Cuộc Đời Của Pi

Chương 41 :

Ngày đăng: 19:58 19/04/20


Trong trường hợp của tôi, để tự vệ trong khi huấn luyện Richard Parker, tôi làm một cái khiên bằng mai rùa. Tôi cắt hai cái khấc hai bên và buộc một đoạn dây quanh chỗ đó. Cái khiên hơi nặng. Nhưng có người lính nào được lựa chọn vũ khí của mình?



Lần đầu tiên tôi thử làm những chuyện nói trên, Richard Parker nhe nanh, xoay hay tai một vòng, khạc ra một tiếng gầm gừ từ trong cổ họng và nhào vào tôi. Một bàn chân đầy móng vuốt giương ra của nó vung lên rồi tát vào cái khiên của tôi. Cú tát đó hất tôi văng ra khỏi xuồng. Tôi rơi xuống nước và lập tức thả cái khiên ra. Nó chìm nghỉm, sau khi đập bộp một cái vào ống đồng tôi. Tôi sợ hết hồn – sợ Richard Parker, lại sợ của ở dưới nước. Tôi tưởng tượng một con cá mập đang lao vào tôi ngay lúc ấy. Tôi cuống cuồng bơi về bè, chân tay đập loạn xạ, đúng kiểu đánh động nước thường hấp dẫn cá mập. May sao không có con nào lúc đó. Tôi đến bè, thả dây hết cỡ rồi ngồi bó gối, gục đầu, cố gắng dập tắt ngọn lửa hãi hùng vẫn đang cháy đùng đùng trong lòng. Rất lâu sau tôi mới thực sự hết run rẩy. Suốt ngày và đêm hôm đó tôi ở lì trên bè, không ăn uống gì.



Tôi chỉ tiếp tục khi đã bắt được một con rùa khác. Mai con này nhỏ và nhẹ hơn, làm khiên tốt hơn. Lại một lần nữa tôi tiến lên và giậm chân vào cái ghế giữa xuồng.




Không biết mọi người nghe câu chuyện này có hiểu cho tôi rằng hành vi đó của tôi không phải vì điên hoặc muốn tự tử, mà đơn thuần là chỉ vì cần thiết. Hoặc là tôi thuần phục nó, bắt nó phải thấy ai là Số Một, ai là Số Hai – hoặc là tôi sẽ chết vào một ngày xấu trời lúc muốn leo lên xuồng và bị nó phản đối.



Nếu tôi đã sống qua được giai đoạn thực tập huấn luyện thú ngoài biển, đó là vì Richard Parker thực sự không muốn tấn công tôi. Hổ, cũng như các con thú khác, không thích dùng bạo hành để giải quyết các vấn đề. Khi thú vật đánh nhau, chúng đều có ý thức phải giết và hiểu rõ rằng nếu không thế thì mình sẽ bị giết. Mỗi trận đánh nhau như vậy đều phải trả giá đắt. Do vậy mà thú vật có một hệ thống các tín hiệu cảnh báo được đặt ra để tránh phải đánh nhau, và chúng nhanh chóng nhượng bộ, lùi bước nếu thấy có thể được. Rất ít khi một con hổ tấn công một con hổ khác mà không báo trước. Thường thì nó sẽ xông vào đối thủ ngay với những tiếng gầm gừ dữ dội. Nhưng ngay trước khi quá muộn, con hổ dừng lại, tiếng gầm gào đầy mãnh lực đe doạ của nó vẫn rung bần bật trong cổ. Nó đánh giá tình hình. Nếu thấy không có đe doạ gì, nó sẽ quay đi, cảm thấy chính kiến của mình đã được mọi người hiểu rõ.




Richard Parker làm như vậy đối với tôi cả thảy bồn lần. Bốn lần, nó dùng chân phải tát tôi văng xuống biển, và bốn lần tôi mất khiên. Tôi bị hãi hùng trước khi, trong khi và sau khi tấn công như vậy, và tôi run lẩy bẩy rất lâu trên bè. Cuối cùng, tôi học được cách đọc những tín hiệu mà nó gửi đến tôi. Tôi nhận ra rằng với tai, mắt, râu, nanh, đuôi và cổ họng, nó đã nói một thứ ngôn ngữ đơn giản với những dấu ngắt rõ ràng để bảo cho tôi biết nó sẽ sắp làm gì. Tôi học được cách thoái bộ trước khi nó giương vuốt.



Rồi tôi cũng khẳng định được chính kiến của mình, hai chân trên mạn xuồng lắc lư, ngôn ngữ một nốt của tôi lảnh lót trong tiếng còi, và Richard Parker rên rỉ, thở dốc dưới sàn xuồng.



Cái khiên thứ năm của tôi tồn tại đến cuối khoá huấn luyện của nó.