Bay Trên Tổ Chim Cúc Cu

Chương 3 :

Ngày đăng: 12:13 19/04/20


Kẻ mới đến nhìn quanh một phúc, để nắm được bài trí của phòng chung.



Một bên là các bệnh nhân trẻ hơn, được gọi là Cấp tính vì bác sĩ vẫn coi họ là bệnh nhân để chạy chữa, đang tập chơi vật tay, chơi trò ảo thuật bằng bài người ta yêu cầu bạn cộng trừ một hồi và nói trúng phóc con bài bạn đang có. Billy Bibbit đang học cuốn một điếu xì gà tự chế, còn Martini đi đi lại lại trong phòng tìm xem có gì nấp dưới gầm bàn, gầm ghế. Đám Cấp tính đi lại khá nhiều. Họ kể chuyện cười với nhau, cười khẽ vào nắm tay (không ai dám thoải mái cười to vì cả ban y tá sẽ đổ xô lại với một mớ sổ ghi và hàng đống câu hỏi) và viết thư bằng những mẩu bút chì vàng bị gặm nham nhở.



Họ rình rập lẫn nhau. Đôi lúc ai đó vô tình nhỡ mồm nói một chuyện gì đó về mình, thế là một trong số người cùng bàn ngáp dài và đứng lên, lẻn tới quyển sổ trực lớn tướng bên phòng trực và ghi vào đó điều hắn nghe thấy - việc đó rất có ích cho quá trình chữa trị của toàn bệnh nhân, mụ Y tá Trưởng nói, nhưng tôi biết tỏng là mụ ta muốn thu thập bằng chứng để bắt ai đó vào phục hồi ở Nhà Chính, đại tu lại cái đầu để dập tắt mọi điều không ổn.



Còn kẻ đã ghi vào sổ thì được đánh dấu tên với một ngôi sao ở sổ bệnh nhân và ngày hôm sau tha hồ ngủ muộn.



Bên kia, đối diện với dãy Cấp tính là đám Kinh niên - thứ phẩm của Liên hợp. Người ta nhốt chúng không phải để chữa mà chẳng qua là để khỏi đi lang thang làm ô uế thanh danh nơi sản xuất. Đám Kinh niên sẽ ở đây vĩnh viễn, tụi bác sĩ công nhận như vậy. Bọn này được phân ra thành loại Tự hành, kiểu như tôi, loại này còn đi lại được nếu cho ăn, loại Xe lăn và loại Thực vật. Những kẻ Kinh niên - ít ra là phần lớn - là những cái máy bị hỏng hóc ở bên trong không thể tu sửa được, hỏng hóc từ lúc đẻ ra, hoặc dần dần bị sau trong quá nhiều năm húc đầu vào tường rắn cho đến lúc bệnh viện tìm được thì đã nằm máu me gỉ sét trong một kho hàng hoang phế.



Nhưng vẫn còn có những người trong số Kinh niên chúng tôi là hàng phế phẩm của bệnh viện này, khi mới đến còn là Cấp tính, thế rồi ở đây một thời gian thì thành ra Kinh niên. Ví dụ như Ellis, lúc nhập viện hắn là bệnh nhân nhẹ, thế mà người ta đã phá hỏng hắn - nhốt hắn quá lâu trong phòng diệt não bẩn thỉu mà tụi da đen gọi là phòng Đột Tử. Bây giờ thì hắn bị đóng đinh vào tường trong cùng tình trạng như lúc người ta kéo hắn ra khỏi bàn lần cuối cùng, trong cùng tư thế, hai tay dang rộng, bàn tay nắm hờ, mặt đầy vẻ kinh hoàng. Hắn được đóng vào tường như một chiến lợi phẩm săn bắn đem trưng bày. Người ta sẽ nhổ hắn ra khi cho ăn, khi mang hắn đến giường ngủ hoặc khi tôi phải lau cái vũng chỗ hắn đứng. Ngày trước hắn thường đứng nguyên một chỗ rất lâu, cho đến khi nước giải ăn mòn cả sàn nhà lẫn thanh rầm bên dưới và hắn cứ thế rơi tuồn tuột xuống lầu dưới, khiến người ta rối tung rối mù lên khi kiểm tra số lượng bệnh nhân.



Ruckly cũng là một thằng Kinh niên mà khi vào đây mấy năm trước vẫn còn là Cấp tính, nhưng người ta làm hỏng hắn theo một kiểu khác. Hình như các bộ phận trong đầu hắn khi được lắp ráp lại đã sai lệch đi. Hắn rầy rà khủng khiếp, đá bọn hộ lý, cắn chân bọn y tá thực tập. Thế là người ta đưa hắn đi đại tu. Hắn bị trói vào bàn và trước khi cánh cửa đóng lại còn kịp nháy mắt chào bạn bè và buông một câu hăm dọa bọn hộ lý khi chúng lùi ra xa: "Rồi tụi bay sẽ trả giá về chuyện này, mấy con ngựa ô."



