Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 29 : Thế Giới Phật A-di-đà

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Chim ưng mang thư đi một lát thì trở về với thư của Lê Văn tường trình việc chiếm lại Vạn-hoa sơn trang. Hà Thiện-Lãm đưa cho Khai-Quốc vương. Vương cầm thư đọc cho mọi người nghe:



Kính trình anh cả là Khai-Quốc vương.



Em cùng với đoàn võ sĩ phái Tiêu-sơn lên đường buổi sáng, thì xế trưa tới Vạn-thảo sơn trang. Trong khi đi đường, bọn em cứ tưởng sẽ có trận đánh nhau khủng khiếp với bọn Hồng-thiết giáo. Không ngờ khi tới nơi thì đoàn Ưng-sơn đã đánh chiếm lại từ bao giờ. Họ để nhóm người của phái Tha-nôm giữ trang. Còn lại họ lên đường chiếm Vạn-hoa sơn trang.



Khi đánh chiếm Vạn-thảo sơn trang, Nhật-Hồ lão nhân sai tên Vũ Hào chỉ huy giáo chúng. Chiếm được trang rồi, y đuổi tất cả bệnh nhân ra, những bệnh nhân này đói khát, lê lết ăn mày, chết dần, chết mòn ở dọc đường. Chúng dành sơn trang để chữa đám giáo chúng bị thương. Tuy vậy chúng không giết một y sĩ nào cả.



Thái-tử An-Nan thuật lại rằng trước khi khởi sự trận đánh, Ưng-sơn nam hiệp hứa: Nếu giáo chúng nào đầu hàng thì được tha, còn kẻ nào chống đối, sẽ giết chết. Vì chúng chống đối, nên sau khi chiếm trang, Ưng-sơn nam hiệp sai giết sạch, tổng cộng hơn năm trăm đứa, mà gốc gác toàn xuất thân từ trộm cướp, đầu trâu mặt ngựa.



Tuy nhiên Ưng-sơn nữ hiệp khuyên không nên giết bọn bị thương. Vì vậy lúc em về, vẫn để các y sĩ trị thương cho họ. Trang hiện đã trở lại bình thường. Đội võ sĩ Tiêu-sơn nhận được thư của Minh-Không Bồ-tát bảo phải về chùa ngay. Em đã kính cẩn tiễn đưa họ lên đường sáng nay.



Được thư tiên cô nói anh Thông-Mai bị thương nặng, em đã cho chim ưng mang thư đi 711 y viện, để họ cùng tìm Thái sư-phụ với bố em. Nếu tin này đến tai Thái sư-phụ hay bố em, hẳn người sẽ trở về trị bệnh cho anh ấy ngay. Em vẫn trấn tại đây, không dám đi đâu xa cả. Còn anh, em nghĩ anh nên về Thăng-long ngay để ổn định mọi việc.



Khai-Quốc vương họp chư tướng để ban lệnh. Vương thấy thiếu hai sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt với đội võ sĩ phái Đông-a. Vương hỏi Thuận-Tông:



- Hai vị sư thúc đâu rồi?



Thuận-Tông đáp:



- Hai sư thúc cùng đội võ sĩ Đông-a giúp bọn em đuổi theo bọn Hồng-thiết giáo cửa Tây. Khi đuổi đến khu rừng Nhạn-sầu thì tiêu diệt hết không còn tên nào. Hai sư thúc lệnh cho em với Lãm đem quân về thành. Người nhờ em thưa với anh rằng người phải về chỉnh đốn lại các trang ấp vùng Thiên-trường. Sau khi chỉnh đốn xong, người sẽ về Thăng-long gặp anh hầu bàn kế sách sao cho dân giầu nước mạnh.



Khai-Quốc vương truyền xét công thăng thưởng cho chư quân. Vương truyền đạo Đằng-hải vào trấn Nghệ-an. Đạo Ngự-long, Bổng-nhật đóng lại Trường-yên đặt trực thuộc Lý Nhân-Nghĩa, để lùng bắt hết dư đảng Hồng-thiết giáo vùng Trường-yên, Cửu-chân. Vương với chư tướng khẩn lên đường về Thăng-long.



