Đạo Mộ Bút Ký
Chương 12 : 50 năm sau
Ngày đăng: 13:29 19/04/20
Năm mươi năm sau, tòa nhà Tây Linh đường Hà Phường, Hàng Châu, suy nghĩ của tôi bị một lão già cắt đứt. Tôi khép lại bút ký của ông nội, quan sát đối phương.
“Chỗ cậu có nhận bản dập(1) không?” Gã hỏi tôi, bộ dạng cổ quái, dường như có ý đồ gì đặc biệt mới đến.
Tôi cũng không quan tâm đến việc buôn bán hiện giờ. Phần lớn giao dịch trong chợ đồ cổ đều tiến hành lén lút cả, mua bán công khai thì chỉ toàn những thứ lặt vặt, không kiếm được bao nhiêu tiền, vì vậy liền đáp lấy lệ: “Nhận, nhưng giá không cao.” Ý là, lão không có đồ tốt thì mau cút, đừng làm phiền đại gia đọc sách.
“Ha, vậy cậu có thể giới thiệu một chút về những món đồ ở đây không?” Tên kia hỏi, bộ dạng nhàn nhã như đi dạo siêu thị.
Tôi có chút sốt ruột, làm nghề này muốn khai trương phải mất ba năm, thường ngày nhàn rỗi quen rồi, ghét nhất phải hầu hạ mấy vị khách kiến thức nửa vời. Mấy thứ đồ cổ này, mỗi cái đều mang theo một câu chuyện riêng, nếu phải kể lần lượt ra thì nói cả ngày vẫn chưa hết. Nếu vị khách nào cũng tới đây bảo bọn tôi giới thiệu thì thà dẹp tiệm mà mở quán trà luôn đi cho xong.
Tôi xua tay, nói ở đây không phụ trách giới thiệu, bên cạnh còn có nhiều hàng, mời qua đó xem.
Người nọ lại lấm lét liếc nhìn tôi, vẫn không chịu đi, lại hỏi: “Vậy cho tôi hỏi thăm một chút, ở đây có bản dập của sách lụa thời Chiến quốc không? Chính là quyển mà năm mươi năm trước mấy tên thổ phu tử trộm ra ở Trường Sa, lại bị người Mỹ lừa đoạt mất?”
“Chính anh cũng nói đã bị người Mỹ đoạt mất, lấy đâu ra nữa.” Tôi vừa nghe liền nổi nóng. “Muốn tìm bản dập đương nhiên phải tìm trên thị trường, đâu ra chuyện chỉ tìm ở một cửa hàng, làm sao tìm ra nổi?”
Gã hạ giọng: “Chẳng giấu gì cậu, tôi được lão Dương giới thiệu tới đây. Lão Dương nói cậu nhất định có cách.”
Tôi vừa nghe thấy cái tên lão Dương này, trong lòng kinh ngạc. Lão Dương không phải năm ngoái vừa bị bắt sao, sao lại, chẳng lẽ khai tôi ra rồi sao? Vậy cái người trước mặt này không phải công an chứ, tôi bỗng có chút hoảng loạn, nói cũng không nên lời: “Lão… lão Dương nào chứ, tôi không quen.”
“Tôi hiểu tôi hiểu,” Gã cười ha ha, lấy ra một cái đồng hồ đeo tay từ trong ngực, “Cậu xem, lão Dương nói cậu nhìn thấy cái này sẽ hiểu.”
Chiếc đồng hồ đó là do mối tình đầu của lão Dương đưa cho lão khi còn ở Đông Bắc. Lão coi cái đồng hồ này như tính mệnh, uống say còn hay lấy nó ra vừa nhìn vừa kêu “Quyên a, Lệ a”, tôi hỏi lão con mẹ nó rốt cuộc lão muốn kêu cái gì, lão nghĩ nghĩ nửa ngày, rồi bỗng òa khóc, nói con mẹ nó ta quên rồi. Nếu lão Dương đã đưa chiếc đồng hồ cho người này, nhất định gã cũng phải có chút địa vị.
Nhưng tôi nhìn sao cũng chỉ thấy gương mặt người này có vẻ gì đó xấu xa, không giống loại người đứng đắn, nhưng người do lão Dương giới thiệu, tôi cũng nên nể mặt một chút. Huống chi người ta đã tìm đến cửa, nếu nói cũng không để gã nói hết, không chừng sẽ gây thù chuốc oán.
Tôi suy nghĩ một chút, quyết định vẫn nên nói thẳng thì hơn, liền khoát tay: “Anh này, vậy coi như anh là bạn của lão Dương, tìm tôi có chuyện gì?”
Gã nhe răng cười, lộ ra một cái răng vàng to tướng. “Tôi có một anh bạn mang một ít đồ từ Sơn Tây về, muốn nhờ cậu xem hộ, liệu có phải là đồ thật không.”