Hai tuần sau người ta trả lại hắn, tóc tai cạo sạch, thay cho vầng trán là một vạt tím bầm to tướng, trên mỗi mí mắt được đính một điện cực nhỏ như chiếc cúc áo. Nhìn vào mắt hắn có thể biết được người ta đã thiêu cháy phần bên trong hắn như thế nào: đôi mắt mờ đục, xám xịt và trống rỗng như cầu chì bị cháy. Giờ suốt ngày hắn chỉ có mỗi việc: huơ huơ một bức ảnh cũ trước mặt, lật đi lật lại trong mấy ngón tay lạnh ngắt, khiến hai mặt bức ảnh đã mòn đi xám xịt như đôi mắt hắn, chẳng còn nhận ra nó từng là cái gì.



Các nhân viên bệnh viện đều xem Ruckly như một thất bại của họ, nhưng theo tôi cũng khó biết hắn ta sẽ khá hơn ở điểm nào nếu họ thành công. Bây giờ họ lắp đặt tài lắm, không sai lầm nữa rồi. Các tay kỹ thuật đã trở nên kinh nghiệm và khéo léo hơn. Không còn lỗ thủng nào trên trán cũng như chẳng có vết cắt nào trên mặt: người ta dùng ngay hốc mắt. Con bệnh lúc đi ra khỏi phòng thì giận dữ như hóa dại, gầm gừ như muốn ăn tươi nuốt sống cả thế giới, thế mà sau mấy tuần trở về với những vệt bầm đen trên mắt như bị đấm, thì trở nên hiền lành, dễ bảo. Thậm chí có trường hợp sau khoảng hai tháng người ta cho phép con bệnh về nhà, với chiếc mũ kéo sụp xuống trán và một khuôn mặt của kẻ mộng du, dường như đang vừa đi vừa thưởng thức một giấc mơ giản dị, hạnh phúc. Kết quả tốt - người ta nói vậy, còn tôi thì nghĩ: thế là lại thêm một người máy nữa cho Liên hợp; thà là hắn cứ nhận thất bại như Ruckly để suốt ngày ngồi quay quay tấm ảnh cũ nát và rỏ nước dãi còn hơn. Thằng hộ lý lùn tịt thỉnh thoảng lại trêu tức hắn, ghé vào tai Ruckly hỏi: "Này, Ruckly, đố mày biết giờ này cô vợ xinh xinh của mày đang làm gì trong thành phố?" Ruckly ngẩng đầu lên. Trí nhớ bắt đầu sột soạt trong các cơ cấu hỏng hóc của hắn. Hắn đỏ mặt, các mạch máu tắc nghẽn lại ở một đầu, nghẹt thở tới mức không thể buông ra khỏi họng một lời nào. Hai mép sùi bọt, hắn hất mạnh cằm cố gắng nói một cái gì đấy. Và khi phát ra được mấy tiếng nghe ư ử, khô khốc đến lạnh gáy: "Đ... mẹ con vợ! Đđđđđđđđđđđ mẹ con vợ!", thì hắn ngất xỉu luôn.



Ellis và Rucky là những gã Kinh niên trẻ nhất. Già nhất là đại tá Matterson, một kỵ binh từ hồi Đệ nhất Thế chiến đã liệt, cả ngày ông chỉ có duy nhất mỗi việc là dùng cái ba toong hất ngược váy của các ả y tá đi qua và đọc cho bất kỳ ai muốn nghe một trang lịch sử quỷ quái gì đó viết trên các bức thư ông cầm trong tay trái. Trong bệnh viện, ông già nhất nhưng không phải là người cư ngụ lâu nhất; mấy năm trước, bà vợ ông, sau khi chăm sóc không thấu đã phải tự đưa ông đến đây.



Người có thâm niên cao nhất trong toàn bệnh viện là tôi - từ Đại chiến Thế giới lần thứ hai. Tôi đã ở đây lâu hơn tất cả mọi người. Lâu hơn mọi con bệnh khác. Mụ Y tá Trưởng ở đây lâu hơn tôi.



Các con bệnh Cấp tính thường không ngồi lẫn với các con bệnh Kinh niên. Mỗi nhóm ngồi yên ở một nửa phòng theo ý tụi hộ lý. Tụi hộ lý nói rằng với cách bố trí như vậy, căn phòng đỡ mất trật tự hơn, và cho mọi người hiểu rằng chúng muốn cứ y nguyên như vậy. Sau mỗi bữa sáng chúng lùa chúng tôi vào chỗ, và gật đầu: "Tốt, các chàng chai ạ, cần phải thế, cứ thế mà làm".



