Cây Tỏi Nổi Giận
Chương 14 :
Ngày đăng: 13:27 19/04/20
Xã hội cũ quan lại bênh nhau, dân tình khốn khổ
Xã hội mới nêu cao chính nghĩa, công bằng.
Nào ai ngờ xã trưởng Vương ngồi trên luật pháp
Chạy thoát lưới trời tên tài xế giết dân.
- Chú Tư Phương bị xe cán chết trên đường đi bán tỏi, Khấu mù kêu oan cho chú Tư trước cửa Cục Công an. Trích đoạn lời ca.
Khoảng giữa trưa, thím Tư đang nằm thiêm thiếp trên giường, cảm thấy có người nắm cánh tay thím, vội ngồi dậy dụi mắt nhìn khuôn mặt trái xoan đẹp ngời ngợi của nữ cảnh sát trẻ mặc cảnh phục, đội mũ lưỡi trai.
- Số 47, sao không ăn cơm? – Cô cảnh sát giám thị hỏi.
Cô giám thị có cặp mắt to đen láy, hàng mi chớp chớp, thím thực tình rất thích cô gái này. Cô quạt bằng mũ, vừa quạt vừa nói: “Vào đây phải thành khẩn, có sao nói vậy, thành khẩn được khoan hồng, ngoan cố phải xử nghiêm, đến bữa thì phải ăn.”
Thím Tư cảm kích ứa nước mắt, gật đầu lia lịa. Nữ giám thị để tóc ngắn, rẽ đường ngôi như con trai, tóc đen nhánh, càng nổi bật khuôn mặt trắng trẻo.
- Cô ơi… - Thím Tư miệng méo xệch định nói câu gì đó. nhưng nước mắt nghẹn họng.
Nữ giám thị đội mũ lên đầu, nói: “Thôi ăn đi! Phải tin chính phủ không xử oan người tốt, không bỏ sót kẻ xấu.”
- Cô ơi, tui là người tốt, tha cho tui về nhà! – Thím Ư vừa khóc vừa nói.
- Cái bà này lắm điều! – Nữ giám thị nhíu mày, hai lúm đồng tiền trên má – Tha hay không, tôi nói sao được!
Thím Tư dùng tay vắt nước mũi, lấy vạt áo lau nước mắt, hỏi: “Cô ơi, năm nay cô bao nhiêu tuổi?”
Nữ giám thị trừng mắt, lộ ngay vẻ nanh nọc: “Số 47, cái gì không nên hỏi thì đừng hỏi.”
- Cô xinh quá! Tui thích cô quá thì hỏi thế thôi.” – Thím Tư nói.
- Bà hỏi tuổi tôi làm gì?
- Chẳng làm gì cả, chỉ hỏi thế thôi.
Nữ giám thị bật cười: “Hăm hai.”
Thím Tư nói: “Cùng tuổi với con Cúc nhà tui, tuổi rồng. Con bé nhà tui hẩm hiu, chẳng bằng một nửa của cô.”
Nữ giám thị lại bảo: “Bà ăn ngay đi, ăn rồi ngẫm lại những chuyện mình đã làm mà khai báo cho thành khẩn!”
- Cô ơi, cô bảo tui ngẫm cái gì?
- Vì sao bắt bà, có biết không?
- Tui làm sao biết được? – Thím Tư lại nhệch miệng khóc, vừa khóc vừa kể – Tui đang ăn cơm trong nhà, bánh bột ngô thì phải ăn với dưa, liền nghe có tiếng người gọi tui ngoài cổng, vừa ra cổng, người ta liền túm tay tui, tui sợ quá nhắm tịt mắt, lúc mở mắt ra thì cổ tay sáng loáng, còng lại rồi! Con gái tui khóc trong nhà, nó sắp đẻ. Nói cô đừng cười, nó chửa hoang. Tui kêu lên, hai ông công an lôi tui chạy, lại còn một cô công an cao hơn cô, không xinh bằng cô. Cô ta dữ lắm, đá tui liền mấy đá…
- Thôi thôi! – Nữ giám thị sốt ruột – Bà ăn cơm đi!
- Cô ơi, cô bực hả? – Thím Tư nói – Cục công an nhà cô bắt những ai thì chẳng biết, lại bắt mụ già này làm gì?
- Bà không đập phá trụ sở của Chính phủ à?
- Thì ra đấy là chính phủ huyện, tui không biết. Tui đi kêu oan, ông lão nhà tui đang khoẻ mạnh chẳng ốm đau gì, vậy mà bị họ chẹt chết tươi!
Thím Tư oà khóc, vừa khóc vừa nói: “Cô ơi, oan cho tui quá!”
Nữ giám thị nói: “Không được khóc, cũng không được phép gọi là cô, phải gọi là bà giám thị, hoặc gọi là Chính phủ. Những người kia cũng phải gọi như thế.”
