Cao Quan
Chương 68 : Tôi thay mẹ tôi hỏi các người!
Ngày đăng: 00:54 20/04/20
Bành Viễn Chinh im lặng không nói, đột nhiên khẽ thở dài. Bác Cả và chú Ba muốn mời anh em Mạnh Cường ăn cơm, hắn không thích, thậm chí có thể nói là hết sức phản đối. Trong lòng hắn, người của nhà họ Mạnh chỉ là người dưng không bao giờ qua lại. Nhưng hắn biết, là đời thứ hai của Phùng gia, Phùng Bá Đào và Phùng Bá Lâm có chủ ý của họ. Hơn nữa, lần này hai người đến, trên thực tế là để hai mẹ con Bành Viễn Chinh chính thức nhận tổ tiên. Một khi đã như vậy, Phùng gia và Mạnh gia không thể không gặp mặt.
Hơn nữa, còn có thể diện của Mạnh Lâm. Mạnh Lâm thủ tiết hơn mười năm, ngậm đắng nuốt cay một mình đem giọt máu của Phùng gia nuôi dưỡng nên người, Bành Viễn Chinh khỏe mạnh lớn lên, còn đứng đầu kỳ thi vào Đại học Kinh Hoa, trường đại học hàng đầu cả nước, đủ thấy sự nỗ lực và hy sinh của Mạnh Lâm. Ở trong lòng hai anh em Phùng Bá Đào, Mạnh Lâm chính là người có công với Phùng gia. Nói cách khác, về mặt tình cảm, Phùng gia mắc nợ Mạnh Lâm.
Cho nên, Phùng Bá Đào quyết định gặp mặt anh em Mạnh Cường. Chưa nói tới việc tăng cường qua lại giữa hai bên thông gia, nhưng ít ra, cũng nói cho người nhà họ Mạnh biết, con trai của Mạnh Lâm là dòng dõi Phùng gia, không làm xấu mặt Mạnh gia!
Bành Viễn Chinh chậm rãi đứng dậy, cầm chén rượu trong tay, nhẹ nhàng nói:
- Đã nhiều năm như vậy, kể từ khi tôi bắt đầu biết ghi nhớ đến nay, đây là lần đầu tiên ngồi ăn cơm cùng với bề trên của Mạnh gia.
Những lời này của Bành Viễn Chinh vừa thốt ra, mặt hai anh em Mạnh Cường và Mạnh Quân đỏ bừng, như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
- Trước đây, lúc cha mẹ tôi kết hôn, Mạnh gia đồng ý, bởi vì lúc ấy cha tôi khỏe mạnh cường tráng, có xuất thân tốt, giác ngộ cao. Vì mẹ tôi và Mạnh gia, trong mười năm loạn lạc thời đó, cha tôi liên tục bị phê bình, đấu tố, bị hành hạ, tra tấn. Nhưng ba tôi chưa bao giờ đồng ý ly hôn với mẹ, luôn kiên trì giữ vững đạo nghĩa vợ chồng.
Ban đầu Mạnh gia là phái bị phê bình, đấu tố; tôi còn nhớ rõ, mỗi ngày cha mẹ tôi chỉ ăn một chút cơm, tiết kiệm đồ ăn để đưa đến Mạnh gia. Có một buổi tối, vì đưa cơm đến Mạnh gia, đã bị Hồng Vệ Binh (1) chặn lại, ra sức đánh một hồi, mẹ tôi nói, đó là trận đòn khiến cha tôi mang bệnh đến tận lúc chết.
Khi cha mất, tôi chỉ mới sáu tuổi. Về sau Mạnh gia lại được phục hồi, lại thành những người thượng lưu trong xã hội, mà bắt đầu khinh thường công nhân. Cảm thấy mẹ tôi lấy một công nhân bình thường là rất mất mặt, ông ngoại bèn ép mẹ tôi tái giá. Thật ra, lúc ấy mẹ tôi còn trẻ, có tái giá cũng là chuyện bình thường, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn ủng hộ mẹ tôi tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng, điều khiến mẹ tôi không thể chấp nhận, đó là ông ngoại buộc mẹ tôi phải bỏ tôi.
