[Dịch] Đất Vỡ Hoang
Chương 2 : Chương 2
Ngày đăng: 18:10 24/08/19
Bí thư huyện uỷ, đôi mắt thong manh, dáng điệu uể oải, ngồi vào bàn, liếc nhìn Đavưđốp một cái, rồi nheo nheo đôi mắt hum húp, bắt đầu xem giấy tờ của anh.
Bên ngoài cửa sổ, gió rít trên những sợi dây thép điện thoại. Trên lưng con ngựa cột vào hàng rào, một con chim ác là nhảy nhót nhởn nhơ và mổ mổ cái gì đó. Gió thổi xoè lông đuôi, bắt nó vỗ cánh bay lên, nhưng rồi nó lại đậu xuống lưng con nghẽo mệt mỏi lụ khụ đang thờ ơ với mọi sự, và nó đắc thắng đưa đôi mắt bé tí hau háu nhìn quanh. Bên trên trang ấp từng mảng mây tơi tả tà tà bay lượn. Thỉnh thoảng ánh nắng xuyên qua khoảng quang đổ xuống chênh chếch, một mảng trời xanh như trời hè bừng lên, và lúc đó khuỷu sông Đông nhìn thấy qua cửa sổ, cánh rừng bên kia sông và ngọn đèo xa xa với chiếc cối xay gió nhỏ xíu phía chân trời nom đúng là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
- Thế ra cậu ốm nên phải nghỉ lại ở Rôxtốp à? Vậy đấy… Số tám anh em khác trong đoàn hai vạn rưỡi [1] đã tới đây ba hôm nay rồi. Có tổ chức mít tinh. Đại biểu các nông trang đã đón tiếp anh em. - Đồng chí bí thư trầm ngâm, trệu trạo đôi môi. - Tình hình ở ta lúc này vô cùng phức tạp. Toàn huyện mới tập thể hoá được 14,8%. Và phần lớn mới chỉ là tập đoàn sản xuất. Bọn kulắc và nhà giầu còn dây dưa không chịu nộp thóc nghĩa vụ. Đang cần cán bộ. Cần ghêêê lắm! Các nông trang xin bốn mươi ba công nhân, nhưng cử về chỉ được có chín người các cậu.
Và dưới đôi mi tùm hụp, hai con mắt giờ đây nom khác hẳn soi mói nhìn thẳng vào con ngươi Đavưđốp hồi lâu, như muốn đánh giá xem anh chàng này có thể làm được trò trống gì.
- Vậy là anh bạn đồng chí thân mến làm thợ tiện à? Tôôốt lắm! Cậu làm ở nhà máy Puchilốp đã lâu chưa? Hút đi.
- Làm từ sau ngày giải ngũ. Chín năm rồi. - Đavưđốp với tay lấy điếu thuốc lá, và đồng chí bí thư nhìn thấy trên tay Đavưđốp một hình xăm xanh xanh, khẽ nhếch đôi môi trề, mỉm cười.
- "Vinh dự và tự hào của chúng ta" [2]. Hải quân hả?
- Vâng.
- Thảo nào thấy tay trổ cái neo..
- Hồi ấy tôi còn trẻ, đồng chí biết đấy…lính mới tò te và hơi quỷnh, thế là đè luôn ra xăm…- Đavưđốp tự ái kéo tay áo xuống, nghĩ bụng: "Cha này cái vớ vẩn đâu đâu thì nhìn tinh thế. Còn chuyện thóc nghĩa vụ thì lại gà mờ!".
Đồng chí bí thư lặng thinh một lát, rồi xoá đi ngay trên khuôn mặt húp híp ốm yếu nụ cười xã giao vô nghĩa của mình.
- Đồng chí ạ, đồng chí sẽ xuống trang ấp ngay hôm nay với danh nghĩa đặc phái viên của huyện uỷ tiến hành tập thể hoá toàn diện. Cậu đã đọc chỉ thị mới đây của khu uỷ chưa? Đọc rồi hả? Thế này nhá, cậu sẽ về ấp Grêmiatsi Lốc. Nghỉ ngơi thì để sau, bây giờ đang gấp. Chú ý: tập thể hoá trăm phần trăm. Ở đấy có cái tập đoàn sản xuất bé bằng lỗ mũi, nhưng chúng ta phải dựng nên những nông trang tập thể khổng lồ. Chúng tôi tổ chức xong đội tuyên truyền sẽ cử ngay xuống chỗ các cậu. Trong khi chờ đợi, cậu cứ xuống đi và trên cơ sở khéo thít bọn kulắc lại, cậu hãy tổ chức ra một nông trang tập thể. Trung bần nông phải đưa vào nông trang hết. Rồi các cậu tổ chức một kho thóc công để giống cho toàn bộ diện tích của nông trang gieo trồng trong năm1930. Hành động phải thận trọng. Trung nông thì chớ có chạm đến! Chi bộ Grêmiatsi Lốc có ba đảng viên. Bí thư chi bộ và chủ tịch Xôviết là những anh em tốt cả, du kích đỏ ngày xưa đấy. - Và lại trệu trạo đôi môi, anh nói tiếp: - Kết quả thế nào thì cũng từ đó mà ra cả. Hiểu chưa? Anh em trình độ chính trị thấp, có thể vấp váp. Trường hợp gặp khó khăn gì, cậu cứ lên huyện. Chà, chưa có điện thoại, chán quá! À, còn cái này nữa: cậu bí thư chi bộ ở đấy có Huân chương Cờ đỏ, hơi thô bạo một chút, người độc gai với ngạnh cả, và.. gai sắc đấy.
Bí thư gõ gõ ngón tay vào cái khoá cặp da và thấy Đavưđốp đứng dậy, vội cao giọng nói:
- Khoan, còn việc này nữa: hàng ngày cho giao thông hoả tốc phóng ngựa mang báo cáo lên tôi. Thúc các cậu ở đấy tợn vào. Cậu sang gặp ngay đồng chí trưởng ban tổ chức, rồi đi đi. Để tôi bảo anh em cho ngựa của huyện đưa cậu đi. Thế nhá, cố đạt cho được 100% tập thể hoá. Chúng tôi sẽ đánh giá công tác của cậu theo con số phần trăm ấy. Chúng ta sẽ thành lập một nông trang khổng lồ gồm mười tám Xôviết thôn trang. Một nông trang tập thể kiểu Puchilốp đỏ… Chứ chẳng xoàng đâu! - Và anh mỉm cười, thú vị với câu ví von của mình.
Đavưđốp hỏi:
- Đồng chí vừa bảo tôi phải khéo với bọn kulắc. Nên hiểu là thế nào?
- Là thế này, - đồng chí bí thư mỉm một nụ cười kẻ cả, - có loại kulắc nộp đủ thóc nghĩa vụ, và có loại bướng bỉnh không chịu nộp. Với loại thứ hai thì vấn đề rõ rồi: cứ điều 107 là xong. Nhưng với loại trên thì phức tạp hơn. Như cậu chẳng hạn, cậu sẽ xử sự với bọn ấy như thế nào?
Đavưđốp ngẫm nghĩ một lát…
- Như tôi thì tôi sẽ bắt chúng nó nộp thêm.
- Hay nhỉ! Không, đồng chí ạ, thế thì không ổn rồi. Kiểu làm ăn thế có thể làm mất hết lòng tin vào chủ trương biện pháp của ta. Trung nông sẽ bảo sao? Họ sẽ bảo:"Đó, Chính quyền Xôviết là thế đó! Nó xoay nông dân như chong chóng". Lênin đã dạy chúng ta phải thực sự nghiên cứu tâm lý nông dân, thế mà cậu lại nói chuyện "nộp thêm". Anh bạn ơi, thế là bậy đấy.
Đavưđốp đỏ mặt lên:
- Sao lại bậy? Vậy thì, theo đồng chí, Xtalin… cũng sai chăng?
- Chẳng dính dáng gì đến Xtalin.
- Tôi có đọc một bài diễn văn của Xtalin nói tại một hội nghị các nhà Mácxít, các nhà..gì nhỉ!..Chậc, các nhà làm công tác ruộng đất ấy mà…, gọi là gì nhỉ, quái! À, các nhà nghiên cứu ruộng đất thì phải!
