân khác. Sau khi ôn, tập rồi, tất cả hướng phiá Đông. Lưu Tường đã lấp xong hào. Hổ, báo để trong cũi, do xe chở tới đang chờ.



Đào Hiển quen đường, chui qua lũy vào trước. Thấy không có gì trở ngại, chàng huýt sáo, Lê Văn chui vào theo. Vừa lúc đó có tiếng quát lớn:



- Ai? Đứng lại!



Một ánh kiếm sáng loáng hướng cổ Đào Hiển. Chàng kinh hãi nhảy lui lại, thì ánh kiếm đuổi theo hướng ngực chàng. Chàng lộn liền hai vòng tránh kiếm, thì kiếm lại lia dưới chân. Chàng vội tung mình lên cao tránh, thì kiếm quang bao trùm hạ bàn. Chàng tự than:


Đi được khoảng hai chục dặm, tiền quân quay lại báo:



- Dường như phía trước vừa có trận đánh, xác người chết nằm la liệt, máu chưa đông hết.



Mỹ-Linh, Lê Văn vội lên trước xem xét. Lê Văn quan sát qua, rồi nói:



- Đám người chết đều là giáo chúng Hồng-thiết vừa rút lui từ Yến-vĩ sương sen. Hầu hết chúng chết vì tên.



Lê Văn cầm mũi tên soi vào đuốc, chuôi mũi tên có khắc hình chim ưng bay trên núi. Lý Nhân-Nghĩa kinh hãi nói:



- Thì ra vẫn cặp vợ chồng ban nãy ra tay. Thưa công chúa, thần đoán như thế này: Cặp vợ chồng Ưng-sơn dường như là người Việt. Không biết bằng cách nào họ ẩn vào trong làng Yến-vĩ sương sen trước. Rồi không biết cơ duyên từ đâu đến, họ biết rõ việc chúng ta bị nội phản, bị phục kích, họ phối trí tiễn thủ cứu chúng ta. Sau khi giết chết Đặng Trường, Thạch Nan-Biện họ đuổi theo đám tàn quân Hồng-thiết giáo, rồi giết chết chúng tại đây.



Hồng-Phúc cau mặt:



- Ngu dốt mà lại ra mặt dạy khôn mọi người. Ta hỏi mi: Nếu bảo cặp vợ chồng khả ố kia đuổi theo giết giáo chúng Hồng-thiết, thế sao không giết chết cả năm nghìn người, mà chỉ giết có hơn nghìn?



Lý Nhân-Nghĩa đáp:



- Thưa quận chúa, Hồng-thiết giáo chia ra từng toán mười người. Mười toán thành đội trăm người. Mười đội thành đạo nghìn người. Có lẽ khi rút, họ chia ba đạo chạy ba ngả. Chẳng may đạo này gặp cặp vơ chồng Ưng-sơn, nên bị giết hết.



Lưu Tường nói với Thiện-Lãm:



- Anh Lãm, hổ, báo, ưng của mình từ chiều đến giờ chưa cho ăn...



Thiện-Lãm hiểu liền:



- Tường mở cũi cho chúng đánh chén một bữa no nê đi.



Mỹ-Linh nghe Thiện-Lãm đối đáp với Lưu-Tường, nàng ớn da gà, phát rùng mình. Nhưng nàng nghĩ lại:



- Những người này chết thì cũng chết rồi. Để cho thú ăn thịt họ vẫn hơn giết lợn, trâu, bò cho thú ăn, sát nghiệp còn nặng hơn.



Nàng lẩm nhẩm đọc kinh vãng sinh cho đám người chết.



Khi đi qua khu rừng thông ven sông, Mỹ-Linh chỉ vào phía trong nói:



- Kia là đất thiêng của phái Đông-a. Kể từ đời tổ Tự-Viễn về khai sáng ra vùng này, bao nhiêu người thuộc con cháu Trần gia đều chôn tại đây. Hồi chị với chị Bảo-Hòa, anh Thiệu-Thái đến Thiên-trường, thím Thanh-Mai dắt vào đây lễ tổ. Đất có thần, nhà có chủ. Chúng ta qua đây cũng nên vào lễ tổ phái Đông-a cho phải đạo.



