Anh Linh Thần Võ Tộc Việt
Chương 3 : Kín cổng cao tường
Ngày đăng: 12:11 18/04/20
Lão Khiếu quát lên:
- Chính mi mới là tên trộm. Hồi nãy mi cướp túi hành lý của ta rồi bỏ chạy. Bây giờ mi vu vạ cho ta, làm ta khổ sở thế này.
Kị mã ăn trộm cười lớn:
- Thực là cái đĩ già mồm, cái trộm già miệng. Hai ông võ công cao thế, mà bảo tôi cướp hành lý của hai ông thực quả là vô lý. Nhưng tôi hỏi thực: Cái túi này đích là của hai ông, có phải không?
- Đúng.
- Thôi được, coi như hai ông không ăn trộm đi. Nhưng này hai ông ơi! Hôm qua có kẻ trộm vào nhà tôi, tôi giật mình thức giấc tri hô lên, chúng bỏ chạy, trong lúc hoảng hốt chúng đánh rơi cái túi này. Tôi biết là đồ gian không dám mở ra định đi trình quan. Bây giờ gặp quan đây, tôi xin trao cho người.
Nói rồi y định trao cái túi cho Diêu Vạn.
Diêu Vạn hỏi:
- Chú em tên gì?
- Thưa đại tướng quân, tôi tên Đặng Tông.
Diêu Vạn hất hàm cho Sử-Vạn Na-vượng:
- Đây là túi của hai người. Hai người cầm lấy đi.
Hai tay Đặng Tông trịnh trọng đưa cái túi ra trước mặt. Sử-vạn Na-vượng đưa tay trái tiếp túi. Bỗng đầu ngón tay gã kị mã phóng ra hai chỉ véo, véo trúng huyệt Khúc-trì lão Sử. Tay lão trở thành vô lực, làm thiếu nữ áo xanh rơi xuống. Gã kị mã lạng mình chụp nàng nhảy đến bên An-Nan. Y trao nàng cho An-Nan:
- Xin Thái-tử bảo vệ vương phi.
An-Nan nói mấy câu cảm tạ.
Tay lão Sử-Vạn chỉ bị tê dại mà thôi. Lão cho rằng lấy lại được túi rồi, tự nhiên thân phận lão được chứng minh, lão không cần bắt thiếu nữ áo xanh nữa. Lão nói với Diêu Vạn:
- Diêu Chiêu-thảo sứ. Ta sẽ cho Chiêu-thảo sứ thấy ấn tín của ta, cùng lệnh bài của Thái-hậu.
Y mở túi ra, liếc nhìn đồ đạc vẫn y nguyên, không hề bị xáo trộn. Yên tâm y lấy ra chiếc ống bằng ngà trao cho Diêu Vạn:
- Đây là sắc chỉ của triều đình phong chức tước cho ta. Tướng quân hãy mở ra mà xem.
Diêu Vạn tiếp ống ngà mở nắp ra. Bên trong quả có cuốn trục lụa. Y mở cuốn trục cho mọi người coi. Bất giác mọi người bật lên tiếng ồ. Vì trên trục lụa vẽ hình hai lão Sử-vạn Na-vượng, Khiếu-tam-Bản. Nét vẽ sống động như người thực. Cạnh đó viết bản văn của Kinh-lược sứ Kinh-châu truy tầm hai tên đại đạo Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam-Bản.
Diêu Vạn cười nhạt:
- Đây là sắc phong ư ?
Khiếu Tam Bản kinh ngạc, lão tức đến điên người lên được. Lão lạng mình đến giật trục lụa trên tay Diêu, rồi đọc bản văn. Bản văn giống hệt bản văn trong thành Tương-dương.
Khiếu Tam Bản mở tung túi ra. Trong trúi nào quần áo, nào vàng bạc lủng củng. Một chiếc hộp bằng ngà rơi xuống đất đến bộp một cái. An-Nan trông thấy hộp, mắt y sáng lên. Y quát:
- Mi còn chối không? Kia là chiếc hộp trong đựng cống bảo của bản quốc cống Thiên-tử. Mi ăn cắp hôm trước. Mi còn chối nữa không?
