Đại Đường Song Long Truyện
Chương 670 : Truy đuổi tới cùng
Ngày đăng: 13:20 19/04/20
Từ Tử Lăng và Hầu Hi Bạch ngồi trên một đỉnh núi ở bờ Bắc của Hoài Thủy, nhìn thấy lờ mờ một vùng sáng phía xa xa bên bờ đối diện, có lẽ là ánh đèn mới thắp lên vào lúc nhá nhem tối của một tòa thành trấn nào đó.
Hầu Hi Bạch vui vẻ nói:
- Nếu như ta đoán không sai thì thành trì ở bờ bên kia là quận Ba Đông. Thành này nằm đúng vị trí giao nhau của các con sông nên chúng ta có thể mua một chiếc thuyền đi tới thay vì cuốc bộ. Như thế cũng để cho Tử Lăng tĩnh tâm dưỡng thương, không phải làm nhọc đôi chân nữa.
Từ Tử Lăng nói đầy cảm thán:
- Hy vọng ở đó không phải nhìn thấy cảnh chiến tranh, không nghe thấy một tin tức gì liên quan đến chiến tranh là tốt nhất.
Hầu Hi Bạch trầm mặc, giọng nói lộ vẻ buồn bã:
- Mặc dù ta không ngừng nhắc nhở chính mình là đừng nghĩ tới Khấu Trọng và Thiếu Soái quân của gã nữa, nhưng chẳng thể làm được. Ài! Nếu Khấu Trọng không trốn thoát khỏi sự truy sát của Lý Thế Dân thì chúng ta phải làm thế nào đây?
Từ Tử Lăng sắc mặt vẫn không thay đổi, chuyển chủ đề sang một hướng khác:
- Có một nơi mà ta và Khấu Trọng luôn luôn muốn trở về, cũng là nơi cảm thấy sợ hãi nhất khi trở về.
Hầu Hi Bạch giật mình hỏi:
- Có phải nơi mẹ các ngươi an nghỉ không?
Từ Tử Lăng gật đầu đáp:
- Chính là tiểu cốc mỹ lệ đó, nơi mà ta và Khấu Trọng sẽ không bao giờ quên được. Nếu Khấu Trọng bại trận mà chết, ta sẽ gặp Lý Thế Dân lấy lại hài cốt của gã đem đến tiểu cốc an táng, sau đó sẽ dựng lều sống ở đó, không để ý đến những chuyện bên ngoài nữa.
Hầu Hi Bạch nhíu mày nói:
- Nghe giọng điệu của Tử Lăng dường như cũng sẽ chẳng lý đến Thanh Tuyền nữa à?
Từ Tử Lăng cười nhăn nhó:
- Đó là một chuyện khác! Nếu nàng sẵn sàng hạ mình chấp nhận thì chắc ta sẽ cảm kích đến sụt sùi nước mắt. Nhưng thực tế cho đến lúc này, có lẽ Thanh Tuyền vẫn vượt qua được cửa ải của chính mình, ta đối với nàng không nắm chắc được chút gì nên cũng không dám hy vọng những chuyện xa vời.
Hầu Hi Bạch nói:
- Ta đứng bên ngoài nên sáng suốt hơn người trong cuộc. Theo ta thấy Thanh Tuyền đã không thể kiềm chế lòng mình với ngươi, tình cảm đã rất sâu sắc, chỉ là ngươi không tin tưởng vào bản thân mà thôi!
Đoạn hắn lại than thở:
- Nguyên lai ngươi hoàn toàn không lạc quan với Khấu Trọng.
Từ Tử Lăng toét miệng cười:
- Ngược lại mới đúng! Khấu Trọng tuyệt sẽ không dễ dàng bị đánh gục như vậy. Mặc dù chỉ là cảm giác, nhưng ta dám khẳng định rằng cho đến lúc này gã vẫn còn sống. Nếu Khấu Trọng đã chết thì việc đầu tiên gã làm là đến báo mộng cho ta.
Hầu Hi Bạch tỏ ra phấn chấn trở lại, hắn gật đầu nói:
- Có lý đấy! Thời điểm vượt sông đến rồi. Sáng mai chúng ta sẽ khoan khoan khoái khoái tỉnh dậy tại một gian phòng hảo hạng của khách sạn hào hoa nhất trong thành, trước khi leo lên giường sẽ được cảm nhận hương vị tắm táp sạch sẽ thơm tho, lúc tỉnh giấc sẽ nghiên cứu xem nên thưởng thức điểm tâm ở quán nào.
Từ Tử Lăng bật cười:
- Đi thôi! Ta chỉ có thể nghĩ đến việc sớm ngồi thuyền rời xa nơi nguy hiểm rất có khả năng do quân Đường chiếm cứ này.
