Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 13 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Bảo Đại đứng ở đằng mũi tàu. Ông bận quốc phục. Áo và khăn vàng. Đoàn tuỳ tùng có mấy người anh em họ và một vài cố vấn. ở đằng lái phía sau, số đông hành khách đứng trên cầu tàu vừa để đón gió biển vừa để nhìn rõ quang cảnh đón tân vương. Những tà áo trắng của phu nhân các quý quan chủ đồn điền hay công chức thuộc địa phấp phới bay trước gió. Các ông chồng cầm mũ trong tay. Trước cảnh tượng lạ mắt đó, Bảo Đại có vẻ xúc động. Một niềm hạnh phúc thật sự hiện rõ trên khuôn mặt bình thản, khó ai có thể đoán được ông nghĩ gì. Nước sông Cửu Long xám xịt bùn còn nước biển đục ngầu đến hàng chục dặm tính từ cửa sông. Chỗ tàu bỏ neo, rất gần đất liền. Đó là lãnh thổ Việt Nam hay đúng hơn là đất đai xứ Nam Kỳ. Sài Gòn ở cách biển chừng bốn chục cây số ngược lên thượng lưu. Hôm đó Nhà vua từ xa đã lại nhìn thấy đất nước mình sau gần mười năm xa cách.
Ảnh:Lễ đón rước Bảo Đại về nước, năm 1932
Tháng 9 năm 1932, đúng như đã dự kiến, Bảo Đại bắt đầu cuộc đại hành trình về nước. Đáp ứng nguyện vọng của ông Chatel, nước Pháp, chính phủ và quân đội không thể xem nhẹ mà phải ra sức làm cho chuyến trở về nước của ông thật rùm beng. Phải có nghi thức rầm rộ. Trước hết là ông Albert Sarraut, Bộ trưởng Thuộc địa, đại diện chính phủ thân hành đến Marseille để tiễn. Sau đó là những nơi tàu ghé lại đều tổ chức đón tiếp linh đình, trừ ở Penang là nơi Sở mật thám được tin mật báo có vụ mưu sát. Đây là vụ thứ ba được phát hiện. Sau hai lần trước định tổ chức ở Paris và Marseille không thành công, người ta dự định sẽ tổ chức vụ ám sát khủng bố dự định biến bán đảo Mã Lai phải đổ máu. Ngày hôm đó, con tàu xuyên đại dương mang tên Président Doumer đã phải âm thầm thả neo ở xa nơi tổ chức lễ đón tiếp(1). Nhưng hung thủ, người của ban Thuộc địa Đảng Cộng sản Pháp đã không xuất đầu lộ diện. Con tàu khách đi tiếp vào lãnh hải Việt Nam, uể oải thả neo ở mũi Saint-Jacques (Cam Ranh ngày nay) chung quanh có các tàu chiến bảo vệ. Sở mật thám thở phào. Tại đây Bảo Đại rời tàu khách chuyển sang tàu chiến: Đó là tàu Dumont d"Urville sẽ đưa ông đến Đà Nẵng. Đến đó Vua mới thật sự cập bến để bước chân lên đất liền thuộc lãnh thổ An Nam. Đoàn tàu hộ tống ngoài chiếc Dumont d"Urville còn có thêm hai tàu nữa. Từng loạt đạn bác nổ vang khi Vua rời khỏi tàu khách vượt qua vài sải nước để bước lên tàu. Các tàu đỗ trong vịnh đều treo cờ. Thuỷ thủ xếp hàng trên boong hô hu-ra vang dậy trong khi các nòng pháo nhả đạn chào mừng. Hành khách cùng đi trên tàu viễn dương Président Doumer cũng hoan hô theo nhưng kín đáo hơn.
Dọc bờ biển và các cảng miền Trung, nước biển trong xanh hơn. Tuy chưa đến đây bao giờ nhưng Nhà vua có thể đọc tên: Phan Thiết, Nha Trang và cuối cùng là Đà Nẵng. Đến cảng Đà Nẵng ông lại chuyển sang pháo thuyền ngược sông Hàn cập bến thành phố.
Ông bận chiếc hoàng bào thêu kim tuyến, khoác chéo vai dải Bắc đẩu bội tinh. Một trăm phát đại bác mặt đất nổ ran chào mừng. Hai bên bờ dân chúng tụ tập đông nghịt chào đón. Họ quì xuống sụp lạy khi vị vua trẻ đi qua, giống như những ngọn cỏ bị gió thổi rạt trên cánh đồng.
Bảo Đại, đứng thẳng người tươi cười trước sự nghênh đón của thần dân. Ông bước qua trước đám đông, nói mấy câu chào hỏi từng vị thân hào khiến họ xúc động ra mặt. Cuối cùng ông bước lên xe lửa đặc biệt đi thêm 100 cây số nữa mới đến Huế. Tại đây lại cờ quạt, tiếng đại bác nổ vang dậy chào mừng. Khác với lúc đển Đà Nẵng trời nắng to, khi đoàn xe qua cửa Ngọ Môn trời bỗng đổ mưa như trút nước. Thế nào cũng là điềm tốt cả. Trời nắng là ông Trời muốn đem ánh sáng chói loà để mừng con trai trở về, còn trời mưa rào là điềm báo sự phồn vinh sẽ đến.
Chính vì vậy các tiên đế của triều đại ngay từ khi còn sống mỗi người đã chú ý xây lăng làm nơi an nghỉ tương lai cho mình sau khi rời khỏi cõi nhân gian. Trong vùng đồng bằng không xa kinh thành, dựa vào các ngọn đồi thấp, có tất cả tám lăng tẩm. Tất cả đều uy nghi, có cái rất đẹp, làm xúc động lòng người, đều có ý nghĩa hơn cả trong các vật tượng trưng của ngai vàng để lại. Cho nên không thể có vấn đề đi khỏi nơi này. Có nên rời bỏ một nơi mà các vị thần linh đã ban phúc lành?
Chú thích:
(1) Lưu trữ bộ Ngoại giao, Vụ Á - Châu Đại dương Loại E, 1930-1940, hồ sơ 40.
(2) Bao Dai, Le Dragon dAnnam (Con rồng AnNam), Nhà xuất bản Plon.
(3) Bảo Đại, Huế, La Cité Interdite (Tử Cấm thành Huê), Nhà xuất bản Mengès, 1995.