- Các nhà nông học phải không?
- Đúng rồi!
- Thì làm sao?
- Đồng chí cho lấy tờ báo "Sự thật" có đăng bài ấy ra đây.
Trưởng ban văn thư mang tờ "Sự thật" đến. Đavưđốp hăm hở lật tìm.
Đồng chí bí thư mỉm cười chờ đợi, mắt nhìn thẳng vào mặt anh.
- Đây. Thế này là thế nào?..."Chúng ta không thể đánh đổ được tầng lớp kulắc chừng nào mà chúng ta còn chủ trương chỉ hạn chế nó…" Và đoạn dưới đây nữa.., đây: "Nhưng bây giờ? Bây giờ thì khác rồi. Bây giờ chúng ta đã có khả năng mở một cuộc tấn công quyết định vào bọn kulắc, đập tan sự phản kháng của chúng, thanh toán chúng về mặt giai cấp…" Về mặt giai cấp, đồng chí hiểu chưa? Vậy thì tại sao lại không thể bắt chúng nộp thêm? Tại sao không thể hoàn toàn đè bẹp chúng?
Đồng chí bí thư xoá nụ cười trên mặt, lấy vẻ nghiêm trang:
- Đoạn dưới nữa có nói rằng quần chúng trung bần nông đang đánh đổ bọn kulắc bằng cách tham gia nông trang tập thể. Đúng thế không nào? Đọc tiếp đi.
- E..hèm!..
- E hèm cái gì! - Đồng chí bí thư phát bực lên giọng bắt đầu run run. - Còn cậu thì chủ trương thế nào? Dùng biện pháp hành chính đối với mọi tên kulắc, không phân biệt. Mà làm như thế ở một nơi mới tập thể hoá được 14%, ở một nơi trung nông mới đang ngấp nghé vào tập thể thôi. Làm kiểu ấy có ngày chết sớm. Các cậu về địa phương mà chẳng hiểu gì về tình hình địa phương cả…- Đồng chí bí thư nén cơn bực lại, nói tiếp, giọng đã dịu đi: - Với quan điểm như vậy thì cậu sẽ làm khối chuyện bậy bạ.
- Chuyện đó thì chưa biết chừng…
- Nhất định là thế rồi! Nếu một biện pháp như thế là cần thiết và đúng lúc thì khu uỷ ắt đã lệnh thẳng thừng cho ta: "Tiêu diệt bọn kulắc!..." Vậy thì xin mời! Một, hai! Thế là xong. Có công an và toàn bộ bộ máy trong tay đấy… Nhưng lúc này chúng ta mới làm một phần là thông qua toà án nhân dân, chiểu theo điều 107 trừng phạt về mặt kinh tế những tên kulắc tàng trữ lúa mì thôi.
- Vậy là, theo đồng chí, bần cố trung nông phản đối việc đánh đổ bọn kulắc hay sao? Họ ủng hộ bọn kulắc hay sao? Và có nên lãnh đạo họ đánh đổ bọn kulắc hay không?
Đồng chí bí thư rập mạnh cái khoá cặp, nói bằng một giọng khô khốc:
- Đồng chí muốn hiểu lời lãnh tụ như thế nào thì tuỳ, nhưng chịu trách nhiệm về công việc trong huyện là Thường vụ huyện uỷ,cá nhân tôi. Chúng tôi cử đồng chí về đâu thì đồng chí hãy chịu khó chấp hành đúng chủ trương của chúng tôi, chứ không phải làm theo ý đồng chí. Xin lỗi đồng chí, tôi không có thời giờ ngồi tranh luận với đồng chí. Tôi còn nhiều việc bận.
Và đồng chí bí thư đứng dậy.
Máu lại bốc lên mặt Đavưđốp đỏ bừng, nhưng anh trấn tĩnh lại, nói:
- Tôi sẽ chấp hành đường lối của Đảng, còn với đồng chí thì tôi xin nói thẳng, theo tác phong công nhân: chủ trương của đồng chí sai rồi, sai về mặt chính trị, thực tế thế!
- Tôi chịu trách nhiệm về đường lối đó.. Còn cái "tác phong công nhân" của đồng chí thì nó cũ rích, như…
Chuông điện thoại reo. Đồng chí bí thư vớ lấy ống nghe. Người bắt đầu kéo đầy vào phòng. Đavưđốp đi tìm trưởng ban tổ chức.
"Cha này hữu khuynh rồi…Thực tế thế!- Ở huyện uỷ đi ra, anh nghĩ bụng. - Mình sẽ đọc lại toàn văn bài nói chuyện ở hội nghị các nhà nông học. Chẳng lẽ mình lại nhầm? Không, xin lỗi ông, ông anh ơi! Ông cứ mềm mỏng thế là ông buông lỏng bọn kulắc rồi. Đó, ở khu uỷ người ta bảo ông là "một tay năng nổ", vậy mà bọn kulắc vẫn có những đứa dây dưa thóc nghĩa vụ. Xiết chặt là một chuyện, còn đào tận gốc trốc tận rễ, như đào cỏ dại, lại là chuyện khác. Tại sao lại không lãnh đạo quần chúng, hả ông?" - Đavưđốp cứ tranh luận thầm với đồng chí bí thư như thế. Xưa nay vẫn vậy, cứ xong xuôi đâu đấy rồi thì anh mới nảy ra những lý lẽ cứng nhất. Còn lúc ở huyện uỷ, anh đã nóng nảy, hấp tấp, vớ đâu nói đó. Đáng lẽ nên bình tĩnh hơn mới phải. Anh đi, lội bì bõm trong những vũng nước đóng băng, chân đá phải những đống phân bò đã rắn cứng rải rác trên bãi chợ.
- Đáng tiếc là chấm dứt tranh luận sớm quá, nếu không tôi sẽ dồn cho ông anh một trận. - Đavưđốp lẩm bẩm thành tiếng như vậy, rồi hậm hực nín bặt vì thấy một bà đi ngược lại sát bên anh cười tủm tỉm.
° ° °
Đavưđốp chạy tới Trụ sở kô dắc và nông dân để lấy chiếc vali nhỏ. Khi nhớ ra rằng ngoài hai bộ quần áo lót thay đổi, mấy đôi bít tất và một bộ vét tông ra thì toàn bộ hành lý của anh là mấy cái tua- vít, kìm, giũa, thước quay, thước vuông, lắc lê Thuỵ Điển và vài dụng cụ linh tinh khác vớ ở Lêningrát mang đi, anh mỉm cười: "Đời khỉ gió nào mới dùng đến nó nhỉ? Cứ tưởng để khi cần thì sửa chữa máy kéo. Thế là mình phải làm phái viên chạy nhông trong huyện. Mình sẽ tặng cho một lão phó rèn nào của nông trang, hắn muốn làm gì thì làm", - anh quyết định như vậy và lẳng chiếc vali lên xe trượt tuyết.
Mấy con ngựa ăn kiều mạch no nê của huyện uỷ nhẹ nhàng kéo chiếc xe trượt tuyết có đệm tựa lưng bọc vải hoa loè loẹt sặc sỡ. Vừa ra khỏi ấp, Đavưđốp đã thấy rét cóng. Anh lật cổ áo măng tô dạ sờn lên che mặt, kéo sụp mũ cát- két xuống, nhưng vô ích: gió và giá lạnh ẩm ướt cứ luồn vào trong cổ, trong cánh tay áo, ngấm vào da thịt. Nhất là hai bàn chân trong đôi giày cũ kỹ thì tê dại hẳn đi.
Từ ấp này đến Grêmiatsi Lốc là hai mươi tám cây số đường đồi dốc hoang vu. Con đường, nâu nâu vì phân súc vật ngấu rữa, chạy trên các đỉnh đồi dốc. Bốn bề là đồng hoang phủ tuyết mênh mông đến tận chân trời. Đây đó những bụi cây ngải cứu rũ xuống rầu rầu. Duy chỉ trên sườn các khe hẻm còn sót lại những mô đất sét nhô lên như những con mắt của đất mở ra nhìn đời: tuyết bị gió thổi bạt đi không bám được vào đó; ngược lại, trong các lòng khe và mương xói thì tuyết chất đầy, nén chặt, ùn ùn từng đống.
