Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu
Chương 21 :
Ngày đăng: 12:13 19/04/20
Tôi còn nhớ lại vào ngày thứ Sáu, ba tuần sau lần biểu quyết xem tivi, tất cả những đứa còn đi lại được đều bị lùa sang Nhà số Một, danh nghĩa để X quang vùng ngực xem chúng tôi có bị lao phổi hay không, nhưng thật ra tôi biết, để chúng kiểm tra mức độ hoạt động của các thiết bị trong người mỗi đứa.
Tụi tôi ngồi ngoài hành lang, trên chiếc ghế đá dài đến tận cửa phòng có biển X quang. Cạnh đó là phòng TMH mà mùa đông chúng tôi vẫn khám họng. Một chiếc ghế khác chạy dọc theo bức tường đối diện đến tận cánh cửa sắt đáng sợ ấy. Có hàng đinh tán. Không có số cũng chẳng có tên. Trên ghế giữa hai gã hộ lý da đen có hai đứa ngồi thiu thiu ngủ, đứa thứ ba đang chữa bệnh bên trong, tôi nghe thấy tiếng kêu của hắn. Cánh cửa bật mở vào trong đánh phụp, tôi nhìn thấy những bóng đèn vô tuyến sáng vàng yếu ớt. Chúng đẩy ra một con bệnh còn đang bốc khói, tôi nắm chặt lấy thành ghế để không bị hút vào trong cửa. Hai đứa hộ lý, một đen, một trắng, dựng một con bệnh nữa từ ghế lên, hắn bước xiêu vẹo, người lảo đảo vì đã được nhồi đầy thuốc. Trước khi vào phòng, con bệnh thường uống những viên con nhộng màu đỏ. Hắn bị đẩy vào cửa và hai đứa kỹ thuật viên xốc nách hắn lên. Trong khoảnh khắc tôi thấy hắn nhận ra mình sẽ bị đưa đi đâu, hắn cố miết hai gót giầy xuống nền xi măng để khỏi bị đặt lên bàn; rồi cánh cửa đóng sập lại - phùm, tiếng kim loại đập vào lớp đệm, và tôi không nhìn thấy hắn nữa.
"Này, chúng làm gì trong đấy?" McMurphy hỏi Harding.
"Trong ấy ư? À đúng rồi, đúng quá. Mày chưa được hưởng khoái cảm đó, tiếc thật. Một kinh nghiệm làm người không ai nên bỏ lỡ." Harding đưa mấy ngón tay lên đỡ gáy, mắt nhìn vào cánh cửa. "Đó là phòng đột tử mà tao đã có lần kể cho mày, bạn thân mến ạ, LSĐ - liệu pháp gây sốc điện. Những kẻ may mắn vào đó được hưởng những chuyến du lịch lên mặt trăng mà không mất tiền. À không, suy cho cùng thì chẳng phải hoàn toàn được cho không. Thay cho tiền mày phải trả nơron thần kinh - ở mỗi bộ óc, thứ đó có dự trữ hàng tỷ. Mất mát một ít không đáng kể."
Hắn cau mày nhìn ghế đá chỉ còn lại một đứa. "Thời buổi bây giờ ít khách hàng hơn xưa, không còn chen chúc như hồi nào nữa. Nhưng c’est la vie, mốt đến rồi mốt đi. Và tao sợ chúng mình là nhân chứng cho ngày tàn của LSĐ. Bà Y tá Trưởng đáng yêu của chúng ta là một trong số rất ít người có đủ can đảm đứng ra bảo vệ truyền thống cổ điển mang tính Faulker trong công nghệ chữa tê liệt lý trí: đốt cháy bộ não."
Cửa mở. Một chiếc giường có gắn bánh xe kêu vo vo tiến ra, tự hành đến cuối hành lang thì rẽ ngoặt trên hai bánh và mất hút, nhả lại đằng sau một đám khói. McMurphy nhìn đứa cuối cùng bị hốt đi, cánh cửa đóng lại.
