Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 116 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Theo tục lệ truyền thống, sau lễ bái mạng tại điện Cần Chánh, toàn thể nội các phải vào chầu Đức Hoàng Thái hậu Từ Cung tại cung Diên Thọ. Bà này đòi các vị bộ trưởng mặc quốc phục. Tổng lý nội các sẽ đội khăn đóng, bận áo dài gấm quần rộng nhưng các bộ trưởng khác không ai bắt chước nhà giáo già và mọi người vẫn mặc âu phục nhưng chụp khăn đóng trên đầu, khoác áo gấm rộng ra ngoài, dưới vẫn mặc quần tây và đi giầy tây. Một bức tranh tạp nham về sắc phục. Tuy nhiên bà Hoàng Thái hậu cũng mời trầu và thuốc để thay lời chào mừng. Khi chia tay, bà không quên mời thủ tướng và các bộ trưởng đưa các bà mệnh phụ đến luôn để chầu tam cúc, tổ tôm hay đánh mạt chược là một đam mê không thể bỏ của bà Hoàng Thái hậu.
Sau buổi chầu Hoàng thái hậu, toàn thể nội các dẫn nhau đến điện Kiến Trung để yết kiến Nhà vua và Hoàng hậu. Tại đây vợ chồng Bảo Đại và Nam Phương đã chờ sẵn. Nhà vua mặc áo dài lam bằng sa tanh, giày thêu, còn Nam Phương bận áo dài đỏ và quần trắng. Cả hai nom dáng điệu vui vẻ. Họ mở sâm banh chúc mừng tân thủ tướng và các bộ trưởng có mặt đông đủ. Nam Phương thân ái hỏi thăm gia đình từng vị khiến họ rất cảm động.
Chính phủ mới bắt đầu nhiệm vụ trong một bầu không khí gần như vui vẻ.
Tuy nhiên Nhà vua là con người chuộng thực tế và sáng suốt. Cũng là con người trung thực, ông báo trước cho các tân bộ trưởng chấp nhận mọi tình huống hiểm nguy đang chờ đón họ. Chính phủ đầu tiên của Việt Nam độc lập đã bị công kích trước. Họ không thể làm được việc gì nếu không có sự đồng ý của người Nhật. Họ phải đương đầu với sự sỉ nhục khi người Nhật đến lượt họ bị Đồng minh đánh bại và rời khỏi Đông Dương.
Chỉ vài tháng sau, chính phủ mới thành lập này đã bị cách mạng đánh đổ. Tuy nhiên ê-kíp mới này gồm những người có tinh thần quốc gia sẽ làm được đôi việc có ích.
Chấp nhận độc lập trong bối cảnh đó có phải là sai lầm không? Mặc dù người bảo hộ Nhật Bản đã suy yếu, mặc dù chiến tranh và bão tố cách mạng, chắc chắn Bảo Đại vẫn hy vọng có thời gian đưa Việt Nam về với các nước tự do. Trước mắt Nhà vua chỉ còn mấy tháng trước khi đế quốc Mặt Trời Mọc sụp đổ dưới các đòn tiến công của Đồng minh.
Và ngoài ra trò chơi chính trị này có vẻ làm ông thích thú... Ông gần như bận bịu với trật tự mới. Mấy hôm sau ông trả lời các nhà báo: "Thời Pháp thuộc tôi không nói được gì, không được tự đi đâu. Nhưng bây giờ thì từ khắp nơi trong nước các đại biểu đến nhiệt tình bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ mới. Tôi rất sung sướng"(7).
Ngày 9 tháng 3, Bảo Long vẫn ở Đà Lạt với bà dì. Từ hôm sau, một đại tá Nhật mời bà bá tước Didelot là em gái bà Nam Phương về Huế. Người Nhật đưa đến một chiếc xe với cả một tiểu đội lính hộ vệ. Chuyến đi kéo dài ba ngày. Bà bá tước một mình với đám trẻ, con đẻ của bà và các con của bà Nam Phương. Ba ngày phải đi sáu trăm cây số từ Đà lạt về Huế. Tất cả các cầu trên đường đã bị đánh sập, đường bị các máy bay Mỹ ném bom hư hỏng nhiều chỗ từ nhiều tháng nay. Nhưng cuối cùng họ cũng về đến thành phố. Bà bá tước phải về ở tạm một căn nhà rồi tìm cách liên lạc với bà chị sau.
Trong Tử Cấm thành cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thản như trước hoặc gần như trước.
Nhà vua cùng một lúc tổ chức chính phủ mới và quan tâm đến đứa con trai của ông.
Chiến tranh chẳng làm ông bận tâm, kể cả các sự kiện xảy ra trong thời kỳ này có liên quan đến vận mệnh của nền quân chủ hay số phận của Việt Nam.
Chú thích:
(1) CAOM, Hồ sơ lưu trữ Bộ Pháp quốc hải ngoại. Báo Chicago Sun (Mặt trời Chicago) ra ngày 26 tháng 8 năm 1945.
(2) Ngày 23 tháng 2, Toàn quyền Decoux điện cho Bộ thuộc địa: Việc thiếu thận trọng của tổ chức kháng chiến gây cho tôi nhiều trở ngại. Mối quan tâm của chúng ta là các sáng kiến quá sớm không được gây khiêu khích người Nhật để hỏng việc lớn. Jacques Folin trích dẫn trong Indochine 1940-1945 la fin d"un rêve (Đông Dương 1940-1945, kết thúc một giấc mơ) Nhà xuất bản Perrin 1997.
(3) Bảo Đại: Le Dragon d Annam (Con Rồng Annam) Plon.
(4) Gilbert David, Chroniques secrètes d Indochine. (Biên niên sử bí mật Đông Dương), Nhà xuất bản L"Harmattan, 1994.
(5) Phạm Khắc Hòe - "Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc", Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.
(6) Masaya Shiraishi trích trong L Indochine française (Đông Dương thuộc Pháp) của Paul Isoart, Nhà xuất bản Presses Universitaires Françaises, 1982.
(7) Ngày nay, số 2, ra ngày 12 tháng 5 năm 1945.
(8) Elula Pernn, Sách đã dẫn.
(9) Elula Perrin, Sách đã dẫn.