Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 113 :
Ngày đăng: 01:34 19/04/20
Đường phố thị xã vào buổi chiều nắng hanh. Cái ánh nắng vừa nhẹ vừa sắc. Thi thoảng một ngọn gió bấc mỏng mảnh lướt qua xua những ngọn lá xà cừ vàng úa xao xác càng tăng thêm vẻ đìu hiu của một thị xã thời chiến. Lề đường đầy hố cá nhân tránh máy bay. Người đi lại thưa thớt. Thỉnh thoảng có mấy người đi xe đạp với dáng điệu vội vã hoặc một chiếc xe bò với nhịp bước đều đều vô tư của con bò kéo xe. Mấy cô tự vệ mặc áo quần, đội mũ công nhân, súng khoác sau lưng đạp xe nói cười rộn rã.
Bà Quê vai đeo tay nải lê từng bước thất thểu trên lề đường. Thỉnh thoảng bà dừng lại trước một ngôi nhà đang mở cửa ngửa tay hỏi xin. Người cho tiền, kẻ cho gạo. Nếu có ai đó buông câu hỏi vô tình con cháu đâu mà không nuôi bà để bà đi ăn xin, bà chỉ đáp lại câu hỏi xót xa đó bằng đôi dòng nước mắt rồi lặng lẽ bước đi. Một anh trung sĩ công an còn trẻ, vai đeo lủng lẳng chiếc xắc cốt bằng da, phanh xe đạp lại trước mặt bà Quê hỏi giọng hách dịch:
- Này bà. Bà ở đâu mà ra phố ăn xin?
Bà Quê lơ láo nhìn anh công an rồi đáp:
- Tôi ở thôn Gia Đạo, xã Đạo Thắng.
- Con cháu bà đâu mà bà đi ăn xin?
- Con cháu ở quê nhưng nhà thiếu ăn nên tôi đi xin ăn để đỡ bớt cho con cháu một miệng ăn.
- Bà có giấy phép của Ủy ban xã không?
Bà Quê ngạc nhiên:
- Tôi đi xin ăn chứ có đi đâu mà phải được phép của xã hả chú?
- Bà nên nhớ chế độ ta không có người đi ăn xin, bà có biết không?
Bà Quê nở nụ cười méo mó:
- Tôi già cả, chỉ biết đói thì phải lần đi ăn xin thôi chú ạ.
- Bà đừng có cái kiểu ăn nói xuyên tạc ấy. Chế độ ta không để cho ai đói cả.
Bà Quê nhìn anh công an một lát rồi thủng thẳng:
- Có khi chú là người thành thị thành ra chú chẳng biết bà con nông dân chúng tôi đang sống như thế nào đâu. Một ngày công chưa đầy hai lạng thóc, nấu cháo cũng không đủ chú ạ. Tuy không đói như năm Ất Dậu nhưng cả xã tôi đang đói rã họng ra vì thiếu ăn đấy.
Thấy một bà già tỏ ra ương ngạnh với mình, anh công an đe:
- Bà đã không biết cái sai của mình mà còn nói liều. Nếu vậy xin mời bà về đồn công an giải quyết.
Ông Kim đạp xe đi qua, thấy bà Quê và anh công an đang giằng co nhau, ông dừng xe lại hỏi:
- Có chuyện gì thế đồng chí?
Nhận ra ông Kim, anh công an kính cẩn:
- Báo cáo đồng chí bí thư. Tôi gặp bà này đang đi đến các nhà ngửa tay ra ăn xin, tôi bảo bà ta đang bôi nhọ chế độ Xã hội Chủ nghĩa và yêu cầu bà ta trở về quê nhưng bà ta không chịu.
Ông Kim hỏi bà Quê:
- Bà người đâu?
- Thưa ông, tôi người thôn Gia Đạo, xã Đạo Thắng ạ.
- Bà từ dưới ấy mà lên tận đây ăn xin kia à?
- Người ta bảo đói thì đầu gối phải bò. Chỗ nào có thì tìm đến xin ăn. Ông nghĩ xin ở quê nơi nào cũng thiếu đói, lấy đâu người ta cho mình.
Anh công an nói với ông Kim:
- Tôi không dám làm phiền ông nữa đâu. Ông mà làm thế tôi chẳng biết lấy gì để đền ơn ông đâu.
Bà Lê cười bảo:
- Nhà cháu nói đùa đấy. Sáng mai ông nhà cháu đưa bà về bằng ô-tô.
Bà Quê cười:
- Tôi cứ ngỡ ông nói thật nên lo quá.
Ông Kim hỏi:
- Tôi bận đi nhiều nơi nên từ hôm cấy vụ chiêm đến giờ chưa về được Gia Đạo. Tình hình lúa má vụ này ra sao hả bà?
Bà Quê ối dào một tiếng rồi nói:
- Ông tính làm ăn bây giờ có ra gì đâu mà bảo lúa má tốt được. Năm nay tôi đã sáu mươi hai tuổi rồi mà chưa thấy thời nào làm ăn dối dá như bây giờ. Ấy thế mà có được thong dong đâu ông. Sáng gà mới te te gáy đã chân sấp chân ngửa chạy ra đồng làm ruộng phần trăm. Nghe kẻng Hợp tác đánh lại chân sấp chân ngửa chạy về đi làm để lấy điểm. Về chậm là bị phạt. Tối lại đội mưa đội gió bê đèn ra sân Hợp tác bình điểm chấm điểm rồi tị nạnh nhau cãi vã ầm cả làng. Cực lắm.
Ông Kim thở dài:
- Thế xã viên không có ý kiến gì với cung cách làm ăn dối trá, bận bịu ấy hay sao?