- Trước khi gặp gỡ Phi Huyên, phải chăng Hi Bạch huynh cũng đã sớm mệt mỏi với những tháng ngày phong hoa tuyết nguyệt?
Hầu Hi Bạch gượng cười đáp:
- Tử Lăng quả là hiểu hết được lòng ta. Ngươi đã thấy cung cách sinh hoạt của ta ở Thành Đô rồi đấy. Ài! Tình cảm đương nhiên là một loại gánh nặng, nhưng lý do thực sự khiến ta không thể chịu nổi chính là khi phát giác ra điểm không hoàn mỹ của cái đẹp.
Hắn lại trầm ngâm rồi nói tiếp:
- Thanh Tuyền là một thiếu nữ không hề thua kém Phi Huyên, tuy nhiên hai nàng lại có sự khác biệt cơ bản. Cho dù xuất hiện lúc nào và ở nơi đâu, Phi Huyên đều khiến người ta nảy sinh một cảm giác thoát tục. Thanh Tuyền thì lại khác, bất kể là con người hay tiếng tiêu nổi tiếng thiên hạ của nàng đều như sẵn sàng hòa thành một thể với đất trời, không gì có thể phân tách. Bọn họ đều là đại biểu cho thiền cảnh chí mỹ vượt qua họa bút của ta. Lần đầu tiên nhìn thấy Thanh Tuyền, ta hận không mang theo giấy mực bên cạnh để có thể khắc họa nét sống động của nàng lên Mỹ Nhân phiến, thế nhưng khi ta nghe được tiếng tiêu của nàng thì lại không cách nào nắm được mặt động lòng người nhất của nàng nữa. Đó thực sự là thứ cảm xúc không bút mực nào có thể tả được.
Từ Tử Lăng nhớ tới những khoảnh khắc rung động lòng người trong mỗi lần gặp gỡ Thạch Thanh Tuyền, quả thực nàng và cảnh vật luôn như hòa làm một, gã than thở:
- Nói hay lắm, ngươi đã một lời diễn đạt hết cảm giác mà ta không sao gọi tên được.
Hầu Hi Bạch vui vẻ nói:
- Tạm thời không thảo luận về cái đẹp nữa. Tình hình nội thương của ngươi thế nào rồi?
Từ Tử Lăng nhăn nhó cười trả lời:
- Nhờ Thiên Ma chân khí của Loan Loan giải trừ tà độc, ta đã có chuyển biến lớn. Bất quá để hồi phục hoàn toàn thì vẫn mờ mịt lắm, cũng có thể ta sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội tiến sâu vào võ đạo.
Hầu Hi Bạch nhíu mày hỏi:
- Thực sự nghiêm trọng như vậy sao?
Từ Tử Lăng đáp:
- Ma công độc địa tà ác của Dương Hư Ngạn thâm nhập đến tận căn nguyên của ta. Nhưng thực ra điều đó cũng chẳng phải quá tồi tệ, vận mệnh như thế nào thì cứ mặc nó tiến triển như thế thôi! Chúng ra đến tửu lâu nào đó dùng điểm tâm chứ?
Hầu Hi Bạch nói:
- Nổi tiếng nhất Ba Đông thành là Vọng Hoài lâu. Nơi đó nằm ở phía Bắc của thành, từ tầng ba cao nhất có thể nhìn ngắm cảnh đẹp của dòng Hoài Thủy ngoài thành.
Từ Tử Lăng tung chăn nhảy xuống giường, mỉm cười hỏi:
- Có tin tức gì về Khấu Trọng không?
Hầu Hi Bạch lắc đầu đáp:
- Chưa có tin gì hết! Chỉ biết quân Đường ở Tương Dương và vài thành phụ cận được điều động không ngừng, liên tục có chiến thuyền của thủy sư Đường thất đi qua Hoài Thủy. Chẳng rõ có phải Lý Thế Dân định động binh với Chung Ly hay không, tình thế vô cùng cấp bách.
Từ Tử Lăng đột nhiên dừng việc mặc quần áo, nét mặt lộ ra thần sắc khác lạ, miệng quát khẽ:
- Ra đi! Ta biết là Dương Hư Ngạn ngươi, mau ra đây!
Trong lòng Hầu Hi Bạch chấn động mãnh liệt, chuyện hắn lo sợ nhất rốt cuộc đã đến.
(
Chú giải:
* Triển Tử Kiền là họa sỹ đời Tùy, 581- 618, người ở Bột Hải, nay là huyện Dương Tín tỉnh Sơn Đông. Các bức họa nổi tiếng như “Pháp Hoa kinh biến” hay “Trường An xa mã nhân vật đồ” đều bị thất truyền, chỉ còn lại bản sao chép của bức “Du xuân đồ”.