Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 217 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Đêm đêm, mọi người trong trường dòng đều thức dậy để cầu kinh. Sau khi ngủ lại vài giờ nữa mọi người lại thức dậy hành lễ bước sang một ngày mới. Nhưng điều kỳ lạ nhất đối với bọn trẻ là buổi lễ tiến hành vào các ngày thứ sáu hàng tuần, sau khi đã cầu kinh tối. Các cha xứ gọi đó là lễ đánh roi tự phạt. Các đèn đều bật sáng, mỗi người về phòng riêng của mình, cửa mở tung. Họ trút bỏ quần và tự đánh vào mông bằng những sợi thừng làm bằng cây gai. Trong lúc tự hành xác họ vẫn tiếp tục đọc to kinh sám hối. Lúc nầy bọn trẻ trong gia đình bà hoàng vẫn nằm im ở trong phòng riêng của chúng, không nhìn thấy gì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh mà thôi.
Vài ngày trước lễ Phục sinh, quân Pháp bị bao vây đã hai tháng ròng, việc hành xác sám hối của các cha xứ dòng Chúa cứu thế tăng gấp đôi. Trong lúc đang chơi với lũ trẻ, một cha bỗng nhiên thốt ra một tiếng thở dài đau đớn. Chúng xúm lại hỏi lý do, tỏ ý lo ngại. Cha liền chỉ cho chúng xem cái áo có cài dây kẽm gai bó chặt ngực để sám hối.
Dù lòng nhiệt thành sám hối bằng tự hành xác gây xúc động và căng thẳng, dù các trận giao chiến gây nguy hiểm bà Nam Phương cảm thấy dần dần bớt căng thẳng hơn, trong lòng thanh thản, thậm chí bà còn đem chiếc máy quay phim 9,5 ly ra quay cảnh chíến tranh.
Cũng giống như chồng bà đã từng quay phim những lần máy bay Đồng Minh đi qua trên bầu trời Huế trong thời Nhật chiếm đóng. Bà cảm thấy lại được sức mạnh trong lúc xung quanh bà chỉ có các cha công giáo, những người bạn thực sự của bà.
Tất cả mọi người trong trường dòng đều dành cho gia đình bà và cậu con trai bà sự quý trọng. Tất cả mọi người đều biết rõ tung tích gia đình bà. Những người mới đi tu, 130 thầy tu trẻ măng hay gặp gia đình bà, lặng lẽ quan sát và đôi khi bắt chuyện. Một hôm, một cha xứ tuổi còn trẻ – chính là cha Điệt, nay đã trở thành Cha Bề trên của tu viện dòng Cứu thế tại Huế – đã nói với bà: “Bà là Hoàng hậu, chắc bà phải sung sướng lắm”. Bà đã trả lời một cách rất khôn ngoan: “Không phải như vậy đâu, giàu có không đem lại hạnh phúc mà là cái “tâm” của mỗi người”. Bà vốn ít can dự vào cuộc sống của cộng đồng tôn giáo ở đây, cũng biết quy định của dòng Cứu thế là không được tiếp người lạ.
Bà hiếm khi ra khỏi phòng riêng và tất cả đều được báo trước để bà khỏi phải đi qua lối hành lang. Bà đọc sách và năng cẩu kinh, được bảo đảm an toàn. Căn phòng riêng của bà được các hành lang bao quanh không có cửa sổ trông ra phố.
***
(1) Bà Hoàng Thái hậu Từ Cung vẫn ở lại cung An Định sau khi bà ra sức ngăn cản con dâu không được. Sau một thời gian ngắn đi tản cư tại quê nhà khi chiến sự lan rộng, bà trở về cung An Định và sống ở đó. Đến năm 1955, Ngô Đình Diệm phế truất Bảo Đại, cung An Định bị sung công, bà mới dọn sang ngôi nhà riêng ở gần đó (79 Phan Đình Phùng) cho đến khi mất năm 1980, thọ 90 tuổi.
(2) Người theo hầu Bảo Long năm đó, sau nầy, khi Bảo Đại trở về nắm quyền bính, đã theo hoàng gia sang Pháp và cuối cùng cùng mở một nhà hàng ở Paris.
(3) CAOM, Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại – Cố vấn Chính trị, phụ lục liên quan đến an ninh.
(4) Xem Hồi ký Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 4/1995 và báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19 tháng 12 năm 1991.
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 1995, tr. 480.
(6) Nói chuyện với Bảo Long tại Paris, tháng 9 năm 1994 và cha Lành ở Huế tháng 2 năm 1995.