- Mở miệng ra nói là lãnh đạo Hợp tác bảo trên đã quy định thế rồi, cứ thế mà làm, không phải thắc mắc.
- Tôi hỏi cho vui thôi. Nếu để cho bà làm chủ nhiệm Hợp tác và để cho bà tự do điều hành công việc, không có ai thúc ép, cấm đoán thì bà sẽ cho Hợp tác làm ăn như thế nào?
Bà Quê cười giòn giã:
- Tôi cho mọi người đi lao động tất, chẳng phân biệt lao động phụ lao động chính gì sất. Ai làm tốt tôi chia cho nhiều thóc, ai làm không tốt thì nhận ít thóc. Thế là công bằng, chẳng cãi vã tị nạnh nhau.
- Làm sao bà biết người này lao động tốt, người kia lao động không tốt?
- Cứ làm ăn như mấy ông chủ nhiệm và đội trưởng hiện nay đánh kẻng xong kéo nhau đi uống rượu, chẳng biết ruộng đồng là cái gì thì đúng là không biết ai làm tốt, ai làm xấu thật. Còn tôi thì đừng hòng ai qua được mắt tôi.
- Hàng ngày bà vẫn cho đánh kẻng để xã viên đi làm, và tối đến vẫn tập họp ở sân Hợp tác để bình điểm?
Bà Quê hào hứng trả lời:
- Chuyện ấy làm sao bỏ được. Không đánh kẻng thì người đi trước, người đi sau làm sao mà phân công được công việc. Tối đến cũng phải họp mọi người lại để thông báo ai làm tốt, ai làm không tốt trong ngày chứ ông.
Ông Kim cười:
- Nếu tôi là xã viên mà thấy bà chưa bỏ được hiệu lệnh của kẻng và bắt xã viên đêm nào cũng đi họp để nghe bình điểm thì tôi không khi nào bầu bà làm chủ nhiệm cả.
- Không đánh kẻng, không họp để bình điểm thì làm sao điều hành được Hợp tác hả ông?
- Tôi tính thế này xem bà có nghe được không nhé. Nếu tôi làm chủ nhiệm thì tôi sẽ tính toán công việc rồi giao cho đội sản xuất. Trên cơ sở công việc được giao, đội trưởng sản xuất tính toán cụ thể mỗi việc cần giao cho bao nhiêu xã viên rồi cứ thế đi đến từng nhà thông báo công việc cho họ. Nói rõ họ cần làm bao nhiêu thời gian, mỗi việc làm tốt được bao nhiêu điểm, làm chưa đúng yêu cầu thì hoặc bắt làm lại hoặc trừ điểm lao động. Làm xong báo cho đội trưởng biết và chấm luôn điểm vào đó. Nếu xã viên đồng ý thì ký vào. Như vậy việc gì tôi phải đánh kẻng và họp đêm để bình điểm. Bà thấy tôi làm chủ nhiệm như vậy có được không?
- Làm được như ông thì còn gì phải nói nữa. Nhưng khó lắm ông ạ.
- Khó ở chỗ nào?
- Như tôi nói với ông khi nãy ấy. Hễ ai muốn làm khác đi thì người ta bảo làm như vậy là vi phạm điều lệ, quy định, rồi còn gì gì nữa. Thấp cổ bé họng như chúng tôi có nói thì người ta vẫn làm ngơ. Mà rồi các ông Chủ nhiệm chẳng ai muốn mua cái bận vào người. Đánh kẻng, ngồi uống rượu vẫn có nhiều điểm hơn xã viên đi làm ngoài đồng, ai dại gì mà thay đổi vừa vất vả, vừa thiệt thòi.
Đêm trở về trong yên tĩnh, chỉ còn nghe tiếng khua xào xạc rất khẽ của lá cây xà cừ quanh nhà. Bà Thường về từ lâu, bà Lê và bà Quê nằm rì rầm trò chuyện ở trong phòng bên, ông Kim đặt lưng nằm xuống nhưng không sao ngủ được. Trằn trọc chán, ông ngồi dậy lấy chiếc khăn len quàng vào cổ, xách cái điếu cày và gói thuốc rón rén mở cửa bước ra hiên mò mẫm tìm cái ghế đòn ngồi xuống ngước mắt nhìn vào cái quãng sáng lờ mờ của đêm trăng cuối tháng hiện ra dưới các chòm lá. Câu chuyện của bà Quê và kế tiếp là những hình ảnh làm ăn mà ông bắt gặp ở Hợp tác xã Hạ Đình cứ lởn vởn trong đầu ông. Lại một vụ chiêm thất bát rành rành hiện ra trước mắt đẩy nông dân đến càng gần bờ vực của đói nghèo. Nguyên nhân vì đâu thì đã nhìn thấy, nhưng làm sao thoát ra được tình cảnh này thì còn lúng túng như gà mắc tóc. Ở đây có cái gì đó giống như trận đánh công đồn. Muốn cho bộ đội xung phong vào phá lô cốt, tiêu diệt địch phải có người ôm bộc phá lên phá hàng rào để mở cửa mở. Nhiệm vụ đó giờ đây thuộc về tập thể tỉnh đảng bộ, trong đó ông là bí thư, người chỉ huy cao nhất. Ông Kim rít một hơi thuốc lào khe khẽ rồi ngước nhìn lên cái khoảng không sâu thẳm nhờ nhờ hiện ra giữa các tầng lá. Gần ba mươi năm hoạt động cách mạng, gian nguy từng trải nhưng chưa khi nào ông thấy tay chân mình bị trói buộc như hôm nay. Đêm nặng nhọc trôi qua. Ông Kim rít thêm một hơi thuốc lào nữa rồi xách điếu đi vào nhà.