Vương truyền:



- Đạo Phong-châu, Thượng-oai do hạm đội Bạch-đằng chở thẳng lên vùng Thăng-long, rồi từ Thăng-long theo đường bộ về Bắc-biên.



Vương cùng với đám Bảo-Hòa, Thiệu-Thái, Mỹ-Linh lên đường về Thăng-long bằng đường bộ.



Bỗng y sĩ điều trị cho Thông-Mai mặt tái nhợt chạy vào cung tay hành lễ với Khai-Quốc vương:



- Khải tấu vương gia.



Khai-Quốc vương giật mình:



- Việc gì đã xẩy ra?



- Thưa, thần xuống bếp sắc thuốc cho đại hiệp Thông-Mai uống. Khi thần bưng thuốc lên thì không thấy đại hiệp đâu cả.



Khai-Quốc vương cùng chư tướng chạy vào, thì thấy giường Thông-Mai nằm trống trơn. Cả bọc quần áo của chàng cũng biến mất.



Vương hỏi Bảo-Hòa:



- Cháu thử đoán xem, việc gì đã xẩy ra?



- Theo cháu nghĩ, có lẽ anh Thông-Mai tỉnh dậy, vì phẫn chí bởi những vết thương trên mặt, nên đã bỏ đi rồi.



Tôn Đản lắc đầu:



- Không thể như thế được. Nếu anh Thông-Mai tỉnh dậy, ắt sẽ gọi chúng ta, chứ có đâu bỏ đi?



Mỹ-Linh chỉ đôi guốc, cùng dầy của Thông-Mai:



- Nếu anh ấy đi đâu, thì phải đi dày dép, chứ đâu có đi chân không? Theo cháu nghĩ, một nhân vật nào đó mang anh ấy đi, nên mang cả hành lý của anh ấy theo. Có thể là lão tiên Phan Nam hay Hồng-Sơn đại phu đã đem anh ấy đi để trị bệnh.



Cẩm-Thi bàn:



- Không lẽ? Nếu hai đại-tôn sư đó đến đây, thì với thân phận lớn lao, hai vị đã xuất hiện gặp chúng ta, chứ có đâu âm thầm mang anh ấy đi như vậy? Còn người mang anh ấy là kẻ thù, thì chúng mang theo làm gì? Trong cũng như ngoài thành hiện quân sĩ đóng chật ních, kẻ nào mà có bản lĩnh vác anh ấy đi khiến cho không ai biết?



Chợt Lý Thường-Kiệt hít hít hơi rồi nói:



- Con nghĩ là Di-Lặc tôn Phật đã mang sư thúc Thông-Mai đi thì đúng hơn. Vì lúc mới vào đây con ngửi thấy mùi trầm hương. Mùi này khác với mùi của tiên cô Bảo-Hòa.



Lời của Thường-Kiệt làm mọi người tỉnh ngộ, vì khi mới vào ai cũng thấy mùi trầm cả, nhưng mọi người cứ tưởng mùi ấy từ người Bảo-Hòa xông ra. Nay Thường-Kiệt nói họ mới chú ý phân biệt. Mọi người đưa mắt nhìn đại sư Huệ-Sinh như cùng thỉnh ý kiến. Đại sư khoan thai đáp:



- Có thể là Thái sư-thúc thực. Hành trạng của ngài thực khó mà lường được. Chúng sinh hàng ngày niệm kinh A-Di-Đà với hy vọng được gặp ngài. Đại-hiệp Thông-Mai đã gặp may. Có thể hành trạng tru diệt ma vương quỷ dữ của đại-hiệp Thông-Mai đã thấu đến tâm ngài, nên ngài đón đi cứu chữa cho chăng?



