Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 214 :

Ngày đăng: 12:05 19/04/20


Theo cách làm quen thuộc, người Pháp muốn lập vua mới để đứng đầu chính quyền tay sai… Dưới con mắt người Pháp, Bảo Đại là con người vô dụng, bạc nhược, hai lần phản bội người Pháp. Hết phục tùng chính phủ Vichy thân Đức, làm bù nhìn cho Nhật, lại ngoan ngoãn quy thuận Việt Minh, dễ dàng thoái vị, rồi cuối cùng ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh. Và chắc chắn là với đồng bào mình, ông ta hoàn toàn mất hết lòng tin.



Chọn ai bây giờ? Chọn Bảo Long có nghĩa là sẽ giao quyền nhiếp chính cho cựu Hoàng hậu Nam Phương. Đã có lúc giải pháp nầy được nghĩ đến. Có nhiều thuận lợi vì lúc nầy bà cựu hoàng sắp sửa kêu gọi người Pháp giúp đỡ để thoát khỏi sự kiềm toả của Việt Minh.



Tuy nhiên, giới hữu trách trong chính phủ lâm thời Pháp không dừng lại ở giải pháp nầy. Họ đi xa hơn, ngược thời gian, nghĩ đến Duy Tân, vị vua trẻ đã thách thức họ trong những năm 1916. Giờ đây ông ta ra sao?



Dân chúng thành phố Saint-Denis thuộc bán đảo Réunion biết rõ Duy Tân, đến mức chỉ gọi bằng tước hiệu “hoàng tử” mà không cần gọi đích danh. Ông có một cửa hiệu nhỏ ở trung tâm thành phố. Hoàng tử Vĩnh San tức cựu hoàng Duy Tân, nay kiếm sống bằng nghề sửa chữa, lắp đặt thiết bị vô tuyến điện làm kế sinh nhai. Chẳng phải là thiết bị vô tuyến điện cho tàu ngầm, cho các đơn vị dã chiến hay cho đội quân ngầm mà chỉ là loại máy thu thanh vô tuyến đơn giản hình tròn, có đèn sáng đặt trên quầy rượu nhà quê. Lúc đầu để tăng thêm thu nhập ít ỏi của mình, ông còn làm nghề cưỡi ngựa đua (dô-kê). Thuở nhỏ ở Huế khi học làm vua ông đã được học cưỡi ngựa.



17 tuổi, bị lưu đày xứ người, chẳng biết làm gì khác, dĩ nhiên ông đành chọn nghề cưỡi ngựa đua, đua ngựa vốn đã là một nghề. Tuy nhiên, chính phủ Pháp trước đây đã phế truất ông, thì giờ đây lại hào phóng cấp cho ông một khoản trợ cấp. Một khoản trợ cấp nhỏ, như báo chí Pháp đã vạch rõ, chỉ tương đương với lương của một công nhân làm đường(1). Tài sản của ông ở trong nước lúc đầu bị tịch thu, sau đó được trả về cho Triều đình. Thật sự phá sản, cựu hoàng Duy Tân bỏ nghề đua ngựa vất vả, quay sang đánh cá và chăn nuôi mới đủ sống. Khoản trợ cấp ít ỏi của ông không đủ nuôi cả gia đình.



Về sau, do nhu cầu bắt buộc, ông lao vào lĩnh vực thông tin vô tuyến điện và ít nhiều thành công. Cửa hiệu của ông nhanh chóng nổi tiếng trong lực lượng kháng chiến ở đảo Réunion. Ở đâu có thể nghe được tiếng nói của đài Tiếng Pháp tự do, ở đâu có thể gửi các tin tức ra ngoài dễ dàng hơn là từ cửa hiệu bé nhỏ của người chuyên về vô tuyến điện nầy. Với thời gian, vị cựu hoàng lưu đày trở nên nổi tiếng. Ông tham gia đều đặn các công việc của chi hội Tam Điểm (Tình bạn) ở Saint-Dems, cũng như tham dự các cuộc họp của Hội Nhân quyền. Chi hội trưởng hội Tam Điểm trong thư giới thiệu đã viết về Duy Tân: “Ở đâu cũng vậy, ông được mọi người chú ý về quan điểm rất rõ ràng về công lý và công bằng”.



Ông là một người ham học hỏi giàu tình cảm, để lại nhiều ấn tượng khó quên. Tính tình khô khan, căng thẳng như võ sĩ samurai hay như Đôngkisốt. Một người bạn Pháp yêu cầu ông tự khắc hoạ chân dung, ông viết: “Tôi là một con người thể tạng yếu, có vẻ như tính khí tế nhị. Miệt thị gần như tuyệt đối thể chất mình. Gần như không có bản năng bảo tồn”.
Chú thích:



(1) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, tập 1105 NF, hộp 122.



(2) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, số 2337 NF, hộp 267 – Điện của các ông Aubert và Court.



(3) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, tập số 1580 NF.



(4) Général de Gaulle, Mémoires de guerre (Hồi ký chiến tranh), Nhà xuất bản Plon, Paris.



(5) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại, tập 1580.