"Thê nghĩa là..." McMurphy lắng tai nghe "đưa con bệnh đến đây rồi phóng điện vào đầu?"
"Đó là cách miêu tả ngắn gọn điều đang xảy ra."
"Để làm khỉ gì?"
"Sao lại để làm gì? Vì lợi ích của bệnh nhân. Tất cả ở đây chỉ vì lợi ích của bệnh nhân. Mới chỉ sống ở mỗi khoa chúng ta, có thể mày sẽ đi đến kết luận rằng, bệnh viện này là một nhà máy khổng lồ có thể vận hành một cách tuyệt hảo nếu như không bị tống cho bệnh nhân, nhưng đâu phải thế. LSĐ không phải lúc nào cũng được sử dụng vào mục đích tra tấn, như bà Y tá Trưởng của chúng ta vẫn làm, và các nhân viên LSĐ cũng không phải là công cụ chủ yếu của chủ nghĩa bạo lực. LSĐ đã trả lại một số người tưởng chừng không chữa nổi, giống như giải phẫu não hay thay bạch huyết. Phương pháp sốc điện có nhiều ưu việt: rẻ, nhanh, hoàn toàn không đau. Nó chỉ gây co giật thôi."
"Cuộc sống thật kỳ lạ," Sefelt rên rỉ. "Kẻ thì phải uống thuốc để chống co giật, người thì phải gây sốc cho co giật."
Harding chồm tới chỗ McMurphy giải thích: "Họ nghĩ ra là vì thế này: hai bác sĩ thần kinh đến lò mổ, Chúa biết để làm cái trò bệnh hoạn gì, và được quan sát búa tạ nện vào trán bầy gia súc. Họ nhận thấy không phải con nào cũng chết, có vài con ngã xuống sàn nhà trong trạng thái rất giống cơn co giật của người bị chứng động kinh. ‘À, đúng rồi,’ viên bác sĩ thứ nhất nói. ‘Đó là điều chúng ta cần cho các bệnh nhân co giật chỉ đạo!’ Đồng nghiệp của ông ta dĩ nhiên là nhất trí. Ai cũng biết rằng những người hết cơn động kinh sẽ hiền lành và trật tự một thời gian dài, còn những kẻ hung hãn không thể tiếp cận được sau một cơn co giật sẽ nói chuyện tương đối tỉnh táo. Ngày đó không biết tại sao, đến giờ vẫn chưa ai biết. Nhưng rõ một điều là nếu gây được cơn sốc cho những người không mắc chứng động kinh thì có khi thu được những kết quả rất tốt. Và đấy, trước mặt chúng là một con người có khả năng thường xuyên gây sốc - bùm, bùm - một cách không hề run tay."
Scanlon bảo hắn tưởng chúng dùng búa để nện chứ không phải dùng bom, nhưng Harding bảo hắn không có thời gian để ý chuyện đó, và tiếp tục giải thích. "Lão đồ tể thì dùng búa. Và ở đây đẻ ra một vài thắc mắc cho các chuyên gia. Dù sao thì con người cũng không phải là một con bò. Ai biết được chả có lúc búa trượt và đập vỡ mũi hắn, hay choảng hết cả hàm răng? Phí tổn nha khoa giờ quá đắt, chúng sẽ thu hoạch được gì? Thành thử cần phải dùng thứ khác đáng tin cậy hơn búa. Và điện được đưa vào sử dụng."
"Khỉ gió, chúng không nghĩ là làm thế có thể gây hại thế nào ư? Mà sao công chúng không làm ầm lên vì chuyện này?"
"Hình như mày không hiểu rõ công chúng lắm thì phải. Ở nước ta mỗi khi có chuyện gì không ổn thì phương pháp nhanh nhất đưa nó trở lại bình yên sẽ là phương pháp tốt nhất."
"Billy... mày chắc chắn bị ép tới đây, mẹ khỉ!"
