Côn Luân
Chương 7 : Mãn giang hồng
Ngày đăng: 20:57 22/04/20
Bạch Phác mỉm cười:
- Ngươi đến rồi đấy ư?
Tiêu Lãnh nhìn Ngọc Linh:
- Phải!
Bạch Phác trỏ quạt xuống đỉnh đầu cô gái, thong thả nói:
- Vậy ngươi còn đứng đó làm gì, trở đao cứa cổ đi!
Tiêu Lãnh lắc đầu.
Bạch Phác cười khẩy:
- Sao, lẽ nào muốn sư muội ngươi phải nếm đủ mùi khổ sở mới chịu ra tay?
Tiêu Lãnh đáp:
- Hiện tại hai nước giao binh, ai vì chủ nấy, ngươi dùng những thủ đoạn đó, ta cũng không có gì để nói cả.
Y ném Hải Nhược đao xuống bên cạnh. Bạch Phác ngẩn người.
Hai mắt sáng quắc, Tiêu Lãnh nói:
- Hôm nay ta đến, không phải với tư cách dũng sĩ dưới trướng Mông Ca, mà với thân phận đồ đệ của Hắc Thủy nhất tuyệt. Ngươi định thế nào đây? Truyện "Côn Luân "
Hắc Thủy nhất quái là biệt hiệu võ lâm đặt cho Tiêu Thiên Tuyệt, bản thân ông ta cũng không bận tâm, nhưng Tiêu Lãnh coi thầy mình như thần, lại bỏ chữ “quái” đi, gọi là Hắc Thủy nhất tuyệt.
Bạch Phác nhíu mày, trầm mặc hồi lâu, chậm rãi hỏi lại:
- Đồ đệ của Tiêu Thiên Tuyệt ư?
- Đúng! Ta không dựa vào bảo đao, chỉ mong đấu một trận đường hoàng công bằng. - Tiêu Lãnh trầm giọng đáp.
Bạch Phác nhìn đối thủ từ trên xuống dưới:
- Không giở ngụy kế chứ?
- Không giở ngụy kế! - Tiêu Lãnh buông từng tiếng dứt khoát.
Bạch Phác hít một hơi thật sâu, gật đầu:
- Tuy sư phụ không cho ta dùng kiếm, cũng không nhận ta, - y bỏ quạt xuống bên cạnh - nhưng Bạch Phác này mãi mãi là đồ đệ của Công Dương Vũ.
Tiêu Lãnh quấn tấm áo đen:
- Mời!
Bạch Phác phất tay áo:
- Mời!
Hai người đều tiến tới một bước. Gió thu se sắt lùa qua cành cây. Văn Tĩnh rùng mình.
oOo
Bình minh lên, tỏa ráng hồng khắp trời, lá cờ tiết lông trắng bay phần phật theo gió. Trong đại doanh Mông Cổ, tiếng hồ già trỗi dậy bi hùng. Dứt ba hồi, mười vạn quân đội ngũ chỉnh tề đứng giữa núi sông, vây quanh một đài cao, vẻ mặt trang nghiêm, y giáp ngời sáng.
Mông Ca bước lên đài, ngẩng mặt nhìn quanh, hỏi to:
- Chúng ta có phải là con cháu của Thành Cát Tư Hãn không?
Mười vạn quân nhất tề đáp lời, rung chuyển trời đất:
- Có!
- Con cháu Thành Cát Tư Hãn có thua trận bao giờ không? - Mông Ca lại hỏi.
- Không!
- Đã từng bất lực trước một thành trì nào chưa?
- Chưa!
Mông Ca nhìn mọi người hô đáp nghiêm trang, khí thế hùng tráng, bất giác nhiệt huyết trào sôi:
- Bọn chó Tống có những chiến binh uy mãnh thế này không?
- Không! - Tiếng đáp rền như sấm, từng lớp từng lớp dội đi xa.
- Bọn chó Tống cho quân đến đốt lương thảo, muốn chúng ta chết đói. - Mông Ca quét mắt nhìn khắp mọi người - Các ngươi có sợ không?
- Không sợ! - Toàn quân bừng bừng nhiệt tình, đồng thanh hô lớn.
- Chúng ta còn lương ăn đủ ba ngày. Trong ba ngày, có đập vỡ được mai rùa đen bọn chó Tống không?