Tôi vừa nghe qua, đại khái cũng hiểu một chút. Cái tên điểu nhân (chết tiệt) này không phải là trộm mộ sao, chắc là tha ra được đồ gì tốt tốt mà chưa thấy bao giờ, muốn tìm người định giá. Con mẹ nó đúng là trong rừng loại chim nào cũng có, tên này lại còn dám xông vào cửa hàng đồ cổ chính quy.
Tôi lập tức hạ quyết tâm, đóng xong cửa hàng, lái xe tải nhỏ đến thẳng chỗ chú Ba. Chỗ chú có hàng mới là thể nào cũng đã đông như trảy hội, nếu đến muộn một chút, không chừng chẳng còn thứ gì. Trong lúc sốt ruột, bất giác lại ấn ga nhiều hơn vài cái, kết quả bị một tên cảnh sát giao thông ở ngã tư cản lại, lằng nhằng nửa ngày, một tiếng sau xe mới đến được nhà chú. Tôi vừa xuống xe, đã nghe chú gọi từ trên lầu xuống:“Thằng nhóc thối tha kia, bảo mày nhanh lên, con mẹ nó mày còn dây dưa tận nửa ngày, giờ mới tới để làm cái rắm gì!”
Trong lòng tôi vốn đã chán nản, vừa nghe chú nói, liền biết đồ chắc chắn đã được bán rồi, đáp lại một tiếng:“Không phải chứ chú Ba, đồ tốt cũng phải dành cháu với chứ, chú bán cũng nhanh quá đấy.”
“Con mẹ nó mày còn biết là đồ tốt, đã thế còn không nhanh chân lên, người đầu tiên ông báo tin cho là mày đó!”
Tôi ai một tiếng, cũng không buồn giải thích nữa. Lúc này một thanh niên còn khá trẻ bước ra từ cửa chính nhà chú, trên lưng đeo một cái hộp gỗ thật dài, bên ngoài dùng vải cuốn kín mít, chỉ lộ ra một cái đỉnh. Tôi biết đó là hộp kiếm, dùng để đặt bảo đao bảo kiếm gì đó. Chỉ riêng cái hộp này cũng đáng giá rồi, nếu bên trọng còn có kiếm, nhất định là giá trên trời.
Tôi đoán đó chính là Long Tích Bối, đưa tay chỉ chỉ món đồ trên lưng thanh niên kia. Chú Ba gật gật đầu, có vẻ bất đắc dĩ.
Tôi mất hứng, tính đường quay về thì chú Ba lại bảo tôi chờ một chút, nói trên lầu còn có nhiều người đang xem đồ trong bảo khố của chú, muốn tôi giúp đếm tiền. Tôi nghĩ tối nay mình cũng không có việc gì, liền theo lên góp vui.
Làm xong mọi chuyện, lại uống thêm nửa chén rượu ngũ lương, vừa cùng chú uống, vừa kể lại chuyện gã răng vàng tới chỗ tôi dò hỏi hôm nay. Tôi chỉ định kể cho vui, không ngờ chú vừa nghe, liền hừ một tiếng:“Răng vàng tới từ Bắc Kinh, hừ hừ, đây thực sự là nhảy cầu tự sát mà không phải chết vì sông — là đụng vào cầu mà chết a.”
Tôi nghe thế, đoán chừng chú Ba cũng biết họ, liền hỏi là chuyện gì. Chú Ba đáp dạo này chú nghe nói mới xuất hiện một đám trộm rất hung hăng ngạo mạn, có một tên Bắc Kinh răng vàng chuyên phụ trách thủ tiêu hàng cho bọn chúng. Gần đây hình như chúng đào được một bảo huyệt ở Sơn Tây, xem ra cũng vớ được không ít bảo bối.
Tôi thoáng nghĩ quyển sách lụa đó có thể trộm được từ ngôi mộ ở Sơn Tây, mới lôi máy ảnh kĩ thuật số có cái dấu kia ra cho chú xem. Mặt chú Ba vốn đỏ bừng, có lẽ đã gần say, nhưng vừa nhìn quyển sách kia, sắc mặt đột nhiên biến đổi.
“Sao thế?” Tôi hỏi, “Thứ này có gì kì quặc sao?”
Chú nhíu mày, nói. “Bảo thằng nhóc mi bình thường theo ta học hỏi nhiều vào, mi không thèm nghe. Thứ này người sáng suốt vừa nhìn đã nhận ra, nó là một bản đồ.”
—————————————————-
(1) Bản dập: Đại loại nó là bản sao bằng giấy của những văn tự, họa tiết trên chất liệu cứng như đá, kim loại, chủ yếu phục vụ cho mục đích nghiên cứu (không phải bản khắc gỗ để in lên giấy đâu)
(2) Tầm long điểm huyệt: một thuật ngữ trong phong thủy. Tầm long = xem địa thế núi, điểm huyệt = chọn vị trí mộ.
(3) Đổ đấu: tiếng lóng chỉ việc trộm mộ của Bắc phái. Thuật ngữ này xuất phát từ tiểu thuyết “Ma thổi đèn”.