Đại Đường Song Long Truyện
Chương 498 : Kinh đô Long Tuyền
Ngày đăng: 13:18 19/04/20
Long Tuyền thượng kinh là thành thị có quy mô lớn nhất ở khu vực Đông Bắc đại thảo nguyên, phía nam tiếp giáp hồ Kính Bạc. Tường thành xây vòng quanh trên nền móng mạch núi Trường Bạch, ba mặt là nước, nằm trong một vùng đất bồi trên bình nguyên rộng lớn. Nhờ đất đai màu mỡ, nhân dân lấy nông nghiệp làm chính, chăn nuôi phụ thêm, đặc sản là gạo Hưởng Thủy, nổi tiếng khắp thảo nguyên, được đánh giá như cực phẩm trong các loại gạo.
Điểm đặc sắc khác là những dòng chảy trong thành toàn bộ là nước nóng. Kênh rạch có nền đá sỏi phân bố khắp nơi, lượng nước vừa nhiều vừa trong. Người ta bất kể là dùng để giặt giũ, tưới tiêu hay đơn thuần chỉ đùa nghịch, cũng đều thấy dễ chịu, khoan khoái bởi sự ấm áp này mang lại.
So với Trường An, diện tích Long Tuyền chỉ bằng một phần tư, cũng chia ra ba phần thành Ngoại, thành Nội và Cung thành, bốn mặt mở ra mười cổng vào, nam bắc mỗi mặt có ba cổng, đông tây chỉ có có hai. Một con đường lớn ở trung tâm chia tòa thành ra làm hai nửa phải trái, cũng gọi là Chu Tước đại nhai như nguyên bản Trường An, xuyên thẳng qua cổng ra vào thành hướng chính Nam.
Bên cạnh đó còn có bốn con đường chính khác, ngang dọc giao nhau, phối hợp với những con đường nhỏ hơn phân chia các khu vực dân cư trong thành ra những phường lớn nhỏ như ở Trường An.
Thành Nội nằm ở chính giữa khu vực phía Bắc, chu vi chín dặm, Cung thành nằm bên trong. Vườn thượng uyển được đặt ở phía đông, với các ao nhỏ có tiểu kiều bắc qua, lại thêm giả sơn, đình thủy tạ, cảnh trí tươi đẹp vô cùng.
Kiến trúc cho phòng ngự của Long Tuyền tuy còn thua xa so với quy mô của thành Trường An, nhưng thành cũng cao đến năm trượng, xây bằng đá Huyền Vũ, thứ đá cứng rắn được hình thành trong quá trìnhdung nham nóng chảy của núi lửa nguội đi, kiên cố phi thường, phối hợp thêm với các tiễn lâu rất lớn chứa được nhiều cung thủ, nhằm đối phó với quân đội thường lấy kỵ binh làm chủ của các tộc thù địch. Sự vững chãi này coi như đủ cho việc thủ thành.
Trong Cung thành có năm tòa điện các trọng yếu, cung điện chính cũng mang tên Thái Cực cung. Những tòa điện này là nơi Bái Tử Đình nghị sự, chúng được thông với nhau bởi các hành lang có mái che.
Phía ngoài Nam môn có một Thạch Đăng tháp cao mười hai tầng, được xây bằng đá Huyền Vũ sau khi đã được đẽo gọt, thô tháp vững chãi. Mỗi khi đêm xuống, có người chuyên phụ trách thắp sáng một ngọn đuốc lớn trên đỉnh tháp, từ trên cao tỏa ánh sáng huy hoàng, trở thành dấu hiệu để nhận biết cũng như là biểu tượng của Long Tuyền.
Mọi thứ trong thành từ trang phục, tập tục, chữ viết, văn hóa, luật lệ đều như đúc cùng một khuôn với Trường An. Người nào đến đó cũng cảm thấy nghi ngờ phải chăng là mình đã trở về Trường An đất Quan Trung.