Ba quân cười rần, nhao nhao thét:
- Đập vỡ mai rùa đen bọn chó Tống!
Mông Ca khoát tay, mọi người trật tự. Giọng Mông Ca vang lên trầm trầm:
- Thời xưa có một viên tướng vượt sông, đốt cháy thuyền gỗ, phá hết lương thảo, chỉ để lại lương khô đủ ăn ba ngày, cuối cùng đánh bại được địch thủ đông hơn mình đến mấy chục lần. Đại quân chúng ta còn tinh nhuệ gấp mười viên tướng ấy, trong ba ngày, nhất định phá được Hợp Châu, giết sạch gà chó, lấy máu thịt quân Tống làm no bụng chúng ta.
Sĩ khí dâng cao cực điểm, quân Mông Cổ đồng thanh hét vang:
- Đúng! Lấy máu thịt quân Tống, làm no bụng chúng ta!
Mông Ca rút ống ra một mũi tên, quỳ một gối xuống, ngửa mặt lên trời:
- Ta, Bột Nhi Chỉ Cân Mông Ca, thề với trời đất trường tồn, thề với tổ tiên vĩ đại, không phá được Hợp Châu thì sẽ như mũi tên này!
Ông ta giơ cao hai tay, dụng lực bẻ. Mũi tên gãy làm đôi.
Đại quân Mông Cổ lặng im như chết, chỉ có tiếng gió vi vu lùa qua sơn cốc, thổi dải mũ của các tướng lĩnh bay kêu lật phật. Bỗng một chiến binh quỳ xuống, liền đó, như sóng đại dương tràn từ núi ra khe, mười vạn quân nhất loạt quỳ lạy trời đất, đồng thanh hô vang, tiếng hô chấn động màng nhĩ:
- Không phá được Hợp Châu, thì sẽ như mũi tên này!
Sử Thiên Trạch quỳ dưới đất, lòng ngập nỗi ưu tư, ngoảnh nhìn Bá Nhan bên cạnh, thấy đôi mày rậm của y cau rúm. Hai người cùng một ý nghĩ: “Thành kiên cố khó phá, lương thảo không đủ, còn miễn cưỡng tấn công…”
Họ đương mải nghĩ, Mông Ca đã đứng dậy, quét mắt nhìn khắp các tướng, gọi:
- An Đạc!
An Đạc bước ra khỏi hàng.
- Sáng nay ngươi nói với trẫm những gì? - Mông Ca cười gằn - Nói lại lần nữa xem!
An Đạc run lẩy bẩy, đáp gần như hụt hơi:
- Hạ thần hồ ngôn loạn ngữ, tội đáng muôn chết…
- Đao phủ! - Mông Ca thét to.
Một người lực lưỡng thân trên để trần, tóc chải ba búp, tay cầm rìu lớn đáp lời tiến ra.
Mông Ca dằn từng tiếng:
- An Đạc nói bậy làm rối lòng quân. Chặt đầu hắn tế đại kỳ của ta!
An Đạc chưa kịp phân trần đã bị ấn dúi xuống đất. Đao phủ vung rìu chém xuống. Cái đầu đẫm máu lăn đi long lóc.
Thầy tế lượm đầu đặt lên mâm vàng, nâng cao lên trời.
Đại quân Mông Cổ hoan hô ầm ĩ.
Mông Ca giơ thẳng cây cờ tiết mao - di vật của Thành Cát Tư Hãn.
- Nổi trống! - Ông ta nhìn về phía thành Hợp Châu, mắt sáng quắc.
Ngay lập tức, tiếng bước chân rầm rập của tướng sĩ át đi tiếng lanh lảnh của trống trận.
oOo
Tiêu Lãnh và Bạch Phác đấu được hơn trăm chiêu, chưởng phong khiến cỏ cây tan nát. Hạo Nhiên chính khí và Huyền Âm Li Hợp thần công ngập đầy không trung, vốn là hai loại chân khí tương khắc, chúng chạm nhau kêu xì xì. Theo đúng yếu lĩnh tiên phát chế nhân trong tuyệt học Hắc Thủy, Tiêu Lãnh thần tốc thi triển Như Ý Ảo Ma thủ, cấp kỳ chiếm lấy tiên cơ, song thủ biến ảo bất định, như sấm rung chớp giật, gió thổi mây bay. Truyện "Côn Luân "
Còn Bạch Phác vận dụng bộ pháp kỳ lạ, đứng sững tại chỗ, vận dụng Tu Di Giới Tử chưởng tới mức xuất thần nhập hóa, song thủ múa như bướm lượn hoa rơi, nhịp nhàng thong thả, hệt như một túi khí có tính đàn hồi, địch mạnh thì rút, địch yếu thì ra, thủ nhiều hơn công, nhưng không để mất khí độ tiêu sái.