Mẹ tôi không đồng ý. Từ đó, Mạnh gia liền cắt đứt quan hệ với mẹ tôi, hơn mười năm không lui tới. Thật ra thì cũng không sao cả, đã tới mức như vậy, thì lui tới làm cái gì? Nhưng khổ cho mẹ tôi. Nhiều năm như vậy ngậm đắng nuốt cay, một mình đơn độc, vất vả ngược xuôi cũng chỉ có một mình. Tôi phải cảm tạ Mạnh gia, vì đã mang tới cho tôi một người mẹ vô cùng vĩ đại như vậy, thật sự cảm ơn!
Xe cứu thương đến khu cư xá của nhà máy cơ khí đón Mạnh Lâm, sau đó tất cả mọi người còn lại đi trên mấy chiếc xe khác, cùng chạy đến nhà tang lễ.
Tro cốt của Bành Ngọc Cường vẫn gửi ở phòng giữ tro cốt của nhà tang lễ, một năm phải đóng một trăm tệ tiền quản lý. Phùng gia quyết định cử hành một nghi thức ngắn gọn ở nhà tang lễ, sau đó đem tro cốt của Bành Ngọc Cường đi Thủ đô an táng. Đương nhiên, mộ ở Thủ đô đã được xây xong trước rồi.
Bởi vì cha mẹ nuôi của Bành Ngọc Cường là người nơi khác đến, lại không có có con cái, chỉ có Bành Ngọc Cường là con nuôi. Bởi vậy, sau khi họ mất, thân thuộc của Bành Viễn Chinh ở Tân An thật sự không có ai. Nếu xét về thân thích, cũng chỉ có Mạnh gia.
Vào nhà tang lễ, lòng Mạnh Lâm khá đau buồn, vẫn nằm trên xe cứu thương, cùng với Tống Dư Trân và Phùng Thiến Như. Còn Bành Viễn Chinh với sự dẫn dắt của hai bậc chú bác của Phùng gia, đi thực hiện các thủ tục cần thiết, rồi đến bái tế cha mẹ nuôi của Bành Ngọc Cường, biểu lộ sự cảm kích của Phùng gia đối với hai người.
Nhà tang lễ có sáu đại sảnh vĩnh biệt, là nơi người nhà của người chết cử hành nghi thức vĩnh biệt người chết, Phùng gia thuê một phòng. Hũ tro cốt của Bành Ngọc Cường đặt ở giữa, phía trên là di ảnh của ông, hai bên là vòng hoa.
Tuy nhiên, người tham gia nghi thức quá ít, ngoại trừ ba người Bành Viễn Chinh ra, cũng chỉ có bốn anh em vợ chồng Mạnh Cường. Theo yêu cầu nghiêm khức của Phùng lão, Phùng gia không làm kinh động đến địa phương.
Bởi vậy, so với đại sảnh kế cận vang lên tiếng nhạc buồn não nuột, người viếng không dứt, bên này có vẻ hơi lạnh lẽo và vắng vẻ.
(1) Hồng Vệ Binh: Hồng Vệ Binh là hàng trăm triệu thanh thiếu niên Trung Quốc được giáo dục đến mức cuồng nhiệt, tôn sùng chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao tới mức có thể xúc phạm, chửi bới, hành hạ, đầy đoạ, thậm chí giết chóc, bất cứ ai dám tỏ ra thiếu tin tưởng hoặc bất đồng chính kiến với những nội dung chính trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc giảng dạy
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Hồng Vệ Binh được Mao Trạch Đông dung dưỡng, sử dụng đã gây hỗn loạn cho xã hội Trung Quốc, đình đốn sản xuất, hàng trăm ngàn đảng viên bị thanh trừng, nhiều bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa bị tra tấn, sỉ nhục và chết tức tưởi. Trong chiến dịch "Bốn dọn dẹp" và tiêu diệt "Bốn cái cũ", nhiều danh thắng và giá trị văn hóa truyền thống của Trung Hoa bị phá hủy.