Bởi sau bảy ngày nữa là đến lúc cử hành lập quốc đại điển, sứ tiết các phương đã đến, các tộc người Mạt Hạt ủng hộ Bái Tử Đình càng thêm tất bật. Do đây là một dịp chưa bao giờ xảy ra, Chu Tước đại nhai thậm chí còn nhiệt náo hơn so với Trường An.
Việc phòng thủ cho thành đã được tăng cường, từng toán từng toán Bột Hải quân khôi giáp chỉnh tề đi tuần khắp nơi để đề phòng có người quấy rối trị an.
Dưới sự bố trí của một người tên là Thuật Văn – tộc nhân của Biệt Lặc Cổ Nạp Thai, ba gã giả trang thành lái buôn ngựa người Thất Vi, đóng thuế, vào thành, rồi ở trong một tòa tứ hợp viện tại Tây thành. Trong viện có một cái hồ nước nóng, ba gã đương nhiên không hề khách khí, sau khi thu xếp cho mấy con ngựa nghỉ ngơi, lại sai Thuật Văn đi thăm dò tin tức, liền cứ thế cởi y phục ra mà thoải mái ngâm mình trong nước nóng.
Hơi nước bốc lên cao, trên trời dày đặc ánh sao tỏa sáng, Khấu Trọng than:
- Thật không ngờ vùng Tái Ngoại lại có nơi thú vị thế này, nhất định phải thưởng thức tư vị của gạo Hưởng Thủy mới được.
Tiếp đó, gã cất giọng hiếu kỳ hỏi:
- Lúa gạo thì gọi là lúa gạo, tại sao lại có tên là Hưởng Thủy nhỉ? Chẳng lẽ cho vào nước thì phát ra âm thanh?
Bạt Phong Hàn bật cười đáp:
- Được gọi là Hưởng Thủy, bởi vì dưới nền của ruộng lúa là lớp đá Huyền Vũ do mắc ma của núi lửa phun trào sau khi nguội kết lại, trên lớp đá đó là đất mùn màu mỡ do thực vật mục rữa tạo thành. Giữa các mảng đá nham thạch thuở xưa này luôn có những khe nứt, từ đó mà khi nước chảy hay phát ra tiếng kêu, cũng từ đó mà dòng nước ấm trào lên, tưới tiêu một cách tự nhiên cho đồng ruộng. Điều kiện địa lý thuận lợi như vậy nên chất gạo mới rất đặc biệt, lại lấy chữ Hưởng Thủy làm tên gọi, chứ không phải là đặt tên nhờ chuyện gạo cho vào nước phát ra âm thanh đâu, Thiếu Soái rõ chưa?
Khấu Trọng tỏ ra vẻ à thì ra là thế, cười đáp:
- Các ngươi nói xem Bái Tử Đình liệu có ăn mặc giống y đúc như Lý Uyên không? Mới chỉ tưởng tượng thôi đã thấy tức cười lắm rồi phải không?
Bạt Phong Hàn nói:
- Người mà Bái Tử Đình muốn học theo không phải Lý Uyên mà là người từng thống nhất Trung Nguyên, Tùy Văn Đế Dương Kiên. Nghe nói trước khi Dương Kiên chết vài năm hắn đã từng ở Trường An trong một thời gian khá dài. Lúc đó hắn còn nhỏ tuổi, vì vậy đã bị không khí thịnh vượng của Đại Tùy thời đó ảnh hưởng rất sâu sắc. Phải biết rằng những năm đó là khoảng thời gian thịnh vượng hiếm hoi của Trung Thổ các ngươi dưới triều Đại Tùy, kế thừa nền văn hóa truyền thống đã phát triển cao từ thời Hán Ngụy, lại dung hợp được những thành quả lớn lao của Ngụy Tấn Nam Bắc triều, trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của toàn Trung Nguyên và các vùng lân cận. Cứ thử nghĩ đến việc trải qua hơn ba trăm năm phân liệt cát cứ của Nam Bắc triều, sau đó mới quy về một mối, nhưng vương quốc sau khi thống nhất lại không giống với Tần Hán ngày xưa, mà đã được dung hòa với những nét đặc sắc của các bộ tộc xâm nhập. Trừ phi ẩn thân nơi Nam phương hẻo lánh như Tống Khuyết, thêm vào đó là kiên quyết giữ truyền thống của người Hán, nếu không ai cũng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Từ Tử Lăng nói:
- Phong Hàn huynh đối với Trung Thổ bọn ta có những kiến giải thực là sâu sắc. Trong lòng ta có một câu hỏi rất muốn thỉnh giáo huynh, hy vọng sẽ không mạo phạm.
