Biểu Tượng Thất Truyền

Chương 41 :

Ngày đăng: 13:35 19/04/20


Robert Langdon chăm chú nhìn cái kim tự tháp bằng đá. Không thể nào tin nổi.



- Một ngôn ngữ cổ đã được mã hoá, - Sato nói mà không hề nhìn lên - Hãy cho tôi biết, điều này có ý nghĩa gì không?



Trên bề mặt mới lộ ra của kim tự tháp, một loạt 16 ký tự được khắc rất ngay ngắn trên lớp đá nhẵn thín.



Ở bên cạnh, Anderson đứng há hốc miệng, như phản ánh lại chính sự bất ngờ của Langdon. Trông bộ dạng viên Chỉ huy an ninh, dễ tưởng anh ta vừa nhìn thấy một loại bàn phím máy tính rất lạ lẫm.



- Giáo sư? - Sato lên tiếng - Tôi nghĩ là ông đọc được những chữ này?



Langdon ngó lại.



- Tại sao bà lại nghĩ thế?



- Bởi vì ông được mang tới đây, Giáo sư ạ. Ông được lựa chọn. Những chữ khắc này có vẻ là một dạng mật mã nào đó, và căn cứ vào tiếng tăm của ông, tôi thấy rõ ràng là người ta đưa ông tới để giải mã nó.



Langdon phải thừa nhận rằng sau những trải nghiệm ở Rome và Paris, anh liên tục nhận được đề nghị nhờ hoá giải các mật mã vẫn trong vòng tranh cãi, từ Đĩa Phaistos 1, Mật mã Dorabella 2, tới di cảo Voynich bí hiểm 3.



Sato rờ tay trên những dòng khắc.



- Ông cho tôi biết ý nghĩa của những tiêu ký này đi!



Đây không phải là những tiêu ký, Langdon nghĩ. Chúng là các biểu tượng. Anh đã nhận ra ngôn ngữ này, một loại ngôn ngữ mật mã từ thế kỷ XVII, và anh biết rất rõ cách giải mã nó.



- Thưa bà, kim tự tháp này là tài sản riêng của Peter. - anh ngập ngừng nói.



- Nếu thực tế đoạn mật mã này chính là lý do đưa ông tới Washington, thì tôi sẽ không cho ông cơ hội bàn đến chuyện của riêng hoặc của chung. Tôi muốn biết nó nói gì.



Chiếc Blackberry bật kêu to, Sato móc ngay ra khỏi túi, xem tin nhắn vừa gửi tới. Langdon rất ngạc nhiên vì mạng không dây nội bộ của Điện Capitol vẫn có thể hoạt động tít sâu dưới này.



Sato lầm bầm và nhướng mày, ném về phía Langdon một cái nhìn là lạ.


Người Langdon cứng đờ.



- Bà không thể làm như vậy được.



- Hoàn toàn được. Tôi đã nhấn mạnh rằng ván bài tối nay rất lớn, và ông đã chọn nước bài không chịu hợp tác. Tôi khuyên ông nên nghĩ đến việc giải thích dòng chữ khắc trên kim tự tháp này, bởi vì khi chúng ta đến CIA… - Bà ta giơ chiếc Blackberry lên và chụp cận cảnh nội dung chữ khắc trên cái kim tự tháp đá - Các chuyên gia phân tích của tôi sẽ tiến hành trước đấy.



Langdon toan mở miệng phản đối, nhưng Sato đã ngó ra cửa, bảo Anderson.



- Chỉ huy, - bà ta ra lệnh - hãy cho cái kim tự tháp đá vào túi ông Langdon và xách lấy. Tôi sẽ bắt giữ ông Langdon. Vũ khí của anh đâu?



Anderson tiến vào phòng với bộ mặt lạnh lùng, rút khẩu súng của mình đưa cho Sato. Bà ta lập tức chĩa súng vào Robert Langdon.



Langdon tưởng đâu tất cả như không thật. Sao lại thế này chứ?



Bấy giờ Anderson tiến tới chỗ Langdon, nhấc cái túi khỏi vai anh, mang nó tới bên bàn và đặt lên ghế. Anh ta mở khoá, vạch miệng túi ra và nhét cái kim tự tháp đá nặng trịch trên bàn vào túi, cùng với sổ sách của Langdon và cái gói nhỏ.