Chàng lạng người cầm chiếc hộp lên, rồi mở ra. Trong hộp có một tượng Phật Thích-ca mâu-ni bằng ngọc xanh biếc. Chàng trao cho vợ, rồi xòe tay hướng Khiếu:
- Đưa đây!
- Đưa cái gì?
- Ta đi sứ, có mang theo ba bảo vật. Một là tượng mười tám vị La-Hán bằng ngà. Hai là tượng Phật bằng ngọc, ba là chuỗi ngọc trai trăm viên. Mi lẻn vào dinh Kinh-lược sứ Kinh-châu ăn cắp cả ba. Nay tượng Phật đây rồi. Còn hai bảo vật kia đâu? Mi có mau đem trả không ?
Lão Khiếu đưa mắt nhìn tên kị mã ăn trộm:
- Mi là ai mà dám hí lộng quỷ thần? Chính mi vào dinh Kinh-lược sứ ăn trộm bảo vật của sứ đoàn Xiêm. Rồi cũng chính mi đón đường ăn cướp bọc hành lý của chúng ta, sau đó bỏ bảo vật vào để vu oan giá họa cho ta.
Gã kị mã cười ha hả hỏi Diêu Vạn:
- Kính trình quan lớn xét cho. Khắp thành Tương-dương đều nói rằng hai tên trộm lẻn vào dinh Kinh-lược sứ Kinh-châu ăn cắp bảo vật của sứ đoàn Xiêm. Chúng giao chiến với quan Tư-mã, cùng Chiêu-thảo sứ. Hai vị ấy nhận diện được chúng, rồi về họa hình. Hình là hình hai lão này, đâu phải hình tôi?
Diêu Vạn hỏi đám kị mã:
- Các người ta giao chiến với hai tên trộm. Phải chăng trong đó có hai tên này?
Một kị mã chỉ Sử-vạn:
- Tiểu nhân nhận diện được y. Võ công y rất cao.
Công chúa Nong-Nụt chỉ tay vào mặt với Sử-vạn Na-vượng, nói với anh:
- Chính lão này. Hôm ấy tại Liễu-châu, y cùng bộ hạ bắt em, giết tùy tùng, rồi đem em giam hãm tra khảo thương tích khắp người.
Diêu Vạn vẫy tay cho mọi người im lặng, rồi nói:
- Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản. Có bằng này chứng cớ rành rành ra, người nên chịu trói cho rồi.
Y chỉ vào Lê Văn:
- Tiểu huynh đệ đây tố đích danh người toan cướp ngựa giữa đường. Đó là một chứng cớ. Công chúa Nong-Nụt cùng tuỳ tòng du ngoạn tại Liễu-châu, bị người bắt đi, cùng cướp của. Đó là hai chứng cớ. Hai tên cướp võ công cực cao lẻn vào dinh Kinh- lược sứ trộm bảo vật của sứ đoàn. Trong khi giao chiến, bọn chúng đánh nhau với vệ sĩ, vô tình để rơi hai tấm thẻ bài mang tên Sử-vạn Na-vượng, Khiếu Tam Bản. Đó là ba chứng cớ. Bây giờ bọn mi bị kị mã kia tố bọn mi vào nhà y ăn trộm, bị bại lộ, đành để cái túi lại. Anh ta mang đi trình quan. Chính mi nhận túi đó của bọn mi, trong có bảo vật cống. Đó là bốn chứng cớ. Từ lâu, bản triều truy lùng dư đảng Hồng-thiết giáo cùng bang chúng bang Nhật-hồ. Mà nay hai mi lại là giáo chủ Hồng-thiết giáo Lão-qua, Chân-lạp, là năm chứng cớ ta phải bắt hai mi.
