Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 5 : Bán Dạ Quỳnh Hoa Uyển -(hẹn Nhau Vườn Hoa Quỳnh)

Ngày đăng: 12:12 18/04/20


Thông-Mai quát lên:



- Em dám cãi lệnh bố ư?



Tự-Mai ngồi im, vì nó biết xưa nay mỗi khi đại hiệp Tự-An truyền lệnh gì cho các con, thường ông suy tính rất kỹ, nên dù cho Thông-Mai, Thanh-Mai cũng chỉ biết líu ríu thuân theo. Bây giờ ông ra lệnh cho nó ứng tuyển phò mã tuy là việc nhà, nhưng có liên hệ với vận mệnh đất nước. Nó cúi đầu nói nhỏ :



- Dù có ứng tuyển, khi lên đài em cũng giả thua.



Nó nghĩ thầm:



- Ở đây có nhị sư huynh, vai lớn hơn anh Thông-Mai. Nhị sư huynh dám vì tình yêu đột nhập cấm thành cứu Khấu Kim-An ra. Mình nên nhờ nhị sư huynh bênh vực, thì may ra tai qua nạn khỏi.



Nó đưa mắt nhìn Bảo-Dân, Kim-An. Bảo-Dân gì mà không hiểu ý nó, chàng lắc đầu:



- Việc gì liên quan đến môn phái thì ta là sư huynh, lớn hơn Thông-Mai, có thể quyết đoán. Còn việc này là việc nhà, sư huynh không có quyền.



Chợt Tự-Mai nhớ lại lời Lý thái phi, Thuận-Tường dặn nó bằng mọi cách phải ứng thí phò mã, thắng anh hùng thiên hạ, bằng không, vĩnh viễn mất Thuận-Tường. Nó cúi mặt ngồi im, làm như ngoan ngoãn nghe lời anh. Bảo-Dân, Thông-Mai đều ngạc nhiên về thái độ tuân phục dễ dàng của cậu em phá trời.



Bảo-Hòa móc trung túi ra hai bức thư. Nàng đưa một bức cho Lê Văn:



- Thư của sư bá gửi cho em. Em hãy đọc kỹ, thi hành lệnh của người.



Lê Văn kinh hãi, vội ngồi lui lại, sửa quần áo ngay thẳng, hai tay cung cung kính kính tiếp thư, rồi bóc ra đọc. Nó ngẩn người, vì bên trong chỉ có một tấm thiếp:



« Bố ủy cho chị Bảo-Hòa truyền đến con một mệnh lệnh. Lệnh này không thể thay đổi, vì có liên quan đến vận mệnh tộc Việt. Con phải tuyệt đối tuân theo.»



Lê Văn gấp thư bỏ vào túi, rồi nói với Bảo-Hòa:



- Bố em dạy phải nghe lời chị. Bây giờ chị trở thành bố em rồi. Chị nói gì em cũng phải nghe. Nhưng đừng ỷ làm lớn bắt nạt em. Sau này lỡ bị bệnh em bắt ăn ba bát ớt hiểm.



Nhìn ánh mắt Lê Văn, Bảo-Hòa nhớ lại ngày nàng với Thanh-Mai, Mỹ-Linh tới Vạn-thảo sơn trang trị bệnh. Hồng-Sơn bắt Mỹ-Linh phải thắng Lê Văn ông mới cho ra về. Lê Văn bèn giả thua. Sau nó bầy ra cuộc đấu, hễ Mỹ-Linh bại, thì nàng với Bảo-Hòa phải ăn một bát ớt. Quả nhiên Mỹ-Linh bại. Lê Văn đem ớt khô bắt mọi người ăn. Khi ăn vào, Bảo-Hòa thấy ớt ngọt chứ không cay. Sau này nàng mới biết thay vì đem ớt ra, nó đem kỷ tử cho chị em nàng ăn cùng với thuốc giải độc.



Bây giờ thấy nó làm ra vẻ ngoan ngoãn, nàng phì cười:



- Cũng chẳng có gì lạ cả. Sư bá nhờ chị hỏi vợ cho cậu mà thôi.



