Đế Yến
Chương 293 : Thân phận (phần cuối)
Ngày đăng: 09:45 18/04/20
Dịch giả: gaygioxuong
Sắc mặt giống như người chết, nhưng sau khi Thu Trường Phong hít sâu một hơi, lại khôi phục như bình thường. Hắn thản nhiên nói: "Ta họ Lam? Cái họ này hình như không tệ chút nào."
Diệp Hoan đã thu hết tất cả vào trong mắt, khẽ cười gằn nói: "Họ Lam đúng là không tệ, nhưng nếu là con cháu của Lam Ngọc thì tệ cả mười phần!"
Gương mặt Thu Trường Phong trở nên vặn vẹo, giọng khàn hẳn đi: "Ngươi. . ." Dường như hắn định nói gì đó, nhưng bỗng đột nhiên nghẹn lời, sắc mặt khó coi chưa từng có.
Nhìn thấy đúng như mình đã dự đoán, Diệp Hoan mỉm cười nói: "Bản thân ngươi là Cẩm Y Vệ, đương nhiên biết rõ trong Tứ đại án thời Hồng Vũ Tứ có một án được gọi là án Lam Ngọc, số lượng người liên quan bị Chu Nguyên Chương sát hại rất lớn, quả thực nghe rợn cả người. Khi ấy, Đệ nhất tướng quân của Đại Minh là Lam Ngọc đã bị giết chết trong vụ án này. Lam Ngọc nguyên là Khai quốc công thần của Đại Minh, cũng là em vợ của Thường Ngộ Xuân, đệ nhất mãnh tướng Đại Minh. Kể từ sau khi Thường Ngộ Xuân đột tử, Từ Đạt về già, với tài văn thao vũ lược hơn đời, Lam Ngọc nhiều lần lập được chiến công hiển hách cho Đại Minh, do đó vầng hào quang Đệ nhất Tướng quân Đại Minh đã tự nhiên phủ lên người ông ta. Thậm chí sau khi Lam Ngọc một lần nữa đánh cho Bắc Nguyên phải thua đau, Chu Nguyên Chương đã nói một câu, Lam Ngọc quả thật là Trọng Khanh, Dược Sư của trẫm. "
Vệ Thanh tự Trọng Khanh, Lý Tĩnh tự Dược Sư. Hai người này, một là tướng quân truy đuổi quân Hung Nô của Đại Hán, một là danh tướng tiêu diệt Đột Quyết thời nhà Đường. Chu Nguyên Chương so sánh Lam Ngọc với Vệ Thanh, Lý Tĩnh, qua đó có thể thấy được địa vị và hào quang tại Đại Minh lúc bấy giờ của Lam Ngọc.
Đương nhiên Thu Trường Phong cũng biết rõ những tình tiết này, nhưng hắn không những không có một chút thái độ ngưỡng mộ nào, mà trái lại, trong đôi mắt chỉ có niềm bi thương vô bờ.
Diệp Hoan lại nói tiếp: "Đáng tiếc, vật cực tất phản, bĩ cực thái lai. Khi địa vị Lam Ngọc lên đến tột đỉnh, đã làm cho Chu Nguyên Chương nảy sinh nghi kỵ, vu cho tội danh phản nghịch để diệt trừ. Người đời thường nói Lam Ngọc thực ra vô tội, bảo rằng Lam Ngọc bị giết chết chỉ là vì năm ấy Chu Nguyên Chương tiến hành thanh trừ đối thủ của chủ ta mà thôi. Nhưng Lam Ngọc đứng về hàng ngũ những người ủng hộ Thái tử Chu Tiêu, nên cũng sẽ ủng hộ chủ ta, tại sao Chu Nguyên Chương lại xuống tay với ông ta?"
Dừng lại một lát, thấy Thu Trường Phong vẫn không chịu mở miệng, Diệp Hoan mỉm cười nói tiếp: "Nguyên nhân ở đây là bởi vì Lam Ngọc cũng biết rõ câu chuyện về bí quyết Kim Long. Khi xưa, bởi có quan hệ mật thiết với Thái tử Chu Tiêu, cộng thêm những gì nghe được từ miệng chị gái mình là Lam Lạc Hoa, Lam Ngọc đã mơ hồ đoán ra những hành động bí mật của Chu Nguyên Chương, bởi vậy ông ta đã từng kín đáo bảo với Thái tử rằng, Yến vương Chu Lệ có khí độ thiên tử, sớm muộn gì cũng sẽ phản, do đó giục giã Thái tử Chu Tiêu diệt trừ Chu Lệ. Nhưng ông ta không sao ngờ tới, người của Chu Tiêu lại kể lại chuyện này để lấy lòng Chu Lệ. Chu Lệ lập tức âm thầm tính kế, giả vờ thân cận với Lam Ngọc để nhằm reo rắc sự kiêng kỵ vào đầu Chu Nguyên Chương. Tiếp đó Chu Lệ thừa cơ đầu độc suy nghĩ của Chu Nguyên Chương, chẳng những giết chết Lam Ngọc, còn diệt sạch cả nhà ông ta!"
