Đại Tranh Chi Thế

Chương 4213 : Sứ giả Đông Di (Thượng Hạ)

Ngày đăng: 01:20 20/04/20


Vùng đất Hoài Di, Di Hổ, người Đông Di cai quản phần lớn cương thổ, số người Đông Di sống trên vùng đất này không có tổ chức thành bộ máy nhà nước chặt chẽ, do họ và người Sở là đồng tộc từ thời Tam hoàng Ngũ đế, dây mơ rễ má thâm sâu, lại dùng “Phụng” làm biểu tượng, do đó các bộ lạc Đông Di lớn nhỏ từ lâu đã giao hảo thân cận với Sở quốc.



Nhưng gần đây Sở quốc tự lo thân mình còn chưa xong, đã mất đi quyền kiểm soát khu vực này, Ngô vương Hạp Lư từng phái sứ giả đi Tề mật bàn với Tề phân chia vùng đất này, tin tức bị lộ ra ngoài, các bộ lạc Đông Di bắt đầu huấn luyện binh mã, chuẩn bị tử chiến một phen để giữ mảnh đất dung thân cuối cùng của mình. Dưới tình hình Tề quốc hùng mạnh sắp xâm chiếm, các bộ lạc liên minh hợp sức với nhau, tổ chức các bộ lạc vốn chia rẽ nay vì đối kháng ngoại xâm dần dần manh nha phát triển nên một quốc gia hoàn chỉnh.



Khánh Kỵ cũng có chú ý đến sự phát triển của các bộ lạc Đông Di, nhất là lần này Yểm Dư đến Lỗ và Đông Di mượn quân quấy nhiễu Phù Khái, người Đông Di ra sức ủng hộ, trong đó nữ vương Đông Di góp tiếng nói quan trọng trong việc này, có thể xem như một thủ lĩnh tương đối hảo hữu với Khánh Kỵ. Khánh Kỵ từng hỏi Yểm Dư biết được đôi chút về vị nữ vương này, các bộ lạc Đông Di thấy đại địch trước mắt, vội liên minh chống ngoại xâm, lúc đó một cô gái đột nhiên đứng ra, nàng bỏ nhiều tiền của tiếp tế dân chúng, chiêu binh mãi mã, huấn luyện quân đội, chỉ trong thời gian ngắn, lấy cơ sở từ hai bộ lạc lớn Phong thị, Doanh thị phát triển, đã đoàn kết mấy mươi bộ lạc nhỏ khác đầu quân dưới trướng nàng ta.



Cô gái này tự xưng là hậu nhân đích truyền của Đông Di Thiếu Hạo đế Doanh Chất, dựa vào vị trí tối thượng của Thiếu Hạo đế trong lòng người Đông Di, cộng với mưu lược tài trí, thủ đoạn chính trị của nàng, nhanh chóng khiến các dũng sĩ bộ lạc vốn thuần hậu, dũng mãnh trở thành thần dân trung thành của nàng, từ đó vị thế đứng cao hơn cả các tộc trưởng bộ lạc, xưng là nữ vương Đông Di.



“Mau mời vào đây!” Khánh Kỵ sửa soạn áo bào chỉnh tề đứng lên, trong lòng nghĩ thầm: “Sứ giả Đông Di vượt sông đến đây, theo lẽ phải đi ngang Kiền Toại, họ lại không bị Phù Khái chặn bắt, nghĩ chắc là biết rõ tình hình Ngô quốc, nên mới đi đường vòng tránh chỗ nguy hiểm. Một liên minh các bộ lạc xưa nay chỉ biết đánh cá săn bắn, có thể hiểu rõ Ngô quốc ta như lòng bàn tay, vị nữ vương này quả nhiên không hề đơn giản.”



Khánh Kỵ chỉnh trang y phục, ngồi trong lều chờ đợi, một lát sau, Anh Đào dẫn theo tám sứ giả bốn nam bốn nữ vào trong đại doanh trung quân, kiểu dáng quần áo của tám người này giống với nữ nhân Đông Di khi Khánh Kỵ đại chiến với Triển Chích tại Lỗ từng được thấy, bốn cô thiếu nữ mặc áo hở vai và váy ngắn, dưới váy để lộ bắp đùi rắn chắc, dung mạo tuy không xinh xắn lắm, nhưng lại mang sức sống tràn trề của tuổi thanh xuân, bốn nam tử kiểu áo y chang, chỉ là cánh tay và đùi của họ màu đồng đen, càng thêm vạm vỡ rắn chắc.