Lê Văn nghĩ thầm:



- Tự-Mai bị Trần sư bá sai anh Thông-Mai bắt ứng tuyển phò mã. Bây giờ tới bố nhờ chị Bảo-Hòa truyền lệnh cho mình. Nếu mình làm phò mã thì Nong-Nụt sẽ đau khổ lắm. Chị Bảo-Hòa vốn cứng mà dễ, mình cứ lèo nhèo, may ra thoát nạn.



Nghĩ vậy, Lê Văn mở to mắt ra nhìn Nong-Nụt:



- Hỏi vợ à? Em chưa đủ lớn mà? Còn nhóc con, cưới vợ người ta cười chết. Chị biết không, cưới vợ sớm khi chân-nguyên chưa đủ, sẽ đi đến chết non. Bố em cũng đã tìm ra rằng, tuổi con gái lấy chồng tốt nhất là hai mươi đến hai mươi lăm. Con trai thì hai mươi lăm trở lên. Bây giờ em mới mười bẩy, còn lâu mới được lấy vợ.



Nó làm bộ gật gù:



- Thôi em đồng ý lấy vợ, nhưng bẩy năm nữa.



- Tục ngữ Việt nói: Nữ thập tam, nam thập lục. Chị có bắt em cưới vợ tức thời đâu? Chị mới hỏi mà thôi. Hỏi khác với cưới nhiều chứ.



- Khổ quá chị ơi! Hai cặp giò của em là giò ngựa, thích chạy, mà hỏi vợ ngay, có khác gì ngựa què chân không? Con là nợ, vợ là oan gia, em vợ là tiên nga, bà già vợ là khỉ đột.



Lê Văn khác Tự-Mai. Tự-Mai khôn ngoan, mưu trí hơn, nhưng lại hay dấu kín tâm tư. Còn Lê Văn, nó bồng bột, ồn ào. Nghe Bảo-Hòa nói, nó hiểu liền:



- Chắc chắn việc này do Khai-Quốc vương bàn với sư bá Tự-An và bố mình đây. Các cụ muốn mình với Tự-Mai ứng tuyển làm phò mã Tống. Mình phải thoát ra mới được. Bằng không Nong-Nụt sẽ đau khổ không ít.



Nó nắm lấy tay Bảo-Hòa:



- Thực hả bà chị tiên nữ?



- Thực.



Nó chỉ Nong-Nụt:



- Thôi được, em đồng ý hỏi vợ. Vậy bà chị phải nhờ Thuận-Thiên hoàng đế đứng ra hỏi cô bé này cho em. Em với nàng đã đính ước trăm năm rồi. Nàng vừa xinh đẹp, vừa ôn nhu văn nhã, công chúa Huệ-Nhu sao sánh kịp.



Nó quay lại nói một tràng tiếng Thái với Nong-Nụt. Nong-Nụt cúi xuống, mặt đỏ bừng lên. Mọi người đều phục Lê Văn thông minh, vì trên đường từ Biện-kinh về đây, có hơn mười ngày mà Lê Văn đã học được khá nhiều tiếng Thái.



Nong-Nụt đến trước Bảo-Hòa, hai tay chắp lại để ngang trán cúi xuống vái ba vái, rồi nói mấy câu nhẹ như gió thoảng.



Lê Văn dịch :



- Em tên An-Nan Tam-gia La-sun Nong-nụt xin tham kiến tiên cô. Mong tiên cô hoá phép cho em được kết hôn với Lê Văn.



Bảo-Hòa hỏi:



- Em bao nhiêu tuổi rồi? Em đã có phép của phụ huynh chưa mà dám đi với Văn đệ.



Lê Văn dịch lại. Nong-Nụt lại nói một tràng nữa. Lê Văn dịch:



- Em mất liên lạc với huynh trưởng. Nhưng huynh trưởng biết Văn huynh cứu em chắc người không mắng đâu.



Bảo-Hòa hỏi:



- Nếu em làm vợ Văn đệ, em có chịu về Đại-Việt ở không?



Lê Văn dịch. Nong-Nụt nói, Lê Văn dịch:



- Phận gái chữ tòng, em nguyện theo Lê Văn cả đời.



Bảo-Hòa lắc đầu, thình lình nàng nắm lấy tai Lê Văn. Nó la làng:



- Ái đau.