Hai người dốc hết bản lĩnh bình sinh đặt cược cho một trận đấu sống mái. Văn Tĩnh xem đến hoa hết cả mắt, tim đập thình thịch. Gần một tháng nay, gã đã bước vào ngưỡng cửa công phu thượng thừa, kiến thức võ công vượt xa thằng bé ngờ nghệch dạo trước. Quan sát biểu hiện của hai người, gã dần nhận ra một số nguyên tắc, vừa xem vừa ấn chứng với Tam tài Quy nguyên chưởng, mỗi lần rút tỉa được điều gì, lại cảm thấy mừng rỡ vô cùng.
Tiêu Lãnh bị thương vừa khỏi, nay phải lao vào một trận đấu kéo dài thế này, vết thương có dấu hiệu tái phát, chưởng lực yếu dần, động tác cũng chậm hẳn đi.
Văn Tĩnh nghĩ bụng: “Tên áo đen sắp nguy rồi!”
Quả nhiên, chưởng lực của Bạch Phác đổ ra ào ạt, trong khoảnh khắc, tương quan công thủ lập tức hoán đổi.
Tiêu Lãnh xưa nay cực kỳ kiêu ngạo. Bình thời ngoài Tiêu Thiên Tuyệt, y không để ai vào mắt, lúc này bỗng rơi vào thế hạ phong dưới tay Bạch Phác, khó tránh khỏi tức giận. Y nhướng lông mày, chiêu thức đang cực nhanh biến thành cực chậm, hai cánh tay trầm xuống, song quyền nắm chặt. Chợt “vút”, mười ngón tay búng ra, năm đạo kình khí sắc như đao phong xé gió lao đi, loáng thoáng lẫn tiếng động rền như tiếng sấm.
Văn Tĩnh cả kinh: “Lợi hại thật, Bạch tiên sinh đỡ thế nào đây?”
Lộ công phu đó gọi là Khinh Lôi chỉ - tuyệt kỹ sở trường của Tiêu Thiên Tuyệt thời trẻ. Khinh Lôi chỉ có thể đánh cho đối thủ tơi tả, nhưng cũng làm nội lực bản thân tiêu hao ghê gớm, vì vậy Tiêu Thiên Tuyệt ít khi sử dụng, về sau ông ta ngộ ra nhiều chiêu thức bậc cao hơn nên càng không dùng đến nữa. Tiêu Lãnh luyện công chăm chỉ, phải cái tư chất hơi kém, chỉ đạt được năm phần mười công phu của sư phụ, tới lúc luyện Khinh Lôi chỉ thì càng chật vật, tiến bộ rất chậm, nhưng với trình độ của y hiện nay, nhìn khắp thiên hạ cũng ít gặp được địch thủ.
Trước Khinh Lôi chỉ, Bạch Phác lập tức thay đổi tư thái thong dong ban nãy. Vẻ mặt nghiêm túc, chiêu thức của y trở nên linh hoạt sắc sảo, phát ra tiếng gió vù vù, cương mãnh lạ thường, thi triển tuyệt học Ngọc Phủ Phá Tà thủ của Cùng nho, sức đủ khai sơn phá thạch, còn lợi hại gấp mười Đại Khai Bi thủ.
Văn Tĩnh khẽ lắc đầu:”Định đấu sức chăng? Hơi dại! Có điều, nếu không biết dùng Tam tài Quy nguyên chưởng thì xem ra cũng chẳng còn cách nào khác.”
Hai bên xuất thủ chậm đi, nhưng đã tới mức đọ chân lực, hung hiểm hơn nhiều so với cách đả đấu rối mắt ban nãy. Kình lực vừa tràn ngập không gian nay đều thu liễm vào chưởng chỉ. Gân cốt hai người kêu răng rắc.