Ngài thấy Bảo-Hòa sụt sùi khóc, thì an ủi:



- Tiên cô chẳng nên buồn mà chi. Trên thế gian hàng ngày, có đến ức ức, triệu triệu người niệm kinh A-Di-Đà với hy vọng khi lâm chung được ngài mang về thế giới Tịnh-độ. Xét hành trạng của Thông-Mai, khi mẹ chết bỏ đi tu trong chùa Sơn-tĩnh, nơi ngài chịu giam để trả quả. Hiếu tâm của thiếu hiệp đã động đến ngài. Rồi trong đại hội Thăng-long, khi sang Trung-quốc, thiếu hiệp tru diệt biết bao nhiêu ma vương quỷ dữ, mới đây diệt đại ma đầu Nhật-Hồ vì vậy ngài đến độ cho. Hoặc ngài đem đi chữa bệnh cũng nên. Hà, trong chúng thế gian biết bao nhiêu người đi tu, chỉ mong đắc pháp hoặc thoát được lẽ sinh, lão, bệnh, tử về thế giới Tịnh-độ. Mà nay Thông-Mai bỗng chốc thành chính quả, thì thực đại phúc hiếm có.



Bảo-Hòa vẫn khóc:



- Đại sư an ủi cháu đấy thôi, chứ cháu nghĩ anh ấy mười phần chết may mới có một phần sống. Nhất định anh ấy phẫn chí vì những vết thương trên mặt. Nay anh ấy tỉnh dậy, bỏ đi cho mọi người khỏi thấy... Hoặc anh ấy bị kẻ gian bắt đi mất rồi. Cháu, cháu phải tìm cho ra vụ bí mật này.



Nói rồi nàng tung mình chạy ra ngoài, tới chân thành, nàng nhấp nhô mấy cái, đã vượt ra ngoài. Thiệu-Thái, Mỹ-Linh cùng đuổi theo:



- Bảo-Hòa! Bảo-Hòa nghe anh nói đã.



- Chị Bảo-Hòa! Đừng! Chờ em!



Nhưng khi hai người lên mặt thành, thì không thấy bóng dáng Bảo-Hòa đâu nữa.



Đoàn người ngựa của Khai-Quốc vương kéo cờ đại thắng lên đường về Thăng-long. Đi đầu là một viên Đô- thống, với mười ngựa, bên phải là lá cờ Phụ quốc thái úy, tả tướng quốc bên trái là lá cờ Khai-Quốc vương. Vương ngồi trên cỗ xe song mã đo Lý Thường-Kiệt điều khiển. Phía sau vương còn có Mỹ-Linh, Thường-Hiến. Rồi tới xe của công chúa Bảo-Trung trên có Kim-An, Cẩm-Thi, Tĩnh-Ninh.



Đoàn người ngựa còn cách Thăng-long mười dặm, thì đã thấy Vũ-Uy vương, Khai-Thiên vương ra đón. Khai-Quốc vương thấy bác với anh đi đón, vương vội hô chư tướng xuống xe hành lễ. Vương cung tay:



- Thực nhọc thúc phụ cùng huynh trưởng.



Bác, cháu, anh em cầm tay nhau, nghĩ lại việc vừa qua, cùng chảy nước mắt. Chợt một bàn tay nhỏ bé nắm lấy tay vương. Vương nhìn lại thì ra Nhật-Tông. Vương bế bổng cháu lên mà hôn. Nghĩ đến Liên-Phương gặp biết bao gian truân, khiến cho Nhật-Tông phải mồ côi. Vương trao Nhật-Tông cho Mỹ-Linh. Mỹ-Linh ôm chặt lấy em, rồi đặt nó lên ngồi cùng xe.



Ba vương cùng ngồi trên xe vào thành. Dân chúng kéo nhau ra đầy đường thắp hương đón Khai-Quốc vương bình giặc trở về. Khai-Quốc vương nói với Khai-Thiên vương:



- Khuất thân cầu hiền, dự mưu, ước kế, cùng xung phong hãm trận anh không bằng em. Nhưng an ủi trăm họ, tổ chức cai trị, muôn ngàn lần em không bằng anh. Trận giặc Thăng-long vừa qua như vậy, mà chỉ hơn hai tháng, anh đã làm cho trăm họ trở lại thanh bình như thủa nào, thực chỉ vua Trưng mới hơn được.