Đavưđốp bám vào thành xe chạy một quãng dài cho ấm chân, rồi nhảy lên, ngồi thu lu và ngủ thiếp đi. Đôi càng trượt nghiến ken két, móng sắt của ngựa cắm xuống tuyết dòn răng rắc, chiếc càng bên phải gõ lanh canh. Thỉnh thoảng, qua đôi hàng mi sương giá bám như bông, Đavưđốp lại trông thấy loé lên dưới ánh nắng như một tia chớp tim tím đôi cánh một chú quạ khoang từ mặt đường bay vọt lên, rồi giấc ngủ gà khoan khoái lại khép đôi mi anh xuống.
Cái rét thấu xương đã đánh thức anh dậy. Anh mở mắt, và qua hàng sương long lanh ngũ sắc bám trên mi, trông thấy một mặt trời lạnh giá, một quang cảnh mênh mông hùng vĩ của thảo nguyên vắng lặng, một bầu trời xám ngoét như chì phía chân trời xa xa, và trên cái chỏm trắng xoá của ngọn đồi mộ gần đấy, một con cáo lông vàng hoe óng lên như ánh lửa. Con cáo đang vờn đùa. Nó đứng thẳng người trên hai chân sau, đi ngòng ngoèo, nhảy cẫng lên, đổ xuống hai chân trước, rồi sục bới tuyết, khua lên quanh mình một đám bụi trắng bạc lấp lánh, còn cái đuôi nó mềm mại và uyển chuyển lê trên tuyết như một lưỡi lửa đỏ.
Họ đến Grêmiatsi Lốc lúc trời chưa tối. Trong sân rộng của Xôviết ấp đậu một cỗ xe trượt tuyết song mã không có người. Bên thềm, một đám bảy tám người kô- dắc đứng túm tụm, miệng hút thuốc. Mấy con ngựa, lông cứng ráp vì mồ hôi đóng băng, dừng lại cạnh thềm.
- Chào đồng bào! Chuồng ngựa ta chỗ nào nhỉ?
- Chào đồng chí! - Một người kô-dắc đứng tuổi đưa tay lên mép mũ lông thỏ trả lời thay cho cả đám. - Chuồng ngựa hả, kia kìa đồng chí ạ, lợp sậy đấy.
Đám kô-dắc cũng đi theo về phía chuồng ngựa, trong bụng thắc mắc không biết tại sao cái ông mới đến này, nom vẻ như một cán bộ và nói tiếng "g" giọng nằng nặng theo kiểu Nga, không vào trụ sở Xôviết mà lại lẽo đẽo theo xe.
Hơi phân bốc hầm hập từng cuộn qua các cửa chuồng ngựa. Anh xà-ích huyện uỷ cho ngựa dừng lại. Đavưđốp thành thạo cởi dây tháo càng xe. Đám kô-dắc túm tụm quanh đó đưa mắt nhìn nhau. Một bố già mặc măng-tô trắng của đàn bà, cào rụng những hạt băng bám trên ria, nháy mắt một cái hóm hỉnh:
- Coi chừng, nó đá cho đấy, đồng chí ạ!
Tháo xong đai hậu ra khỏi đuôi ngựa, Đavưđốp quay sang phía bố già, mỉm cười, đôi môi thâm xì nở ra để lộ hàm răng sứt một răng cửa.
- Con đã từng là lính súng máy đấy, bố già ạ. Con đã chạy nhông với những con ngựa còn bằng mấy con này ấy chứ!
Một người đen như củ súng, râu ria xồm xoàm lấp cả lỗ mũi, nói:
- Thế cái răng sứt của anh, có lẽ là do bị con ngựa cái nào đá hẳn?
Đám kô- dắc cười ồ vui vẻ. Đavưđốp thoăn thoắt tháo cái kiềng cổ ngựa, đối đáp lại:
- Không, răng mình sứt lâu rồi, trong một vụ say rượu. Nhưng thế lại hoá hay: các bà khỏi lo bị tôi cắn. Phải không, bố già?
Câu pha trò nghe ăn giọng, và ông lão vờ làm ra bộ thất vọng, lắc đầu:
- Còn lão đây, chú nó ạ, lão chẳng còn cắn ai được nữa. Răng lão rơi rụng từ năm nảo năm nào rồi…
Anh chàng kô- dắc râu đen cười hí lên như ngựa, miệng ngoác ra để lộ hàm răng trắng bóng, và tay cứ túm khư khư lấy cái thắt lưng đỏ thắt chẽn chiếc áo tsếchmen [3], như sợ cười quá bị tung ra chăng.
Đavưđốp lấy thuốc ra mời đám kô- dắc, châm một điếu hút, rồi đi vào trụ sở Xôviết ấp. Bố già kia bám sát gót Đavưđốp, miệng nói:
- Cứ vào đi, chủ tịch nông trang đang trong đó đấy. Cả bí thư Đảng của chúng tôi nữa.
Đám kô- dắc rít hai hơi là tàn điếu thuốc, cũng bước đi cạnh. Họ rất khoái vì ông mới đến này không giống cái kiểu cán bộ huyện mà họ thường thấy: ông này không nhảy trên xe trượt tuyết xuống, ôm cặp đi ngang qua mặt mọi người vào thẳng trụ sở Xôviết, mà lại tự mình tháo ngựa, đỡ anh lái một tay, và tỏ ra thông thạo từ lâu rồi với chuyện ngựa xe. Nhưng đồng thời điều đó cũng làm họ ngạc nhiên. Anh chàng râu đen không nhịn được nữa, hỏi:
- Này, đồng chí ơi, tội gì mà đồng chí lại phải vất vả với mấy con ngựa thế nhỉ? Thiết tưởng đó đâu phải là việc của cán bộ? Thế người đánh xe thì để làm gì?
- Bà con chúng tôi thấy kể cũng kỳ. - Ông bố già thật thà thú nhận.
Đavưđốp chưa kịp trả lời thì một chàng kô- dắc trẻ măng có bộ ria vàng thất vọng thốt lên, chỉ trỏ vào hai lòng bàn tay Đavưđốp có lớp da xám xịt do cọ xát nhiều với sắt thép, và những móng tay đầy những vết xước thâm niên:
- Ô, anh này là thợ rèn đây mà!
- Thợ nguội. - Đavưđốp cải chính. - Thế các bác, các anh lên trụ sở Xôviết làm gì đấy?
- Thích thì đến, - bố già dừng lại ở bậc thềm thứ nhất, đáp thay cho mọi người. - Anh em tò mò muốn biết chẳng hay đồng chí về có việc gì vậy? Hay lại việc thóc nghĩa vụ…
- Việc nông trang tập thể.
Bố già huýt sáo một tiếng kéo dài ngán ngẩm, từ thềm cửa lui gót trở ra trước.
° ° °
Từ trong căn phòng thấp nồng nặc xông ra mùi chua loét của áo varơi lông cừu bốc hơi tuyết và mùi tro củi. Một người cao lớn, vai ngang, tay vặn bấc đèn, đứng bên bàn, đối diện với Đavưđốp. Trên ngực áo kaki của anh ta nổi lên tấm Huân chương Cờ đỏ. Đavưđốp đoán ra ngay đây là bí thư chi bộ Grêmiatsi.
- Tôi là đặc phái viên huyện. Đồng chí là bí thư chi bộ phải không?
- Phải, tôi đây, Nagunốp, bí thư chi bộ. Mời đồng chí ngồi, đồng chí chủ tịch xôviết ra ngay bây giờ đấy. - Nagunốp đấm đấm vào bức vách, bước tới bên Đavưđốp.
Anh có bộ ngực rộng và đôi chân vòng kiềng của lính kỵ mã. Hai hàng lông mày đen của anh mọc nhíu lại trên đôi mắt vàng ệch có con ngươi to quá khổ, đen như bồ hóng. Nếu không có cái mũi nhỏ khoằm xuống như mỏ con diều hâu với hai lỗ mũi nom qúa thô và mắt không bị kéo màng đục, thì nom anh ta cũng đẹp trai đấy, một vẻ đẹp không nổi bật nhưng có dáng hảo hán.