Bản lĩnh Tiêu Lãnh vốn nhỉnh hơn Bạch Phác một chút, song vết thương hôm nọ chưa bình phục hẳn, nay giao đấu một lúc lại toác ra, thành thử sút kém phần nào, liên tục bị chưởng lực mạnh mẽ của đối phương ép lui. Y thoáng nghĩ: “Võ công của Hắc Thủy vô địch thiên hạ, ta là đại đệ tử của Tiêu Thiên Tuyệt, quyết không thể thua đồ đệ của Cùng nho.”
Nghĩ vậy, y hú lên lanh lảnh, sử ra ba chiêu, đều theo lối lưỡng bại câu thương. Bạch Phác đã nắm chắc phần thắng, chẳng màng tranh phong với địch thủ, bèn ung dung lướt về sau hai thước. Tiêu Lãnh tiến lên một bước, biến chỉ thành chưởng, tát mạnh tới, gió nổi bụi bốc, thanh thế vô cùng đáng sợ. Bạch Phác muốn tránh cũng không tránh được, bèn khum tay đón. “Bùm”, hai người dồn lực chạm một chưởng. Bạch Phác cảm thấy lực dính tỏa ra từ chưởng tâm đối thủ, không dứt tay về được. Y giật mình nghĩ bụng: “Ối! Hắn ta bất chấp sống chết, muốn tỉ đấu nội lực với mình…”
Sông lớn chảy về đông, nước trôi cuồn cuộn muôn đời không ngưng nghỉ. Hai bên sông, núi đồi sừng sững xanh ngút ngàn, thi thoảng nổi lên một vùng lá đỏ, trông rất thích mắt.
Văn Tĩnh vận áo vải thô, đi dọc triền sông, nhìn giang sơn ngàn đời, cảm thấy tương lai như mộng, bất giác tức cảnh sinh tình, ngâm ngợi:
“Giang hành kỉ thiên lý,
Hải nguyệt thập ngũ viên.
Thủy kinh Cù Đường hiệp,
Toại bộ Vu sơn điên,
Vu sơn cao bất cùng,
Ba quốc tẫn sở lịch.
Nhật biên phàn thùy la,
Hà ngoại ỷ khung thạch…”8
Long đong suốt quãng đường, gã ngâm nga không ngơi miệng, đến một bến sông, thấy buồm cột san sát, mấy làn khói tỏa trên đầu thuyền.
Một ông lão ở nhà thuyền gần đó trông thấy Văn Tĩnh mặc trang phục đi đường, tiến đến cười chào:
- Quý khách muốn đi thuyền ư?
“Đi đâu đây?” Văn Tĩnh cảm thấy con đường trước mặt thật tối tăm, bất giác sinh dạ băn khoăn: “Biết đi đâu đây?”
Ông lão lại hiểu lầm, bèn bảo:
- Thuyền này chỉ đến Quý Châu, nếu cậu muốn xuôi sang đông thì hẵng ngồi thuyền đến Quý Châu rồi đổi.
- Tại sao ạ?
Ông lão giải thích:
- Tam Hiệp hiểm trở nước xiết, không thể gối sóng mà đi, già chẳng dám mạo hiểm. Sóng to gió cả bình thường già còn chèo chống được, chứ vào eo sông rồi chẳng có bản lĩnh ấy đâu.
Văn Tĩnh cười hỏi:
- Vậy đến Quý Châu thì bao nhiêu lượng bạc?
Ông già hỏi.
- Cậu bao cả thuyền hay ngồi chung với hành khách khác?
- Bác nói rõ hơn xem?
- Bao cả thuyền tức là một mình một thuyền, giá năm lượng bạc. Ngồi thuyền chung tức là nhiều khách một thuyền, giá chia theo đầu khách.
Văn Tĩnh sợ ở Hợp Châu có người đuổi theo, chỉ muốn đi sớm chừng nào hay chừng ấy, bèn móc ngực áo ra hai nén bạc vụn, đưa cho ông già:
- Cho cháu bao cả thuyền đi!
- Ta trả mười lượng! – Phía sau có giọng con gái cất lên lanh lảnh – Ta bao thuyền này!