Vương tiếp:



- Thời Lĩnh-Nam, công chúa Thánh-Thiên chia tướng làm ba loại. Một là đại-tướng, ngồi trên yên ngựa mà an thiên hạ. Hai là đại-tướng vỗ an trăm họ, tổ chức cai trị khiến cho dân ấm no, hạnh phúc. Ba là tướng xung phong hãm trận. Cứ xét việc đem đạo Ngự-long vào trấn Hoàng-thành của anh thực vụng về quá đáng. Nếu việc đó ở tay em thì không đến nỗi. Nhưng sau cơn binh lửa, lòng người ly tán, trăm họ sợ hãi, thế mà chỉ hai tháng qua, anh thay phụ-hoàng cầm quyền, khiến cho đời sống phồn thịnh hơn xưa, quả thực anh có tài của vua Trưng của tể tướng Phương-Dung. Anh là tướng của thời bình.



Thiệu-Thái nói:



- Con nghĩ cậu cả có tài cai trị, vỗ an bách tính, mà không có đức cầu hiền tài, uy trấn an bờ cõi cùng đồi phó với phương Bắc của cậu hai thực nguy vô cùng. Ngược lại uy, đức của cậu hai mà thiếu tài cai trị của cậu cả thì dân không hạnh phúc. Do đó, trời mới sinh ra hai cậu để an định trăm họ Đại-Việt. Con nghĩ cậu cả, cậu hai, cậu nào làm vua cũng thế. Vấn đề quan trọng là hai cậu cùng hợp lại, thì nước mới yên, mà dân mới hạnh phúc.



Từ khi nghe người ta thuật chuyện Thiệu-Thái, Mỹ-Linh đi sứ Tống làm những truyên ngoài sức tưởng tượng của vương. Khai-Thiên vương đã gạt bỏ hoàn toàn ác cảm đối với chàng. Vương đưa tay vỗ vai cháu:



- Nhưng cả ta với cậu hai chập lại cũng không bằng mạ mạ cháu. Làm vua Bắc-biên khó vô cùng.



Không thấy Thanh-Mai đâu, Thiệu-Thái hỏi:



- Thưa cậu, mợ hai...



- À, mợ về tới nơi, thì vội vào chầu ông ngoại. Con biết đó, trong tất cả con gái, con dâu, thì mợ hai hợp với ông nhất, nên trong lúc trận Trường-yên còn diễn ra, ông cứ hỏi thăm tin tức mợ hai hoài. Nghe tin mợ hai về, ông gọi vào chầu, để nghe mợ hai tâu trình về trận đánh. Ta... ta nhờ mợ hai trong khi tấu với ông, xin ông ân xá cho Dực-Thánh vương, Vũ-Đức vương và Đông-Chinh vương. Không biết kết quả ra sao.



Vương hỏi Mỹ-Linh:



- Con có biết rằng tội con nặng lắm không?



Mỹ-Linh kinh hãi:



- Thưa phụ vương, thực con không biết.



- Hừ! Con đã từng theo chú hai làm việc ở trấn Thanh-hóa, rồi dự trận Lộc-hà, đi sứ Trung-nguyên. Như vậy hẳn con biết rõ quân luật chứ?



Mỹ-Linh lạnh gáy:



- Dạ con biết.



- Khi trận đánh Yến-vĩ diễn ra, trong các tướng, thì con có chức tước lớn hơn hết. Thế mà Hồng-Phúc phạm các trọng tội không thể được ân xá là: Vi phạm lệnh, bảo trấn cửa Tây, lại mở cửa, đánh vào trong, khiến giặc có đường rút lui. Làm gian tế, cung cấp tin cho giặc. Giết tướng bên mình. Cả ba tội đều đáng giết cả nhà. Đáng lẽ con phải sai võ sĩ chặt đầu nó ngay để an lòng tướng sĩ, thì con lại vẫn cho nó cầm quân, đến nỗi hút nữa mặt trận Trường-yên tan.



