Cuộc Sống Mới Hạnh Phúc Của Chu Tiểu Vân

Chương 35 : Ngày Tết bận rộn (4)

Ngày đăng: 04:54 19/04/20


Đến ngày hai chín tháng Chạp, ngay cả góc tường trong nhà cũng được quét sạch bằng chổi lông gà, bàn ghế được lau sạch. Đồ dùng trong nhà được chuẩn bị đầy đủ. Ba Chu còn mua dây pháo về, để đến đêm ba mươi và sáng sớm mùng Một đốt.



Ba Chu mời người chuyên viết câu đối trong thôn đến viết đôi câu đối đỏ, dùng hồ dán trên cửa.



Cửa phòng khách dán câu đối là:



Xuân hồi đại địa.



Phúc mãn nhân gia



(Dịch nghĩa: Xuân về khắp chốn. Người người có phúc)



Chữ viết rất to, rất tinh tế. Chu Tiểu Vân đứng nhìn lâu, nghĩ thầm sang năm phải luyện thư pháp thật tốt, tự viết câu đối cho nhà mình.



Trong lòng trẻ con mong ngóng, thời gian trôi càng chậm. Sau khi ăn xong bữa trưa, Đại Bảo thấy thời gian buổi trưa vốn ngắn ngủi, hôm nay dài đằng đẵng. Cậu ngóng từ sáng sớm mong mau đến tối, ngay cả đi chơi cũng không chú tâm.



Về phần vì sao à?



Trẻ con đứa nào chẳng biết, sau khi ăn cơm tối chính là tiết mục bọn nhỏ mong đợi nhất: Phát tiền mừng tuổi!



Đến chạng vạng, cả nhà đến nhà tắm thôn bên cạnh tắm rửa.



Lại nói đến chuyện này, tắm là rắc rối duy nhất hiện nay Chu Tiểu Vân không thể giải quyết được. Trời ấm còn đỡ, có thể đun nước nóng tắm ở nhà, đến lúc trời trở lạnh thì phiền toái nảy sinh.



Trong thôn không có nhà tắm, nhà tắm gần nhất là ở thôn cô Út, đi mất hơn một tiếng, vì vậy một tháng Chu Tiểu Vân chỉ được tắm hai lần. Không có cách nào khác, đành cố nhịn, đừng chê bẩn, ai mà chẳng thế.
Trong thôn không có nhà tắm, nhà tắm gần nhất là ở thôn cô Út, đi mất hơn một tiếng, vì vậy một tháng Chu Tiểu Vân chỉ được tắm hai lần. Không có cách nào khác, đành cố nhịn, đừng chê bẩn, ai mà chẳng thế.



Đến tết, tất nhiên phải tắm rửa sạch sẽ đón năm mới, ba Chu còn định dắt Đại Bảo và Tiểu Bảo đi cắt tóc. Tóc hai đứa sắp quá mang tai.



Không ít người có cùng suy nghĩ, vì thế nhà tắm vốn không lớn chật ních các bà các mẹ dắt con, cháu đến tắm. Ở đây không có vòi hoa sen, chỉ có một bể nước nóng cực lớn. Nước không trong như ban đầu mà hơi đục. Chu Tiểu Vân tự kiềm chế, không dám nghĩ rốt cuộc đã có bao nhiêu người từng tắm rửa trước mình, nhanh chóng tắm xong, mặc quần áo rồi ra ngoài. Ba Chu đúng lúc dẫn Đại Bảo và Tiểu Bảo ra.



Đợi một lúc, Triệu Ngọc Trân ôm Nhị Nha bước ra. Ba Chu muốn dắt con trai đi cắt tóc, Triệu Ngọc Trân cũng đi theo.



Bình thường, cửa hàng nhỏ vắng bóng người nay đông nghịt. Đợi một lúc lâu mới đến ba cha con. Thợ cắt tóc tay nghề không cao lắm, cắt kiểu tóc ngắn đơn giản.



Ba cha con cùng lúc đứng lên, từ cao đến thấp, cùng một kiểu đầu, Chu Tiểu Vân thấy len lén cười trộm.



Triệu Ngọc Trân nhìn tóc của Chu Tiểu Vân, cô thầm kêu không ổn. Quả nhiên, Triệu Ngọc Trân lên tiếng:



“Đại Nha, tóc của con nửa năm chưa cắt rồi, dài quá ngang vai, nên cắt đi thôi!”



