Đại Đường Song Long Truyện

Chương 190 : Tham sống sợ chết

Ngày đăng: 13:14 19/04/20


Từ Tử Lăng đi theo Bất Sân, tiến sâu vào hậu viện.



Dọc đường gã gặp không ít hòa thượng, nhưng người nào người nấy đều coi như không thấy, tựa hồ như họ đang chìm đắm trong cuộc đời tu hành thanh tịnh vô vi của mình vậy.



Đi qua tòa đồng điện chói lọi dưới ánh mặt trời, Bất Sân rẽ vào một con đường lát đá rất cổ kính, hai bên trồng đầy trúc xanh ngát.



Ẩn hiện giữa những tán cây thấp thoáng trông thấy những ngôi tăng xá đơn giản, so với điện đường hoa lệ thì hoàn toàn khác hắn, nhưng cũng có một vẻ đẹp hết sức thuần phác tự nhiên.



Từ Tử Lăng đang ngây ngất cảm nhận không khí ninh tịnh bình hòa của Thiền Viện thì cảnh sắc chợt biến đổi, nhà cửa thưa dần, thay vào đó là thương tùng lục bách, vách đá lởm chởm. Đi dọc theo con đường lát đá, có thể thấy trên vách đá có khắc hai chữ "Phật Đạo". Vách đá hai bên cao dần, sơn đạo thu hẹp, trên thạch bích điêu khắc hình tượng chư phật, thần thái sống động như thật.



Từ Tử Lăng đang tròn mắt ngắm nhìn thì Phật Đạo đã tận, không gian như mở bừng ra trước mặt.



Ở phía Tây thiền viện, một tòa đại điện sừng sững, rộng đến bảy gian xây sát vách đá, bên trên khắc ba chữ "Phương Trượng Viện", hình thế hiểm yếu cực kỳ.



Từ Tử Lăng cảm thấy không thích đáng lắm, liền hỏi: "Đây chắc là nơi cư trú của quý viện chủ Liễu Không đại sư?"



Bất Sân hờ hững đáp: "Thí chủ muốn gặp Sư tiểu thư, tự nhiên phải do phương trượng định đoạt, có gì lạ đâu chứ?"



Từ Tử Lăng sớm đã biết không dễ gì gặp được Sư Phi Huyên, chỉ đành thầm ngao ngán thở dài, đi theo lão bước lên thạch cấp.



Phương Trượng Viện phân làm ba khu tiền, trung, hậu. Bước vào cửa là một gian phòng chờ rộng lớn, không hề có bất cứ đồ gia cụ nào, hai bên tường treo nhiều bức họa, xem ra là họa tượng của các đời trụ trì Tịnh Niệm Thiền Viện.



Bất Sân dặn dò Từ Tử Lăng đứng đợi ở đây, rồi tiến vào gian phía trong.



Từ Tử Lăng nhàn rỗi vô sự, bèn đi xung quanh nhìn ngó những bức họa, người trong tranh hình tướng đều khác nhau, người gầy người béo, nhưng người nào cũng dung mạo trang nghiêm từ hòa, phật quang phổ chiếu, dáng vẻ đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn. Bên cạnh còn đề rõ pháp hiệu, ngày tháng thụ giới và nhập tịch.



Các bức tranh rõ ràng là được xếp theo thứ tự trước sau, đến bức cuối cùng trên vách bên trái, Từ Tử Lăng giật mình chấn động, cẩn thận quan sát lại thật kỹ. Chỉ thấy trong tranh là một lão tăng râu bạc phơ, trên mặt đầy những nếp nhăn, xem ra ít nhất cũng phải bảy mươi tuổi trở lên.



Nguyên do làm gã giật mình chính là gương mặt lão tăng này giống với trụ trì Liễu Không đến tám, chín phần, chỉ khác là đã già nua mà thôi.



Gã đang thầm nhủ không biết đây có phải là cha ruột của Liễu Không hay không, thì bất ngờ phát hiện bên cạnh bức họa chỉ có ngày thụ giới chứ không đề ngày viên tịch, không khỏi cảm thấy lạnh cả người.



Lẽ nào Liễu Không phản lão hoàn đồng, từ một lão già bảy mươi biến thành dáng vẻ hiện nay, nếu chuyện này là sự thật thì quả là kinh người hết sức.



Thanh âm của Bất Sân vang lên phía sau: "Đây là họa tượng của trụ trì tệ tự mười lăm năm trước, khi đó trước lúc nhập quan tu thiền, người đã dặn dò người vẽ lại".



Từ Tử Lăng thở dài: "Thật khiến người ta không thể tin được, thì ra trên thế gian này đúng là có thần công cải lão hoàn đồng thật".



Bất Sân cao giọng tuyên niệm phật hiệu: "Phật pháp vô biên, hồi đầu thị ngạn. Trụ trì đang đợi thí chủ ở Trung viện, mời!".



Từ Tử Lăng quay người lại, thấy Bất Sân hoàn toàn không có ý đi trước dẫn đường, đành phải thi lễ đáp tạ, rồi tự mình bước vào trong.



"Kẹt!"



Cánh cửa gỗ đóng lại sau lưng gã.



Không gian cao ba trượng, rộng sâu tới mười trượng chỉ có bốn bức vách.


Thần vật như Hòa Thị Bích, chỉ có người hữu duyên mới được sở hữu.



Từ Tử Lăng chậm rãi bước xuống thạch cấp, đang định đi về phía Phật Đạo thì trong lòng chợt có cảm ứng kỳ lạ.



Dường như có thứ gì đang chờ đợi gã vậy.



Từ Tử Lăng đảo mắt một vòng chỉ thấy Phương Trượng Viện lấp ló sau rừng cây, nghĩ ngợi giây lát rồi gã lại tiếp tục bước đi.