Mỹ-Linh tự biết tội, nàng cúi đầu:


- Tiểu tỳ thấy vương phi tỉnh dậy, nên xuống bếp nấu cháo dâng vương phi. Khi tiểu tỳ lên thì không thấy vương phi đâu. Tiểu tỳ cho rằng vương phi đi tiểu tiện, nên chạy tìm quanh, cũng không thấy. Tiểu tỳ sai cung nữ tìm khắp vương phủ cũng vô tăm tích, vì vậy tiểu tỳ phải báo cho Lê tướng quân.



Khai-Quốc vương hỏi Lê Văn:



- Văn đệ thử đoán xem, sự thể ra sao? Thanh-Mai biến mất giống hệt trường hợp anh Thông-Mai. Có thể nào Tự-Mai làm việc này không?



Lê Văn lắc đầu:



- Tự-Mai tuy đa sát, nhưng hành động bao giờ cũng quang minh chính đại. Giả tỷ Tự-Mai đem Thanh sư tỷ đi, thì đem đi đâu, đem làm gì, trong khi thân thể sư tỷ chưa khỏi, mỗi di chuyển có thể làm cho sư tỷ đau đớn?



Thình lình Mỹ-Linh chỉ vào mảnh giấy để trên bàn:



- Dường như ai viết gì kìa?



Khai-Quốc vương cầm tờ giấy đưa lên: Rõ ràng nét chữ vương phi. Trên tờ giấy chỉ có mấy giòng xiêu vẹo:



Nhất thiết chư nghiệp quả,



Do ư vạn kiếp lai.



Thống khổ giai tiền định,



Khấp, khốc tận bi ai,



Bất nghi giải chư ách,



Kim khứ tâm đại khai.



Thập lục niên chi hậu,



Tái ngộ tại Chương-đài.



Suốt thời gian đi sứ, cũng như thời gian ở Trường-yên; Thanh-Mai, Kim-An thân thiết với nhau như bóng với hình. Nàng quên cả lễ nghi, tay tiếp tờ giấy, nước mắt đầm đìa:



- Hừ! Sư muội bỏ đi thực rồi.



Vương hỏi Khấu Kim-An:



- Sư tỷ! Sư tỷ thử đoán xem ý nghĩa trong tờ thư này ra sao? Như vậy rõ ràng Thanh-Mai bỏ đi. Tại sao Thanh-Mai lại bỏ đi?



Khấu Kim-An đọc xong, nàng nói:



- Dễ hiểu. Nếu tôi là Thanh muội tôi cũng bỏ đi.



- Tại sao?



- Vương gia ơi, xin vương gia tự đặt mình vào địa vị Thanh sư muội thì vương gia mới hiểu thấu lòng sư muội được. Thanh muội học y khoa, chắc tự biết tính mệnh mình khó qua khỏi, nên bỏ đi, tìm chỗ nào vắng vẻ hầu chết trong yên lặng. Nhưng có điều... tôi ngồi đây mà lo cho tính mệnh của mấy nghìn người trong phủ Dực-Thánh vương, Đông-Chinh vương.



- Ái chà! Nguy thực. Vậy người giết cả nhà Vũ-Đức vương chỉ với mục đích trả thù cho Thanh muội. Nguy quá. Nhưng ai đã làm việc đó? Không lẽ là Tự-Mai?



- Chưa hết đâu.



Khai-Quốc vương lắc đầu tỏ ý không hiểu. Kim-An nói:



- Ở đây không phải mình tôi hiểu rõ lòng Thanh-Muội, mà tôi e Cẩm-Thi cũng hiểu nữa. Chỉ có vương gia là không hiểu mà thôi. Được, tôi vì vương gia mà nói rõ lòng Thanh muội ra. Trước hết Cẩm-Thi giải mấy câu kệ của Thanh muội để lại đã.