Sử-vạn Na-vượng biết rằng Đặng Tông là thủ phạm hại y. Y cần kiềm chế gã, ắt mọi việc ra ánh sáng. Y lạng mình chụp Đặng. Nhưng nhanh hơn, Đặng đánh một chưởng vào ngực Sử. Chưởng phong hùng hậu vô cùng. Sử tuyệt không ngờ một thiếu niên, mà võ công lại cao như vậy. Y vội biến trảo thành chưởng đỡ. Binh một tiếng. Cả hai người đều lảo đảo lui lại hai bước.
Mọi người đều la hoảng. Vì rõ ràng công lực Sử-vạn cao thâm vô cùng. Y đã làm tới giáo chủ Hồng-thiết giáo đâu có tầm thường thế mà đấu ngang tay với Đặng Tông.
Mỹ-Linh dùng lăng không truyền ngữ hỏi Khai-Quốc vương với Thanh-Mai:
- Chú đã nhận ra Đặng Tông là ai chưa?
- Tôn Đản. Nó đảo ngược tên Tôn Đản thành Đặng Tông chứ có gì lạ đâu. Ngay từ lúc nó xuất hiện chú đã nhận ra. Có điều ai cải trang cho nó giỏi quá, khuôn mặt đổi đã đành, mà tiếng nói cũng khác.
Thiệu-Thái hỏi Mỹ-Linh:
- Lạ thực, sao công lực Tôn Đản cao đến thế kia. Có lẽ không thua gì mợ Thanh-Mai, trội hơn Hoàng Văn, ngang Vũ Nhất-Trụ.
Mỹ-Linh gõ tay vào đầu Thiệu-Thái:
- Anh quên việc Tôn Đản học được qui pháp âm dương của Bắc-bình vương rồi à. Trong trận đánh Tản-lĩnh nó hút công lực của hai đại cao thủ phái Hoa-sơn. Rồi trên đường sang đây, nó luyện Thái-cực quyền với điểm huyệt, nên công lực thâm hậu vô cùng.
Mọi người im lặng theo dõi Tôn Đản đấu với Sử-vạn Na-vượng. Tôn Đản dùng võ công Cửu-chân. Sử-vạn dùng võ công Sài-sơn pha lẫn Hồng-thiết. Diêu Vạn cho thiết kị bao vây kín hai lão.
Trừ sứ bộ Xiêm, còn lại mọi người đều biết Đặng Tông là Tôn Đản. Tất cả im lặng theo dõi trận đấu. Sử-Vạn bị Tôn Đản tấn công ráo riết quá, nên lão chưa có dịp vận Chu-sa Nhật-hồ độc chưởng.
Mỹ-Linh hỏi Thanh-Mai:
- Thím có biết tại sao lão Sử-vạn lại xử dụng võ công Sài-sơn pha lẫn võ công Thiên-tượng không?
- Dễ hiểu! Khi xưa công chúa Nguyệt-Đức Phùng Vĩnh-Hoa vốn thuộc phái Sài-sơn. Hồi trấn thủ đất Thục, bà có trao đổi võ công với anh hùng Thiên-sơn. Cuối thời Lĩnh-Nam bà bị quân Vương Bá ép, phải lui về giữ Vạn-tượng. Sau khi bà tuẫn quốc, đệ tử lập ra phái Vạn-tượng. Vì vậy võ công phái Vạn-tượng pha lẫn Sài-sơn với Thiên-sơn.
Khiếu Tam Bản thấy Sử-vạn Na-vượng khó thắng nổi Đặng Tông. Y nhìn quanh để tìm kế thoát thân. Liếc qua thấy Nong-Nụt đứng bên Lê Văn. Y nghĩ thầm:
- Con nhỏ này là công chúa Xiêm đây. Nó đứng bên thằng bé kia, mình phải bắt sống nó, mới mong giải quyết được cục bộ.
Giữa lúc đó Mỹ-Linh vẫy Lê Văn lại gần. Nàng hỏi:
- Em thuộc võ công Cửu-chân, lẫn Sài-sơn. Em mách nước giúp Tôn Đản thắng lão Sử-vạn cho mau.