Từ phòng bên bước sang một người kô- dắc chắc mập đội mũ da dê xám lật ngửa ra sau gáy, mặc tấm áo varơi dạ nhà binh, và chiếc quần sarôva [4] có đường nẹp kiểu kô-dắc, giắt vào trong bít tất len trắng.
- Đây, chính là đồng chí chủ tịch Xôviết Anđrây Radơmiốtnốp đây.
Đồng chí chủ tịch mỉm cười, một tay vuốt vuốt bộ ria mép loăn xoăn trắng nhợt, một tay trịnh trọng chìa ra cho Đavưđốp.
- Thế đồng chí là ai? Đặc phái viên của huyện uỷ à? Hèm. Đồng chí cho xem giấy tờ… Maka [5], anh đã coi chưa? Chắc đồng chí đến về việc nông trang tập thể phải không? - Anh nhìn Đavưđốp từ đầu đến chân một cách sống sượng, hấp háy đôi mắt sáng trong như nền trời hè. Khuôn mặt sạm nắng lâu ngày chưa cạo của anh, với một vết sẹo trên trán, lỗ rõ vẻ bồn chồn nóng ruột.
Đavưđốp ngồi vào bàn, trình bày những nhiệm vụ Đảng đề ra để tiến hành tập thể hoá toàn bộ trong thời gian hai tháng. Anh đề nghị ngay ngày mai họp hội nghị bần nông và cốt cán.
Nagunốp trình bày tình hình và nói về tập đoàn sản xuất Grêmiatsi Lốc.
Radơmiốtnốp tay chống lên ôm chặt lấy đôi má rám hồng, cũng chăm chú nghe anh, thỉnh thoảng chen vào một câu.
- Ở đây chúng tôi có một cái gọi là tập đoàn sản xuất góp ruộng làm chung. Nhưng tôi xin nói với đồng chí, đồng chí công nhân ạ, nó chẳng qua chỉ là một sự bôi nhọ chế độ tập thể, một thứ ăn hại Chính quyền Xôviết mà thôi, - Nagunốp nói, bực bõ ra mặt. - Có mười tám hộ tham gia, độc dân nghèo rớt mùng tơi. Và kết quả là thế nào? Cố nhiên là một trò hề. Mười tám hộ của họ gom góp lại được bốn con ngựa và một đôi bò, nhưng miệng ăn thì một trăm lẻ bảy. Thế thì múa may thế nào đây mà sống? Tất nhiên quỹ tín dụng đã cho họ vay dài hạn để mua máy móc và súc vật kéo. Họ cứ vay, nhưng họ sẽ chẳng trả nổi đâu, dù là dài hạn đi nữa. Tôi xin nói ngay để đồng chí rõ tại sao: giá như họ có được một máy kéo thì lại là chuyện khác, nhưng người ta lại không cho họ máy kéo, còn bò thì ăn ra làm nên nhanh sao được. Tôi xin nói thêm là chính trị của họ chẳng ra quái gì, và từ lâu tôi đã chỉ nhăm nhe giải tán quách họ đi cho rồi, vì cái tội cứ rúc vào nách Chính quyền Xôviết như một con bê vô phúc mà nhay, mà bú, mà chẳng thấy nhớn mẹ gì cả. Họ lại còn ăn nói giọng thế này: "Chậc, rồi thì cái gì người ta cũng sẽ cung cấp cho mình tất! Còn nợ thì tuốt xác mình ra cũng chẳng có đâu mà trả". Cứ thế sinh ra bừa bãi vô kỷ luật,và cái tập đoàn sản xuất chỉ mai kia là ngoẻo thôi. Ý kiến thế mà hay đấy: đưa tất cả vào nông trang tập thể. Tuyệt diệu! Nhưng tôi nói anh nghe, dân kô- dắc là dân cứng đầu, bảo thủ, không dọt không xong đâu…
Đavưđốp đưa mắt nhìn hai người, hỏi:
- Trong các đồng chí ta có ai tham gia tập đoàn ấy không?
Nagunốp đáp:
- Không. Năm 1920 tôi đã tham gia một công xã. Về sau nó tan vì đầu óc tự tư tự lợi. Tôi đã tung hê hết cả của cải tư hữu đi rồi. Tôi mắc bệnh ghét cay ghét đắng của tư hữu, cho nên bò và nông cụ tôi đã đem cho công xã số 6 ở cạnh đó (nó vẫn còn đến bây giờ đấy), vợ chồng tôi bây giờ chẳng có cái gì sất. Radơmiốtnốp thì không thể làm theo gương ấy được: anh ấy goá vợ, chỉ còn độc một mẹ già. Annh ấy mà vào thì không tránh khỏi điều ong tiếng ve. Người ta sẽ bảo: "thế là bây giờ hắn bắt mình cõng mẹ hắn, như cái địu, còn hắn thì chẳng bén mảng ra đồng". Chuyện này tế nhị lắm. Còn đảng viên thứ ba của chi bộ chúng tôi, hiện đang đi vắng, thì cụt một tay do máy tuốt lúa nghiến. Cậu ấy không dám muối mặt xin vào tập đoàn, bảo là không có mình thì người ta cũng thừa kẻ nuôi báo cô rồi.
- Đúng thế đấy, tập đoàn ấy của chúng tôi đúng là cái tai ương nghiệp chướng. - Radơmiốtnốp xác nhận. - Cậu chủ nhiệm của nó, Akaska Lôxép, là một tay làm ăn không ra thế nào. Thật là chọn ai chẳng chọn! Phải thừa nhận là trong việc này chúng tôi hớ rồi. Đáng lẽ không nên trao cho hắn chức ấy mới phải.
Đavưđốp đang lật xem qua sổ sách thống kê tài sản của bọn kulắc, hỏi:
- Sao thế?
Radơmiốtnốp mỉm cười, nói:
- Vì rằng hắn là một con người bệnh hoạn. Tính hắn thế thì làm con buôn mới phải. Cái gì cũng đổi chác, mua đi bán lại. Hắn mắc đúng bệnh ấy đấy. Hắn đã làm sạt nghiệp tập đoàn! Hắn mua một con bò giống, rồi hắn lại nảy ra ý kiến đem đổi lấy cái môtô. Hắn đặt bà con xã viên trước một việc đã rồi, hắn cũng chẳng hỏi ý kiến chúng tôi, tự nhiên thấy hắn chở cái môtô ấy từ ga về. Chúng tôi kêu làng, vò đầu bứt tai. Hắn vác về, nhưng nào ai có biết đi. Vả lại biết dùng nó làm gì bây giờ? Thật là cười dở mếu dở. Hắn mang về làng. Những dân sành chơi trong làng xem qua và bảo: "Tốt hơn hết là đem vứt quách nó đi!" Nó thiếu một số bộ phận mà chỉ nhà máy mới chế tạo ra được. Đáng kẽ nên cử Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp làm chủ nhiệm mới phải. Đó mới thật là một đầu óc. Lão ấy gửi mua tận Kraxnôđa hạt giống lúa mạch loại giống mới, hạn mấy cũng chịu được, lão biết giữ tuyết trên ruộng cày, thu hoạch của lão bao giờ cũng cao nhất. Gia súc thì lão nuôi loại nòi. Mặc dầu lão cũng có kêu quang quác khi chúng tôi bóp thuế lão, nhưng lão là một tay làm ăn giỏi, có bằng khen đấy.
Nagunốp lắc đầu tỏ vẻ nghi ngờ:
- Lão ấy như một con ngỗng hoang giữa đàn, đứng tách riêng ra một mình.
- Không phải đâu! Lão là người của ta. - Radơmiốtnốp khẳng định dứt khoát.
