Chỉ Gọi Tên Em

Chương 2 :

Ngày đăng: 16:40 19/04/20


Sáng ngày hôm sau, dùng xong bữa sáng, mọi người lên đường tới Tử Cấm Thành.



Mấy sinh viên Bắc Kinh cùng đi đều là người tỉnh ngoài đến Bắc Kinh học, nhưng hầu như đều đã tới Tử Cấm Thành nên rất quen thuộc với nơi này.



Giáo viên chỉ nói giờ và địa điểm tập trung rồi rút lui để sinh viên Bắc Kinh dẫn sinh viên Đài Loan đi thăm quan.



Vừa bước vào Ngọ Môn, phản ứng đầu tiên của tất cả các sinh viên đều là phấn khích bắt chước theo mấy vị hoàng đế trong phim tức giận hét lớn: Lôi ra Ngọ Môn chém đầu!



Tuy cũng có người giải thích rằng lôi ra Ngọ Môn chỉ có ý không muốn làm ô uế Tử Cấm Thành, thực tế pháp trường nằm ở chỗ khác kia.



Thế nhưng không thể phủ nhận, ấn tượng Ngọ Môn để lại trong mọi người hầu như chỉ là chém đầu mà thôi.



Nếu như là tôi, phản ứng đầu tiên của tôi là:



Ý? Sao chưa qua Tảo* Môn  đã tới Ngọ Môn  rồi? Vậy cánh cổng tiếp theo liệu có phải Vãn Môn không?



* Tảo – Ngọ - Vãn: Sáng – Trưa – Tối



Nhưng tôi vốn đã chẳng phải người bình thường, vậy nên không cần để ý đến tôi làm gì.



“Lương Lương, hóa ra anh ở đây.” Noãn Noãn bất ngờ chạy đến gần tôi. “Mau! Em nhìn thấy nhà anh rồi!”



“Gì cơ?” Tuy tôi rất kinh ngạc nhưng vẫn chạy theo sau Noãn Noãn.



Chạy được hơn ba chục bước, Noãn Noãn dừng lại, thở hổn hển đưa tay phải chỉ về phía trước: “Đến nhà anh rồi này.”



Theo hướng tay em, tôi thấy một người đàn ông trung niên đang cầm một túi vải màu xám trắng.



Tôi quay lại nhìn Noãn Noãn, tay phải em ôm lấy bụng, vẻ như cười đến đau cả ruột.



“Buồn cười lắm,” tôi nói.



“Đợi đã.” Noãn Noãn phì cười, cố lấy lại vẻ bình tĩnh, nhưng chưa bình tĩnh nổi một giây đã lại phá lên cười.



“Đợi đã đợi đã…” Xem ra Noãn Noãn hình như cũng không được bình thường cho lắm.



Tuy Noãn Noãn đã dần dần ngưng cười thành tiếng nhưng ánh mắt cười có lẽ khó lòng biến mất trong chốc lát.



Tôi nghĩ chắc giờ tâm trạng em rất vui, đây hẳn là thời cơ tốt để lương tâm tôi trỗi dậy.



Xuyên qua cầu Kim Thủy, chúng tôi như quan viên thời cổ lên triều, kẻ trước người sau thẳng hàng đi về hướng Điện Thái Hòa.



Đi mãi đi mãi, tôi hắng giọng nói: “Anh phải nói với em một chuyện.”



“Có gì anh cứ nói đi.”



“Thực ra tên anh không phải Lương Lương.”



“Sao?”



“Anh nói thật đấy, tên anh không phải Lương Lương.”



Ánh mắt cười của Noãn Noãn dần dần biến mất, thay vào đó là sự nghi hoặc khó hiểu, rồi là oán trách.



“Đến tên cũng lấy ra đùa, anh bệnh đấy à.”



“Sorry.”



“Nói tiếng Anh làm gì?”



“Trong tiếng Đài Loan, những lúc thế này thường nói xin lỗi, anh không biết ở Bắc Kinh có nói thế không.”



“Anh bệnh quá hóa đần à?” Noãn Noãn suýt nữa bật cười. “Đương nhiên là giống rồi!”



Tôi cũng thấy mình hơi ngốc, ngờ nghệch cười vài tiếng.



“Ê, anh vẫn chưa nói với em sao anh lại nói tên là Lương Lương?”



“Vừa nghe thấy Noãn Noãn, phản ứng đầu tiên của anh là Lương Lương.”



“Hử?”



“Vì đông ấm, hạ mát.”



“Đồng chí này,” ánh mắt Noãn Noãn rõ vẻ nghi hoặc, “suy nghĩ của anh sâu sắc đấy.”