Lê Văn cũng đang định nhắc Tôn Đản, nhưng vì sợ lộ chân tướng nên nó chưa dám. Nghe Mỹ-Linh khuyên, nó khoan khoái nhìn trận đấu. Thấy Sử-vạn sắp ra chiêu Lôi giáng Nam-nhạc theo chiêu này, một tay đánh từ dưới lên. Một tay đánh vòng sang trái, như vậy để hở ngực. Nó la lớn:
- Đản! Kình ngư lăng ba.
Chiêu này đánh thẳng về trước như con cá kình vượt sóng. Tôn Đản đang muốn thắng lão Sử-vạn mà không được. Nghe Lê Văn nhắc, không nghĩ ngợi, nó chập hai tay vào nhau, đẩy về trước. Binh một tiếng, lão Sử-vạn bay bổng ra xa. Tuy nhiên, kinh nghiệm chiến đấu có dư, lão mượn đà lộn đi hai vòng.
Đúng ra sau khi thắng một chiêu, Tôn Đản rượt theo đánh tiếp mấy chiêu nữa, nó đã hạ được Sử-vạn. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm, nó chần chờ một chút, khiến lão lấy lại được thăng bằng, lão tung ra hai chiêu Thiên-sơn tuyết phi chưởng.
Lê Văn thấy Sử-vạn khoanh tròn hai tay, biết lão sắp xuất chiêu Lôi phục thiên ma , chiêu này tay phải như một cột khí đánh thẳng về trước. Tay trái chém ngang sang phải. Như vậy để hở hạ bàn. Nó hô lớn:
- Kình ngư trầm hải.
Tôn Đản lộn xuống đất, hai chân như đuôi cá quẫy quét trúng đầu gối Sử-vạn. Binh một tiếng, lão bị đánh văng ra xa. Lần này có kinh nghiệm, Tôn Đản phóng theo chiêu Loa-thành nguyệt ảnh.
Thấy sư huynh lâm nguy, lão Khiếu lạng người chụp Nong-Nụt, nhảy tới đưa nàng đỡ chiêu chưởng của Tôn Đản. Tôn Đản hoảng kinh vội chuyển chưởng lên trời.
Lão Khiếu quát lớn:
- Các người phải ngừng tay. Bằng không ta giết con nhỏ này liền.
Lê Văn hoảng kinh, nó lạng người chắn trước Tôn Đản, nó nói bằng giọng run run:
- Không... không nên hại nàng.
Lão Khiếu đã tụng thuộc lòng Hồng-thiết kinh, một đời xảo trá, nên chỉ liếc qua, lão cũng biết Lê Văn có tình ý với Nong-Nụt. Lão khoan thai nói với An-nan Tam-gia La-sun:
- Thái tử! Xin Thái-tử cho mở vòng vây, để anh em lão phu rời khỏi đây, bằng không lão phu đành chết với công chúa.
An-Nan là đấng trừ quân tộc Thái, chàng vốn thông minh tuyệt đỉnh, vì vậy liếc qua, chàng đã biết sứ đoàn Đại-Việt, Lê Văn, Đặng Tông cùng là một nhóm người. Phía Đại-Việt bầy ra vở kịch này để làm nhục hai lão Sử-vạn, Khiếu mà thôi. Chàng chắp tay nói với Khai-Quốc vương:
- Xin vương huynh tha cho họ.
Khai-Quốc vương nói với Diêu Vạn:
- Diêu tướng quân. Đất có chủ. Đây thuộc đất Tống, xin tướng quân định liệu.
Có tiếng dép lẹp kẹp, rồi một mùi u hương thoang thoảng bốc lên. Tự-Mai nghĩ thầm:
- Chắc là Thuận-Tường.
Nó vội quay lại đón, thì ra một cung nữ. Cung nữ cúi đầu chào nó, rồi đặt chiếc khay bạc lên bàn. Trên khay bạc có đến mười thứ mứt kẹo khác nhau. Nàng lễ phép lui bước.
