Cuộc Săn Cừu Hoang

Chương 29 :

Ngày đăng: 14:31 19/04/20


Chúng tôi bắt đầu chuyến tàu sớm từ Sapporo đến Asahikawa. Tôi mở một chai bia rồi ngồi xuống đọc cuốn Lịch sử chính thức huyện Junitaki to tướng đóng trong hộp. Junitaki là huyện nơi trang trại Giáo sư Cừu tọa lạc. Đọc lịch sử của huyện có lẽ không có giá trị thực tiễn nào, nhưng nó cũng chẳng hại gì.



Tác giả sinh năm 1940 tại Junitaki và, sau khi tốt nghiệp khoa văn trường đại học Hokkaido, hoạt động với tư cách một sử gia địa phương, ấy là bìa sách nói thế. Được cho là người hoạt động hăng hái, song ông ta chỉ viết mỗi một cuốn sách, được xuất bản tháng Năm năm 1970. Lần xuất bản đầu tiên, có lẽ là lần duy nhất.



Theo tác giả, những người định cư đầu tiên đến nơi mà ngày nay gọi là Junitaki vào đầu mùa hè năm 1881. Cả thảy mười tám người, tất cả đều là nông dân nghèo xơ xác từ Tsugaru, nông cụ,quần áo, giường chiếu, xoong nồi và dao rựa sơ sài là tất cả tài sản của họ.



Họ đi qua một ngôi làng của người Ainu gần Sapporo và với chút tiền ít ỏi, họ thuê một thanh niên Ainu gầy gò, mắt đen làm người dẫn đường. Tên người thanh niên tiếng Ainu được dịch là"Trăng tròn đang khuyết đần" (gợi ý là anh ta có xu hướng trầm cảm, tác giả đặt giả thuyết vậy).



Có lẽ người thanh niên không sinh ra để làm người dẫn đường; tuy nhiên, cậu chứng tỏ mình khá hơn rất nhiều so với người ta tưởng lúc đầu. Hầu như không hiểu một tí tiếng Nhật nào, cậu dẫn mười tám người nông dân dữ tợn đáng ngờ lên phía Bắc, dọc theo sông Ishikari. Cậu có ý tưởng rõ ràng trong đầu rằng phải đi đâu để tìm đất đai màu mỡ.



Ngày thứ tư, cả đoàn đến địa điểm này. Được phú cho sông nước rộng lớn, phong cảnh nơi đây sống động với hoa lá tươi đẹp.



"Nơi này tốt đấy," người thanh niên nói. "có ít thú hoang, đất đai màu mỡ, nhiều cá hồi."



"Không ăn thua," người đứng đầu đám nông dân nói. "Chúng tôi muốn đi sâu hơn."



Người thanh niên hiểu rằng đám nông dân tin họ sẽ tìm được đất đai màu mỡ hơn nếu đi sâu hơn. Tốt thôi. Nếu đó là những gì họ muốn, sẽ đi sâu hơn.



Thế là cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình lên hướng Bắc trong hai ngày nữa. Ở đó người thanh niên tìm được một chỗ dốc, nơi đây nếu đất đai không màu mỡ đúng như chỗ đất trước thì ít nhất cũng không phải lo lũ lụt.



"Chỗ này thế nào?" người thanh niên hỏi. "Ở đây cũng tốt."



Đám nông dân lắc đầu.



Cảnh này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi cuối cùng họ đến địa điểm mà ngày nay là Asahikawa. Cách Sapporo bảy ngày đường và một trăm dặm.



"Ở đây thì sao?" người thanh niên hỏi, chưa bao giờ cảm thấy không chắc chắn như thế.



"Không được," đám nông dân trả lời.
Không ai có thể trả lời ông. Người chăn cừu Ainu tuyệt giao với làng và ở luôn bên ngoài đồng cỏ, tỉnh thức cùng đàn cừu. Vợ ông đã qua đời vì bệnh viêm phổi năm năm trước, và hai con gái ông đã lấy chồng. Để trả công trông nom đàn cừu, làng cấp cho ông chút lương ít ỏi và thức ăn.



Sau khi mất con trai, người chăn cừu Ainu trở nên cay đắng. Ông qua đời khi sáu mươi hai tuổi. Một sáng mùa đông, cậu bé giúp việc cho ông tìm thấy xác ông nằm chết sóng soài trên sàn trại cừu. Đông cứng. Hai con chó đời cháu của hai con cô li giống Border đầu tiên mắt buồn thương cảm rên rỉ bên cạnh ông. Đàn cừu, không hề biết gì, đang gặm cỏ tại khu chăn thả của mình. Nhịp nhai khe khẽ của răng cừu nghe giống như một dàn đồng ca catanhet.