“Nếu như em hỏi anh em trai AB là ai?” Tôi thử giải thích suy nghĩ sâu sắc của tôi. “Anh sẽ trả lời là CD”



“Hở?” Ánh mắt Noãn Noãn càng ngờ vực.



“Cũng như khi anh vừa nghe thấy cái tên Trần Thủy Biển *, trực giác liền nghĩ ngay rằng nhà ông ta nhất định có năm anh em trai.”



* Trần Thủy Biển: Luật sư, nhân vật chính trị Đài Loan, từng giữ chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tiến bộ khóa 10-11, thị trưởng thành phố Đài Bắc. 12/2010 bị cáo buộc tội tham ô, phạt 17 năm 6 tháng tù, đến 19/1/2011 được tuyên bố vô tội.



“Năm anh em trai?”



“Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trần Kim Biển, Trần Mộc Biển, Trần Thủy Biển, Trần Hỏa Biển, Trần Thổ Biển,” tôi nói. “Nhà họ xếp thứ tự theo Ngũ hành, Trần Thủy Biển là anh ba.”



“Nói như anh, Đạt Phân Kỳ * là anh cả hơn nữa còn có một em trai tên là Đạt Phân Quái à”



“Đạt Phân Kỳ là ai?”



“Anh không biết hả?” Noãn Noãn trợn tròn mắt. “Chính là người vẽ bức Nàng Mona Lisa ấy.”



* Đạt Phân Kỳ: Leonardo da Vinci



“À,” tôi gật gù, “dịch sang tiếng Đài Loan gọi là Đạt Văn Tây, ông ấy không phải anh cả mà là anh hai, vì Đạt Văn Đông, Đạt Văn Tây, Đạt Văn Nam, Đạt Văn Bắc.”



“Chỉ có cách dịch khác nhau mà anh em thiếu mất tận mấy người?”



“Xem ra là thế đấy.”



Noãn Noãn không hỏi nữa, chậm rãi bước về phía trước. Tôi đi phía sau, trong lòng thấp thỏm không yên.



Lúc sau, Noãn Noãn quay đầu lại nói: “Đừng buồn nữa. Em kể chuyện cười cho anh nghe.”



“Ừ.”



“Trên xe buýt chật kín người, có một kiều nữ vô tình giẫm phải chân một anh chàng, cô gái quay đầu chậm rãi nói: Ôi, anh, em sor¬ry anh. Kết quả anh đoán xem chàng trai đó nói gì?”



“Chàng trai đó nói gì?”



“Chàng trai trợn trừng mắt nói: ‘Gì? Cô sor¬ry tôi? Tôi mới sor¬ry cả nhà cô ấy!”



Kể xong Noãn Noãn bật cười, tôi cũng cười theo mấy tiếng.



Bởi điệu bộ Noãn Noãn trước giả làm kiều nữ yêu kiều thướt tha, sau giả làm anh chàng cộc cằn thô lỗ rất sinh động thú vị.



“Anh cho em nói một câu, em sẽ bỏ qua cho anh,” Noãn Noãn ngừng cười nói.



“Không vấn đề gì.”



“Vừa rồi anh nói sor¬ry…” Noãn Noãn cố nín cười. “Em sor¬ry cả nhà anh.”



“Rất hân hạnh.”



“Thế là hết nợ nhé,” Noãn Noãn cười nói, “nhưng về sau em vẫn gọi anh là Lương Lương.”



“Được thôi.”



“Vậy cứ thế đi, về sau biệt danh của anh sẽ là Lương Lương



Tôi gật đầu cười, cùng em bước về phía trước.



Tới khoảng sân rộng trước Điện Thái Hòa, có bạn vẫy tay về phía chúng tôi, hét: “Lại đây làm kiểu ảnh!” Tôi và Noãn Noãn vội chạy lại, dưới Điện Thái Hòa đã có hơn chục sinh viên xếp thành hai hàng.



Chuẩn bị chụp ảnh, tôi giơ ngón trỏ và ngón giữa lên làm hình chữ V, Noãn Noãn rất tò mò.




“Này, anh chỉ là một kẻ đáng thương không ăn được cay lại phải nhét tiêu đầy bụng, đừng làm khó anh nữa đi.”



“Thực ra là vì món Trùng Khánh muốn tách riêng, trở thành hệ ẩm thực thứ chín của Trung Quốc, nhưng món Tứ Xuyên lại không đồng ý.”



“Món Trùng Khánh với món Tứ Xuyên có gì khác nhau?”