Tự-Mai tò mò nhìn các đĩa mứt. Nó nhận ra được : Hạt dẻ, tùng tử, hạnh đào, đào nhân, ngọc quế. Còn lại nó chưa từng thấy qua.
Lại có mùi u hương thoang thoảng, rồi cung nữ khác bưng vào một bình trà với hai chiếc chung bằng sứ bọc vàng. Cung nữ cúi chào, khoan thai lui bước.
Tự-Mai nghĩ thầm:
- Thuận-Tường là ai? Không lẽ nàng là Lý thái phi? Vua Chân-tông băng đã mười năm. Khi ngài băng, Thuận-Tường chưa quá mười tuổi, đâu có thể là cung phi của ông?
Có mùi hoa quế thoang thoảng, rồi một cung nữ bước vào. Tự-Mai giật bắn người lên. Vì nàng chính là Thuận-Tường. Nhớ thương chồng chất, nay gặp lại, chân tay nó như tê liệt. Thuận-Tường cũng thế. Hai người ngây ngất nhìn nhau. Cứ như vậy không biết thời gian bao nhiêu lâu, Thuận-Tường lên tiếng:
- Trần đại ca.
- Thuận-Tường!
Thuận-Tường mời Tự-Mai ngồi xuống chiếc bàn. Nàng ngồi đối diện, tay rót trà vào chung mời:
- Đại ca dùng trà.
Tự-Mai bưng trà lên uống, rồi hỏi:
- Đây là đâu. Tại sao Thuận-Tường lại ở cung Ôn-đức?
- Vì tiểu muội là cung nữ.
- Cung nữ?
- Đại ca ngạc nhiên lắm ư? Sau khi rời Tản-lĩnh về, tiểu muội bị tuyển làm cung nữ, rồi được đưa vào đây hầu Lý thái-phi.
Trong đầu óc Tự-Mai nhớ lại truyện Đào Hà-Thanh, Lâm Huệ-Phương. Mỹ-Linh kể cho nó nghe: Những cung nữ xinh đẹp vua lưu giữ một số phong cho những gì mỹ-nữ, tu-nghi, tu-dung, dung-nghi, tức một thứ vợ nhỏ. Còn lại chia cho các hoàng tử. Những người xấu, bị chia hầu hạ các bà thái hậu, hoàng hậu, công chúa. Nó hỏi:
- Tường muội đẹp thế này mà hoàng đế không phong làm chính cung nương nương ư? Sao đến nỗi hầu hạ thái phi?
Thuận-Tường cười:
- Đại ca đừng ngạc nhiên, vì muội thuộc thành phần con nhà dân dã, nên không thể được hầu vua cũng như hoàng tử.
- Tường muội định chôn cuộc đời ở đây sao?
- Chim lồng, cá chậu biết sao bây giờ?
- Tường muội cùng anh trốn đi.
- Đại ca tưởng! Trốn đi thì dễ rồi, nhưng còn gia gia, má má, anh chị em... Triều đình sẽ chặt đầu hết.
- Anh nhất định không thể để như vậy!
- Đại ca định làm gì?
- Anh về rủ mấy sư huynh sư đệ vào cướp Tường muội ra. Khi Tường muội bị cứơp ra, triều đình đâu có thể bắt tội gia gia, má má.
Thuận-Tường lắc đầu:
- Trong cấm thành có hơn nghìn thị vệ. Dù đại ca có bản lĩnh nghiêng trời lệch đất cũng không thể đấu lại với bọn chúng. Làm như thế chỉ uổng mạng mà thôi.
- Thà uổng mạng vì Tường muội còn hơn để Tường muội bị chôn cuộc đời trong cung như thế này.
Thuận-Tường bật cười:
- Trước đây, trong cấm thành đã xẩy ra một việc tương tự. Hồi đó tiểu muội còn nhỏ, nên chỉ nhớ lõm bõm thôi. Bấy giờ phụ hoàng... à vua Chân-tông còn là tại thế.
