Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam
Chương 19 :
Ngày đăng: 12:05 19/04/20
Tại Paris, Jules Ferry làm thủ tướng chính phủ. Tại Nghị viện đa số nghị viên thuộc phái thuộc địa làm mưa làm gió. Cuộc chinh phục trong đó có việc chiếm kinh thành Huế là hành động chung cục được bênh vực với đầy đủ lý do. Nào là bảo vệ các nhà truyền giáo bị hành hạ, nào là ủng hộ các nhà buôn bị nhà đương cục địa phương làm khó dễ, nào là để được tự do thông thương, tàu binh và quân đội Pháp được tự do đi lại. Và cũng là - đây là điều ở chính quốc người ta bám vào và khoe khoang - nhiệm vụ khai hoá các nước lạc hậu chưa biết văn minh là gì. Jules Ferry tin tưởng vững chắc như đinh đóng cột vào nhiệm vụ này. Với cuộc cải cách giáo dục, đó là nhiệm vụ của chính ông, là mục đích tối thượng. Cũng vì mục đích đó, mà chỉ sau mấy ngày chiếm thành Huế, trong lúc thành Lạng Sơn ở phía bắc, gần biên giới với Trung Quốc bị uy hiếp nặng nề mà ông bị lật đổ, phải chạy trốn khỏi nghị viện dưới sự giễu cợt và la ó của các nghị viên.
Vua mới ở Huế, Đồng Khánh mới 23 tuổi. Đúng là một vai vua trong một vở tiểu nhạc kịch. Ông vua bù nhìn đầu tiên ở xứ An Nam, dễ thích nghi với vai trò mới của mình. Cũng như phần lớn đình thần, ông tin rằng xã hội Việt Nam phải đổi mới trước khi nghĩ đến khôi phục độc lập cho đất nước.
Nhân dân Việt Nam đã chống lại sức ép của Trung Quốc trong chín thế kỷ lại vừa mất chủ quyền sau hai mươi năm đấu tranh. Một cuộc chinh phục hoàn toàn và sâu sắc Các viên chức Pháp dần dần thay thế quan lại cũ: Thuế má, công chính, hộ tịch. Chính quyền thuộc địa bao trùm lên quyền lực của nhà nước phong kiến. Nước Việt Nam bị chia nhỏ thành ba miền riêng biệt Bắc Kỳ ở bắc, Trung Kỳ ở trung và Nam Kỳ ở nam.
Trước mắt phải giữ lại bộ mặt một nhà nước quốc gia. Chính quyền bảo hộ chủ trương giao cho một ít quyền hành cho quan phụ chính còn lại là Nguyễn Văn Tường. Ông này có nhiệm vụ tổ chức một chính phủ hoặc giống như là một chính phủ.
Nhưng biện pháp đề ra không đem lại kết quả. Nhân dân muốn có vua của mình, coi thường ông vua do tướng Pháp chỉ định bởi lẽ chính tướng Pháp tự ý lập vua không hỏi ý kiến Paris. Ngai vàng, Thiên tử, Vương quốc, tất cả những chuyện nhảm nhí đó đều trong tay tướng Pháp De Courcy xử lý mọi việc.
Còn triều đình? Chỉ còn là một cái bóng của triều đình vì những người ưu tú trong triều đã rời bỏ kinh thành ra đi với vua Hàm Nghi. Triều đình vẫn ở trong Đại nội nhưng chỉ gồm do một số quan đại thần tán thành việc khai hoá của người Pháp.
Huế nay là một thành phố chết. Từ nay các Hoàng đế chỉ là sản phẩm của người Pháp. Các Hoàng đế An Nam không cai trị, không quyết định việc gì hết. Nhưng lại làm tê liệt, ngăn chặn chính sách của chính quốc đem sức ỳ và sự chậm chạp để đối lập với các dự án của Paris. Điều này kéo dài đến cuối thể kỷ cho đến khi Paul Doumer làm Toàn quyền. Ông này về sau làm Tổng thống Cộng hoà Pháp. Còn ở Đông Dương ông lập ra Phủ Toàn quyền của Liên bang Đông Dương, được hưởng một ngân sách dựa vào thuế thu trên toàn bộ các đất đai do Pháp thống trị ở Đông Nam Á.
Tất cả đều có cùng một thái độ như nhau cùng những câu hỏi câm lặng. Hàm Nghi sau này sẽ rời khỏi ngai vàng trốn vào rừng rậm cũng như Duy Tân và Bảo Đại về sau đều một nét buồn giống nhau trên khuôn mặt.
Phải đợi đến năm 1916, trong lúc các nước lớn đang sát phạt nhau trong cuộc chiến tranh thế giới, chế độ quân chủ An Nam mới có cơ hội ngẩng cao đầu một lần nữa. Nhà vua lúc đó, Hoàng đế Duy Tân, mới ở tuổi mười lăm hãy còn là một đứa trẻ. Chính ông là người đã được chọn để không bị dìm xuống nước theo lối giải thích của viên thiếu tá quân y. Vị vua trẻ tuổi nên đã có khả năng về thể chất và về trí tuệ, ông cũng đủ để làm vua. Dù sao vai của ông cũng không mòn mỏi vì những vinh quang trong cung đình. Ở tuổi mới lớn ông đã nghe được những tiếng đồn từ Tokyo (thủ đô nước Nhật) vọng về, ở đó người anh em họ của ông là Kỳ ngoại hầu Cường Để vẫn hoạt động ráo riết. Ông lắng nghe những ý kiến khêu gợi tinh thần dân tộc yêu nước của những người lãnh đạo nhóm quốc gia ở Huế luôn luôn được nhắc đi nhắc lại bên tai ông. Cuối cùng một đêm ông vượt bức tường dày đến mười mét ra khỏi hoàng cung để đi gặp những người mưu đồ khởi nghĩa.
Câu chuyện về cuộc nổi dậy đáng lẽ có thể rất đẹp, có thể sánh với bản anh hùng ca của Hàm Nghi nhưng đã bị nhanh chóng quên lãng và nhanh chóng bị dập tắt một cách đáng thương. Nhà vua ở tuổi còn trẻ đã bị bắt sau đó mấy ngày, bị đối xử như một gian phi tầm thường, bị đánh đập, bị làm nhục và cuối cùng bị đưa đi đày ở đảo Réunion. Và nhà nước bảo hộ đã không để Nhà vua đi đầy một mình. Cha ông sẽ đi cùng. Vua cha Thành Thái, coi là bị "điên" đã bị phế truất, nhưng phải đợi chín năm sau mới được nước Pháp quyết định số phận là cùng đi đày ở đảo Réunion với con...
Những sự kiện đó xảy ra trong năm 1916 giữa chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra kịch liệt. Cuộc khởi nghĩa đáng thương không gây được sự chú ý của dư luận. Paris cũng im lặng không đưa tin về giấc mộng độc lập của vua Duy Tân mới 15 tuổi. Nhưng cũng theo thông lệ phải lập vua mới. Đó là Khải Định, một người anh em họ của vua Duy Tân và thân phụ của Bảo Đại được đánh giá có đầu óc sáng suốt, sẵn sàng tiếp nhận các ý tưởng đến từ phương Tây.
Chú thích:
(1) Theo báo Illustration (Minh hoạ) Nhà vua hành tội các cung nữ bằng cách cắm kim nhọn lên ngực họ và giao cho súc vật cắn xé.