- Dám qua mặt bà chị! Vừa rồi em nói với Nong-Nụt rằng: Chị là tiên giáng trần. Nong-Nụt cầu gì thì xin chị giúp cho. Nong-Nụt nói với chị rằng: Tấu lạy tiên cô, xin tiên cô giúp cho em mau gặp huynh trưởng. Em dám dịch láo. Câu sau em dịch rằng Tiên cô này võ công cao cường, lại tốt bụng. Nong-Nụt đáp Em thực may mắn, không ngờ đi sứ gặp tiên cô.



Lê Văn bị bại lộ mưu cơ, nó xấu hổ cười trừ.



Từ lúc đoàn tùy tùng Ngô Quảng-Thiên vào Chu-các, Bảo-Hòa thấy có một thiếu nữ hơi khác Hán, Việt, nhưng đẹp huyền bí, với đôi mắt to đen, mũi cao. Nàng chưa biết là ai, bây giờ nàng mới hỏi:



- Em gặp nàng ở đâu?



Lê-Văn chưa kịp trả lời, Bảo-Hòa đã nghĩ ra:



- À, nếu nàng là công chúa Xiêm thì thuộc giòng họ An-Nan Tam-gia La-sun. Còn tên nàng là Nong-Nụt phải không?



Bảo-Hoà cũng dùng tiếng Thái nói truyện với Nong-Nụt. Cả hai cùng dùng một thứ ngôn ngữ nhẹ như tiếng chim, trong như tiếng hạc bay qua. Tuy Lê Văn đã học tiếng Thái, nhưng chưa làm bao. Nó chỉ hiểu lờ mờ câu truyên giữa hai người.



Chợt Bảo-Hòa tỉnh ngộ:
- Không! Suốt từ khi đến đây em chỉ gặp nàng có một lần, sau đó toàn viết thư cho nhau mà thôi. Nàng khuyên em phải dùng hết khả năng vào điện thí, hai đứa mới mong thỏa tâm nguyện.



- Vậy hai câu thơ trên ý nghĩa ra sao?



- Bán dạ quỳnh hoa uyển là nửa đêm theo khu vực trồng hoa quỳnh trong vườn thượng uyển. Tiêu thanh là tiếng lóng chỉ con cọp. Cọp đây là đôi hổ anh Thiệu-Cực cho Thuận-Tường. Khi Thuận-Tường bị tiến cung, nàng dâng đôi hổ cho hoàng đế. Hoàng đế dùng nó để canh gác nơi làm việc đêm. Tâm hoài thì, nghĩa là phải cẩn thận.



Tỳ nữ vào báo:



- Thưa quý khách, có người muốn đến thăm, hiện chờ bên kia cầu.



Nói rồi trình tấm danh thiếp. Khai-Quốc vương mở ra, thấy trên thiếp vẽ hình con chim ưng xòe cánh, cạnh đó vẽ bông hoa Dạ-lý. Vương bật cười, bảo nữ tỳ:



- Mời quý khách vào.



Tự-Mai hỏi:



- Ai thế?



- Người mà em thích nhất và người mà em ớn nhất.



Tự-Mai xịu mặt xuống, vì nó biết đó là Bảo-Hòa, Thông-Mai. Quả nhiên Thông-Mai trong y phục Nho-sinh, còn Bảo-Hòa trong y phục thiếu phụ. Hai người vào phòng. Thông-Mai hỏi:



- Có ai khác không?



Thanh-Mai đáp:



- Không.



Bảo-Hòa nói với Khai-Quốc vương:



- Bọn cháu bị lộ hình tích. Hôm qua hai đại cao thủ nội cung theo hút bọn cháu. Bọn cháu phải dùng xe ngựa rời thành. Chúng đuổi theo, rồi diễn ra trận đấu. Võ công hai tên này ngang với bọn trưởng lão Hồng-thiết giáo Đại-Việt. Chúng dùng Chu-sa độc chưởng. Vì dấu tung tích võ công, nên mãi mới thắng được chúng. Anh Thông-Mai đẩy độc chất vào người chúng. Có lẽ mai này độc tố mới phát.