Nghe Thuận-Tường nói, Tự-Mai ngắt lời:
- Cái gì phụ hoàng?
- Tiểu muội muốn nói hoàng thượng còn là thái tử. Bấy giờ vua Chân-tông tuyển con gái Khấu thừa tướng định đặt lên làm hoàng hậu. Giữa lúc vua cùng nàng yến ẩm, thì một võ lâm cao thủ xuất hiện. Y trói nhà vua lại, nhét dẻ vào miệng rồi bắt Khấu tiểu thư đi.
Tự-Mai bật cười, vì biết gian nhân đó là nhị sư huynh Trần Bảo-Dân. Nó lắc đầu:
- Theo anh nghĩ cao thủ đó không bắt Khấu Kim-An, mà cứu nàng ra.
Thuận-Tường kinh ngạc:
- Đại ca biết nhũ danh của Khấu tiểu thư ư?
- Anh biết rất rõ. Kim-An không hề bị bắt, trái lại tình quân đã cứu nàng ra. Tình quân đó là nhị sư huynh của anh tên Trần Bảo-Dân.
- Tuyệt vời! Mà gan cũng lớn vô cùng. Trên đời hỏi được mấy người như nhị sư huynh của đại ca. Y dám vì tình, mà làm truyện nghịch thiên, bạo địa. Ước gì muội được gặp con người đó.
Tự-Mai thuật lại truyện tình của nhị sư huynh với Khấu Kim-An thực chi tiết tỷ mỉ, rồi nó kết luận:
- Bây giờ đến lượt anh làm truyện bạo thiên, nghịch địa.
Thuận-Tường nắm tay Tự-Mai. Cả hai cùng run lên bần bật:
- Đa tạ đại ca. Bây giờ thế này: Đại ca ghi danh ứng tuyển phò mã. Cố sao được vào chung kết. Khi Thái-hậu cùng triều đình cho công chúa cùng con các quan xuất hiện. Tiểu muội sẽ có mặt theo hầu công chúa. Đại ca xin được kết hôn với tiểu muội. Như vậy là tốt đẹp nhất.
- Tại sao Tường muội...
Có tiếng nói vọng vào:
- Thánh giá Thái-hậu giá lâm.
Thuận-Tường kinh hãi chỉ cái sập, y muốn bảo Tự-Mai chui vào gầm
ẩn thân. Nhưng Tự-Mai gan lớn bằng trời, nó không chịu chui vào mà tung người lên trên xà nhà, rồi nép mình bên cạnh kèo lớn. Thuận-Tường phóng ra cửa sổ mất dạng.
Hai cung nữ bưng trà, mứt bước vào ban nãy, dấu vội khay, đĩa trong cái tủ, rồi ra cửa. Tiếng dép lẹp kẹp, hai thiếu phụ y phục sang trọng song song bước vào. Nhờ đã được Mỹ-Linh giảng giải, nhìn y phục, Tự-Mai nhận ra được phụ nữ gầy là Lý thái phi. Còn phụ nữ người vừa phải là thái hậu. Hai cung nữ quỳ gối:
- Bái kiến thái hậu, thái phi.
Một thái giám đi theo hô:
- Bình thân.
Tự-Mai nghĩ thầm:
- Kẻ đại thù gây sóng gió cho Đại-Việt, Đại-lý, Tây-hạ, Thổ-phồn là bà Lưu thái hậu này đây. Cứ nhìn nét mặt, bà ta mới hơn bốn mươi, nhan sắc thực không thua gì Lâm Huệ-Phương, Đào Hà-Thanh. Có ai ngờ bà ta gây ra biết bao nhiêu bão táp cho thiên hạ.
Lưu thái hậu, Lý thái phi ngồi đối diện nhau, mỗi người bưng một chung trà trong tay, không ai uống, cùng nhìn nhau. Một lát sau Lưu hậu nói:
- Việc triều chính bớt bận rộn, ta tới thăm Thái- phi, muốn nói với Thái-phi ít điều.