Điều khác biệt là vải áo của họ tuy thô kệch nhưng rõ ràng nó thuộc trang phục truyền thống lễ nghi chính thức nào đó, trên áo có thêu các biểu tượng phụng hoàng, mặt trời sặc sỡ, nam tử đội mũ lông vũ đủ màu, nữ nhân thắt hai bím tóc dài sau lưng, trên đầu đeo vòng hoa có ít lông vũ trang trí làm trang sức, nam thì cương dương, nữ thì kiện mỹ, cách ăn mặc đúng là khác biệt so với lê dân bá tánh khắp thiên hạ của nhà Chu.



Ngang hông họ có đeo dao găm nhỏ, trên vai khoác một cây cung, sau lưng có một vò tên. Đông Di, trong tiếng cổ ngữ có nghĩa là “Đông phương cung tiễn thủ”, người Đông Di bất kể già trẻ lớn bé, ai ai cũng giỏi bắn cung, thần tiễn thủ nổi tiếng khắp thiên hạ lúc bấy giờ là Hậu Nghệ, chính là thủ lĩnh một bộ lạc của Đông Di.



“Đây là điện hạ của ta.” Anh Đào bước lên giới thiệu.



Đôi mắt to tròn, đen láy của một thiếu nữ Đông Di mở to ra nhìn vào Khánh Kỵ, bước tới hai bước, vái chào hành lễ: “Tám sứ giả Huyền Điểu, Đan Ô … dưới trướng nữ vương Đông Di Doanh Thiền Nhi bái kiến Ngô quốc Khánh Kỵ đại vương.”



Khánh Kỵ ha hả cười to, xua tay nói: “Các vị sứ giả không cần đa lễ, mời ngồi, mời ngồi, các vị cứ gọi ta là điện hạ là được rồi, Khánh Kỵ vẫn chưa đăng cơ, không dám xưng đại vương.”



Cô thiếu nữ tên Huyền Điểu chớp chớp mắt, nói: “Chẳng phải một hai ngày nữa là xưng vương sao? Sớm hơn hay trễ hơn một hai ngày có gì khác biệt? Hôm nay gọi điện hạ, mai gọi đại vương, sửa tới sửa lui cũng không khỏi phiền phức.”




Yểm Dư phấn khích: “Hay lắm! Sao lại không đồng ý? Người Đông Di có lãnh thổ rộng lớn, tuy vùng đất của họ có hơi nghèo nàn, người Đông Di chỉ sống bằng săn bắn đánh cá, ít trồng trọt cày cấy, làm công vụ thương lái, có thu thuế má cũng không được bao nhiêu, nhưng người Đông Di xưa nay luôn tự cung tự cấp, cũng sẽ không gây cho ta thêm gánh nặng gì, một khi Đông Di làm thuộc địa của ta, về mặt quân sự, ngoại giao tất cả đều nằm trong tay Ngô quốc, còn dễ dàng quản lí hơn một vùng đất phong cho công khanh đại thần, lại nâng cao uy danh của Ngô quốc trong các nước chư hầu, đây là việc có lợi lớn nên làm.”



Tôn Vũ cũng nói: “Người Đông Di tuy hoang dã, nhưng lãnh thổ của họ rộng gấp bội Ngô quốc ta, miếng thịt này ta không ăn, sớm muộn cũng bị người khác nuốt vào miệng, bây giờ người Đông Di chủ động tìm đến, đâu có lý do gì phải từ chối? Hơn nữa người Đông Di tuy lạc hậu nhưng cũng vì Chu thất cố tình tạo ra cục diện này, chứ không phải vùng đất của họ nghèo nàn, con dân dốt nát.



