Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 18 :
Ngày đăng: 01:34 19/04/20
Xe chạy vào thôn Quyết Tiến. Trời khô hanh. Nắng nỏ hoe hoe khiến cho bầu không khí loãng tuệch làm ông Kim mệt rã rời. Nhìn thấy lũy tre hiện ra trước mặt, ông Kim bảo Hành:
- Cậu thấy chỗ nào quay xe được thì đỗ lại, ta đi bộ vào làng. Từ đây vào nhà ông Mai lươn chẳng còn bao xa, chỉ vài trăm mét nữa thôi. Xe xóc khiến dạ dày tớ sắp bục đến nơi rồi.
- Trước mặt có cái ngã ba, em sẽ đỗ xe ở đó.
Trẻ con trong làng thấy có xe ô tô chạy vào làng mình, từ các ngõ ngách chúng chạy ùa ra đuổi theo xe. Đến ngã ba xe chạy chậm và từ từ dừng lại bên vệ đường.
Đô hỏi Hành:
- Ngã ba bé thế này lát nữa về có quay được xe không?
- Chẳng nhỏ lắm đâu. Chỉ cần hai đỏ là quay được.
Ba người xuống xe. Lũ trẻ vây quanh chăm chú nhìn hết ông Kim quay qua nhìn Hành và Đô. Một đứa chừng chín, mười tuổi như phát hiện ra điều gì đó liền nói với mấy đứa bạn của nó:
- Ông này làm to lắm chúng mày ạ. Có một anh bồi mang súng đi theo canh gác và một anh hầu xách điếu.
Nghe lũ trẻ bảo Đô là anh bồi còn Hành là người hầu, cả ba người không nhịn được cười. Ông Kim vờ ra oai xách tai một đứa trong bọn:
- Đúng là dân Anamít Kẻ Đúm. Ai bảo chúng mày người đi theo cán bộ là người hầu và bồi?
- Ông cháu bảo cán bộ to đi đâu đều có người hầu đi theo.
- Ông cháu là ai?
Thằng bé nhanh nhảu trả lời:
- Ông cháu là ông Bào Hắc Toàn Phong.
Ông Kim buông tai thằng bé ra:
- Tên ông cháu oai nhỉ. Có phải ông cháu có nước da đen như nhọ nồi và có con mắt bên phải bị lác không?
- Ông cũng biết ông cháu à?
- Cháu về bảo với ông cháu là có ông Kim Tống Giang lát nữa đến chơi là ông cháu biết ông ngay.
- Ngày trước các anh thường dùng tên các nhân vật trong Thủy Hử để làm mật danh à? – Đô hỏi.
- Gọi đùa nhau cho vui chứ mật danh, đường danh gì. Dạo tớ làm bí thư huyện ủy, cơ quan huyện ở trong vùng núi Linh Sơn. Các ông ấy ví vùng ấy giống như Lương Sơn Bạc, còn tớ thì giống Tống Giang. Các anh hùng khắp nơi về đấy tụ nghĩa. Ông Bào dạo ấy phụ trách tài chính của huyện có nước da đen như cột nhà cháy nên mọi người đặt cho biệt hiệu là Hắc Toàn Phong Lê Bào. Một cậu khác tên là là Ngô, phụ trách bếp ăn của cơ quan huyện, người to béo nhưng thấp một mẩu. Cậu này ăn khoẻ làm cũng khoẻ. Một khúc gỗ hai người khiêng nhưng cậu ta một mình cho lên vai mặt không biến sắc. Nghe anh em truyền lại hình như một lần chỉ với một đoạn cây vầu trong tay mà cậu ta đuổi một con gấu chạy bán sống bán chết. Bởi thế mọi người đặt cho cậu ta cái biệt danh là Ngô Võ Tòng. Còn một cậu nữa tên là Chiến, ăn một lúc hết nửa nồi sắn nên anh em đặt tên cho cậu ta là Chiến Lỗ Trí Thâm. Cơ quan huyện gần ba chục người nhưng sống như anh em trong một gia đình vui lắm.
- Thì bác ăn cho ngon miệng cái đã. Cái món chuối om lươn này đáng ra phải nấu với chuối tiêu, có một tí vị chát mới ngon. Nhưng biết bác đau dạ dày nên tôi bảo cháu cắt chuối tây nấu cho bác nên nó có giảm ngon đi phần nào.