Khấu Trọng khó chịu:
- Đừng nói nghiêm trọng khách khí vậy chứ? Mọi người đều là huynh đệ, có cái gì mà không thể nói được?
Bạt Phong Hàn thở dài:
- Ta đoán được Tử Lăng muốn hỏi điều gì. Có phải muốn hỏi ta thân là người Đột Quyết nhưng lại không quan tâm lắm tới Đột Quyết tộc, đúng không?
Từ Tử Lăng gật đầu đáp:
- Phong Hàn huynh đoán đúng rồi đấy.
Bạt Phong Hàn hai mắt sáng lên lấp lánh nói:
- Từ xưa đến nay, các dân tộc đại thảo nguyên đều có sự khiếm khuyết, đó là khả năng quy về trung tâm như trăm con sông cùng đổ vào biển cả và ngưng tụ lại dần theo thời gian của văn hóa Trung Thổ. Trong lịch sử đã từng xuất hiện những bá chủ dùng vũ lực chinh phục được những vùng đất rộng lớn, nhưng rồi lại vẫn có xu hướng phân liệt. Đó là kết quả tất yếu của yếu tố đất rộng người thưa và văn hóa di cư theo cỏ và nước trên đại thảo nguyên mang lại. Kể cả khi vào xâm chiếm Trung Nguyên, rốt cuộc cũng không có khả năng thống trị vùng đất rộng lớn có địa hình phức tạp đó, cuối cùng chỉ có thể bị đồng hóa dung hòa. Trước đây rất nhiều năm ta đã nhìn ra điểm này, vì vậy chưa bao giờ muốn làm cái đại nghiệp xuân thu gì gì đó, chỉ theo đuổi tự do cá nhân, truy cầu đỉnh cao của võ đạo. Quan niệm về vương quốc dân tộc căn bản không tồn tại trong đầu ta.
Khấu Trọng đột nhiên nói như bừng tỉnh:
- Nói như vậy thì Bái Tử Đình chính là kẻ nhìn xa trông rộng nhất trên đại thảo nguyên. Việc kiến lập Long Tuyền là để tạo ra một loại lực ngưng tụ, trước thống nhất Mạt Hạt, sau thống nhất thảo nguyên, lại học tập văn hóa Trung Thổ để mở đường cho việc xâm chiếm thống trị Trung Nguyên sau này. Tên khốn này lợi hại hơn cả trong tưởng tượng của ta.
Bạt Phong Hàn nói:
- Con đường mà Bái Tử Đình đang đi rất đúng đắn, chỉ có điều thời cơ chưa chín muồi, bởi vì người Đột Quyết vẫn đang vào thời cực thịnh, nằm cạnh giường sao cho kẻ khác ngủ ngon được. *
- Các vị! Hắc! Vì sao lại…?
Từ Tử Lăng nói:
- Địch nhân của bọn ta quá nhiều, vì vậy mới cải trang thành người Thất Vi. Rốt cuộc có phải các ngươi xuất quan từ Sơn Hải Quan không?
Âu Lương Tài gật đầu nói:
- Đương nhiên phải qua Sơn Hải Quan, lại còn được đại long đầu Tắc Mạc bang tiếp đãi, nhưng không có ai đến cảnh báo chúng ta.
Ba người nghe vậy đưa mắt nhìn nhau. Đại long đầu Tắc Mạc bang chẳng phải là Kinh Kháng hay sao? Chẳng lẽ lão mới thực sự là kẻ khốn nạn?
