Bí Thư Tỉnh Ủy
Chương 378 :
Ngày đăng: 01:35 19/04/20
Đô cầm cuốn sổ ra khỏi phòng làm việc của ông Kim mồm lẩm bẩm: Lần này anh giao cho em viết một bài dài thế này chắc chết không gặp được vợ con đây. Ông Kim nhìn theo cười chứ không nói gì. Mối quan hệ tình cảm giữa ông Kim và Đô hết sức đặc biệt. Nó được tổng hợp bởi các mối quan hệ thầy trò, cấp trên cấp dưới và cả tình anh em. Đô làm thư ký riêng đồng thời cũng là thầy dạy văn hóa cho ông Kim ngót nghét đã gần chục năm. Vì vậy Đô hiểu ông Kim như hiểu mình. Khi cần viết một công văn, chỉ thị hay báo cáo, nói chuyện với một hội nghị nào đó, chỉ cần ông Kim nói ra ý của mình là Đô có thể có một bài viết ít khi ông Kim yêu cầu sửa chỗ này chỗ khác. Đô còn là một thư ký mẫn cán. Biết tính ông Kim lúc nào cũng cần những tư liệu chính xác, cụ thể nên trong sổ tay của Đô lúc nào cũng đầy ắp số liệu, sự kiện. Mỗi lần ông Kim cần là Đô mở sổ ra nói vanh vách, ít khi ông Kim nghi ngờ phải đi điều tra lại xem những số liệu, sự kiện ấy có chính xác hay không. Ông Kim quý mến Đô nhưng đôi lần ông thấy Đô bị thiệt thòi nếu như không cất nhắc, đề bạt Đô lên một cương vị cao hơn cái chức thư ký riêng của anh. Một lần ông Kim đột ngột hỏi Đô:
- Cậu làm thư ký riêng cho tớ lâu quá có thắc mắc gì không?
Đô ngạc nhiên hỏi:
- Anh bảo em thắc mắc chuyện gì?
Ông Kim tâm sự:
- Nhiều khi thấy để cậu làm thư ký riêng cho tớ lâu quá, tớ rất ái ngại. Vẫn biết rằng đi làm cách mạng không ai nghĩ mình sẽ trở thành ông này, bà nọ. Nhưng cái nhìn của xã hội thì lại khác. Thấy ai chậm được tổ chức cất nhắc đề bạt là cứ nghĩ có lẽ do bị khuyết điểm hay do trình độ kém. Cậu có nhớ cái lần đi lên xã Hạ Đình không. Mấy đứa trẻ con nhìn thấy cậu mang khẩu súng hai nòng đi sau lưng tớ cùng với cậu Hành, chúng liền bảo với nhau: Cái ông cán bộ này to lắm. Có một anh loong toong mang súng đi hầu và một anh bồi đi theo nữa chúng mày ạ. Nghe xong tớ vừa buồn cười vừa ái ngại cho cậu.
- Chúng nó trẻ con biết gì. Mà sao cái xã Hạ Đình ấy còn lạc hậu thế nhỉ. Miền Bắc đã được giải phóng bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn dùng những tiếng như bồi, loong toong nghe buồn cười thật.
Ông Kim giải thích:
- Hạ Đình ngày còn tạm chiếm có cái bốt Dốc Khỉ do một tên quan Một người Pháp, tương đương với thiếu úy bây giờ làm đồn trưởng. Những tiếng loong toong bồi bếp từ đó mà ra. Có lẽ thấy người lớn gọi thế nên chúng bắt chước. Đô này. Sắp tới tay Sâm có thể được cử đi công tác chuyên gia ở Lào. Tay Huỳnh phó văn phòng sẽ lên làm Chánh văn phòng tỉnh ủy. Tớ định bàn với tay Dần đưa cậu lên thế vào cái vị trí phó văn phòng của tay Huỳnh. Cậu thấy thế nào?
Không một chút đắn đo Đô nói luôn:
- Anh cứ để em làm thư ký riêng cho anh. Đưa người khác về thay em, em tin không hợp với anh đâu.
- Tớ cũng chẳng muốn để cậu rời khỏi tớ. Nhưng cũng phải mở đường cho cậu tiến chứ giữ mãi cậu sao được.
- Em được làm việc cạnh anh là một niềm hạnh phúc rồi. Anh đừng có nghĩ ngợi gì nữa.