Đột nhiên, có tiếng động ngoài hành lang. Bóng một người hiện ra ở ô cửa, lao bổ vào phòng và xẹt đến phía sau Anderson. Viên Chỉ huy chưa kịp phát giác thì đã bị người đó rùn vai huých mạnh vào lưng. Anderson chúi về phía trước, đầu va mạnh vào mép hốc tường.



Anh ta ngã sụp xuống bàn, làm cho mấy khúc xương cùng các đồ vật bắn tung lên. Chiếc đồng hồ cát vỡ tan dưới sàn. Cây nến đổ nghiêng trên nền nhà nhưng vẫn cháy.



Sửng sốt trước cảnh rối loạn này, Sato giơ ngay súng lên, nhưng người vừa đến đã chụp lấy một đoạn xương đùi và quật mạnh vào vai bà ta. Sato rú lên đau đớn và bật ngửa, đánh rơi cả vũ khí. Người kia đá văng khẩu súng đi rồi quay về phía Langdon. Đó là một người da đen cao dong dỏng, ăn vận rất lịch sự mà Langdon chưa gặp mặt bao giờ.



- Chụp lấy cái kim tự tháp! - người đàn ông ra lệnh - Theo tôi!



--- ------ ------ ------ -------



1 Đĩa Phaistos là một chiếc đĩa bằng đất sét nung lấy từ cung điện Phaistos từ thời Minoa, có lẽ từ giai đoạn giữa hoặc cuối Thời kỳ đồ đồng (thế kỷ II trước Công nguyên). Nó có đường kính khoảng 15 cm và cả hai mặt đều phủ kín một vòng xoáy ốc gồm các biểu tượng được đóng dầu. Mục đích và ý nghĩa của nó, cũng như nơi sản xuất ra nó vẫn là một điều gây tranh cãi, làm cho nó trở thành một trong những bí ẩn nổi tiếng nhất của ngành khảo cổ. Hiện vật độc đáo này hiện được trưng bày tại bảo tàng khảo cổ Heraklion ở Crete, Hy Lạp. Đĩa do nhà khảo cổ người Italia là Luigi Pernier tìm ra năm 1908. Đặc điểm của nó là 241 dấu hiệu, hình thành lên 45 dấu hiệu độc đáo, rõ ràng được tạo thành bằng cách đóng những "con dấu" tượng hình đã tạo sẵn vào một chiếc đĩa đất sét còn mềm, xoáy trôn ốc thuận chiều kim đồng hồ về phía tâm đĩa - ND.



2 Mật mã Dorabella là một bức thư mã hoá do Tòng Nam tước Edward Elgar, nhà soạn nhạc người Anh, viết cho cô Dora Penny. Cho đến giờ ý nghĩa của bức thư vẫn là điều bí mật. Bức mật mã này gồm 87 ký tự chia làm 3 dòng, có vẻ như được tạo thành từ một bảng chữ cái gồm 24 biểu tượng, mỗi biểu tượng gồm 1, 2, hoặc 3 hình bán khuyên, xoay theo một trong 8 hướng - ND.



3 Di cảo Voynich là một cuốn sách có minh hoạ bí ẩn vẫn chưa được giải mã. Người ta nghĩ rằng nó được viết trong khoảng thế kỷ XV-XVI. Vẫn chưa rõ về tác giả, kiểu chữ viết và ngôn ngữ trong di cảo. Cuốn sách được đặt theo tên thương nhân bán sách người Mỹ gốc Ba Lan là Wilfrid M. Voynich, người có được nó vào năm 1912. Hiện di cảo được lưu giữ tại Thư viện Di cảo và Sách hiếm Beinecke thuộc Đại học Yale với số hiệu "MS 408". Người ta ước đoán sách gốc có 272 trang chia thành 17 tay sách, mỗi tay sách 16 trang. Hiện nay chỉ còn 240 trang bằng giấy da cừu, có một vài trang đã bị thất lạc khi Voynich có được cuốn sách - ND.