__
Chú thích:
1. Năm 1929, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phái hai vạn rưởi công nhân về nông thôn tham gia vận động tập thể hoá nông nghiệp. - ND. 2. Tiêu ngữ của Hải quân Liên Xô. - ND. 3. Một kiểu áo thường mặc của người kô- dắc. - ND. 4. Một kiểu quần ống rộng của người kô- dắc. - ND. 5. Maka là tên, Nagunốp là họ. - ND
Bên ngoài cửa sổ, gió rít trên những sợi dây thép điện thoại. Trên lưng con ngựa cột vào hàng rào, một con chim ác là nhảy nhót nhởn nhơ và mổ mổ cái gì đó. Gió thổi xoè lông đuôi, bắt nó vỗ cánh bay lên, nhưng rồi nó lại đậu xuống lưng con nghẽo mệt mỏi lụ khụ đang thờ ơ với mọi sự, và nó đắc thắng đưa đôi mắt bé tí hau háu nhìn quanh. Bên trên trang ấp từng mảng mây tơi tả tà tà bay lượn. Thỉnh thoảng ánh nắng xuyên qua khoảng quang đổ xuống chênh chếch, một mảng trời xanh như trời hè bừng lên, và lúc đó khuỷu sông Đông nhìn thấy qua cửa sổ, cánh rừng bên kia sông và ngọn đèo xa xa với chiếc cối xay gió nhỏ xíu phía chân trời nom đúng là một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.
- Thế ra cậu ốm nên phải nghỉ lại ở Rôxtốp à? Vậy đấy… Số tám anh em khác trong đoàn hai vạn rưỡi [1] đã tới đây ba hôm nay rồi. Có tổ chức mít tinh. Đại biểu các nông trang đã đón tiếp anh em. - Đồng chí bí thư trầm ngâm, trệu trạo đôi môi. - Tình hình ở ta lúc này vô cùng phức tạp. Toàn huyện mới tập thể hoá được 14,8%. Và phần lớn mới chỉ là tập đoàn sản xuất. Bọn kulắc và nhà giầu còn dây dưa không chịu nộp thóc nghĩa vụ. Đang cần cán bộ. Cần ghêêê lắm! Các nông trang xin bốn mươi ba công nhân, nhưng cử về chỉ được có chín người các cậu.
Và dưới đôi mi tùm hụp, hai con mắt giờ đây nom khác hẳn soi mói nhìn thẳng vào con ngươi Đavưđốp hồi lâu, như muốn đánh giá xem anh chàng này có thể làm được trò trống gì.
- Vậy là anh bạn đồng chí thân mến làm thợ tiện à? Tôôốt lắm! Cậu làm ở nhà máy Puchilốp đã lâu chưa? Hút đi.
- Làm từ sau ngày giải ngũ. Chín năm rồi. - Đavưđốp với tay lấy điếu thuốc lá, và đồng chí bí thư nhìn thấy trên tay Đavưđốp một hình xăm xanh xanh, khẽ nhếch đôi môi trề, mỉm cười.
- "Vinh dự và tự hào của chúng ta" [2]. Hải quân hả?
- Vâng.
- Thảo nào thấy tay trổ cái neo..
- Hồi ấy tôi còn trẻ, đồng chí biết đấy…lính mới tò te và hơi quỷnh, thế là đè luôn ra xăm…- Đavưđốp tự ái kéo tay áo xuống, nghĩ bụng: "Cha này cái vớ vẩn đâu đâu thì nhìn tinh thế. Còn chuyện thóc nghĩa vụ thì lại gà mờ!".
Đồng chí bí thư lặng thinh một lát, rồi xoá đi ngay trên khuôn mặt húp híp ốm yếu nụ cười xã giao vô nghĩa của mình.
- Đồng chí ạ, đồng chí sẽ xuống trang ấp ngay hôm nay với danh nghĩa đặc phái viên của huyện uỷ tiến hành tập thể hoá toàn diện. Cậu đã đọc chỉ thị mới đây của khu uỷ chưa? Đọc rồi hả? Thế này nhá, cậu sẽ về ấp Grêmiatsi Lốc. Nghỉ ngơi thì để sau, bây giờ đang gấp. Chú ý: tập thể hoá trăm phần trăm. Ở đấy có cái tập đoàn sản xuất bé bằng lỗ mũi, nhưng chúng ta phải dựng nên những nông trang tập thể khổng lồ. Chúng tôi tổ chức xong đội tuyên truyền sẽ cử ngay xuống chỗ các cậu. Trong khi chờ đợi, cậu cứ xuống đi và trên cơ sở khéo thít bọn kulắc lại, cậu hãy tổ chức ra một nông trang tập thể. Trung bần nông phải đưa vào nông trang hết. Rồi các cậu tổ chức một kho thóc công để giống cho toàn bộ diện tích của nông trang gieo trồng trong năm1930. Hành động phải thận trọng. Trung nông thì chớ có chạm đến! Chi bộ Grêmiatsi Lốc có ba đảng viên. Bí thư chi bộ và chủ tịch Xôviết là những anh em tốt cả, du kích đỏ ngày xưa đấy. - Và lại trệu trạo đôi môi, anh nói tiếp: - Kết quả thế nào thì cũng từ đó mà ra cả. Hiểu chưa? Anh em trình độ chính trị thấp, có thể vấp váp. Trường hợp gặp khó khăn gì, cậu cứ lên huyện. Chà, chưa có điện thoại, chán quá! À, còn cái này nữa: cậu bí thư chi bộ ở đấy có Huân chương Cờ đỏ, hơi thô bạo một chút, người độc gai với ngạnh cả, và.. gai sắc đấy.
Bí thư gõ gõ ngón tay vào cái khoá cặp da và thấy Đavưđốp đứng dậy, vội cao giọng nói:
- Khoan, còn việc này nữa: hàng ngày cho giao thông hoả tốc phóng ngựa mang báo cáo lên tôi. Thúc các cậu ở đấy tợn vào. Cậu sang gặp ngay đồng chí trưởng ban tổ chức, rồi đi đi. Để tôi bảo anh em cho ngựa của huyện đưa cậu đi. Thế nhá, cố đạt cho được 100% tập thể hoá. Chúng tôi sẽ đánh giá công tác của cậu theo con số phần trăm ấy. Chúng ta sẽ thành lập một nông trang khổng lồ gồm mười tám Xôviết thôn trang. Một nông trang tập thể kiểu Puchilốp đỏ… Chứ chẳng xoàng đâu! - Và anh mỉm cười, thú vị với câu ví von của mình.
Đavưđốp hỏi:
- Đồng chí vừa bảo tôi phải khéo với bọn kulắc. Nên hiểu là thế nào?
- Là thế này, - đồng chí bí thư mỉm một nụ cười kẻ cả, - có loại kulắc nộp đủ thóc nghĩa vụ, và có loại bướng bỉnh không chịu nộp. Với loại thứ hai thì vấn đề rõ rồi: cứ điều 107 là xong. Nhưng với loại trên thì phức tạp hơn. Như cậu chẳng hạn, cậu sẽ xử sự với bọn ấy như thế nào?
Đavưđốp ngẫm nghĩ một lát…
- Như tôi thì tôi sẽ bắt chúng nó nộp thêm.
- Hay nhỉ! Không, đồng chí ạ, thế thì không ổn rồi. Kiểu làm ăn thế có thể làm mất hết lòng tin vào chủ trương biện pháp của ta. Trung nông sẽ bảo sao? Họ sẽ bảo:"Đó, Chính quyền Xôviết là thế đó! Nó xoay nông dân như chong chóng". Lênin đã dạy chúng ta phải thực sự nghiên cứu tâm lý nông dân, thế mà cậu lại nói chuyện "nộp thêm". Anh bạn ơi, thế là bậy đấy.
Đavưđốp đỏ mặt lên:
- Sao lại bậy? Vậy thì, theo đồng chí, Xtalin… cũng sai chăng?
- Chẳng dính dáng gì đến Xtalin.
- Tôi có đọc một bài diễn văn của Xtalin nói tại một hội nghị các nhà Mácxít, các nhà..gì nhỉ!..Chậc, các nhà làm công tác ruộng đất ấy mà…, gọi là gì nhỉ, quái! À, các nhà nghiên cứu ruộng đất thì phải!
- Các nhà nông học phải không?
- Đúng rồi!
- Thì làm sao?
