Cuộc Đời Của Pi
Chương 36 :
Ngày đăng: 19:58 19/04/20
Tôi thức dậy một lần trong đêm đó. Tôi gạt cái dù che sang một bên và nhìn ra ngoài. Vầng trăng lưỡi liềm có đường viền thật sắc nét và bầu trời trong vắt hoàn hảo. Những vì sao tỏa sáng thật mãnh liệt mà cũng rất kiềm chế, đến nỗi thật vô lý nếu gọi đó là đêm tối. Biển nằm yên, tắm trong thứ ánh sáng e ấp và lấp lánh, một màn khiêu vũ của màu đen và màu sáng bạc trải dài vô tận khắp xung quanh tôi. Cái gì cũng như có khối sâu và dầy – khối không trung bên trên tôi, khối nước xung quanh và bên dưới tôi. Tôi vừa cảm động vừa sợ hãi. Tôi cảm thấy mình giống như nhà hiền triết Markandeya, từ trong miệng thần Vishnu ngã ra ngoài khi thần đang ngủ và nhìn thấy toàn thể vũ trụ, tất thảy mọi thứ trong vũ trụ. Trước khi nhà hiền triết có thể chết vì sợ hãi, thần Vishnu tỉnh dậy và lại quẳng ông vào miệng mình. Lần đầu tiên tôi nhận thấy – và còn sẽ nhận thấy điều đó nhiều lần trong suốt cơn hoạn nạn của mình, giữa những cơn đau đớn và tuyệt vọng – rằng khổ nạn của tôi đang xảy ra trong một cảnh trí thật lớn lao. Tôi nhìn nhận khổ nạn của mình đúng như bản chất của nó, hữu hạn và chẳng có nghĩa lý gì, đến nay vẫn vậy. Sự khổ nạn của tôi chẳng vừa vào đâu cả, tôi biết thế. Và tôi có thể chấp nhận điều này. Chẳng sao cả. ( Chỉ có ban ngày là tôi phản đối: “Không! Không! Không! Khổ nạn của tôi có nghĩa lý của nó. Tôi muốn sống! Tôi không thể không hòa trộn cuộc sống của tôi với cuộc sống của vũ trụ. Cuộc sống là một cái lỗ nhìn trộm, một lối duy nhất và bé xíu để đi vào cõi vô cùng – làm sao tôi lại không thể tận hưởng thêm một chút cảnh tượng của muôn vật có thể thấy được qua cái lỗ ấy? Tôi chỉ có cái lỗ bé tí ấy thôi mà!” Tôi lúng búng những lời cầu nguyện của đạo Hồi và nằm xuống ngủ tiếp.
Sáng hôm sau, tôi không đến nỗi ướt lắm và cảm thấy khỏe khoắn. Tôi nghĩ điều đó rất đáng nói, nếu xét đến những khó khăn lo lắng và tôi đang phải chịu đựng lúc bấy giờ, cũng như việc tôi đã ăn rất ít trong nhiều ngày liền.
Hôm ấy trời đẹp. Tôi quyết định thử câu cá, lần đầu tiên trong đời. Sau bữa điểm tâm ba cái bánh qui và một hộp nước, tôi đọc những gì viết về chủ đề này trong cuốn sách cẩm nang sống còn. Vấn đề đầu tiên: mồi câu. Tôi suy tính chuyện đó. Có thịt chết, nhưng lấy trộm đồ ăn ngay dưới mũi hổ thì tôi không dám. Nó không thể hiểu được rằng đó là một khỏan đầu tư sẽ đem lại cho nó những món lại tuyệt hảo. Tôi quyết định dùng da giầy. Tôi chỉ còn một chiếc. Chiếc kia đã tuột mất khi đắm tàu.
Tôi bò lên xuồng và lấy từ một thùng đồ lên một bộ đồ câu, con dao và một cái xô để cá câu được. Richard Parker đang nằm nghiêng một bên. Đuôi nó nhảy dựng lên khi tôi leo lên mũi xuồng nhưng đầu nó không động đậy. Tôi thả bè ra xa.
Tôi buộc lưỡi vào dây câu qua một đoạn thép dẫn mồi. Thêm mấy hòn chì. Tôi chọn ba hòn có hình giống như thủy lôi. Rồi cởi giầy và cắt nó thành từng mẩu nhỏ. Không phải dễ, vì da giầy rất dai và cứng. Tôi cẩn thận luồn mũi câu vào một mẩu da dẹt, không đâm xuyên qua mà cố gài nó vào trong sao cho đầu nhọn lưỡi câu không lộ ra ngoài. Tôi buông dây xuống thật sâu. Tối hôm trước tôi đã nhìn thấy biết bao nhiêu là cá và nghĩ rằng sẽ rất dễ cắn câu.
Thế mà chẳng được con nào. Cả chiếc giầy biến dần từng mẩu một. Dây cứ thấy động hết cái này đến cái khác, cá cứ thi nhau ăn mà không mắc câu, tôi cứ liên tục thay mồi, cho đến lúc chỉ còn một cái đế và dây giày. Khi thấy đoạn giây giầy không hấp dẫn như một con giun làm mồi câu, tôi suốt ruột quá liền móc vào cái lưỡi câu cả cái đế giầy to tướng. Thật là một ý tưởng không hay. Tôi thấy cái dây câu bị kéo nhẹ một cái, rồi căng ra rất hồi hộp, sau đột nhiên nhẹ bỗng. Tôi kéo lên, chỉ còn có dây mà thôi. Tôi đã mất cả chì lẫn chài.
