Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 4139 :
Ngày đăng: 01:36 19/04/20
Cuộc họp giữa một số ủy viên Ban thường vụ và các bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện để nghe phổ biến Thông tri của Ban bí thư diễn ra trong không khí căng thẳng, bức bối. Sau khi nghe đọc nguyên văn của bản Thông tri, Chi nói giọng vừa hài hước và bi quan:
- Thông tri này chẳng khác gì một bản cáo phó cho Nghị quyết 68 rồi. Chuẩn bị đưa ma đi thì vừa.
Bầu vỗ tay:
- Bí thư huyện ủy Tam Bình nói một câu quá hay mà còn chính xác nữa. Đúng là nếu Thông tri yêu cầu chấm dứt khoán hộ thì coi như đó là bản cáo phó thật.
Hạp không nghĩ Thông tri của Ban bí thư có thể bóp chết một Nghị quyết hợp lòng dân như Nghị quyết 68 nên nói:
- Đã chết đâu mà cáo phó?
Cần vừa nói vừa cười:
- Coi như chết thẳng cẳng rồi còn gì nữa mà ông bảo chưa chết.
Hạp nói giọng chắc nịch:
- Chấm dứt khoán hộ là ý của Ban bí thư. Còn ý của dân liệu người ta có chịu nghe không. Đừng hòng tước được miếng cơm ra khỏi mồm họ.
Ông Kim nhắc:
- Họp lần nào các cậu cũng mất trật tự. Bây giờ chúng ta dành nhiều thì giờ để thảo luận xem ta nên thực hiện Thông tri của Ban bí thư như thế nào. Còn việc thắc mắc, trách móc xin dẹp lại đã. Trước khi thảo luận biện pháp sửa chữa theo yêu cầu của Ban bí thư, tôi xin nói rõ vấn đề này. Sau khi nhận được Thông tri của Ban bí thư, thường vụ tỉnh ủy đã có một cuộc họp để trao đổi. Thường vụ nhất trí là không thể không sửa. Vì Thông tri giống như một pháp lệnh của Đảng mà mọi đảng viên phải có nhiệm vụ phải chấp hành. Vì vậy ở cuộc họp này không nên bàn cãi sửa hay là không sửa, mà chỉ cùng nhau bàn bạc xem nên sửa như thế nào để không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nông dân. Đây là một việc khó, đòi hỏi đóng góp trí tuệ của tập thể. Bây giờ mời mọi người phát biểu.
Hạp đứng lên:
- Tôi hoàn toàn đồng ý với bí thư, Thông tri là pháp lệnh của Đảng. Nhưng phải xem lại pháp lệnh ấy có phù hợp hay không phù hợp. Nếu thấy chưa phù hợp thì chúng ta có quyền đề nghị lên trên nghiên cứu lại trước khi thực hiện để tránh để lại những hậu quả tai hại khôn lường.
- Thế nếu bà con hỏi chú, khoán hộ làm ra thóc gạo nhiều như vậy sai đường lối ở chỗ nào, chú trả lời bà con ra sao?
Ông Kim không trả lời vào câu hỏi của bà Thường mà nói sang điều ông đang suy nghĩ:
- Gay go rồi chị ạ. Ông Dần xuống Yên Lộc về cũng bảo bà con phản ứng, ông Côn từ Linh Sơn gọi điện về cũng nói như thế. Chắc ở các huyện khác cũng thế. Làm sao bây giờ chị?
- Tôi cũng chưa biết tính sao. Theo tôi tình hình hiện nay có thể sẽ có hai khả năng xảy ra song song. Một là không chịu sửa, cứ tiếp tục khoán hộ rồi đến đâu thì đến. Hai, phản ứng tiêu cực bằng cách xin ra khỏi Hợp tác, lấy lại ruộng đất để làm ăn riêng lẻ. Cách nào thì chúng ta cũng chết.
- Bằng cách nào cũng phải duy trì cho được khoán hộ chị ạ. Không khoán được công khai thì khoán bí mật, không khoán được hình thức này thì ngụy trang dưới các hình thức khác. Không làm thế thì chết.
- Chú định làm thêm một bản kiểm điểm nữa à?
- Nếu Hợp tác xã làm ăn no đủ, không bị tan rã thì có làm chục bản kiểm điểm, tôi cũng sẵn sàng làm chứ không phải một bản. Ai muốn hiểu mình thế nào thì hiểu, miễn sao dân được no.
Bà Thường hút thêm một lần thuốc nữa rồi bảo:
- Sáng mai tôi đi Thạch Sơn để xem tình hình trên ấy sao nhé?
- Chị mới đi Vĩnh Hòa về nghỉ một hôm cho khỏe, sau đó xuống Tam Bình. Thạch Sơn để tôi đi cho chứ đường toàn đèo dốc chị đi không nổi đâu.
- Thế cũng được. Đang yên đang lành bỗng rối lên như nồi canh hẹ. Không biết mọi việc sẽ đi đến đâu. Đói kém trở lại trông thấy rồi chú ạ.
Nói xong bà Thường thở dài.
Ông Kim thấy bức bối trong người liền rít một điếu thuốc lào rồi đứng lên đi dạo theo các con đường trong khuôn viên cơ quan.