- Đồng chí cho lấy tờ báo "Sự thật" có đăng bài ấy ra đây.
Trưởng ban văn thư mang tờ "Sự thật" đến. Đavưđốp hăm hở lật tìm.
Đồng chí bí thư mỉm cười chờ đợi, mắt nhìn thẳng vào mặt anh.
- Đây. Thế này là thế nào?..."Chúng ta không thể đánh đổ được tầng lớp kulắc chừng nào mà chúng ta còn chủ trương chỉ hạn chế nó…" Và đoạn dưới đây nữa.., đây: "Nhưng bây giờ? Bây giờ thì khác rồi. Bây giờ chúng ta đã có khả năng mở một cuộc tấn công quyết định vào bọn kulắc, đập tan sự phản kháng của chúng, thanh toán chúng về mặt giai cấp…" Về mặt giai cấp, đồng chí hiểu chưa? Vậy thì tại sao lại không thể bắt chúng nộp thêm? Tại sao không thể hoàn toàn đè bẹp chúng?
Đồng chí bí thư xoá nụ cười trên mặt, lấy vẻ nghiêm trang:
- Đoạn dưới nữa có nói rằng quần chúng trung bần nông đang đánh đổ bọn kulắc bằng cách tham gia nông trang tập thể. Đúng thế không nào? Đọc tiếp đi.
- E..hèm!..
- E hèm cái gì! - Đồng chí bí thư phát bực lên giọng bắt đầu run run. - Còn cậu thì chủ trương thế nào? Dùng biện pháp hành chính đối với mọi tên kulắc, không phân biệt. Mà làm như thế ở một nơi mới tập thể hoá được 14%, ở một nơi trung nông mới đang ngấp nghé vào tập thể thôi. Làm kiểu ấy có ngày chết sớm. Các cậu về địa phương mà chẳng hiểu gì về tình hình địa phương cả…- Đồng chí bí thư nén cơn bực lại, nói tiếp, giọng đã dịu đi: - Với quan điểm như vậy thì cậu sẽ làm khối chuyện bậy bạ.
- Chuyện đó thì chưa biết chừng…
- Nhất định là thế rồi! Nếu một biện pháp như thế là cần thiết và đúng lúc thì khu uỷ ắt đã lệnh thẳng thừng cho ta: "Tiêu diệt bọn kulắc!..." Vậy thì xin mời! Một, hai! Thế là xong. Có công an và toàn bộ bộ máy trong tay đấy… Nhưng lúc này chúng ta mới làm một phần là thông qua toà án nhân dân, chiểu theo điều 107 trừng phạt về mặt kinh tế những tên kulắc tàng trữ lúa mì thôi.
- Vậy là, theo đồng chí, bần cố trung nông phản đối việc đánh đổ bọn kulắc hay sao? Họ ủng hộ bọn kulắc hay sao? Và có nên lãnh đạo họ đánh đổ bọn kulắc hay không?
Đồng chí bí thư rập mạnh cái khoá cặp, nói bằng một giọng khô khốc:
- Đồng chí muốn hiểu lời lãnh tụ như thế nào thì tuỳ, nhưng chịu trách nhiệm về công việc trong huyện là Thường vụ huyện uỷ,cá nhân tôi. Chúng tôi cử đồng chí về đâu thì đồng chí hãy chịu khó chấp hành đúng chủ trương của chúng tôi, chứ không phải làm theo ý đồng chí. Xin lỗi đồng chí, tôi không có thời giờ ngồi tranh luận với đồng chí. Tôi còn nhiều việc bận.
Và đồng chí bí thư đứng dậy.
Máu lại bốc lên mặt Đavưđốp đỏ bừng, nhưng anh trấn tĩnh lại, nói:
- Tôi sẽ chấp hành đường lối của Đảng, còn với đồng chí thì tôi xin nói thẳng, theo tác phong công nhân: chủ trương của đồng chí sai rồi, sai về mặt chính trị, thực tế thế!
- Tôi chịu trách nhiệm về đường lối đó.. Còn cái "tác phong công nhân" của đồng chí thì nó cũ rích, như…
Chuông điện thoại reo. Đồng chí bí thư vớ lấy ống nghe. Người bắt đầu kéo đầy vào phòng. Đavưđốp đi tìm trưởng ban tổ chức.
"Cha này hữu khuynh rồi…Thực tế thế!- Ở huyện uỷ đi ra, anh nghĩ bụng. - Mình sẽ đọc lại toàn văn bài nói chuyện ở hội nghị các nhà nông học. Chẳng lẽ mình lại nhầm? Không, xin lỗi ông, ông anh ơi! Ông cứ mềm mỏng thế là ông buông lỏng bọn kulắc rồi. Đó, ở khu uỷ người ta bảo ông là "một tay năng nổ", vậy mà bọn kulắc vẫn có những đứa dây dưa thóc nghĩa vụ. Xiết chặt là một chuyện, còn đào tận gốc trốc tận rễ, như đào cỏ dại, lại là chuyện khác. Tại sao lại không lãnh đạo quần chúng, hả ông?" - Đavưđốp cứ tranh luận thầm với đồng chí bí thư như thế. Xưa nay vẫn vậy, cứ xong xuôi đâu đấy rồi thì anh mới nảy ra những lý lẽ cứng nhất. Còn lúc ở huyện uỷ, anh đã nóng nảy, hấp tấp, vớ đâu nói đó. Đáng lẽ nên bình tĩnh hơn mới phải. Anh đi, lội bì bõm trong những vũng nước đóng băng, chân đá phải những đống phân bò đã rắn cứng rải rác trên bãi chợ.
- Đáng tiếc là chấm dứt tranh luận sớm quá, nếu không tôi sẽ dồn cho ông anh một trận. - Đavưđốp lẩm bẩm thành tiếng như vậy, rồi hậm hực nín bặt vì thấy một bà đi ngược lại sát bên anh cười tủm tỉm.
° ° °
Đavưđốp chạy tới Trụ sở kô dắc và nông dân để lấy chiếc vali nhỏ. Khi nhớ ra rằng ngoài hai bộ quần áo lót thay đổi, mấy đôi bít tất và một bộ vét tông ra thì toàn bộ hành lý của anh là mấy cái tua- vít, kìm, giũa, thước quay, thước vuông, lắc lê Thuỵ Điển và vài dụng cụ linh tinh khác vớ ở Lêningrát mang đi, anh mỉm cười: "Đời khỉ gió nào mới dùng đến nó nhỉ? Cứ tưởng để khi cần thì sửa chữa máy kéo. Thế là mình phải làm phái viên chạy nhông trong huyện. Mình sẽ tặng cho một lão phó rèn nào của nông trang, hắn muốn làm gì thì làm", - anh quyết định như vậy và lẳng chiếc vali lên xe trượt tuyết.
Mấy con ngựa ăn kiều mạch no nê của huyện uỷ nhẹ nhàng kéo chiếc xe trượt tuyết có đệm tựa lưng bọc vải hoa loè loẹt sặc sỡ. Vừa ra khỏi ấp, Đavưđốp đã thấy rét cóng. Anh lật cổ áo măng tô dạ sờn lên che mặt, kéo sụp mũ cát- két xuống, nhưng vô ích: gió và giá lạnh ẩm ướt cứ luồn vào trong cổ, trong cánh tay áo, ngấm vào da thịt. Nhất là hai bàn chân trong đôi giày cũ kỹ thì tê dại hẳn đi.
Từ ấp này đến Grêmiatsi Lốc là hai mươi tám cây số đường đồi dốc hoang vu. Con đường, nâu nâu vì phân súc vật ngấu rữa, chạy trên các đỉnh đồi dốc. Bốn bề là đồng hoang phủ tuyết mênh mông đến tận chân trời. Đây đó những bụi cây ngải cứu rũ xuống rầu rầu. Duy chỉ trên sườn các khe hẻm còn sót lại những mô đất sét nhô lên như những con mắt của đất mở ra nhìn đời: tuyết bị gió thổi bạt đi không bám được vào đó; ngược lại, trong các lòng khe và mương xói thì tuyết chất đầy, nén chặt, ùn ùn từng đống.