Chợt một con đường đã ngoằn ngoèo trải dài trước mắt gã, trong màn mưa mờ mờ ảo ảo, đặc biệt hấp dẫn khách lãng du.



Từ Tử Lăng bước lên con đường, sau một chỗ rẽ, cả không gian như mở rộng ra vô hạn. Thì ra hết con đường là vách đá dựng đứng, chẳng những có thể nhìn khắp cảnh điền dã bên dưới núi, còn có thể thấy cả toàn Lạc Dương sừng sững ở xa xa.



Dưới làn mưa bụi, trong khung cảnh thơ mộng tuyệt đẹp này, Sư Phi Huyên vận nho phục giả nam trang yểu điệu đứng bên bờ vách, ung dung nhàn nhã ngắm nhìn cảnh vật bên dưới.



Từ Tử Lăng cung kính thi lễ, thành khẩn nói: "Tiểu thư chịu phá lệ tương kiến, Từ Tử Lăng cảm kích bất tận!".



Sư Phi Huyên khẽ thở dài, chỉ ngón tay ngọc ngà về phía Lạc Dương thành nơi xa, nói với một ngữ điệu hết sức thương tâm: "Từ Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, Lạc Dương đã nhiều lần trở thành nơi binh gia tranh giành nhau, nhiều lần bị hủy diệt, rồi lại xây lại, làm cho bách tính lưu vong, Trung Nguyên tiêu điều, vạn dặm không một sợi khói, đói rét triền miên, ngoại trừ những điều đó ra, Từ huynh có biết chúng ta còn tổn thất những gì nữa không?".



Từ Tử Lăng tuy tự phụ thông minh tài trí, nhưng lúc này cũng chỉ biết hoang mang lắc đầu.



Sư Phi Huyên tựa như có mắt mọc sau lưng, có thể nhìn thấy động tác lắc đầu của gã, thản nhiên nói: "Cái tên Lạc Dương bắt đầu từ tích Tô Tần Quá Lạc Dương trong Chiến Quốc Sách thời Chiến Quốc. Từ đó nhiều lần được chọn làm kinh đô, trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của Trung Nguyên, thời Bắc Ngụy, ở đây có tới một ngàn ba trăm sáu mươi bảy tòa phật tự".



Từ Tử Lăng le lưỡi: "Nhiều như vậy sao?".



Sư Phi Huyên tiếp tục nói: "Lạc Dương luôn là nơi tập trung của tinh hoa văn hóa bản quốc, chỉ riêng tàng thư đã có bảy ngàn xe rồi. Thêm nữa lại địa linh nhân kiệt, nhiều đời xuất đều xuất hiện danh gia kiệt xuất, Thái Luân đã thử chế tạo Thái Hầu Chỉ ở đây, Trương Hoành làm ra Hỗn Thiên Nghi, Hầu Phong Nghi và Địa Động Nghi, Mã Quân phát minh Chỉ Nam Xa, Vương Sung viết Luận Hoành, Ban Cố soạn Hán Thư, Trần Thọ soạn Tam Quốc Chí, Lạc Dương Già Lam Ký và Thủy Kinh Chú. Cống hiến của Lạc Dương cho Trung Nguyên, quả thật không nơi nào sánh được".



Từ Tử Lăng càng nghe càng thấy kính phục. Nếu không phải đã được đọc qua những bút ký của Lỗ Diệu Tử, e rằng lúc này gã đã hoang mang không biết nàng đã nói gì rồi. Hiện giờ tuy chưa thể hoàn toàn nhận thức hết, nhưng ít nhất cũng biết Sư Phi Huyên là bậc học vấn tinh thâm, thông kim bác cổ.



Nếu đổi lại là gã và Khấu Trọng, bất luận là hiểu biết về Lạc Dương nhiều đến đâu, cũng không thể có cảm xúc và liên tưởng như Sư Phi Huyên.



Nàng đang cảm thương cho lịch sử mấy trăm năm của Lạc Dương.



Sư Phi Huyên khoan thai nói: "Từ huynh đã đến Tân Đàm ở Bắc Thị chưa?".



Từ Tử Lăng thầm nhủ mình đi đi lại lại vẫn chỉ là Lạc Thủy, Ngự Đạo và Thiên Tân Kiều, hoặc giả có đến khu Nam Thành, chứ chưa từng đến Bắc Thị, bèn cười khổ đáp: "Còn chưa đến đó".



Sư Phi Huyên nói: "Vậy Từ huynh nhất định phải đi tham quan nơi được xưng là tập trung hết thuyền bè trong thiên hạ đó, trong thời thịnh thế, thuyền lớn thuyền nhỏ có thể lên đến cả vạn chiếc".



Kế đó lại khẽ ngâm nga: "Cổ kim hưng phế sự, hoàn khán Lạc Dương thành".



Nghe giọng nói như tiên âm văng vẳng từ trên trời cao của nàng kể chuyện thịnh suy hưng phế của Lạc Dương Thành, trong đầu Từ Tử Lăng chợt hiện ra một bức họa chân thực, cơ hồ như ngàn năm lịch sử trong chớp mắt đã hiện lên trong tâm não, cảm giác vừa bi thương lại vừa cảm động.



Những hạt mưa nhẹ nhàng vuốt ve trên mặt hai người.



Người có lòng yêu thương thiên hạ, đại từ đại bi, siêu phàm trác việt giống như Sư Phi Huyên, gã thật mới gặp lần đầu.



Đột nhiên, gã hiểu được tâm niệm vĩ đại phải tìm kiếm chân mệnh thiên tử để cứu muôn dân ra khỏi cơn nước lửa của Sư Phi Huyên.