Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 4113 :
Ngày đăng: 01:35 19/04/20
Chiếc xe com-măng-ca hết lên đèo lại xuống dốc. Mùa đông đường khô bụi tung mù mịt. Những dãy núi xanh lam trước mắt mỗi lúc hiện ra rõ dần. Những làn mây mềm mại như những chiếc khăn lụa mỏng choàng vào cổ núi. Một sự pha màu tuyệt vời của thiên nhiên càng ngắm càng ngây ngất. Càng lên cao hơi lạnh lùa vào xe càng đậm đặc. Chiếc xe chạy vào bản và dừng lại trước ngõ nhà ông Tào. Từ trong nhà, ông Tào chạy ra mừng rỡ:
- Bí thư Kêm còn nhớ đến lão Tào này à?
Ông Kim hồ hởi bắt tay ông Tào:
- Nhớ chứ. Không nhớ sao vào nhà ông.
Ông Tào nói thao thao:
- Sáng nay tao xách dao định vào rừng kiếm một ít lá thuốc về làm men rượu. Ra đến ngõ thì có con chim khách đậu trên ngọn cây vầu kêu líu cả lưỡi Tào khách! Tào khách! Tao biết có khách quý sắp vào nhà tao nên xách dao quay về ngồi chờ. Đúng là bao nhiêu khách quý vào nhà tao thật.
- Bây giờ tôi giới thiệu khách quý với ông nhé. Chú Đô và chú Hành đã vào nhà ông rồi, khỏi phải giới thiệu. Còn đây là ông Côn, thường vụ tỉnh ủy, trưởng Ban nông nghiệp tỉnh ủy…
Ông Tào cầm lấy tay ông Côn lắc lắc:
- Làm nhiều chức thế chắc chắn là cán bộ to rồi.
Ông Côn cười:
- Còn thấp hơn trưởng bản nhiều ông ạ.
- Không thấp đâu. Trưởng bản chỉ biết cưỡi ngựa thôi chứ làm gì được đi ô-tô.
Ông Kim chỉ vào bà Lê:
- Ông Tào có biết người này là ai không?
Ông Tào nhìn một lát rồi bảo:
- Cán bộ to của phụ nữ tỉnh có phải không?
Ông Côn bảo:
- Bà Kim đấy ông ạ.
Ông Tào kêu lên:
- Thế này thì ba lần khách quý.
Ông Kim hỏi:
- Sao lại ba lần khách quý?
- Mừng gấp lên ba lần mà. Mừng quá quên cả mời khách vào nhà.
Ông Tào đi trước, mọi người theo sau.
Ông Kim nói với ông Tào:
- Ông hỏi câu này thì tôi khó trả lời quá. Vì cấm hay không là quyền của người còn cao hơn bí thư Kim nên bí thư Kim cũng phải chấp hành lệnh của trên thôi. Đó là nói phòng xa chứ trên thấy dân làm được nhiều ngô, nhiều thóc thì chẳng khi nào cấm đâu.
Ông Tào nói:
- Tao hỏi vậy cho yên lòng thôi chứ biết chẳng khi nào Đảng muốn cho dân đói.
Trong khi ông Côn và ông Tào ngồi nói chuyện với nhau thì bà Tào đang dẫn bà Lê đi xem cây cối trong vườn. Nhìn mận, dứa, mít ken dày khắp vườn, bà Lê hỏi bà Tào:
- Mận, mít và dứa nhiều như thế này, đến mùa có đem đi bán không bà?
- Nhà nào cũng có biết bán cho ai.
- Sao không đem xuống chợ dưới xuôi mà bán?
- Người ta không cho đem đi bán đâu.
- Ai không cho?
Bà Tào thật thà bảo:
- Hợp tác chứ ai. Họ bảo lệnh của trên là không được đưa thổ sản của địa phương đi bán nơi khác.
Bà Lê phàn nàn:
- Vô lí nhỉ. Không bán thì ăn làm sao hết?
- Ăn không hết thì bỏ thôi.
Bà Lê lại hỏi:
- Khi nãy ngồi trong nhà nghe ông bảo thóc thì sắp hết, ngô chỉ còn mấy gùi, vậy từ đây cho đến khi có lúa vụ chiêm còn gần bốn tháng nữa, gia đình ta lấy gì mà ăn?
Bà Tào đáp:
- Mấy năm nay năm nào cũng thiếu như vậy. Nhưng rồi lượm lặt một thứ một ít cho vào bụng rồi cũng qua hết.
- Các con bà có thiếu như bà không?
- Chúng nó có thóc công điểm của Hợp tác nên không thiếu nhiều lắm. Chúng nó thỉnh thoảng vẫn đưa thóc qua biếu cho bố mẹ đấy. Cũng nhờ chúng nó lắm. Nhưng mùa tới thì không phải lo rồi.
Bà Lê hỏi:
- Vì sao không còn lo?
- Bí thư Kim đã trả ruộng lại cho dân làm nên ai cũng gắng sức để có nhiều thóc nên không còn lo đói nữa.
Không nói ra nhưng bà Lê cảm thấy một nỗi lo mơ hồ đang đến với mình. Không biết cấp trên có nghĩ như dân là ông Kim đang trả lại ruộng đất cho nông dân không? Nếu vậy thì cái họa đang treo lơ lửng trên đầu ông Kim rồi, bà không thấy lo sao được.