Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 29 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Tóm lại, cuộc sống êm thuận, vui vẻ. Một cuộc cách mạng thực sự. Chỉ có một điều dè chừng. Ông chính trị viên luôn luôn có mặt, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của bà. Trong lúc chuyện trò, bà phải cẩn thận giữ gìn ý tứ, lựa lời để không làm phật lòng ông ta. Ngoài ra tâm trạng bà lúc nào cũng lo âu phấp phỏng.
Sáng sáng, bọn trẻ đến trường bằng xe kéo. Trừ đứa bé nhất chưa đủ tuổi vào lớp, còn ba đứa chất đầy một xe kéo. Trên đoạn đường ngắn từ nhà đến trường chúng được chứng kiến bọn lính Trung Hoa xử sự như đất nước chúng: Chúng ngang nhiên cướp bóc, trấn lột vơ vét của cải của người dân đem về doanh trại. Nhưng vui nhất là lúc đi qua khu phố Tây gần trường học, trong đó những gia đình kiều dân Pháp sống chen chúc biệt lập trong các nhà theo kiểu biệt thự.
Bọn trẻ con người Việt hễ thấy lũ con Tây là trêu chọc, chửi bới xua đuổi vào trong nhà, dùng súng cao su hay ném đá vào các cửa sổ. Anh em Bảo Long cũng đua đòi theo các bạn chơi cái trò độc ác đó. Người học sinh cũ của trường dòng Oiseaux và của trường trung học d’Adran cũng hò hét, ném đá vào cả những đứa trẻ mà chỉ chưa đầy một năm trước đây cậu hằng yêu mến. Dân quân Việt Minh ngày đêm canh gác khu phố Tây để ngăn mọi hành động quá khích. Một hôm tình hình trở nên căng thẳng hơn mọi ngày: Xảy ra một cuộc xô xát giữa mấy anh bộ đội Việt Minh với một số kiều dân Pháp. Số là trên mặt trận Nam Bộ, bộ đội Việt Nam vừa dùng lựu đạn đánh chìm chiếc tàu Pháp Richelieu. Bộ đội Huế nghe tin liền tổ chức hội họp ăn mừng chiến công đó. Quá phấn khích, suýt nữa thì họ xông vào các nhà Pháp kiều để tàn sát.
Các lực lượng trật tự đến kịp: chỉ có đấm đá nên chỉ gây thương tích nhẹ cho nạn nhân. Bà Nam Phương có thêm những lý do để lo lắng tình hình sẽ xảy ra tồi tệ hơn nữa.
Những kỷ niệm thời Pháp thuộc phai mờ dần trong tâm trí người dân, kể cả những đứa trẻ trong hoàng gla. Quyền lực được xây dựng và tồn tại gần một thế kỷ phút chốc tiêu tan qua các phong trào nổi dậy của đông đảo quần chúng. Không còn bóng người Pháp nghênh ngang trên đường phố. Kiều dân Pháp sống tập trung trong khu biệt cư. Binh lính và sĩ quan của đội quân thuộc địa một thời đã từng diễu binh hùng dũng dưới chế độ Decoux, hãy còn bị giam giữ trong các trại tù binh từ ngày đảo chính mồng 9 tháng 3, mặc dù Nhật đã đầu hàng(4).
Số phận hoàng gia đã bị thế giới phương Tây, những kẻ bảo hộ họ trước đây, bỏ quên. Chẳng ai buồn đoái hoài đến họ. Thật lạ lùng chỉ có đô đốc D’Argenlieu, vừa mới được tướng De Gaulle bổ nhiệm Cao uỷ Pháp tại Đông Dương nhớ đến. Từ Chandernagor, một tỉnh Ấn Độ, thuộc Pháp ông ta theo sát tình hình để chờ thời cơ thuận lợi tiến vào Đông Dương. Ông liên tiếp báo cáo về Pháp: “Hoàng hậu An Nam và các con bị những người nổi dậy nhốt ở Huế. Hoàng Thái hậu kỳ thị bà, chính quyền cách mạng luôn luôn đe doạ tính mệnh bà. Bà có ảnh hưởng lớn đối với tín đồ công giáo Đông Dương. Hy vọng Toà Thánh sẽ can thiệp với Trung Hoa đang chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự khu vưc bắc Đông Dương có những biện pháp cần thiết đế đưa bà Hoàng hậu và các con về Sài Gòn”(điện ngày 9 tháng 10 năm 1945).
