Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 22 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Nguy cơ bùng nổ cuộc nổi dậy tại kinh đô Huế khiến tư lệnh quân đội Nhật đề nghị dùng vũ lực để lập lại trật tự trên đường phố. “Chỉ cần hai tiếng đồng hồ là quét sạch cuộc nổi loạn”. Nhà vua từ chối. Ông không muốn người Việt Nam phải đổ máu.
Trước khi có quyết định cuối cùng, Bảo Đại muốn biết ai ở đằng sau Việt Minh? Nhà cách mạng nào?
Trong ký ức của mình ông nhớ đến cái tên Võ Nguyên Giáp, cái tên duy nhất ông nhớ được. Buổi chiều ngày 19 tháng 8, bốn lần ông gọi điện cho ông Hòe, hỏi xem lãnh tụ Việt Minh là ai? Mọi người chỉ biết Nguyễn Ái Quốc, nhà cách mạng, nhiều lần bị truy nã và kết án, nhưng cũng ít người biết Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh chỉ là một. Đó là người đứng đầu chính phủ cách mạng lâm thời đóng trụ sở tại tầng một toà Thống sứ ở Hà Nội, nay được gọi là Bắc Bộ phủ.
Sự mê tín, như thường thấy ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong những giờ phút quyết dịnh. Phạm Khắc Hòe không ngừng nhắc lại câu sấm truyền: Nam Đàn sinh thánh. Thánh đó có thể là nhà chí sĩ Phan Bội Châu, nhưng Phan Bội Châu không thành công và đã mất năm 1940. Từ những năm 1920 người ta lại giải thích ông thánh cứu nước chỉ có thể là Nguyễn Ái Quốc cùng quê Nam Đàn với Phan Bội Châu ở Nghệ An.
Chính câu sấm truyền ấy cùng với dư luận đồn đại, theo ông Hòe kể lại sau này, đã khiến Nhà vua đi đến quyết định cuối cùng.
Ngày 20 tháng 8, Bảo Đại cho biết ông sẵn sàng thoái vị ngay nếu người đứng đầu Việt Minh là Nguyễn Ái Quốc.
Buổi sáng ngày 21 tháng 8, lá cờ vàng ba gạch hình quẻ ly của Triều đình lâu nay vẫn ngạo nghễ trên cột cờ cao trên kỳ đài của hoàng thành thì hôm nay đã được thay bằng lá cờ của cách mạng, màu đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ ở chân kỳ đài có mặt lúc đó chẳng những không làm gì để ngăn cản mà lại còn phụ giúp những người cách mạng kéo lá cờ đỏ sao vàng lên(2). Việc này làm Bảo Đại đau khổ và suy sụp hơn là tuyên bố sẵn sàng thoái vị. Ông nghĩ trước khi làm lễ cáo yết tổ tiên và giao quyền bính cho chính phủ cách mạng thì quyền lực Nhà vua mà tiêu biểu của nó là cờ vàng cỡ lớn treo cao gần ba chục mét, ở xa hàng chục cây số vẫn nhìn thấy. Ông chấp nhận ý kiến thoái vị vì vào thời điểm đó, dù có thừa nhận hay không, phong trào Việt Minh đã tập hợp được đại đa số những người yêu nước có tinh thần quốc gia – dân tộc trong nhân dân. Những người Cộng sản chỉ chiếm số rất ít trong hàng ngũ những người tham gia Việt Minh. Theo số liệu được công bố sau này cả nước lúc đó chỉ khoảng năm nghìn đảng viên, phần lớn lại là những đảng viên mới. Họ hoạt động bí mật và thường giấu kín cả việc họ là đảng viên.
Cùng ngày, De Gaulle lên tiếng. Lúc này ông đang ở Washington để hội kiến với Truman. Người đứng đầu nước Pháp tự do được tổng thống Mỹ dứt khoát công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Lập trường của De Gaulle lúc này là không thể chấp nhận Đông Dương độc lập. Ông chỉ tuyên bố. “Do thái độ trước kẻ xâm lược và trung thành với nước Pháp, dân chúng Đông Dương xứng đáng được sống sung túc và tự do hơn”.
- Thôi, bây giờ thì mọi việc do tay ông Hòe quyết định cả?
Nhưng không ai là không biết chính ông Kim cũng như nhiều người trong nội các của ông, những lúc hiểm nguy đã đi tìm sự che chở của người Nhật.
Tan họp, Phạm Khắc Hòe thảo ngay thư trả lời chấp nhận thoái vị ngay của Nhà vua và được lệnh chuyển ngay cho Việt Minh đang chủ trì cuộc míttinh ở sân vận động Huế tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân toàn tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.
Tối hôm đó, tin khởi nghĩa thành công tại Huế và Vua Bảo Đại nhận thoái vị đã được điện báo cáo ngay cho Hà Nội(6). Sáng hôm sau, 24 tháng 8 lại một bức điện ngắn do Uỷ ban nhân dân Bắc bộ gửi vào:“Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập, chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay đế củng cố nền độc lập và thông nhất nước nhà“.
Sau này tin đầy đủ hơn cho biết: Chiều ngày 21 tháng 8 năm 1945 tại Hà Nội một nhóm trí thức và sinh viên họp ở Việt Nam học xá đã nhất trí yêu cầu Nhà vua thoái vị, trao chính quyền cho chính phủ lâm thời do Việt Minh thành lập(7).
Lúc này, ông Hòe đã đi dò hỏi được các nguồn tin đáng tin cậy cho biết lãnh tụ Việt Minh chính là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh cũng chính là Nguyễn Ái Quốc.
Vả lại, trưa hôm trước, Nhà vua đã chấp nhận tối hậu thư của Việt Minh Thừa Thiên-Huế là thoái vị ngay cho nên lúc này chẳng còn gì để trù trừ nữa.