Văn Tĩnh giật thót, đứng đực ra.
Ông lão cười:
- Già là người làm ăn, phải trọng chữ tín. Người đến trước phục vụ trước, cậu khách đây đã bao…
- Hai mươi lượng! – Người ấy lại nói rành mạch.
Ông già sửng sốt.
- Sao, vẫn chưa được ư? Bốn mươi lượng. – Cô gái tiếp tục. Ông già toát mồ hôi.
- Ngọc Linh! – Văn Tĩnh từ từ quay lại, nhăn mặt – Sao cô phải đối đầu với tôi thế?
Ngọc Linh vận áo xanh biếc, lưng đeo bao lụa, đứng óng ả bên sông, nghe hỏi vậy liền nhướng cặp mày liễu:
- Thứ ngươi được gọi thẳng tên ta thế sao?
Văn Tĩnh tắc họng:
- Tôi…
- Tôi gì mà tôi, ta không nghe ngươi nói nữa. – Ngọc Linh hừ mũi, bước lên thuyền. Văn Tĩnh cuống quýt:
- Cô đừng đi vội. – Nói rồi gã giơ tay ra níu, Ngọc Linh trở tay, giở Như Ý Ảo Ma thủ gõ lên cổ tay gã. Văn Tĩnh nghe đau nhói, lập tức rụt tay lại, rồi lắc mình đến chắn trước mặt Ngọc Linh:
- Cô nghe tôi nói đã!
Ngọc Linh xuất thủ nhanh như chớp, vỗ chưởng tới, chưởng phong ào ạt ép Văn Tĩnh thoái lui. Nhưng khi nàng toan quay gót, gã đã lại chắn lên trước mặt. Ngọc Linh thét:
- Ngươi muốn chết ư?
- Tôi… - Văn Tĩnh hổ thẹn, chẳng biết nên mở lời thế nào. Ngọc Linh nhón chân, xòe hai tay phất về phía gã. Văn Tĩnh thi triển bộ pháp né tránh, Ngọc Linh thu tay về, gã lại nhoài lên.
- Cái thằng đê tiện này! – Ngọc Linh nổi giận, tay đấm chân đá. Văn Tĩnh đành lắc mình tránh. Hai người thoắt tiến thoắt lui bên sông. Văn Tĩnh một mực vận dụng chiêu bài né tránh, mau chóng rơi vào thế hạ phong. Chưa đến mười chiêu, xẹt một tiếng, tay áo gã bị Ngọc Linh giật rách một mảnh, bắp tay lộ ra, hiện lên dấu răng rõ rệt. Ngọc Linh trông thấy, nhớ lại những cảnh êm đềm trong nhà lao, đứng sững ra như bị sét giáng.
Thấy nàng bần thần nghẹn ngào muốn khóc, Văn Tĩnh không hiểu ra sao, hoang mang tiến nhanh lại gần:
- Em… Đừng khóc! Tôi không tránh nữa, em muốn đánh thì đánh đi. Chỉ cần em đừng khóc, đánh chết tôi cũng được! – Gã ưỡn ngực lên, nhắm mắt lại, tư thế sẵn sàng “để em đánh”.
- Đồ… ngốc! – Ngọc Linh lệ đang hoen mi, bỗng bật cười khanh khách, rồi vừa khóc vừa nói – Sư huynh bị thương nặng thế, sư phụ sẽ không cần em nữa, không cần em nữa…
Nàng khóc rất thảm thiết. Văn Tĩnh cũng muốn khóc theo, buột miệng bảo:
- Anh… anh cần em!
Ngọc Linh ngẩng đầu, mắt mờ nước:
- Ai mong mình thương, mình giết chết Đại hãn, danh vang thiên hạ, sắp trở về Lâm An hưởng phúc, mỹ nữ đề huề, em thì đáng gì đây?
Văn Tĩnh lắc đầu:
- Đối với anh, muôn vàn mỹ nữ hay giàu nghiêng thiên hạ đều không sánh nổi một mình em!
- Được lắm! – Ngọc Linh lườm gã – Gã ngốc này cũng mồm mép lừa người gớm!
Văn Tĩnh cuống quýt, mắt hoe đỏ:
- Anh nói câu nào cũng là chân tình.