Nhưng Laurentie trong Uỷ ban Đông Dương nhận bức điện “tối mật” ngày 9 tháng 10 năm 1945 đã bác bỏ đề nghị của D’Argenlieu. Trong hồ sơ của Bộ Pháp quốc hải ngoại lưu giữ ở Aix-en-Provence, người ta còn thấy dấu tích bút phê bằng bút chì của ông Laurentie chua ở bên lề bức điện của đô đốc D’Argenlieu: “Tôi thấy không đúng lúc việc nhờ Toà Thánh can thiệp và Trung Hoa gây sức ép với những người chúng tôi muốn thương thuyết(5).
Nhiều phóng viên đến gặp bà cố vấn tối cao để viết bài. Trước tiên là hai phóng viên báo Quyết thắng, cơ quan của Việt Minh Trung Bộ. Họ thuật lại: Đến cung An Định họ được yêu cầu chờ ở phòng khách. Một người râu rậm, có vẻ trí thức tiếp họ. Đó là Nguyễn Duy Quang, nguyên Đại nội đại thần của Bảo Đại. Ông nói bà phu nhân cố vấn đang tắm nên không thể tiếp họ được, yêu cầu nhà báo để lại những câu hỏi phỏng vấn để hôm sau trở lại. Hôm sau, vào đến cổng họ chú ý đến một cậu bé, chín mười tuổi kháu khỉnh đang câu cá bên sông đào. Chắc là Bảo Long. Ông Quang dẫn họ vào một phòng dài có hai ghế bành lớn, hai ghế bành của cặp vợ chồng Nhà vua trước đây. Bà Nam Phương từ trong buồng trong bước ra. Hai ông nhà báo bất ngờ thấy bà đứng thẳng người, nâng nắm tay phải lên ngang tai chào theo kiểu Việt Minh? Một bà cựu hoàng “đỏ”, bà có đi quá xa không? Được hỏi về tình hình ông cố vấn ở Hà Nội. Bà cho biết ông vẫn mạnh khỏe, làm việc nhiều, thỉnh thoảng viết thư về, thư nào cũng nói tốt về cụ Hồ(6): Cụ có tuổi nhưng làm việc miệt mài, có hôm về rất muộn, thức ăn đã nguội mà cũng không yêu cầu người phục vụ hâm lại.
Nhà báo hỏi về vai trò của bà cựu hoàng trong xã hội mới và trách nhiệm của phu nhân cố vấn tối cao, bà vui vẻ trả lời: “Bây giờ đất nước được độc lập rồi, đã đến lúc người phụ nữ phải coi trọng vai trò của mình. Phụ nữ Trung Nam Bắc có nhiệm vụ chung là tích cực tham gia uào công cuộc tái thiết đất nước”. Bà còn tỏ ý mong Chính phủ cụ Hồ sẽ giao cho bà một trách nhiệm cụ thể. Mỗi khi viết thư trả lời ông cố vấn bà đều nhắc lại nguyện vọng đó. Trả lời câu hỏi về gia đình, các hoàng tử công chúa, bà cựu hoàng trả lời: tất cả đều mạnh khỏe. Cảm ơn các nhà báo đã đến phỏng vấn. Bà đứng dậy, đột ngột cắt dứt câu chuyện, tươi cười bắt tay tạm biệt hai nhà báo và lui vào buồng trong. Tác giả kết luận bài báo: Tính cách bà cựu hoàng thật đặc biệt.
(2) Báo Quyết chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh tại Thuận Hoá, xuất bản ngày 18 tháng 9 năm 1945.
(3) Báo Dân quốc xuất bản tại Hà Nộị ngày 24 tháng 9 năm 1945.
(4) Đại tá Cédille, được De Gaulle cử làm uỷ viên cộng hoà Pháp tại miền Nam Việt Nam nhảy dù xuống Lộc Ninh ngày 22 tháng 8 năm 1945 bị Nhật bắt đưa về Sài Gòn trao cho Gracey, trưởng phái bộ Anh (ND).
(5) COM, bộ Pháp quốc Hải ngoại, Hồ sơ 1211, NF.
(6) Ít nhất ông Cố vấn gửi đến năm bức thư về cho vợ, nhờ cán bộ đi công tác vào Nam chuyển.
(7) Phạm Khắc Hòe, Sách đã dẫn.
(8) Xem Hồi ký Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1996.
(9) Báo Dân quốc xuất bán tại Hà Nội ngày 20 tháng 12 năm 1945.
(10 Biên bản họp Hội đồng Chính phủ ngày 20 tháng năm 1946, lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.