Lịch sử Junitaki tiếp tục, nhưng lịch sử của người thanh niên Ainu kết thúc tại đó. Tôi đứng dậy đi vệ sinh và đái ra hết số bia trong hai chai. Khi tôi quay lại chỗ ngồi, cô đã thức giấc và đang lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ. Cánh đồng lúa trải dài tít tắp. Thi thoảng là một hầm ủ tươi thức ăn cho vật nuôi. Sông chạy lại gần, rồi chạy ra xa. Tôi hút một điếu thuốc, cảm nhận khung cảnh cùng với dáng ngồi nghiêng của cô trong đó. Cô không nói một lời. Khi hút hết điếu thuốc, tôi quay lại với cuốn sách. Bóng một cây cầu sắt sáng lóe lên qua trang sách.



Sau câu chuyện bất hạnh của người thanh niên Ainu sau trở thành người chăn cừu, già đi, rồi qua đồi, lịch sử còn lại khá nhàm chán. Một trận viêm đường ruột cướp đi mười đầu cừu, một đợt lạnh khủng khiếp giáng đòn chí tử cho đám hoa màu, nhưng ngoài ra thì mọi thứ trong làng đều diễn ra trôi chảy. Vào thời Đại Chính, làng được hợp nhất thành huyện và được đổi tên mới là Junitaki-cho. Junitaki-cho phát triển tốt, xây thêm nhiều cơ sở vật chất, một trường tiểu học, một tòa thị chính, một điểm bưu điện. Đến lúc này, việc định cư ở Hokkaido gần như hoàn tất.



Khi đất đai trồng trọt được đã gần cạn kiệt, một vài thanh niên rời Junitaki-cho đi tìm vận may ở những thế giới mới như Mãn Châu và Sakhalin. Vào những năm 1937, Giáo sư Cừu xuất hiện ở thị trấn.



Lịch sử viết: "Người quản lý kỹ thuật của Bộ Nông Lâm được công nhận rộng rãi vì các nghiên cứu ở Triều Tiên và Mãn Châu. Giáo sư________(tuổi 32) rời vị trí của mình do hoàn cảnh đặc biệt và lập trang trại cừu riêng của mình tại thung lũng núi phía Bắc Junitaki-cho."



Chuyện về ông chỉ được viết có thế.



Bản thân tác giả có vẻ như cũng chán các sự kiện những năm ba mươi, việc ghi chép của ông ta trở nên không đồng nhất và chắp vá. Ngay cả văn phong cũng sa sút, mất đi sự mạch lạc khi ông thảo luận về người thanh niên Ainu.



Tôi bỏ không đọc ba mươi năm giữa 1938 và 1969 và nhảy đến phần có tựa đề "Junitaki ngày nay". Tất nhiên, "ngày nay" trong sách là vào năm 1970, hầu như không phải "ngày nay" của ngày nay. Tuy vậy, khi viết lịch sử của một thị trấn hiển nhiên cần phải đưa cái "ngày nay" ra. Và thậm chí nếu một ngày nay chẳng mấy chốc không còn là ngày nay nữa, không ai có thể chối cái được nó thật sự là một ngày nay. Vì nếu như ngày nay thôi không còn là ngày nay, lịch sử không thể tồn tại như lịch sử.



Theo cuốn Lịch sử chính thức huyện Junitaki, năm 1969 dân số giảm xuống còn 15.000, giảm 6.000 so với mười năm trước, hầu như vì sự sa sút của nghề nông. Sách nói rằng, tỷ lệ không còn làm nghề nông cao bất bình thường là phản ứng trước những thay đổi của cơ sở hạ tầng quốc gia trong thời kỳ phát triển công nghiệp nhanh chóng, cũng như bản chất kỳ lạ của nghề nông trong khí hậu của Hokkaido.



Vậy những nơi đất đai trồng cấy đã trở thành gì? Chúng được trồng cây gây rừng lại. Mảnh đất mà cha ông họ đã đổ máu phát hoang, những người hậu duệ giờ đây trồng cây. Thật trớ trêu khi sự việc trở nên như thế.



Nói vậy nghĩa là ngành nghề chính ở Junitaki ngày nay là lâm nghiệp và cán gỗ. Ngày nay thị trấn tự hào có một vài nhà máy gỗ nhỏ nơi họ sản xuất tủ đựng ti vi, bàn trang điểm, những bức tượng nhỏ hình gấu và người Ainu bán cho khách du lịch. Túp lều công cụ ngày xưa trở thành Bảo tàng Người tiên phong, nơi nông cụ và các đồ dùng ăn uống từ những ngày đầu định cư được trưng bày. Có cả vật lưu niệm về những thanh niên làng đã chết trong Chiến tranh Nga-Nhật. Và thậm chí cả bức thư gửi về quê hỏi về những người chủ nợ.



Nhưng sự thật Junitaki ngày nay là một thị trấn hết sức buồn tẻ. Dân thị trấn, khi đi làm về, xem ti vi trung bình bốn tiếng trước khi đi ngủ mỗi tối. Số phiếu đi bầu cử luôn cao, nhưng không ai ngạc nhiên trước việc ai là người trúng cử. Khẩu hiệu của thị trấn là "Nhân tính Rộng rãi trong một thiên nhiên Rộng rãi". Hay tấm biển trước cửa ga nói thế.



Tôi gấp sách, ngáp, rồi ngủ thiếp đi.