Tự-Mai đã được Lý thái phi cho biết khá nhiều về nhân vật nội cung. Nó tò mò:



- Chị có biết chúng tên gì không?



- Một gã tên Dương Hoài-Mẫn, một gã tên La Sùng-Đản.



Tự-Mai à lên:



- La Sùng-Đản trước giữ chức Nhập-nội đô tri. Mới đây được thăng lên Bắc-ban chỉ hậu nội phẩm, thống lĩnh cung nga, thái giám cùng chỉ huy thị vệ trong Cấm-thành. Còn Dương Hoài-Mẫn giữ chức Hoàng-thành sứ, chỉ huy thị vệ trong hoàng thành. Hai tên này là chân tay của Lưu hậu.



Khai-Quốc vương truyền mọi người vào họp. Mỹ-Linh hỏi Bảo-Hòa:



- Chị Bảo-Hòa! Chị có thuộc hết lý lịch các quan trong triều Tống không? Hôm trước Định vương đã tóm lược cho em nghe, nhưng đó là cái nhìn của bậc tể phụ thân vương. Em muốn biết hết những uẩn khúc phía sau cung đình, cùng tư thất các quan kia.



Thanh-Mai cũng tiếp:



- Có lẽ Bảo-Hòa nên nói rõ tổ chức triều Tống cho các em chúng hiểu. Hôm trước tại Bắc-biên Thiệu-Cực đã trình bầy rồi, nhưng trên đường sang đây tôi thấy sai nhiều quá, nhất là bí mật quanh Lưu hậu. Vì mai này điện kiến, có thể chúng ta phải đối đầu với các quan, ta cần biết rõ từng người một.



Bảo-Hòa trình bầy:



- Tổ chức triều Tống hơi giống triều Đường. Có điều mỗi đời vua một thay đổi. Triều Đường có tể tướng. Triều Tống không dùng danh từ tể tướng mà dùng nhiều danh xưng khác nhau. Trên hết là hoàng đế, uy quyền bao la. Tiếp đó là Tam-sư, Tam-công. Dưới Tam-sư, Tam-công là Thượng-thư tỉnh tức triều chính.



Lê Văn đưa mắt nhìn Khai-Quốc vương:



- Như vậy tổ chức triều đình mình cũng hơi giống Tống đấy chứ! Tam sư gồm Thái-sư, Thái-phó, Thái-bảo. Tam công gồm Thái-úy, Tư-đồ, Tư-không. Những chức này thường phong cho thân vương, không dự vào chính sự. Thảng hoặc cũng có những tể thần ở chức vụ lâu năm cũng được đôn lên.



Bảo-Hòa gật đầu:



- Đúng thế. Thường từ Tư-đồ tiến Thái-bảo. Thái-phó lên Thái-úy. Đôi khi thêm chữ Kiểm-hiệu cho mỹ tự mà thôi. Bây giờ tới Thượng-thư tỉnh, đời Đường do tể tướng cầm đầu. Tống gọi là Đồng-bình chương sự, gồm hai ông. Hai ông này, mỗi ông đều lĩnh một chức đại học sĩ. Ông lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ giám tu quốc sử trên ông Tập-hiền viện đại học sĩ. Hiện Tào Lợi-Dụng lĩnh Tập-hiền viện đại học sĩ, mà lại làm tả thừa tướng. Trong khi Vương Tăng lĩnh Chiêu-văn quan đại học sĩ mà lại làm hữu thừa tướng.



Tự-Mai nhìn Khai-Quốc vương:



- Nhiệm vụ của tể tướng ra sao?



- Rất rộng: Phụ tá thiên tử, thống trăm quan, bình thứ chính. Nghĩa là không sự gì trong nước mà không thống thuộc.



Tôn Đản hỏi:



- Như vậy có đến hai ông tể tướng. Có phó tể tướng không?



- Có chứ, có từ hai đến sáu ông, gọi là Tham-tri chính sự. Ngoài ra có rất nhiều ông Thị-trung. Những ông Thị-trung này cũng được bàn chính sự với vua. Dưới Thị-trung tới phó Thị-trung thường gọi là Thị-lang.



Khai-Quốc vương gật đầu:



- Điểm này hơi khác với bên mình một chút đây. Thế dưới mấy ông tể tướng, có những tổ chức gì?