Không cắt! Đợi mãi mới buộc được đuôi ngựa mà! Chu Tiểu Vân biết rõ không thể trực tiếp phản đối, chỉ có thể đi đường vòng, cười làm nũng: “Mẹ, con không cắt đâu. Chú cắt tóc rất đông khách, còn nhiều người đang chờ.”



Đúng vậy, không ít người đang đứng chờ, cả nhà cắt tóc.



“Nhưng mà, tóc của con quá dài, buộc rất tốn thời gian.”



Hằng ngày bà bận trăm công nghìn việc, có mấy đứa con, một sân gà vịt lợn phải cho ăn no. Làm gì có thời gian buộc tóc cho con cái.




“Mẹ, mẹ quên rồi sao! Con toàn tự buộc tóc mà, không mất thời gian đâu. Mẹ đừng cắt tóc của con, con thích tết bím tóc, tóc ngắn y như con trai ý.”



Chu Tiểu Vân sau khi tóc dài qua mang tai bắt đầu dùng dây nịt đủ màu tự thắt bím tóc cho mình, không cần mẹ bận tâm..



Triệu Ngọc Trân không còn lời nào để nói, con gái tự buộc được tóc thì tuỳ nó vậy!



Chu Tiểu Vân thành công khiến Triệu Ngọc Trân bỏ đi ý định, bảo vệ được mái tóc của mình, trong lòng cô rất vui mừng. Giờ chưa có dầu gội đầu, khó tránh tóc bị khô xơ, được cái trông dễ nhìn hơn. Cô định sau này tích cực ăn vừng, cải thiện chất tóc.



Sau khi về nhà, Triệu Ngọc Trân bắt tay vào làm mâm cơm quan trọng nhất trong năm: cơm tất niên.



Trên bàn vuông bày kín đĩa thức ăn, có cá nướng, có gà quay, có thịt viên rán, có trứng xào. Người dân ở quê rất chú trọng bữa cơm này. “Gà, thịt, cá, trứng” phải đủ hết.



Bữa cơm này mấy anh em ăn no căng, bụng tròn xoe. Tiểu Bảo ăn không ít cá khiến Triệu Ngọc Trân rất cao hứng.



Sau khi cơm nước xong, ba Chu vào trong nhà lấy đồ ra.



Đại Bảo hưng phấn nhấp nhổm, Chu Tiểu Vân cũng bị anh lây cảm xúc, chờ mong tiền mừng tuổi.



Bình thường trẻ em gần như không có tiền tiêu vặt, tối đa được cho một, hai giác mua bút viết. Có ai muốn túi quần trống rỗng không? Tiếc là trong nhà không dư dả, số lần trong người Đại Bảo và Chu Tiểu Vân có tiền cực hiếm.



Ba Chu bắt đầu phát tiền mừng tuổi, Đại Bảo là con cả được nhận đầu tiên, mở ra nhìn thấy là hai ngàn, kêu to.



Hai ngàn đó, đủ mua rất nhiều đồ chơi. Đến tết, mấy cậu nhóc thích nhất là “Diêm tiên”, rất giống que diêm, quẹt một tí quăng ra xa tự nổ. Một xu một hộp, Đại Bảo thích đã lâu. Giờ đã có tiền mua, bảo sao Đại Bảo không vui cho được. Lúc này, đầu óc cậu loé lên tia sáng, tính mua đủ hai mươi hộp, một ngày chơi hết hai hộp không thành vấn đề.



Chu Tiểu Vân mở phong bao của mình, không có gì bất ngờ cũng là hai ngàn. Cô không khoa trương như Đại Bảo, rất có gia giáo, khẽ mỉm cười, trong lòng thầm tính toán mua bút lông về luyện thư pháp.



Tiểu Bảo chưa đi học, tiền mừng tuổi ít hơn, một nguyên. Chỉ vậy đã khiến cậu hài lòng. Cầm đồng một nguyên mới tinh, nhảy choi choi y hệt anh trai.



Nhị Nha nhỏ nhất, tượng trưng được năm hào. Con bé cười toe toét, giấu tiền trong túi quần, chọc cha mẹ cười vang.