- Thần ở đây thanh tĩnh quen rồi. Thái-hậu vì quốc sự mà thánh thể hao gầy, xin tĩnh dưỡng, không nên bận tâm về thần.
Lưu Thái-hậu thở dài:
- Dĩ nhiên ta không bận tâm về Thái-phi, mà bận tâm về các thân vương. Triệu vương ra dạ bất an. Hơn tháng qua y cáo bệnh không vào triều. Còn Định-vương! Hừ ! Ta đang điên đầu về y. Y chống lại ta chẳng nói làm gì. Có tin nói y định tạo phản.
Lý Thái-phi lắc đầu:
- Tin đó chắc người ta phao vu. Định vương hiện là rường cột xã tắc. Người là thầy, là chú Thiên-tử. Suốt đời người nhất tân lo cho Thiên-tử. Khắp nơi đều nói người là Chu-công, Trương Lương, Gia-cát Lượng. Thiếp nghĩ nếu Thiên-tử muốn, người cũng cắt tim cắt thịt cho thên tử ăn. Có đâu tạo phản?
Lưu hậu lắc đầu:
- Bề ngoài thì vậy, nhưng bề trong y liên kết với bọn Việt.
- Vương đi sứ nước người. Việc ở ngoài, khó có thể quyết đoán bằng một tờ biểu. Ai đã tâu với Thái- hậu như vậy?
- Dư An-phủ kinh lược sứ cùng Địch Thanh theo vương đi sứ Chiêm. Vương biết Dư là cháu Thái-hậu, đời nào vương mưu phản lại để lộ cho y biết? Vương mới về kinh, thần nghĩ Thái-hậu đường đường chính chính mời vương lâm triều hỏi cho ra lẽ, chẳng hơn ưu tư cho mệt thánh thể.
- Ta đã tra hỏi nhiều người. Vương kết huynh đệ với Khai-Quốc vương Đại-Việt. Như vậy không phải là mối lo ư?
- Đại-Việt là phiên thần của Tống. Xưa đức Thái-tổ chẳng từng kết huynh đệ với Trịnh Ân mà được Ân phò tá bản triều đó ư? Thần nghe, sứ đoàn Đại-Việt đang trên đường sang tiến cống. Khai-Quốc vương mưu kết với Định-vương làm phản, có đâu đem đầu đến cho ta chặt.
- Thôi được, bỏ qua việc đó. Ta muốn nói với Thái-phi một truyện: Thiên-tử không muốn gặp Thái-phi. Thế mà sao Thái-phi cứ tìm cớ tao ngộ với người?
Thái phi lắc đầu:
- Thần nghĩ Thiên-tử là giọt máu của Tiên-đế. Thần hồi tưởng ân sủng của Tiên-đế ban cho, nên muốn thấy Thiên-tử mà thôi.
Nghe hai người đối đáp, Tự-Mai kinh ngạc:
- Hai bà này nói tới hoàng nhi, tức Tống Thiên- tử. Thiên-Thánh hoàng đế rõ ràng do Lưu hậu sinh ra. Tại sao Thái-phi lại thương nhớ, tìm cách tao ngộ? Giọng điệu Thái-hậu như đe dọa. Còn Lý Thái-phi lại nhũn nhặn. Như thế là thế nào?
Nó chợt nhớ lại những lời đối đáp giữa Minh-Thiên với Định-vương mà Thiệu-Cực thuật hôm ở Bắc-biên: Rõ ràng Lưu hậu có yếu điểm gì đó liên quan đến Lý Thái-phi cùng Hoàng đế, khiếm bà ta lo sợ, phải chiều chuộng vương. Minh-Thiên còn nói rõ: Lưu hậu định hại Lý Thái-phi. Ông khuyên Định-vương phải nói điều bí mật cho hoàng đế biết. Bí mật đó là gì?
Thình lình thái hậu lên tiếng:
- Chị em chúng ta đang đàm đạo quốc sự. Người là ai mà dám leo lên xà nhà nghe trộm?