La Ý than thở:
- Bọn ta dưới sự hộ tống của Đại Đạo xã, bình yên một mạch đến sông Tiểu Hoa ở phía nam Long Tuyền. Đúng lúc vừa thở phào nhẹ nhõm thì đột nhiên trại bị hàng trăm mã tặc bao vây, nhị đương gia Phùng Bạt đơn đả độc đấu với thủ lĩnh của bọn chúng, chưa đầy hai mươi chiêu đã thọ thương, bọn ta chỉ đành hiến ra tất cả mọi hàng hóa.
Âu Lương Tài cười khổ nói:
- Họa vô đơn chí, chúng tôi đến đây báo lại sự việc với Ngoại Mậu ty, hy vọng bọn họ có thể phái binh truy đuổi để lấy lại hàng hóa. Ngờ đâu bọn họ không những không thèm để ý đến, còn bức bách chúng tôi bồi thường vàng bạc gấp đôi, bắt những người chủ sự phải lưu lại đây, hết sức ngang ngược không biết tới đạo lý gì cả.
“Rầm!”
Khấu Trọng một chưởng đập lên mặt bàn, khiến người ngồi ở mấy bàn gần đó kinh hãi nhìn sang. Gã nổi giận nói:
- Căn bản là Bái Tử Đình phái người ăn cướp mà, hắn sao thèm để ý đến các ngươi chứ.
La Ý và Âu Lương Tài thất sắc nhìn nhau.
Từ Tử Lăng nói:
- May mà bọn chúng còn muốn đòi thêm vàng bạc, nếu không khẳng định các ngươi tính mạng khó giữ.
Bạt Phong Hàn kiên nhẫn đem sự tình giải thích với hai người một lượt, đoạn hỏi:
- Quản Bình bây giờ đang ở đâu?
La Ý đáp:
- Vẫn còn ở chung với chúng tôi! Hừ! Ta lại còn cho rằng hắn cũng bị hại nốt chứ.
Từ Tử Lăng lại hỏi:
- Hắn và Lý Công của Úy Thịnh Trường có quan hệ gì?
Âu Lương Tài nhíu mày đáp:
- Hắn là người giúp việc mà Úy Thịnh Trường mới mời vào làm, chuyên phụ trách việc làm ăn ở Tái Ngoại, được Lý gia rất tin tưởng. Hóa ra hắn là một tên lừa đảo. Nếu không phải vì hắn bỏ công sức chạy ngược chạy xuôi cho chuyến này, chúng tôi tuyệt không dễ dàng chấp nhận làm một chuyến buôn bán lớn như thế với Bái Tử Đình.
Lúc này thức ăn đã được dọn lên bàn.
Khấu Trọng sai tiểu nhị đem lại thêm hai bộ bát đũa, cười nói:
- Hai vị không cần phải phiền lòng, chuyện này cứ để ba huynh đệ bọn ta lo. Ăn no xong rồi trước tiên là kiếm Quản Bình tính sổ, sau đó tìm Bái Tử Đình trút giận.
----------------------------------
Tạm chú thích:
Đá Huyền Vũ: đá basalt, hay bazan.
“Lúa gạo thì gọi là lúa gạo, tại sao lại gọi là Hưởng Thủy, chẳng lẽ là bỏ vào nước thì phát ra âm thanh?”: hưởng tức là âm thanh cất lên.
Đạo Hương: Đạo ở đây có nghĩa là lúa, gạo, Hương còn có nghĩa là hương thơm, Đạo Hương có thể dịch thành Hương Lúa.
Sai quyền đấu tửu: trò chơi hai người đoán ngón tay của nhau, ai thua phải uống rượu.
Ngoại mậu ty: bộ phận (ty) quản lý việc buôn bán với bên ngoài.
* Ngọa tháp chi trắc chẩm dung tha nhân hàm thụy: Ý nói không để kẻ khác xâm phạm vào tầm ảnh hưởng của mình. (Lạc Việt từ điển)