Mất mát đó không làm tôi nản lòng nhiều lắm. Trong bộ đồ câu vẫn còn nhiều lưỡi thép dẫn mồi và các hòn chì khác, và ngoài ra còn cả một bộ đồ câu khác còn nguyên. Mà thực ra tôi câu cá đâu phải cho mình ăn. Tôi có rất nhiều đồ dự trữ mà.
Mặc dù vậy, một phần trí khôn của tôi, cái phần thường nói ra những điều ta không muốn nghe, la lối rầm rĩ.
“Ngu ngốc thì phải trả giá. Lần sau thì ngươi nên thận trọng và thông minh hơn.”
Giết nó không khó. Nếu không phải lấy cái lưỡi câu ra thì tôi sẽ dành việc ấy cho Richard Parker, là kẻ có quyền và sẽ ăn sống nuốt tươi ngay con cá. Câu được con dorado khiến cho tôi hỉ hả vô cùng, hơn cả như câu được một con hổ. Tôi tự tay giết nó. Tôi cầm rìu bằng cả hai tay và hết sức liên tiếp bổ đầu búa xuống con cá. Tôi vẫn không dám dùng lưỡi sắc của rìu. Con dorado làm một việc khác thường khi nó chết: nó bắt đầu phát ra đủ các loại ánh sáng mầu sắc khác nhau. Xanh da trời, xanh lá cây, đỏ, vàng, lửa và tím thi nhau lấp lánh như đèn neon trên tấm thân đang giẫy giụa của nó. Tôi tưởng như mình đang đập chết một dải cầu vồng. Sau này tôi mới biết loài dorado nổi tiếng vì cái chết sặc sỡ rỡ ràng của chúng. Cuối cùng, nó nằm im và không còn mầu gì nữa, tôi gỡ được cái lưỡi câu. Thậm chí tôi còn gỡ lại được một phần mồi.
Có thể kinh ngạc một điều là chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đến thế, tôi đã đi từ chỗ khóc lóc vì cái chết âm thầm của một con cá bay đến chỗ hăng hái đập chết một con dorado. Có thể biện hộ rằng tôi đã thấy e ngại và không nỡ giết một con cá bay chỉ vì trốn chạy và lầm đường rơi vào tay tôi, còn con dorado lớn lao kia thì tôi đã phải cố hết sức để bắt nó và sự phấn khích của chiến công ấy đã khiến tôi hăng máu, tự tin ở việc giết chết nó. Nhưng thực tế mà nói thì lí do không phải như vậy. Mà đơn giản và tàn khốc hơn nhiều: người ta có thể quen với bất kì việc gì, kể cả chết chóc.
Với lòng tự hào của một kẻ đi săn, tôi kéo cái bè vào gần xuồng. Tôi cho bè áp vào mạn xuồng, cúi người thất thấp, rồi vung tay ném con dorado vào trong xuồng. Nó rơi xuống với một tiếng thịch thật nặng, và tôi nghe thấy Richard Parker phát ra một âm thanh bật gió đầy ngạc nhiên. Sau một vài tiếng hít hà, tôi nghe rõ tiếng miệng hổ ngoạm nhai nhoàn nhoạp. Tôi đẩy bè ra, không quên thôi lên nhiều hồi còi để Richard Parker biết rằng ai đã cho nó suất thức ăn tươi sống đó. Tôi dừng lại nhặt một ít bánh quy và một hộp nước uống. Năm con cá bay rơi vào trong tủ đã chết cả. Tôi vặn hết cánh của chúng vứt đi, rồi quấn cả vào cái chăn nay đã thành thiêng liêng vì mạng cá.
Khi tôi đã rửa sạch các vết máu trên người, lau chùi bộ đồ câu, thu xếp gọn ghẽ mọi thứ và ăn xong bữa tối thì đêm đã buông xuống. Một màn mây mỏng che khuất các vì sao và vầng trăng. Trời rất tối. Tôi thấm mệt, nhưng vẫn còn phấn khích vì những sự kiện của những giờ trước đó. Cảm giác bận rộn khiến tôi thấy vô cùng sảng khoái. Tôi đã không nghĩ một tí gì đến tình trạng hoặc bản thân mình. Câu cá quả là cách dùng thời gian hay hơn kể chuyện hoặc chơi trò Gián điệp rất nhiều. Tôi quyết định sẽ lại câu cá ngay khi rạng ngày sáng hôm sau.
Tôi ngủ thiếp đi, đầu óc còn sáng rỡ những lấp lánh sặc sỡ của con dorado đang đi vào cõi chết.
Ghi chú:
1- Người La Mã truyền giảng đạo Cơ Đốc, bị chính quyền bắt và giết năm 1887, sau được Giáo hội Cơ Đốc phong thánh. Sebastian bị trói đứng vào cọc, trần trụi, và bị lính dùng cung nỏ bắn tên vào người cho đến chết. ( ND )
2 – Nhân vật trong Kinh Thánh Cơ đốc: là kẻ sát nhân đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đã giết chết chính anh trai của mình. ( ND )