Billy đang đứng quay lưng lại chúng tôi, chân kiễng lên, cằm áp vào màn chiếu. Không, nó nói với cái máy.
"Thế mày tới đây để làm gì? Làm gì?Mày còn trẻ! Có thể lái xe mui trần vi vu chim gái. Còn những thứ này..." hắn khoa tay xung quanh, "mang lại cho mày cái gì?"
Billy không trả lời, McMurphy quay sang những đứa khác.
Tụi bay nói coi, để làm gì? Than thở, rên rỉ suốt hàng tuần liền rằng không thể chịu nổi chỗ này, không chịu nổi mụ Y tá Trưởng và những việc làm dơ dáy của mụ ta. Hóa ra chả ai giữ tụi bay lại đây cả. Với mấy lão già thì tao còn hiểu. Họ là một đám khùng. Nhưng còn tụi bay, tụi bay không hẳn là những thằng bình thường nhất quả đất, nhưng tụi bay đâu có khùng."
Không đứa nào cãi lại hắn. Hắn sán lại Sefelt.
"Sefelt, còn mày thì sao? Không có gì ngoài tật động kinh, mẹ khỉ! Cậu tao cũng bị chứng co giật hành hạ tới mức mày mơ không thấy và đến lúc lên cơn thì toàn nhìn thấy quỷ hiện hình, nhưng ông đâu thèm nhốt mình trong nhà thương điên. Mày vẫn có thể sống bên ngoài nếu đủ can đảm..."
"Tất nhiên!" Đó là Billy, quay lại khỏi máy chiếu mặt đầy nước mắt. "Tất nhiên!" Hắn lại la lên. "Nếu bọn tao đủ c... can đảm! Tao có thể ra viện ng... ngay hôm nay nếu đủ can đảm. M... m... mẹ tao và bà Ratched là bạn cũ của nhau, người ta có thể ký giấy xuất viện cho tao trước bữa cơm nếu tao đủ can đảm!"
Billy vớ lấy chiếc áo sơ mi trên ghế, cố mặc vào nhưng hai tay run rẩy. Cuối cùn hắn ném chiếc áo đi và lại quay về phía McMurphy:
"Mày nghĩ là tao muốn ở... ở... ở lại đây! Mày nghĩ là tao muốn lái xe v... v... vi vu ch... ch... chim gái?
Nhưng mày đã bao giờ bị người ta giễu cợt chưa? Chưa, vì mày khỏe mạnh và không ngán thằng nào! Còn tao, tao không khỏe mạnh và thằng nào tao cũng ngán. Và Harding cũng thế. Và F... F... Fredrickson. Và Se... Sefelt. Mày nói nh... như thể bọn tao thèm được s... sô... sống ở đây! Vô... vô ích..."
Billy òa khóc, lưỡi líu lại đến nỗi không nói được nữa, gã đưa tay chùi nước mắt để nhìn được rõ. Cái vẩy kết ở mu bàn tay bật ra, Billy càng chùi thì máu càng chảy ra đầy mặt và trong mắt. Rồi gã bưng mắt loạng choạng lao ra hành lang, hết va vào bức tường bên này lại đập vào bức tường bên kia, gã hộ lý đuổi theo sát gót.
McMurphy nhìn tụi còn lại, há miệng như muốn hỏi gì nữa, nhưng lại ngậm miệng khi thấy chúng nhìn mình ra sao. Hắn đứng đó cả phút trước một hàng đinh tán trông như một chuỗi những con mắt dương dương, rồi bật thốt lên: "Mẹ kiếp!" một cách yếu ớt, và cầm lấy mũ kéo sụp xuống đầu, ngồi vào chỗ của mình trên ghế. Hai gã kỹ thuật viên uống cà phê xong đang quay lại, đi vào phòng đối diện; khi cánh cửa mở phụp một cái, mùi axít như mùi từ chiếc bình ắc quy đang nạp xông ra. McMurphy ngồi đó nhìn cánh cửa.
"Tao nghĩ là tao không thể hiểu nổi..."