Năm xưa khi quân của Hoàng đế lấy gậy gỗ làm vũ khí, người Đông Di đã biết thuật luyện kim, tạo ra vật dụng bằng đồng. Sau Chu thiên tử, người đầu tiên dám xưng vương không phải là Sở vương Tử Hùng, mà là Từ vương Đông Di, khi đó người Đông Di lập ra nước Từ quản hạch lưu vực Hoài Thủy, Tứ Thủy, Từ vương có đạo trị nước, nhân nghĩa vang danh thiên hạ, quốc gia cường thịnh, các nước thần phục xung quanh hơn ba mươi, mới dám thách thức trực diện với Chu thiên tử, hoàng thành của Từ được xây hùng vĩ hơn cả của Chu thiên tử. Chỉ là khi đó khí số Chu thất đang lên, phát động toàn thiên hạ khởi binh diệt trừ Từ quốc, từ đó không thèm cai trị bỏ mặc người Đông Di, trải qua mấy trăm năm bị tách biệt với văn minh nên người Đông Di mới thế, chỉ cần Ngô quốc ta quan tâm dạy dỗ, không mất nhiều thời gian sau Đông Di sẽ trở thành cơ sở vững mạnh của Ngô, giờ Đông Di chủ động nhờ cậy, điện hạ không thể lỡ mất dịp may này.”



Khánh Kỵ gật gù: “Các tướng nghĩ vậy cũng đúng với ý định của ta.”



Chúc Dung vốn cũng cảm thấy đây là dịp tốt trời ban, nhưng nghe Khánh Kỵ nói vậy thấy anh ách trong lòng, bèn lên tiếng phản đối: “Tiếp nhận Đông Di, chúng ta phải gánh chịu sức ép từ người Tề, giờ đây Ngô quốc nội chiến liên miên, giang sơn chưa ổn định, Tề quốc hùng mạnh chúng ta có chống lại nổi không? Hơn nữa các bộ lạc Đông Di xưa nay luôn giao hảo với Sở, chúng ta mà xen vào tiếp quản, lại kết oán với người Sở.



Chà! Nên nói là oán cũ chưa xong, lại kết thêm thù mới. Ngô quốc ta phạt Sở, giết người cướp bóc vô số, dân Sở không phải ai cũng phân biệt rõ chúng ta và Cơ Quang đâu, Cơ Quang lúc đánh vào Dĩnh Đô cướp hết của cải trong hoàng cung, nay đang chất đầy Cô Tô, chúng ta phục quốc xong cũng cần dùng số của cải này xây dựng lại quốc gia, sứ giả Tần quốc hôm qua nhắc nhở khi phá thành chúng ta nên trả lại cho Sở số của cải này, lúc đó nên trả hay không trả? Nếu không trả, người Sở tức giận, ta tiếp nhận Đông Di càng gây thù chuốc oán với họ, Sở xua quân đến đánh, vậy chẳng phải chúng ta cùng lúc chống với bốn cường quốc Tần Sở Tấn Tề sao?”



Tôn Vũ ung dung: “Tề quốc tuy mạnh, nhưng lại ở xa, nếu xua quân viễn chinh, hao tổn chắc lớn, hơn nữa hai phái Điền, Yến, năm họ tộc quyền cao chức trọng ở Tề khó đạt được đồng thuận ý kiến, nên tạm thời không đáng lo. Còn việc Đông Di đến nương nhờ ta ủng hộ lập quốc, đó là ý nguyện của người Đông Di, đâu phải chúng ta dùng vũ lực chiếm giữ, người Sở muốn trách cũng không được. Còn nói đến số của cải Cơ Quang cướp về từ Dĩnh Đô, chuyện đó càng dễ dàng hơn…”



Tôn Vũ hít một hơi dài, nói giọng bình thản: “Sau này công phá Cô Tô thành, ta chọn ra mấy căn nhà trong hoàng thành đốt trụi, cứ nói là trong lúc chiến loạn Phù Sai đã đốt lửa thiêu hết số của cải. Người Sở hiện đang lo lắng Tam Miêu phía Nam, phía Bắc phải chống trả với Tấn, phía Đông các nước phụ thuộc đang manh nha phản loạn, họ tự lo thân mình đã vất vả, nếu không có chứng cứ xác thực, lại có lý do giải thích hợp lý, Sở đâu dám xua quân đánh ta.”



Khánh Kỵ nhìn trưng trưng vào vị Binh thánh Tôn Vũ được sử sách miêu tả từ tài năng quân sự đến đối nhân xử thế đều hoàn hảo này, không dám tin vào mắt mình.



Tôn Vũ cười khoái trá, quay sang Khánh Kỵ: “Điện hạ thấy thế nào?”



Khánh Kỵ mỉm cười: “Ý ta cũng như ý Tôn tướng quân đây!”