“Đơn giản mà nói thì, món Tứ Xuyên có vị cay dịu dàng uyển chuyển, món Trùng Khánh lại cay kiểu thô mộc phóng khoáng.” Noãn Noãn cười cười. “Đợi lát nữa em chọn thứ gì không quá cay cho anh.”



“Vô cùng cảm kích.” Tôi vội vàng cảm ơn.



“Em chỉ có thể cố hết sức thôi. Dù gì chuyện này cũng như tìm xương trong trứng.”



Tôi thở dài, xem ra tối nay phải chịu bụng đói rồi.



“Sao tối nay lại phải ăn món Trùng Khánh cay thế này chứ?”



“Em nghĩ các thầy có lẽ đang muốn thị uy với mấy sinh viên Đài Loan các anh đấy.”



“Thị uy đáng nhẽ nên làm từ tối qua lúc xuống máy bay mới phải.”



“Nếu như tối qua đã thị uy, nhỡ may làm quá, các anh lại chạy hết về Đài Loan thì sao được,” Noãn Noãn nói. “Hôm nay làm vẫn tốt hơn, đã lên sân khấu, hóa trang xong xuôi rồi, các anh còn có thể không hát được không.”



“Nham hiểm thật"



“Em đùa đấy, anh đừng có tưởng thật.”



Noãn Noãn dường như đã trở thành một viên quan nếm độc, ăn trước xem có cay hay không rồi mới quyết định gắp cho tôi.



Lúc gắp thức ăn cho tôi, em còn tiện thể bỏ luôn mấy thứ tiêu cay với tiêu hoa.



Chỉ đáng tiếc là món Trùng Khánh thô mộc phóng khoáng, bỏ đi tiêu cay cũng chẳng thể thanh tao nho nhã nổi.



Kết quả là cả bữa ăn tôi chỉ ăn được vài miếng, đến canh cũng không dám uống.



Nhưng các sinh viên Đài Loan khác thì ăn rất đã, chỉ có hai ba người bị bất tỉnh vì quá cay.



Tôi về phòng nghỉ, không chịu nổi bụng rỗng lại mò ra đường kiếm hàng ăn gọi một bát mì.



Một bát mì cực to được bê lên, tôi nhìn quanh bàn chỉ có mỗi đũa, bèn đứng dậy đi đến quầy, hỏi: “Cô có muỗng canh không?”



“Cái gì?” Cô bán mì hình như không nghe rõ.



Tôi nghĩ chắc cô không nghe được giọng Đài Loan, bèn thử uốn đầu lưỡi hỏi lại lần nữa: “Muỗng canh?”



“Cái gì?” Cô vẫn không hiểu.



Tôi đành dùng tay làm động tác múc canh đưa lên miệng.



“Thìa chứ gì?” Cô lấy một cái thìa đưa cho tôi, miệng còn nói lớn: “Thìa là thìa, nói cái gì mà muỗng canh? Muỗng muỗi gì?” Khách trong tiệm cười ha hả, cô bán mì cũng cười theo như thể thi xem ai cười to hơn.



Cô này, tôi từ Đài Loan đến không hiểu gì, cô nên nhỏ tiếng một chút, có phải tôi đỡ ngượng hơn bao nhiêu không.



Tôi ăn vội ăn vàng nửa bát mì rồi biến thẳng.



Trên đường về ký túc, tôi gặp cậu em khóa dưới đi vệ sinh. “Em bị đau bụng,” cậu ta nói.



“Đỡ chưa?” tôi hỏi.



“Chưa anh ạ.” Cậu ta lắc đầu. “Lại sắp bét bung ra như hoa hướng dương rồi đây.”



“Thằng đần!” Tôi vội vàng bịt miệng cậu ta lại. “Không được nói mấy lời đấy ở đây.”



Tôi cùng cậu ta về phòng, vừa may gặp đúng Cao Lượng.



“Anh Thái, mọi người định đi dạo phố ẩm thực, anh đi cùng đi,” cậu ta nói.



Hóa ra sinh viên Bắc Kinh sợ sinh viên Đài Loan không quen ăn cay bèn đưa ra đề nghị đi phố ẩm thực đánh chén.



Các giáo viên cũng không cấm cản, chỉ dặn dò ra ngoài chú ý cẩn thận, đừng về muộn, đừng giả hồ đồ tưởng phố bar là phố ẩm thực.



Phố ẩm thực cũng giống như chợ đêm Đài Loan, chỉ có điều chợ đêm Đài Loan bán cả mấy thứ như quần áo, giầy dép, CD, thỉnh thoảng còn có cả quầy coi bói, tiệm mát xa, còn phố ẩm thực chỉ có toàn đồ ăn.