Đavưđốp bám vào thành xe chạy một quãng dài cho ấm chân, rồi nhảy lên, ngồi thu lu và ngủ thiếp đi. Đôi càng trượt nghiến ken két, móng sắt của ngựa cắm xuống tuyết dòn răng rắc, chiếc càng bên phải gõ lanh canh. Thỉnh thoảng, qua đôi hàng mi sương giá bám như bông, Đavưđốp lại trông thấy loé lên dưới ánh nắng như một tia chớp tim tím đôi cánh một chú quạ khoang từ mặt đường bay vọt lên, rồi giấc ngủ gà khoan khoái lại khép đôi mi anh xuống.
Cái rét thấu xương đã đánh thức anh dậy. Anh mở mắt, và qua hàng sương long lanh ngũ sắc bám trên mi, trông thấy một mặt trời lạnh giá, một quang cảnh mênh mông hùng vĩ của thảo nguyên vắng lặng, một bầu trời xám ngoét như chì phía chân trời xa xa, và trên cái chỏm trắng xoá của ngọn đồi mộ gần đấy, một con cáo lông vàng hoe óng lên như ánh lửa. Con cáo đang vờn đùa. Nó đứng thẳng người trên hai chân sau, đi ngòng ngoèo, nhảy cẫng lên, đổ xuống hai chân trước, rồi sục bới tuyết, khua lên quanh mình một đám bụi trắng bạc lấp lánh, còn cái đuôi nó mềm mại và uyển chuyển lê trên tuyết như một lưỡi lửa đỏ.
Họ đến Grêmiatsi Lốc lúc trời chưa tối. Trong sân rộng của Xôviết ấp đậu một cỗ xe trượt tuyết song mã không có người. Bên thềm, một đám bảy tám người kô- dắc đứng túm tụm, miệng hút thuốc. Mấy con ngựa, lông cứng ráp vì mồ hôi đóng băng, dừng lại cạnh thềm.
- Chào đồng bào! Chuồng ngựa ta chỗ nào nhỉ?
- Chào đồng chí! - Một người kô-dắc đứng tuổi đưa tay lên mép mũ lông thỏ trả lời thay cho cả đám. - Chuồng ngựa hả, kia kìa đồng chí ạ, lợp sậy đấy.
Đám kô-dắc cũng đi theo về phía chuồng ngựa, trong bụng thắc mắc không biết tại sao cái ông mới đến này, nom vẻ như một cán bộ và nói tiếng "g" giọng nằng nặng theo kiểu Nga, không vào trụ sở Xôviết mà lại lẽo đẽo theo xe.
Hơi phân bốc hầm hập từng cuộn qua các cửa chuồng ngựa. Anh xà-ích huyện uỷ cho ngựa dừng lại. Đavưđốp thành thạo cởi dây tháo càng xe. Đám kô-dắc túm tụm quanh đó đưa mắt nhìn nhau. Một bố già mặc măng-tô trắng của đàn bà, cào rụng những hạt băng bám trên ria, nháy mắt một cái hóm hỉnh:
- Coi chừng, nó đá cho đấy, đồng chí ạ!
Tháo xong đai hậu ra khỏi đuôi ngựa, Đavưđốp quay sang phía bố già, mỉm cười, đôi môi thâm xì nở ra để lộ hàm răng sứt một răng cửa.
- Con đã từng là lính súng máy đấy, bố già ạ. Con đã chạy nhông với những con ngựa còn bằng mấy con này ấy chứ!
Một người đen như củ súng, râu ria xồm xoàm lấp cả lỗ mũi, nói:
- Thế cái răng sứt của anh, có lẽ là do bị con ngựa cái nào đá hẳn?
Đám kô- dắc cười ồ vui vẻ. Đavưđốp thoăn thoắt tháo cái kiềng cổ ngựa, đối đáp lại:
- Không, răng mình sứt lâu rồi, trong một vụ say rượu. Nhưng thế lại hoá hay: các bà khỏi lo bị tôi cắn. Phải không, bố già?
Câu pha trò nghe ăn giọng, và ông lão vờ làm ra bộ thất vọng, lắc đầu:
- Còn lão đây, chú nó ạ, lão chẳng còn cắn ai được nữa. Răng lão rơi rụng từ năm nảo năm nào rồi…
Anh chàng kô- dắc râu đen cười hí lên như ngựa, miệng ngoác ra để lộ hàm răng trắng bóng, và tay cứ túm khư khư lấy cái thắt lưng đỏ thắt chẽn chiếc áo tsếchmen [3], như sợ cười quá bị tung ra chăng.
Đavưđốp lấy thuốc ra mời đám kô- dắc, châm một điếu hút, rồi đi vào trụ sở Xôviết ấp. Bố già kia bám sát gót Đavưđốp, miệng nói:
- Cứ vào đi, chủ tịch nông trang đang trong đó đấy. Cả bí thư Đảng của chúng tôi nữa.
Đám kô- dắc rít hai hơi là tàn điếu thuốc, cũng bước đi cạnh. Họ rất khoái vì ông mới đến này không giống cái kiểu cán bộ huyện mà họ thường thấy: ông này không nhảy trên xe trượt tuyết xuống, ôm cặp đi ngang qua mặt mọi người vào thẳng trụ sở Xôviết, mà lại tự mình tháo ngựa, đỡ anh lái một tay, và tỏ ra thông thạo từ lâu rồi với chuyện ngựa xe. Nhưng đồng thời điều đó cũng làm họ ngạc nhiên. Anh chàng râu đen không nhịn được nữa, hỏi:
- Này, đồng chí ơi, tội gì mà đồng chí lại phải vất vả với mấy con ngựa thế nhỉ? Thiết tưởng đó đâu phải là việc của cán bộ? Thế người đánh xe thì để làm gì?
- Bà con chúng tôi thấy kể cũng kỳ. - Ông bố già thật thà thú nhận.
Đavưđốp chưa kịp trả lời thì một chàng kô- dắc trẻ măng có bộ ria vàng thất vọng thốt lên, chỉ trỏ vào hai lòng bàn tay Đavưđốp có lớp da xám xịt do cọ xát nhiều với sắt thép, và những móng tay đầy những vết xước thâm niên:
- Ô, anh này là thợ rèn đây mà!
- Thợ nguội. - Đavưđốp cải chính. - Thế các bác, các anh lên trụ sở Xôviết làm gì đấy?
- Thích thì đến, - bố già dừng lại ở bậc thềm thứ nhất, đáp thay cho mọi người. - Anh em tò mò muốn biết chẳng hay đồng chí về có việc gì vậy? Hay lại việc thóc nghĩa vụ…
- Việc nông trang tập thể.
Bố già huýt sáo một tiếng kéo dài ngán ngẩm, từ thềm cửa lui gót trở ra trước.
° ° °
Từ trong căn phòng thấp nồng nặc xông ra mùi chua loét của áo varơi lông cừu bốc hơi tuyết và mùi tro củi. Một người cao lớn, vai ngang, tay vặn bấc đèn, đứng bên bàn, đối diện với Đavưđốp. Trên ngực áo kaki của anh ta nổi lên tấm Huân chương Cờ đỏ. Đavưđốp đoán ra ngay đây là bí thư chi bộ Grêmiatsi.
- Tôi là đặc phái viên huyện. Đồng chí là bí thư chi bộ phải không?
- Phải, tôi đây, Nagunốp, bí thư chi bộ. Mời đồng chí ngồi, đồng chí chủ tịch xôviết ra ngay bây giờ đấy. - Nagunốp đấm đấm vào bức vách, bước tới bên Đavưđốp.
Anh có bộ ngực rộng và đôi chân vòng kiềng của lính kỵ mã. Hai hàng lông mày đen của anh mọc nhíu lại trên đôi mắt vàng ệch có con ngươi to quá khổ, đen như bồ hóng. Nếu không có cái mũi nhỏ khoằm xuống như mỏ con diều hâu với hai lỗ mũi nom qúa thô và mắt không bị kéo màng đục, thì nom anh ta cũng đẹp trai đấy, một vẻ đẹp không nổi bật nhưng có dáng hảo hán.