Ngô Cẩm-Thi vừa khóc vừa giảng:



Nhất thiết chư nghiệp quả



Do ư vạn kiếp lai



Nghĩa là tất cả nghiệp quả, nào là bị Đoàn Huy dồn độc tố vào người, nào là bị Vũ-Đức vương hại, đều bắt nguồn từ vạn kiếp trước. Với hai câu này, Thanh sư tỷ gần như đắc pháp, thành chính quả rồi.



Thống khổ giai tiền định,



Khấp, khốc tận bi ai,



Bất nghi giải chư ách,



Kim khứ tâm đại khai.



Cái đau khổ của chúng ta vì việc sư tỷ bị nạn, đều do tiền định. Ta có khóc lóc buồn khổ đến đâu cũng không giải được cái ách cho sư tỷ. Nay sư tỷ ra đi, lòng mở rộng, vì nghiệp quả như vậy rồi.



Thập lục niên chi hậu,



Tái ngộ tại Chương-đài.



Cẩm-Thi định giải thực ra rằng:



Nay Thanh sư tỷ chết rồi, sẽ đầu thai làm kiếp khác, thì mười sáu năm sau, vẫn có thể tái ngộ với Khai-Quốc vương. Nhưng bỗng có tiếng đại sư Huệ-Sinh dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai Cẩm-Thi:



- Ngô tiểu thư. Đừng nói sự thực, nói sự thực e Khai-Quốc vương thương tâm đến chết mất. Hãy nói theo bần tăng.



Ngô Cẩm-Thi vội nói theo lời Huệ-Sinh:



- Vì những nghiệp quả quá nặng, cho nên nay Thanh sư tỷ phải ra đi, tìm lấy nơi nào yên tĩnh để thanh tu hầu giải nghiệp. Sư tỷ hẹn với vương gia mười sáu năm sau, khi tu hành giải nghiệp xong, người sẽ trở về tương hội với vương gia.



Thuận-Tông hỏi:



- Thế Chương-đài ở đâu?



Biết cậu em ít đọc sách Trung-quốc, Kim-An giải:



- Làm gì có Chương-đài? Chương đài là điển cố dùng trong văn chương. Nguyên thi sĩ Liễu Tông-Nguyên có người tình. Vì phải xa nhau, ông để nàng ở Chương-đài, nhớ nàng, ông viết thư như sau: Cành liễu ở Chương-đài có còn xanh xanh như xưa hay đã bị người ta hái đi rồi. Vì vậy chữ Chương-đài để chỉ nam nữ hẹn hò nhau.



Thấy lời giải của Cẩm-Thi tuy có hơi gượng gạo, song Khai-Quốc vương vẫn bán tín, bán nghi:



- Tại sao Thanh muội không chờ... chờ mọi người, nói mấy lời dã biệt đã.



Kim-An thở dài:



- Vương gia là chồng của sư muội mà không hiểu sư muội chút nào cả, vì vậy sư muội bỏ đi là phải.



Lời kết tội của Kim-An làm Khai-Quốc vương như bị gáo nước lạnh dội vào đầu. Vương lặng đi, rồi hỏi:



- Sư tỷ giải rõ hơn chút nữa được chăng.



- Giản dị thôi! Vương gia biết rằng sư muội mồ côi mẹ từ nhỏ, được cha thương yêu rất mực, các em kính trọng. Trong khi phái Đông-a thù hận với triều Lý. Thế nhưng vào ngày sơ giao, sư muội yêu thương vương gia, tức là phản lại môn hộ, phản lại cha. Từ đấy trong lòng sư muội đã có chỗ ân hận. Trên đời này, không có gì đau đớn bằng ân hận. Vương gia nghĩ xem có đúng không?



- Quả không sai.



- Thế rồi sư muội phải hết sức lôi kéo, thuyết phục sư phụ, mọi người theo giúp triều Lý. Khi ở trong Long-hoa đường, sư muội hy sinh cả mạng sống để giải cái nguy Đoàn Huy cho triều Lý, mà phải chịu cái đau đớn cùng cực, đến chết đi sống lại. Tiếp theo, trong đại hội Lộc-hà, sư muội lại phản cả sư phụ là Hồng-Sơn đại phu, lôi kéo, thiết kế, để giữ vững ngôi vua cho Thuận-Thiên hoàng-đế.