Thiện-Lãm cho quân cứ tiếp tục lên đường, chàng với Mỹ-Linh, Lê Văn, Trường-Ninh rẽ vào rừng thông. Không biết nghĩ sao, Hồng-Phúc cũng theo vào. Dưới ánh đuốc chập chờn, hàng nghìn ngôi mộ đủ loại lớn nhỏ nằm im lìm. Tiếng thông reo vi vu, như tiếng vọng của biết bao âm hồn thì thào. Tại giữa nghĩa địa có ngôi từ đường rất lớn. Mỹ-Linh vẫy hai em xuống ngựa rồi thắp hương. Nàng kinh ngạc biết bao, khi thấy trong nhà từ khói hương nghi ngút, nến thắp sáng trưng như ban ngày.



Nàng để ý thấy trên bàn thờ có đến hai con trâu, bốn con lợn và mười con gà đặt trên bàn cùng xôi, hoa quả. Lê-Văn kinh ngạc:



- Rõ ràng trước chúng ta đã có người vào đây lễ, dường như họ mới ra đi. Nhưng không biết là ai?



Mỹ-Linh vẫy các em quỳ gối lễ tám lễ. Thấy Hồng-Phúc đứng nhìn, mặt cau có, nàng hỏi:



- Đất có chủ, khi em qua đây, cũng nên kính lễ người xưa cho phải đạo lý.



Hồng-Phúc xì một tiếng:



- Có ai vô duyên như chị em nhà cô không. Mình đường đường là công chúa, quận chúa lại đi thì thụp lạy trước bài vị bọn quê mùa ăn cướp này. Nếu quả chúng linh thiêng, thì cứ gọt đầu ta đi. Ta không lạy chúng.



Mỹ-Linh không muốn nói truyện với cô em hung dữ; nhớ đến Thanh-Mai, Tự-Mai, Mỹ-Linh kéo Thiện-Lãm, Lê Văn, Trường-Ninh tìm mộ bà Cao Huyền-Nga (vợ Trần Tự-An) để thắp hương cho phải đạo. Vừa tới mộ bà, bất giác Mỹ-Linh đứng dừng lại, vì ngay trước mộ có cái bệ xây bằng đá, trên bệ đặt một bát hương, hương khói nghi nghút. Trên bàn còn bầy ngay ngắn mấy cái đầu lâu. Lê Văn vốn can đảm, chàng soi đuốc lại nhìn cho rõ, bất giác chàng bật lên tiếng kêu:



- Ối! Này đầu tên Đặng Trường, Hoàng Văn, Phạm Trạch, Thạch Nan-Biện, Ngô Bách-Vân.



Mỹ-Linh bớt sợ, nàng cùng các em chắp tay lễ bốn lễ. Nàng khấn:



- Bá mẫu sống đã không lấy làm sướng, thì chết cũng siêu sinh về thế giới Cực-lạc cho yên ổn.



Nàng ngồi xuống tụng bài kinh A-di-đà, trong khi Trường-Ninh, Thiện-Lãm, Lê Văn tụng theo. Lê Văn nói:



- Nhất định cặp vợ chồng Ưng-sơn có liên hệ với phái Đông-a, nên mới đem đầu bọn ma về tế mộ bà Cao Huyền-Nga, vì hồi sinh tiền, chính chúng làm nhục bà đủ điều, đến phải tự tử.



Mỹ-Linh trầm tư:



- Không biết họ là ai? Nhất định không phải ông Thông-Mai với bà Bảo-Hòa, vì hai ông bà ấy cao hơn cặp vợ chồng này nhiều. Lại càng không thể là Tự-Mai, vì võ công người này cao hơn Tự-Mai một bậc.



Ba chị em trở lại từ đường. Không thấy Hồng-Phúc đâu, Mỹ-Linh lên tiếng gọi:



- Hồng-Phúc! Hồng-Phúc!



Không có tiếng đáp lại. Bỗng Thiện-Lãm bật lên tiếng úi chà, rồi chỉ lên ngọn cây phía trước từ đường: Hồng-Phúc bị trói hai chân, treo ngược trên cành cây. Mỹ-Linh tung người lên, đưa một nhát kiếm, dây đứt, nàng đỡ lấy Hồng-Phúc. Hồng-Phúc bị trói chân, trói tay, dẻ nhét đầy miệng, đầu bị gọt nhẵn bóng.