Thu Trường Phong cúi đầu không nói, thân hình chìm trong ánh lửa xanh, có vẻ thê lương khôn tả.
Nhìn không bỏ sót một phản ứng nào của Thu Trường Phong, Diệp Hoan thong thả nói: "Mặc dù người đời ai cũng biết, Thường Ngộ Xuân và Lam Ngọc oai hùng dũng mãnh, nhưng có rất ít người biết được, vợ Thường Ngộ Xuân là Lam Lạc Hoa cũng là một cao thủ không lộ diện. Năm ấy, Lam Ngọc bị giết, nhưng Lam Lạc Hoa vẫn kịp dẫn một người thiếp của ông ta trốn thoát, bởi vì người thiếp đó đã mang trong mình giọt máu của ông ta. Từ đó về sau, Lam Lạc Hoa và người thiếp kia không còn tung tích, không ai biết được điểm dừng chân chính xác của hai người. Về sau, chủ ta đăng cơ, Chu Lệ soán vị, lại hơn mười năm trôi qua, không một ai có thể ngờ tới, đứa bé mồ côi từ trong bụng mẹ năm ấy đã đến tuổi khôn lớn, được Lễ Bộ thị lang Thu Cảnh nhận làm con nuôi, hơn nữa còn vào Cẩm Y Vệ. Năm xưa, võ công Lam Lạc Hoa không thua kém Thường Ngộ Xuân, thậm chí Thiên hạ đệ nhất hảo hán Trương Định Biên cũng chỉ đánh ngang tay, bởi vậy lão đã khen bà là anh hào không thua đấng mày râu. Mà trong cuộc giao đấu với Trương Định Biên khi ấy, binh khí mà Lam Lạc Hoa đã sử dụng là một thanh đao. . . một thanh đao rất quái dị, nghe nói tên nó là Cẩm Sắt!"
Y nói ra một mạch từ đầu đến cuối, Thu Trường Phong không hề xen ngang. Sau khi nghe Diệp Hoan nói xong, hắn mới vô cảm nói một câu: "Đao mà ta dùng cũng tên là Cẩm Sắt."
Ánh mắt sáng quắc, Diệp Hoan nhẩn nha nói: "Đúng vậy, ngươi chính là đứa con mồ côi từ trong bụng mẹ của Lam Ngọc, ngươi thực ra họ Lam. Cẩm Sắt Đao của ngươi thực ra là do Lam Lạc Hoa truyền lại, toàn bộ võ công của ngươi cũng là nhờ bà ban tặng. Nếu không phải vậy, một Thiên hộ Cẩm Y Vệ tầm thường làm sao có được võ công cao thâm tới như vậy? Bởi không biết được toàn bộ câu chuyện này, cho nên Chu Lệ rất tín nhiệm ngươi. Ngươi nói thử xem, nếu như ông ta biết được thân phận của ngươi, còn có thể giữ ngươi lại bên cạnh nữa không?"
Thu Trường Phong nở một nụ cười chua chát rồi hỏi lại: "Vì thế ngươi mới dám chắc, ta sẽ nghe theo lời thuyết phục của ngươi, nhập bọn với các ngươi để tạo phản?"
Diệp Hoan lạnh nhạt nói: "Đương nhiên. Nếu không thì vừa rồi ta tội gì phải dẫn dắt ngươi đến đây, nói nhiều như thế để làm gì? Chu Lệ đã giết cả nhà ngươi, chẳng lẽ ngươi đã quên thù hận sâu tựa bể kia? Ngươi vào Cẩm Y Vệ, chẳng lẽ không phải vì báo thù rửa hận, chờ đợi cơ hội ám sát Chu Lệ? Bởi vậy, ta đã tính toán kỹ cả rồi, ngươi chỉ còn con đường nhập bọn với chúng ta, trước mắt chính là cơ hội tốt nhất của ngươi. Giữa ta và ngươi, thực ra là có cùng một kẻ địch."
Kẻ địch của bọn họ, đương nhiên là Chu Lệ.
Cẩm Sắt vô đoan ngũ thập huyền
Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên
Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ uổng nhiên
--Dịch Nghĩa--
Đàn gấm chẳng vì cớ chi mà có năm mươi dây
Mỗi dây mỗi trụ đều gợi nhớ đến thời tuổi trẻ
Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành bươm bướm
Lòng xuân của vua Thục đế gửi vào chim Đỗ Quyên
Trăng chiếu sáng trên mặt biển xanh, châu rơi lệ
Ánh nắng ấm áp chiếu vào hạt ngọc Lam Điền sinh ra khói
Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng
Cho đến bây giờ chỉ còn lại nỗi đau thương
--Bản dịch của Trần Trọng Kim--
Đàn cẩm sắt, mấy chục dây,
Một dây, một trục, nhớ ngày thanh niên.
Trang Sinh hồ điệp mộng quên,
Lòng xuân Thục Đế, đỗ quyên gửi mình.
Trăng soi châu dỏ duềnh xanh,
Lam Điền trời ấm, ngọc lành khói bay.
Tình kia còn nhớ có ngày,
Hiện nay chỉ thấy gắt gay nỗi lòng.