- Dạo này ông không đi đánh lươn nữa hay sao mà phải lên chợ Chanh để mua lươn?
Ông Mai dùng thìa xúc một thìa chuối om cho lên bát ông Kim:
- Bỏ sao được. Tôi nghiện đi thả ống lươn giống như bác nghiện thuốc lào. Tuần nào cũng đi thả ống vài ba lần. Không nghe thấy tiếng lươn bò lạo xạo trong vại là thấy vắng vắng thế nào ấy. Vừa rồi thấy bác lâu lâu chưa về Quyết Tiến nghĩ thế nào bác cũng về nên tôi trống trong vại mấy con lươn vàng như nghệ chờ bác về chiêu đãi bác. Hôm qua nghe tin bà ngoại cháu mệt, chẳng có quà gì qua thăm nên bắt mấy con lươn dành cho bác đem qua biếu bà cháu. Định chiều nay đi thả ống kẻo nhỡ bác về. Ai hay bác lại về vào lúc hết lươn.
- Chết chửa, tôi vô ý quá. Bà nhà đi đâu mà không thấy?
- Qua bên ngoại cháu từ chiều hôm qua.
- Bà cụ ốm đau thế nào?
- Bệnh già ấy mà.
Bữa cơm ăn xong, mọi người ngồi quây quần quanh bàn uống nước. Ông Kim rít một hơi thuốc lào rồi hỏi:
- Bây giờ ông nói cho biết chuyện gì ông định nói với tôi nào?
Ông Mai lấy cái điếu cày từ trong tay ông Kim, nói thủng thẳng:
- Vừa rồi có ba ông đánh một cái xe ô tô rõ đẹp về đây. Ấy là tôi nghe kể lại chứ chẳng biết ô-tô nó tròn hay nó méo. Nghe đâu ba ông này là cán bộ trên Trung ương phái về tỉnh ta để giúp tỉnh chỉ đạo phong trào Hợp tác xã, bác có biết họ không?
- Có. Ba đồng chí ấy ở Ban nông nghiệp Trung ương về tỉnh ta đã mấy tháng nay rồi. Thỉnh thoảng họ cũng có trao đổi với tôi về tình hình của các Hợp tác xã. Có chuyện gì không?
- Cũng chẳng có chuyện gì lớn. Dân người ta chỉ bàn tán về tác phong cưỡi ngựa xem hoa của ba vị cán bộ trên Trung ương thôi.
- Các lần sinh hoạt chi bộ các ông có bàn về sản xuất không?
- Chi bộ nông thôn không bàn về sản xuất thì bàn việc gì. Nhưng bàn thì cứ việc bàn. Bàn rồi để đó chứ có ai thực hiện cái bàn của chi bộ đâu.
- Trước khi thăm ông, tôi có đi ra đồng để xem việc làm ăn thế nào. Chán lắm.
- Bác chán một thì dân chán mười.
- Tự mình làm mình chịu chứ ai làm mà chán.
- Bác nói thế thì oan cho dân quá. Xưa nay dân Hạ Đình nổi tiếng làm ăn giỏi. Cái đói năm Ất Dậu thiên hạ ối người đi ăn xin nhưng dân Hạ Đình ngày vẫn đỏ lửa hai lần. Mấy năm đầu vào Hợp tác thóc lúa vẫn đầy bồ. Thế rồi chẳng biết cải tiến cải lui thế nào mà làm ăn ngày một lụn bại. Dân cũng chẳng còn thiết tha gì với việc ruộng vườn. Chỉ biết chúi đầu chăm mấy thước ruộng phần trăm của mình, còn việc của Hợp tác thì được chăng hay chớ. Ấy thế mà vất vả quá bận con mọn. Sáng tinh mơ ra làm đất phần trăm của mình. Nghe kẻng Hợp tác đánh là ba chân bốn cẳng chạy về tập trung cho kịp để khỏi bị phạt công điểm. Tối nhọ mặt người lại từ đất phần trăm của mình vội vội vàng vàng chạy về nấu cơm ăn cho kịp đi họp nghe bình điểm. Tình hình này chẳng biết Hợp tác xã sẽ đi đến đâu nữa.
Hợp tác xã sẽ đi đến đâu? Câu hỏi đó như một tảng đá vừa rơi xuống đè lên người ông Kim. Ông lặng lẽ cầm lấy cái điếu cày cho thuốc vào rít một hơi rồi ngửa mặt lên trời nhả khói.