Mỹ-Linh vội cắt dây trói cho em. Nàng hỏi:



- Hồng-Phúc! Cái gì đã xẩy ra?



Mặt Hồng-Phúc lạnh như tiền, ả không nói, không rằng tung mình lên ngựa, rồi ra roi phi khỏi rừng thông. Mỹ-Linh, Lê Văn, Thiện-Lãm, Trường-Ninh cũng lên ngựa trở lại với đoàn quân. Thiện-Lãm bàn:



- Nhất định là cặp vợ chồng Ưng-sơn đã mang thủ cấp bọn ma đầu về tế mộ bà Cao Huyền-Nga, rồi cũng chính cặp vợ chồng này ra tay trừng phạt Hồng-Phúc. Có lẽ vì nể chúng ta, nên họ không h.... (bản gốc thiếu.)



Đang đi thì có chim ưng mang lệnh của Khai-Quốc vương tới. Thiện-Lãm, Lý Nhân-Nghiã cùng mở thư ra coi. Hai người đọc xong rồi, Thiện-Lãm nói với Mỹ-Linh:



- Lệnh Khai-Quốc vương cho biết, vương đuổi theo Vũ-Đức vương tới gần Trường-yên thì ngừng lại, không tiến quân nữa. Vì tiến lên ắt có giao tranh khủng khiếp, mà số người chết lên tới hàng vạn. Vương tạm đóng quân ở bờ sông, chờ đô đốc Phạm Tuy về đánh chiếm Thanh-hóa, khiến quân Đàm Toái-Trạng hỗn loạn thì vòng vây Trường-yên tự mở ra. Bấy giờ ta đuổi theo đánh chúng cũng vừa. Vậy đêm nay ta đóng quân tại đây nghỉ dưỡng sức đã.



Tôn Trọng đề nghị:



- Chúng ta đóng quân ngay dốc núi này, dựa lưng vào sườn, lại có suối lấy nước uống nữa, như vậy tiện lắm.



Trần Anh đang cắt cử quân tuần tiễu, canh gác, thì Lưu Tường lắc đầu:



- Không cần. Xung quanh trại, tôi bố trí mười toán cánh gác. Mỗi toán có ba đệ tử Thượng-oai ngủ dưới gốc cây với cặp hổ. Trên cây có một đội ưng đậu. Trên vùng trời lại có mấy cặp ưng bay tuần phòng. Bất cứ người, vật đột nhập, chúng sẽ báo liền.



Mỹ-Linh, Trường-Ninh, Hồng-Phúc có mấy nữ binh theo hầu, lo mắc võng cho ba chị em ngủ. Thiện-Lãm, Lê Văn ngủ chung một lều.



Bấy giờ đã sang canh ba. Sau một ngày chiến đấu, mọi người đặt mình xuống là ngủ say liền. Chỉ riêng Lê Văn, những biến cố xung quanh vụ Tôn Quý bị ám hại làm chàng không ngủ được. Chàng nghĩ thầm:



- Trong đội quân này, thì chị Mỹ-Linh với Mình là người thông minh nhất. Nhưng chị Mỹ-Linh bản tính chân thật, không thể nhìn ra sự thực. Còn mình, mình phải tìm cho ra lẽ. Nhất định Hồng-Phúc có liên quan đến việc Tôn Quý bị ám hại.



Chàng nằm im hướng mắt về phía mấy chị em Mỹ-Linh nằm ngủ. Dù mắt buồn ngủ rí lại, nhưng chàng nhất định không ngủ. Không phải chờ lâu, trong bóng đêm, chàng thấy rõ Hồng-Phúc xuống khỏi võng hướng về phía suối. Nhìn trước, nhìn sau không có ai, Hồng-Phúc lấy châm vạch lên cây, ý chừng như viết chữ. Sau đó nàng bới đất ở gốc cây rối xuất trong túi ra cái hộp chôn xuống. Việc xong xuôi, nàng âm thầm trở về chỗ ngủ.



Nhanh nhẹn Lê Văn chạy lại bới gốc cây, lấy cái hộp bỏ vào túi, rồi về chỗ. Chàng nằm xuống, rồi ngủ thiếp đi.