Nói chung, tụi hộ lý chẳng cần phải quát tháo hay ra lệnh, bởi trừ tôi ra, các con bệnh Kinh niên chẳng ai buồn xê dịch, còn tụi Cấp tính cũng chẳng thèm ngồi chung với tụi tôi, chúng bảo bên chúng tôi khăm khẳm mùi tã bẩn. Nhưng tôi thừa hiểu đây chẳng phải lý do chính, chỉ vì chúng không muốn nhìn thấy cảnh tượng mà một ngày không xa có thể sẽ là chúng. Điều này mụ Y tá Trưởng cũng biết rõ như tôi, mụ sử dụng nó như một vũ khí để trấn áp mỗi khi các con bệnh Cấp tính nổi loạn, rằng các chú phải ngoan ngoãn, bệnh nhân phải phối hợp với nhân viên đảm bảo theo đúng chế độ chữa bệnh, nó được đưa ra chỉ nhằm mục đích chữa chạy cho các chú thôi, hay là các chú muốn sang nhóm kia?



(Tất cả mọi người trong phòng bệnh đều tự hào về cái gọi là sự phối hợp của bệnh nhân với nhân viên. Chúng tôi còn được bệnh viện khen tặng một câu khẩu hiệu trên tấm biển đồng gắn lên miếng gỗ:




McMurphy bĩu môi nhìn tôi rất lâu, sau đó rút tay ra khỏi túi quần và chìa cho tôi. "Điếc hay câm thì cũng phải biết bắt tay chớ? Mẹ kiếp! Thủ lĩnh à, mày cao lêu nghêu thật đấy, nhưng khi qua chìa tay ra thì mày phải bắt. Bằng không qua coi đây là một điều sỉ nhục. Mày dám cả gan làm nhục tân toán trưởng toán tâm thần toàn nhà thương này sao?"



Nói đoạn hắn nhìn sang Harding và Billy nhấm nháy nhưng tay vẫn chìa cho tôi, một bàn tay to như cái đĩa.



Tôi vẫn còn nhớ bàn tay hắn ra sao. Bàn tay đã từng làm việc trong các gara, móng tay cáu bẩn; dưới các khớp ngón xăm một cái mỏ neo, khớp ngón giữa còn dính một mảnh băng bẩn thỉu, hai đầu quăn queo, các ngón khác đầy sẹo, cũ có, mới có. Lòng bàn tay phẳng, chắc chắn, cứng cáp như một tấm gỗ, đã rắn lại vì cầm búa, cầm rìu. Chẳng ai nghĩ đấy là bàn tay của một con bạc. Bàn tay đầy vết chai, vết chai đầy kẽ nứt, trong các kẽ nứt đất dính vào. Một tấm bản đồ những chuyến hắn tung hoành miền Tây. Bàn tay đó cọ vào bàn tay tôi ram ráp. Tôi nhớ các ngón tay to khỏe siết mạnh bàn tay tôi, và bàn tay tôi bắt đầu sống động, căng lên ở đầu cánh tay cứng đờ, như là hắn đang rót máu mình vào đó. Nó rung lên vì máu và sức lực, nó phồng lên gần to bằng tay hắn, tôi vẫn nhớ...



"Ông McMurphy!"



Đó là mụ Y tá Trưởng.



"Ông McMurphy, ông có thể tới chỗ tôi?"



Đó là mụ Y tá Trưởng. Gã da đen cầm chiếc cặp nhiệt độ đã đi tìm mụ. Mụ đứng đó gõ gõ nhiệt kết vào mặt đồng hồ, mắt nheo nheo đánh giá con bệnh mới. Môi mụ chúm lại như môi con búp bê đợi ngậm núm vú cao su.



"Ông McMurphy, hộ lý William nói rằng ông không chịu tắm. Có đúng vậy không? Mong ông hiểu cho là tôi rất vui mừng vì mới ngày đầu tiên ông đã hòa mình cùng các bệnh nhân ở đây. Nhưng việc gì cũng có thời điểm của nó, ông McMurphy ạ. Tôi lấy làm tiếc phải tách ông ra khỏi ngài Bromden. Ông biết đấy, ai cũng phải chấp hành nguyên tắc."



Ngửa cổ, chớp mắt, bằng điệu bộ ấy, hắn cho mụ Y tá Trưởng thấy rằng mụ đâu có đủ khôn ngoan mà lừa được hắn, cũng y như tôi lúc trước thôi. Hắn nheo mắt lại nhìn mụ đến cả phút.



"Bà biết không," hắn nói, " lúc nào tôi cũng được nghe đích xác câu này về nguyên tắc..."



Hắn nhoẻn miệng cười với mụ, mụ cũng cười lại với hắn. Cả hai lượng sức nhau.



"... khi người ta biết tôi sắp sửa phá tan nguyên tắc ngay bây giờ."



Rồi hắn buông tay tôi.