- Gồm Khu-mật viện, Tuyên-huy viện, Đông cung quan, Lục bộ.



Thuận-Tông rất chú ý tới vấn đề tổ chức. Nó hỏi:



- Tuyên huy viện là gì vậy?



- Tuyên-huy có hai. Tuyên-huy Nam-viện và Tuyên-huy Bắc-viện. Hai viện đảm trách những vấn đề lặt vặt, nhưng rất quan trọng. Ngoại sự, thâu gồm tài vật, kiểm kê kho tàng. Nội sự trông coi mọi cung phụng cho nội cung, triều đình như việc triều hội, yến tiệc. Nghiã là thống lĩnh tất cả việc cai trị thái giám, cung nga cùng cung phụng triều đình, nội cung. Còn Đông-cung quan, coi như một triều đình thu nhỏ, tức các quan quanh Đông-cung thái tử. Những chức này không thua chức tước triều đình làm bao.



Tự-Mai gật đầu:



- Em có nghe Lý thái phi nói rồi: Gồm các ông Thái-tử thái sư, Thái-tử thái phó, Thái-tử thiếu sư, Thái-tử thiếu phó và Thái-tử thiếu bảo. Những ông này là thầy dạy thái tử. Sau khi thái tử lên ngôi vua, các ông thành tể thần hết. Lỡ thái tử phạm tội, thì các ông cũng bị rơi đầu luôn.



- Đúng vậy. Còn Lục-bộ gồm Lại-bộ, Hộ-bộ, Lễ-bộ, Binh-bộ, Hình-bộ,



Công-bộ. Giống hệt bên mình.



Tôn Đản hỏi:



- Bây giờ xin sư tỷ cho biết những ông nào giữ chức vụ chính yếu trên? Đầu tiên hai ông tể tướng đã.



- Cao nhất hiện thời là ông Tào Lợi-Dụng. Ông tự là Dụng-Chi, người đất Ninh-tấn thuộc châu Triệu. Thủa nhỏ đã nổi tiếng biện sĩ, có chí lớn, theo học với phái Liêu-Đông. Hai mươi tuổi triều đình mở cuộc tuyển võ. Trong hơn nghìn thí sinh, Lợi-Dụng cùng mười chín người khác được vào điện thí. Trong cuộc điện thí Lợi-Dụng cùng hai người nữa đứng đầu. Được cử vào chức Hữu-ban điện trực. Năm Cảnh-đức nguyên niên, Khất-đan đem quân đánh Hà-Bắc. Vua Chân-tông thân chinh. Tướng Khất-Đan là Đạt-Giác võ công cực cao, không tướng Tống nào địch nổi. Vua sai Lợi-Dụng song đấu với Đạt-Giác. Võ công hai người ngang nhau. Sau Lợi-Dụng dùng nội công Liêu-Đông làm tiêu tán công lực đối phương, giết Đạt-Giác. Giặc định rút lui, có ý nghị hòa. Sứ thần Tống là Vương Kế-Trung, muốn tìm người có thể cùng đi sứ Khất-đan. Khu-mật viện chọn Lợi-Dụng. Vua Chân-tông ban dụ : Khất-Đan đem quân xuống Nam kỳ này là muốn chiếm đất. Nó đã chiếm của ta mất một châu. Nay tuy bại, nhưng nó sẽ giữ luôn đất không trả. Xưa vua Hán đánh Thiền-vu, tuy bại, nhưng khi nghị hòa chỉ ban vàng lụa. Vậy khanh nên cố đòi đất, mà cho vàng lụa.



Lợi-Dụng tâu:



- Khất-Đan vốn thô lỗ, không trọng văn học, kính nể người có sức lực. Thần nguyện trổ thần võ thắng chúng. Nếu không đòi được đất, thần nguyện chết bên đất giặc chứ không dám trở về làm nhục mệnh quân vương. Sau qủa nhiên Lợi-Dụng đòi được đất. Vua phong cho làm Trung-châu thứ sử.



Mỹ-Linh hỏi:



- Trước đây nghe nói Lợi-Dụng đã xuống vùng Lĩnh-Nam mình một thời gian. Chuyện đó ra sao?