Từ phòng bên bước sang một người kô- dắc chắc mập đội mũ da dê xám lật ngửa ra sau gáy, mặc tấm áo varơi dạ nhà binh, và chiếc quần sarôva [4] có đường nẹp kiểu kô-dắc, giắt vào trong bít tất len trắng.
- Đây, chính là đồng chí chủ tịch Xôviết Anđrây Radơmiốtnốp đây.
Đồng chí chủ tịch mỉm cười, một tay vuốt vuốt bộ ria mép loăn xoăn trắng nhợt, một tay trịnh trọng chìa ra cho Đavưđốp.
- Thế đồng chí là ai? Đặc phái viên của huyện uỷ à? Hèm. Đồng chí cho xem giấy tờ… Maka [5], anh đã coi chưa? Chắc đồng chí đến về việc nông trang tập thể phải không? - Anh nhìn Đavưđốp từ đầu đến chân một cách sống sượng, hấp háy đôi mắt sáng trong như nền trời hè. Khuôn mặt sạm nắng lâu ngày chưa cạo của anh, với một vết sẹo trên trán, lỗ rõ vẻ bồn chồn nóng ruột.
Đavưđốp ngồi vào bàn, trình bày những nhiệm vụ Đảng đề ra để tiến hành tập thể hoá toàn bộ trong thời gian hai tháng. Anh đề nghị ngay ngày mai họp hội nghị bần nông và cốt cán.
Nagunốp trình bày tình hình và nói về tập đoàn sản xuất Grêmiatsi Lốc.
Radơmiốtnốp tay chống lên ôm chặt lấy đôi má rám hồng, cũng chăm chú nghe anh, thỉnh thoảng chen vào một câu.
- Ở đây chúng tôi có một cái gọi là tập đoàn sản xuất góp ruộng làm chung. Nhưng tôi xin nói với đồng chí, đồng chí công nhân ạ, nó chẳng qua chỉ là một sự bôi nhọ chế độ tập thể, một thứ ăn hại Chính quyền Xôviết mà thôi, - Nagunốp nói, bực bõ ra mặt. - Có mười tám hộ tham gia, độc dân nghèo rớt mùng tơi. Và kết quả là thế nào? Cố nhiên là một trò hề. Mười tám hộ của họ gom góp lại được bốn con ngựa và một đôi bò, nhưng miệng ăn thì một trăm lẻ bảy. Thế thì múa may thế nào đây mà sống? Tất nhiên quỹ tín dụng đã cho họ vay dài hạn để mua máy móc và súc vật kéo. Họ cứ vay, nhưng họ sẽ chẳng trả nổi đâu, dù là dài hạn đi nữa. Tôi xin nói ngay để đồng chí rõ tại sao: giá như họ có được một máy kéo thì lại là chuyện khác, nhưng người ta lại không cho họ máy kéo, còn bò thì ăn ra làm nên nhanh sao được. Tôi xin nói thêm là chính trị của họ chẳng ra quái gì, và từ lâu tôi đã chỉ nhăm nhe giải tán quách họ đi cho rồi, vì cái tội cứ rúc vào nách Chính quyền Xôviết như một con bê vô phúc mà nhay, mà bú, mà chẳng thấy nhớn mẹ gì cả. Họ lại còn ăn nói giọng thế này: "Chậc, rồi thì cái gì người ta cũng sẽ cung cấp cho mình tất! Còn nợ thì tuốt xác mình ra cũng chẳng có đâu mà trả". Cứ thế sinh ra bừa bãi vô kỷ luật,và cái tập đoàn sản xuất chỉ mai kia là ngoẻo thôi. Ý kiến thế mà hay đấy: đưa tất cả vào nông trang tập thể. Tuyệt diệu! Nhưng tôi nói anh nghe, dân kô- dắc là dân cứng đầu, bảo thủ, không dọt không xong đâu…
Đavưđốp đưa mắt nhìn hai người, hỏi:
- Trong các đồng chí ta có ai tham gia tập đoàn ấy không?
Nagunốp đáp:
- Không. Năm 1920 tôi đã tham gia một công xã. Về sau nó tan vì đầu óc tự tư tự lợi. Tôi đã tung hê hết cả của cải tư hữu đi rồi. Tôi mắc bệnh ghét cay ghét đắng của tư hữu, cho nên bò và nông cụ tôi đã đem cho công xã số 6 ở cạnh đó (nó vẫn còn đến bây giờ đấy), vợ chồng tôi bây giờ chẳng có cái gì sất. Radơmiốtnốp thì không thể làm theo gương ấy được: anh ấy goá vợ, chỉ còn độc một mẹ già. Annh ấy mà vào thì không tránh khỏi điều ong tiếng ve. Người ta sẽ bảo: "thế là bây giờ hắn bắt mình cõng mẹ hắn, như cái địu, còn hắn thì chẳng bén mảng ra đồng". Chuyện này tế nhị lắm. Còn đảng viên thứ ba của chi bộ chúng tôi, hiện đang đi vắng, thì cụt một tay do máy tuốt lúa nghiến. Cậu ấy không dám muối mặt xin vào tập đoàn, bảo là không có mình thì người ta cũng thừa kẻ nuôi báo cô rồi.
- Đúng thế đấy, tập đoàn ấy của chúng tôi đúng là cái tai ương nghiệp chướng. - Radơmiốtnốp xác nhận. - Cậu chủ nhiệm của nó, Akaska Lôxép, là một tay làm ăn không ra thế nào. Thật là chọn ai chẳng chọn! Phải thừa nhận là trong việc này chúng tôi hớ rồi. Đáng lẽ không nên trao cho hắn chức ấy mới phải.
Đavưđốp đang lật xem qua sổ sách thống kê tài sản của bọn kulắc, hỏi:
- Sao thế?
Radơmiốtnốp mỉm cười, nói:
- Vì rằng hắn là một con người bệnh hoạn. Tính hắn thế thì làm con buôn mới phải. Cái gì cũng đổi chác, mua đi bán lại. Hắn mắc đúng bệnh ấy đấy. Hắn đã làm sạt nghiệp tập đoàn! Hắn mua một con bò giống, rồi hắn lại nảy ra ý kiến đem đổi lấy cái môtô. Hắn đặt bà con xã viên trước một việc đã rồi, hắn cũng chẳng hỏi ý kiến chúng tôi, tự nhiên thấy hắn chở cái môtô ấy từ ga về. Chúng tôi kêu làng, vò đầu bứt tai. Hắn vác về, nhưng nào ai có biết đi. Vả lại biết dùng nó làm gì bây giờ? Thật là cười dở mếu dở. Hắn mang về làng. Những dân sành chơi trong làng xem qua và bảo: "Tốt hơn hết là đem vứt quách nó đi!" Nó thiếu một số bộ phận mà chỉ nhà máy mới chế tạo ra được. Đáng kẽ nên cử Iakốp Lukits Ôxtơrốpnốp làm chủ nhiệm mới phải. Đó mới thật là một đầu óc. Lão ấy gửi mua tận Kraxnôđa hạt giống lúa mạch loại giống mới, hạn mấy cũng chịu được, lão biết giữ tuyết trên ruộng cày, thu hoạch của lão bao giờ cũng cao nhất. Gia súc thì lão nuôi loại nòi. Mặc dầu lão cũng có kêu quang quác khi chúng tôi bóp thuế lão, nhưng lão là một tay làm ăn giỏi, có bằng khen đấy.
Nagunốp lắc đầu tỏ vẻ nghi ngờ:
- Lão ấy như một con ngỗng hoang giữa đàn, đứng tách riêng ra một mình.
- Không phải đâu! Lão là người của ta. - Radơmiốtnốp khẳng định dứt khoát.
__
Chú thích:
1. Năm 1929, Đảng Cộng sản Liên Xô đã phái hai vạn rưởi công nhân về nông thôn tham gia vận động tập thể hoá nông nghiệp. - ND. 2. Tiêu ngữ của Hải quân Liên Xô. - ND. 3. Một kiểu áo thường mặc của người kô- dắc. - ND. 4. Một kiểu quần ống rộng của người kô- dắc. - ND. 5. Maka là tên, Nagunốp là họ. - ND