- Bà em kia cũng bảo vậy, phải gọi là Chính phủ, không được gọi “Cô”! – Thím Tư chỉ vào một phụ nữ đang nằm sấp trên giường, nói: “Già rồi hay quên, không nhớ được.”
- Mau ăn cơm đi! – Nữ giám thị nói.
- Cô… à Chính phủ… - Thím Tư chỉ cái màn thầu đen sì và tô canh tỏi, hỏi – Cơm này phải trả tiền không? Tem lương thực thì sao?
Thím Tư nghe thấy chú Tư ra thăm trâu ngoài chuồng, lại nghe thấy chú đập cửa gọi thằng Cả và thằng Hai:
“Cả và Hai dậy đi! Xếp tỏi lên xe cho bố!”
Thím Tư cũng bước xuống đất châm đèn treo dưới khong cửa, sau đó, thím múc một gáo nước trong ang đổ vào nồi.
Chú Tư hỏi: “Bà đun nước làm gì?”
- Nấu chút canh cho ông – Thím Tư nói – Đi cả một nửa đêm chứ ít đâu!
- Bớt cái khoản ấy hộ tôi – Chú Tư nói – Tôi ngồi trên xe, đi bộ đâu mà đi bộ? Cho con trâu nó uống!
Anh Cả và anh Hai ra sân. Trời lạnh, cà hai co ro, không nói câu gì.
Thím Tư múc thêm ba gáo nước vào cái liễn sành, cho vào liễn một nắm cám rồi khuấy đều bằng chiếc que cời lửa, để trên lối đi trong sân.
Chú Tư dắt trâu ra cho nó uống nước. Con trâu đứng yên, môi bập bập, không uống.
Chú Tư dỗ con trâu: “Uống… uống… uống nước đi!”
Con trâu vẫn đứng yên, hơi nóng trên mình nó có mùi khăn khẳn. Lũ vẹt lại kêu, tiếng kêu như một đám mây, bay tới rồi bay lui. Nửa vầng trăng đã lên cao hơn một chút, nhuộm vàng một mảng tường trong sân. Ánh sao hơi mờ đi.
- Cho nó thêm ít cám – Chú Tư nói.
Thím Tư bốc một nắm cát bỏ vào liễn.
Chú Tư vỗ sừng con trâu: “Uống đi!”
Con trâu cúi xuống xì mũi cho nước nổi bong bóng, rồi uống soàm soạp.
- Chúng bay còn đứng đấy làm gì – Chú Tư quở hai con – Mau khiêng xe ra, để rồi chất tỏi lên!
Anh Cả và anh Hai khiêng thùng xe ra, xách trục và bánh ra lắp vào xe. Trong thôn nhiều trộm, không dám để xe ngoài cổng. Ngồng tỏi thì chất đống tại chân tường phía nam, bó từng bó, đậy bằng tấm ni lông.
Chú Tư nói: “Xách thùng nước ra, vẩy cho tỏi một ít, đỡ hao cân.”
Anh Cả xách thùng nước, múc từng gáo giội lên đám ngồng tỏi.
Thím Tư nói: “Cho thằng Hai đi cùng chẳng tốt hơn sao?”
Chú Tư nói: “Không tốt!”
- Ông cứ ngang như cua – Thím Tư ca cẩm – Đến huyện mua cái gì ngon ngon mà ăn, nhà hết lương khô rồi.
- Nhà mình vẫn còn nửa cái bánh bột ngô phải không? – Chú Tư hỏi.
- Đã mấy bữa rồi! – Thím Tư nói.
- Bà đem ra cho tôi – Chú Tư dắt trâu ra cổng, quay lại mặc áo bông, giắt nửa chiếc bánh bột ngô vào bọc, kẹp chiếc roi bằng cành cây vào nách, đi ra cổng.
- Càng già càng lẩm cẩm – Thím Tư nói – Để thằng Hai đi bán không được?
Anh Hai cười nhạt: “Bố sợ con tham ô!”
Anh Cả thì lại bảo: “Bố thương chúng mình.”
- Ai cần thương? – Anh Hai lầu bầu, về buồng ngủ.
Thím Tư đứng trong sân thở dài, lắng nghe tiếng kin kít của xe trâu xa dần trong màn đêm mênh mông. Đàn vẹt nhà Cao Trực Lăng kêu như điên, thím bồi hồi không yên, đi tới đi lui trong sân, tắm trong ánh trăng vàng vọt.
Cửa buồng giam lại mở ra, cảnh sát tháo còng trên tay số 46. Chị ta chạy gằn hai bước, nhào lên giường, nằm yên như một xác chết.
Nhân lúc cảnh sát lúi húi đóng cửa, thím Tư van xin: “Chính phủ ơi Chính phủ, cho tui về nhà đi, sắp đến “Bốn chín ngày” ông lão nhà tui rồi!”