Ngọc Linh cong môi, nín cười nhiếc:
- Dẫu vậy, em vẫn là người Mông Cổ. Người Mông Cổ đã giết cha mình, lẽ nào mình không hận em?
Văn Tĩnh thở dài:
- Trước nay anh chỉ biết người Tống thương vong, nhưng đêm qua nghe bà con khóc than mới nhận ra, dưới thành Hợp Châu cũng có rất nhiều người Mông Cổ thiệt mạng. Họ cũng có vợ con, có cha mẹ anh em, vậy mà máu nhuộm tha hương, hài cốt ly tán, bao nhiêu thân nhân vì thế mà đã khóc đến thắt gan đứt ruột. Tự cổ chí kim, chiến binh cũng là hung khí… Cái hận một mình anh có thấm gì so với nỗi bi thương lớn lao của cả thiên hạ này? Thế thì… - Nói tới đây, gã sa lệ, than – Anh còn hận em làm gì nữa?
Ngọc Linh buồn rầu nắm tay Văn Tĩnh, giơ tay áo chậm nước mắt.
- Được rồi được rồi! Đừng khóc nữa! - Văn Tĩnh dịu dàng khuyên nhủ.
Sau câu ấy, hai người đã giải tỏa hết những mắc mứu trong lòng, họ tựa vào nhau. Im lặng một lúc lâu, Văn Tĩnh mỉm cười hỏi:
- Đồ tinh quái này, sao em lại đến được đây?
- Sao mà không đến được? – Ngọc Linh bĩu môi – Em đang ngồi buồn bên sông, bỗng nghe thấy gã dở hơi nào đó bô lô ba la, hát vô sơn hữu sơn …
Văn Tĩnh phì cười:
- Vu sơn chứ!
- Em cứ thích nói là hữu sơn đấy! – Ngọc Linh nghịch ngợm cãi, chớp chớp mắt – Mà vừa rồi mình bảo cái gì có đáng gì có thấm gì ấy nhỉ?
Văn Tĩnh thắc mắc:
- Đâu?
Ngọc Linh sốt ruột:
- Thôi, tóm lại em là một đứa con cù bơ cù bất không cha không mẹ, không sư phụ, chẳng ai cần em cả.
Văn Tĩnh sực hiểu, cười ha hả. Ngọc Linh ngượng nghịu, đấm gã thùm thụp rồi vùi đầu vào ngực tình lang, cảm thấy chẳng niềm vui nào bằng.
Tiếng kèn rúc bên sông khiến hai người yêu đang đắm say sực tỉnh. Văn Tĩnh ngửa mặt cười dài, nắm tay Ngọc Linh bước về phía thuyền mộng đang neo đợi…
Hết chương 7
Chú thích:
22502251 Lòng rối bời bời
22542255 Thiêu rụi trời đất
22582259 Loại nổi tiếng nhất trong các loại thuyền chiến Trung Quốc, xuất hiện đầu tiên ở nước Việt thời Chiến Quốc. Thuyền cao vài trượng, có nhiều tầng, trông như một kiến trúc, còn có cột chèo, buồm (buồm cũng là một chi tiết mới mẻ so với thuyền bè cùng thời). Xem hình: Thuyền lầu thời Hán
22642265 Tức người Scythia, một bộ lạc gốc Iran sống ở miền nam nước Nga
22682269 Thời nhà Nguyên, các tộc người được chia như sau: a/ Mông Cổ, b/ Sắc Mục (các dân tộc ở Trung Á và Tây Á, bao gồm cả người châu Âu như Nga, Hung...), c/ Hán nhân (cư dân cũ của nước Kim, bao gồm cả người Khiết Đan, Nữ Chân, Cao Ly, lẫn người Hán), d/ Nam nhân (cư dân cũ của nước Tống, chủ yếu là người Hán).
22722273 Tất cả những đoạn mấy người này hát hợp lại là toàn bộ bài từ Mãn giang hồng của Nhạc Phi (Bản dịch Nam Trân)
22762277 Tức là vạn tuế.
22802281 Phần đầu bài thơ Giang hành kỉ thiên lý của Lý Bạch (Bài này còn một tên khác là Từ Ba đông ngồi thuyền đến eo Cù Đường lên đỉnh cao nhất của núi Vu đề thơ)