Vừa ăn hơn nửa bát mì, tôi cũng không thấy đói nên chỉ ngắm nghía đây đó, dù gì ngắm cũng không mất tiền.



Lòng vòng một hồi, hương thức ăn bắt đầu kích thích làm tôi muốn thử chút ít.



“Lương Lương.” Tôi quay lại thì thấy Noãn Noãn, em đưa cho tôi hai xiên thịt dê, nói: “Này, cho anh.”



“Không cay chứ?”, tôi hỏi.



“Anh thử xem.”



Tôi hơi hãi, dùng mũi hít ngửi mấy cái, lại lè lưỡi liếm thử.



“Úi chao, hâm quá đấy,” Noãn Noãn cười nói. “Cứ như con cún ấy.”



“Hình như không cay lắm,” tôi nói.



“Em cố ý bảo người ta không cho cay quá mà,” Noãn Noãn nói.



“Cảm ơn em nhé.”



Noãn Noãn mỉm cười, “Buổi tối anh ăn ít, lát nữa ăn thêm nhiều vào.”



Tôi kể với Noãn Noãn chuyện lẻn ra ăn mì, tiện thể kể luôn quá trình hỏi xin muỗng lại thành trò cười.



Noãn Noãn cười đến không khép nổi miệng, khó khăn lắm mới ngừng lại nói: “Dù gì thì cũng ăn rồi, chúng ta ăn thêm ít đồ ăn vặt nữa.” Nói xong bèn kéo tôi đi ăn Lư Đả Cổn, Ái Oa Oa, Uyển Đậu Hoàng* mang đậm phong vị Bắc Kinh.



*Lư Đả Cổn: Bánh cuộn bột nếp nhân đậu đỏ.



Ái Oa Oa: Xôi nếp nhân đậu đỏ phủ dừa bào.



Uyển Đậu Hoàng: Bánh đậu, thường có màu vàng, dùng trong ngày 3/3 âm lịch.



Nói theo cách của Đài Loan, mấy món này đều có thể quy vào đồ ngọt.



Chúng tôi gắng hết sức để ăn mỗi thứ một ít, nếu ăn không hết thì lại chuyển cho các bạn khác bên cạnh, rồi nói: “Cho cậu một ít, coi như làm quen.”



Dạo phố hơn một tiếng, mọi người bèn kéo về trường học.



Tôi ăn no quá, về đến phòng là nằm vật xuống nghỉ, cậu em khóa dưới và Từ Trì, Cao Lượng còn xem lại mấy bức ảnh đã chụp trong ngày.



“Anh Thái, gà của anh này,” Từ Trì gọi.



Tôi nhảy một phát từ trên giường xuống (tôi vẫn đang nằm trên giường mà), xúm lại với bọn họ, hỏi: “Đâu?”



Từ Trì giơ máy ảnh ra trước mặt tôi, màn hình máy ảnh hiện lên rõ ràng nụ cười của Noãn Noãn.



Tôi nhìn chăm chăm Noãn Noãn mấy giây, Từ Trì chuyển sang ảnh tiếp theo, tôi lập tức chuyển lại, lại nhìn chăm chăm mấy giây nữa.



“Anh Thái, anh về Đài Loan rồi em sẽ gửi cho anh mấy cái ảnh này,” Từ Trì nói.



“Trì huynh.” Tôi sung sướng ôm chầm lấy cậu ta. “Tôi gọi cậu là Trì huynh được không?”



Tối hôm đó tâm trạng bốn người chúng tôi đều rất phấn khởi, chém gió mãi đến tận khuya.



Cậu em khóa dưới thỉnh thoảng đang chém dở lại chạy vào nhà vệ sinh, Cao Lượng hỏi: “Không sao chứ?”



“Mông em thành tranh Phạn Cốc rồi đây,” cậu ta đáp.



Từ Trì và Cao Lượng hồi lâu sau mới hiểu ra Phạn Cốc chính là Phạn Cao, tức Van Gogh, chỉ vì cách phiên âm khác nhau mà thôi.



Tôi ngẫm nghĩ rất lâu mới nhớ ra loài hoa Van Gogh thích vẽ nhất là hoa hướng dương.



Định trèo xuống giường dưới tẩn cho cậu ta một trận vì cái tội nói năng bừa bãi, nhưng thấy cậu ta mồm miệng há hốc, mặt mũi ngu ngu, chắc đang ngủ mơ rồi. Tôi đành trèo lên giường mình, nhắm mắt nghĩ đến nụ cười của Noãn Noãn mà chìm vào giấc ngủ.