- Thanh muội đã hy sinh quá nhiều cho bản triều.



- Rồi sư muội thuyết phục, lôi kéo sư đệ Thông-Mai, Tự-Mai giúp triều Lý trên đường đi sứ, trải biết bao gian nan. Đã hết đâu, sư muội kéo luôn ba sư huynh Phụ-Quốc, Bảo-Dân, Trung-Đạo giúp cho triều Lý. Đến khi chư vương tạo phản, chính sư muội cùng sư huynh Bảo-Dân với tôi lặn lội gian nan, trấn thủ Trường-yên. Trong việc dẹp loạn, các sư thúc cùng chư đệ tử Đông-a xung tên đụt pháo nhiều nhất. Ngũ sư đệ An-Ngữ chết thảm, sư đệ Thông-Mai chết sống ra sao chưa rõ. Cuối cùng Thanh muội vẫn kiên nhẫn hoà giải trong hoàng tộc nhà Lý, để rồi lĩnh lấy hậu quả thân thể trọng thương, e khó qua khỏi. Nhưng vương gia không biết đến chỗ đó...



- ???



- Đáng lẽ ngay trong trận đánh vương gia phải nhận biết ngay mới phải chứ? Khi sư thúc Hoàng Hùng, Trần Kiệt cùng chư đệ tử phái Đông-a diệt xong cánh quân cửa Tây, phải về hội với vương gia chứ có đâu lại bỏ đi? Bỏ đi tức là phẫn chí rồi vậy. Đấy là mở đầu cho việc Thông-Mai bỏ đi về sau. Đến đây thì trong lòng Thanh muội bị ân hận cấu xé vô cùng đau đớn. Nhưng Thanh muội vẫn cố gắng, hàn gắn lại trong hoàng tộc, cứu Dực-Thánh vương, Vũ-Đức vương, Đông-Chinh vương, mà mua lấy cái đau đớn cùng cực này.



- ???



Ngô Cẩm-Thi biết Khai-Quốc vương bị những biến cố xẩy ra dồn dập, làm mất linh mẫn, nàng giải thêm:



- Nếu em là Thanh sư tỷ em đã bỏ đi từ lâu rồi, chứ không đợi đến ngày hôm nay. Này nhé, mình hy sinh tình yêu thương của bố, của anh em, của sư phụ, của sư thúc, của hai đại môn phái Sài-sơn, Đông-a cho triều Lý, để rồi chính những người trong họ Lý lại không biết tự giữ vững những gì mình xây dựng cho. Triều Lý có khác gì triều Lê trước đây không? Em nghĩ có khác hơn là khi vua Lê vừa băng hà, thì các vương chém giết nhau chí mạng. Cuối cùng chỉ còn một người sống sót lên làm vua. Nay triều Lý khác đôi chút là Thuận-Thiên hoàng-đế còn đó, mà chư vương đã chém giết nhau rồi. Khác nhau nữa là chư vương đời Lê giết nhau vì tham vọng của mình. Còn chư vương đời Lý giết nhau vì nghe lời bọn dơ bẩn Hồng-thiết giáo. Mình hy sinh tất cả cho họ trong chủ đạo tộc Việt, mà họ lại không lý gì đến. Hỡi ôi, thực là bán bò tậu ễnh ương, thực là gánh vàng đi đổ sông Ngô. Vậy mình có nên ở lại trong họ Lý, tiếp tục hy sinh để họ phá phách không ? Nhưng Thanh sư tỷ tâm mở lớn, không trách ai, mà tự trách cái nghiệp quả của mình mà thôi. Chính tiên cô Bảo-Hòa là giọt máu của vua bà Bắc-biên mà cũng bỏ đi nữa là Thanh sư tỷ.



Khai-Quốc vương như người đi trong đêm, chợt có ánh đuốc đốt lên, mà hiểu hết. Vương thở dài:



- Mình ngu quá! Mình ngu quá.