Ông Kim cảm động muốn nói một câu gì đó để bày tỏ nỗi lòng của mình nhưng chẳng biết nên nói gì.
Đình hỏi lại:
- Vì sao anh bảo tôi vô nguyên tắc?
- Ai cử cậu đi xuống Vĩnh Hòa để tìm hiểu tình hình? Nếu cậu cần tìm hiểu cơ sở để viết tài liệu, ít ra cậu cũng phải báo cáo với tớ. Cơ quan dù to dù nhỏ gì cũng có sự phân công người phụ trách. Người phụ trách chịu trách nhiệm với trên về việc làm của cấp dưới của mình. Một điều sơ đẳng như vậy vô lẽ cậu không nắm được mà hỏi vì sao tớ bảo cậu vô nguyên tắc. Bây giờ cậu cho tớ biết nhận xét của cậu về việc làm của hai Hợp tác xã ở Vĩnh Hòa.
Đình không một chút ngần ngại nói luôn:
- Tôi và anh Bao đều có chung một nhận định. Đây là một việc làm hết sức sai lầm thuộc về quan điểm chủ trương đường lối của Đảng. Khi nãy anh có nhắc đến quy luật của sự phát triển. Anh cho rằng cái mới, cái tiến bộ đang thay cái lạc hậu, giáo điều máy móc đang diễn ra trong các Hợp tác xã. Đã nói đến quy luật của sự phát triển là phải nói nó phát triển đi lên theo hình thái xoáy trôn ốc. Cái của ngày hôm nay phủ định có kế thừa cái của ngày hôm qua. Nhưng cái mới, cái tiến bộ của các Hợp tác xã mà anh nhắc đến lại phát triển theo chiều hướng đi xuống, trở lại với con đường làm ăn riêng lẻ. Hết trả ao chuôm lại cho nông dân thả cá, bây giờ đến lượt bán lại công cụ sản xuất cho nông dân. Cứ đà này tôi tin sẽ đến một ngày nào đó chắc chắn trâu bò, ruộng đất sẽ được trả nốt cho nông dân. Tôi thấy cái trò chơi của anh mạo hiểm quá.
Ông Kim ngồi nghe ông Đình nói người ngứa ngáy châm chích như bị rôm đốt:
- Cậu nói đã hết chưa?
- Tôi chỉ nói với anh vậy thôi. Tôi mong rằng anh đừng hiểu lầm sự chân thành thẳng thắn của tôi.
Ông Kim thong thả rít thêm một điếu thuốc lào nữa rồi nói đủng đỉnh:
- Tớ hiểu cậu còn hơn hiểu cả tớ nên cậu đừng lo tớ hiểu nhầm. Tớ nói thật, những lời cậu vừa nói tớ cũng đã đọc nhiều lần trên các tờ báo rồi. Cậu nói có chỗ đúng. Đó là chủ trương đưa nền nông nghiệp miền Bắc tiến lên sản xuất lớn Xã hội chủ nghĩa. Muốn cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, bước đi đầu tiên là phải tập thể hóa lối làm ăn của nông dân. Ai chả mong nông dân mình có một cuộc sống sung sướng hả cậu. Ai không mong đồng ruộng manh mún sẽ thành nông trang tập thể. Nhưng chưa làm được những điều mơ ước cao siêu thì hãy làm cho cái bụng dân mình được no, cái thân của dân mình được ấm cái đã.
Ông Kim đứng lên đi đến vịn tay vào khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài như cố nén cơn xúc động đang trào lên ở trong lòng ông. Mãi sau ông nói tiếp:
- Tớ có món nợ rất lớn chưa trả được. Đó là sự che chở đùm bọc của người nông dân trong những năm tháng tớ hoạt động trước khởi nghĩa và thời kháng chiến. Nhiều người bây giờ được ở nhà lầu, đi xe hơi nên quên mất nông dân. Còn tớ thì không bao giờ quên. Tớ khẳng định với cậu điều này nữa. Đường lối tập thể hóa của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Nông dân chúng ta không có con đường nào khác là phải đi vào con đường làm ăn tập thể. Nhưng biện pháp để thực hiện đường lối đó có nhiều chỗ sai cậu ạ. Nhiều chỗ sai, cậu có hiểu không.
Đình lặng lẽ nhìn ông Kim rồi đứng lên bỏ ra khỏi phòng. Ông Kim nhìn theo lắc đầu.