[Dịch] Dữ Quỷ Vi Thê

Chương 103 : Thừa Tự

Ngày đăng: 20:48 17/09/19

CHƯƠNG 103. THỪA TỰ Đến tận đây, lễ hiến tế vào ngày lễ quỷ của thôn Ngụy đã gần kết thúc. Người của thôn đi vòng quanh chiếc bàn đá, ném những cây gậy lên tạo thành những âm thanh rầm rập không dứt. Sau khi ném bỏ xong họ nối đuôi nhau rời khỏi, chỉ còn sót lại lớp người già của Ngụy Thất gia trong hang, chẳng biết kế tiếp định làm gì. Trần Dương tất nhiên ra khỏi hang theo phần lớn dòng người. Sắc trời bên ngoài đã sập tối, những tầng mây dầy cộm chậm rãi chuyển động. Hết thảy như đang lẳng lặng ngủ. Từng đợt gió thổi tới khiến lá cây xào xạc rơi. Dù bên ngoài vẫn đang yên ắng vô cùng, nhưng thứ không khí bi thương và trang nghiêm trong hang động đã vơi đi mất. Người thôn Ngụy cởi bỏ bộ áo trắng trên người, tụm năm tụm bảy đi về phía thôn. Loáng thoáng, trong rừng trong bụi cây truyền đến tiếng thì thầm khe khẽ, giọng xì xào như có vẻ đã trút được gánh nặng. Thậm chí mấy kẻ trẻ tuổi còn đùa giỡn cười đùa đến mức vài bậc trưởng bối gần đó lập tức nạt nộ bảo im lặng. Song con tim ngập tràn sức sống của lớp trẻ sao có thể bị cản lại đơn giản như thế. Trần Dương có thể thấy rõ hai thiếu niên nam nữ kia đang liếc mắt đưa tình, xuân tình nhộn nhạo. Anh cười khẽ, cảnh này sao thú vị quá. Đám người tốp năm tốp ba tản đi, chỉ còn Trần Dương và người nhà của cụ Ngụy và một vài người trung niên mà anh không quen ở lại. Anh đang định đẩy xe lăn rời khỏi, bỗng A Phong cháu trai cụ Ngụy lại gọi giật, “Trần Dương, ông nội tôi bảo anh chờ ông đấy.” Vài người bước theo vợ của Ngụy Thất gia vào ngồi giữa nhà chính. Vài kẻ châu đầu ghé tai, cũng có vài người không muốn để Trần Dương ngồi một mình nên lại trò chuyện cùng anh. Trần Dương trả lời câu có câu không, thái độ ôn hòa. Bình thường Trần Dương vốn là người coi anh em khắp bốn biển là nhà, hễ quen lâu một chút thì sẽ đôi ba câu mà có thể xáp vào gọi anh gọi em. Nhưng hôm nay thật sự anh chẳng hứng thú gì, hồn phách bị thương chẳng khác nào rút sạch tinh thần của anh, ngay cả phản ứng còn chậm hơn ngày thường nửa nhịp. Trần Dương biết, anh phải mau chóng khỏe lên, chứ không chẳng sớm hay muộn cũng sẽ bị nhìn ra sơ hở. Anh đợi mãi đến khi gần ngủ gục mất, đoàn người của Ngụy Thất gia mới trở lại. Vẫn chưa vào nhà nhưng đã nghe thấy họ đang lớn tiếng tranh cãi ngoài kia. Giọng Ngụy Thất gia rất dễ nhận ra, bởi nói được hai câu thì ông ta sẽ ho mấy tiếng, ho sù sụ đến mức người bên cạnh sẽ khó chịu cùng. Ông ta nói, “Ta biết, ta biết rồi, mấy người vội vàng làm gì, ta còn chưa chết đấy!” Giọng cụ Ngụy vang lên, “Lão Thất, sao ông nói khó nghe thế, chẳng lẽ chúng tôi ép ông ư? Đây là quy củ của tô tiên thôn Ngụy truyền lại, đến năm sáu mươi nhất định phải có người kế thừa, nhưng còn ông? Hết năm nay lại sang năm sau, hết năm sau lại sang năm sau nữa, mấy kẻ làm anh làm em bọn tôi nể tình nên không nói gì, đến bây giờ thì sao? Năm nay ông đã quá bảy mươi rồi đấy!” Giọng một ông cụ truyền đến, “Đúng vậy, anh Thất à, bọn tôi cũng hết cách rồi.” Lập tức bên cạnh vang lên giọng phụ họa của một vài ông cụ khác, “Đúng thế đấy, anh Thất. Không phải bọn tôi ép anh đâu, là thật không thể kéo dài tiếp nữa. Nếu anh có hậu nhân thì mau đưa người đó về đây, còn nếu không có thì cũng phải để bọn tôi tìm ở trong lớp hậu bối mấy đứa thừa tự chứ.” Họ vẫn đang tranh cãi với nhau, còn những người ngồi trong nhà chính không nói gì, tất cả đều dỏng tai nghe thanh âm bên ngoài. Sắc mặt của vợ Ngụy Thất gia khi trắng khi xanh, bà chùi tay vào quần, dáng vẻ đứng ngồi không yên. Đến khi mấy ông cụ bước vào rồi thì đám hậu bối đang nghe lén lập tức ngồi nghiêm hẳn lại. Lưng Ngụy Thất gia đã còng, ông vừa đi vừa ho, tóc bạc rối bời. Nếu phải so với ông lão với tấm lưng thẳng tắp và khỏe mạnh khi nãy trong hang động thì đây tựa như hai người khác biệt. Gương mặt khô quắt gầy gò vàng xỉn như nến hiện đang tức giận đến đỏ bừng bừng, tay chân không ngừng run rẩy. Vợ ông hối hả chạy lại đỡ lấy. Mấy ông cụ khác người thì ngồi xuống ghế do lớp con cháu nhường, người ngồi vào ghế trên. Ngụy Thất gia che miệng ho liên hồi, sau đó mới cất giọng khàn khàn nói, “Mấy người cứ yên tâm, trong vòng ba tháng ta sẽ đưa ra thứ các ngươi muốn. Mặc kệ thế nào trong vàng ba tháng nhất định sẽ lập kẻ kế thừa.” Cụ Ngụy tiếp lời ngay tức khắc, “Nếu Lão Thất đã nói thế, ta thấy hôm nay cứ như vậy đi, mọi người hãy về ngủ sớm. Trời tối rồi, đã đến lúc cài then đóng cửa.” Mấy ông cụ còn lại gật đầu đồng ý với đề nghị của cụ Ngụy. Đoàn người rời khỏi nhà Ngụy Thất gia. Cụ Ngụy đi đến trước mặt Trần Dương, “Hôm nay cậu đến nhà ta qua đêm đi, ta có chút chuyện cần nói.” Trần Dương thấy cụ Ngụy cũng chẳng có vẻ vui mừng gì, hiển nhiên tuy nói thế nhưng thật ra cụ vẫn khá bất mãn với việc Ngụy Thất gia cứ trì hoãn việc thực hiện, chẳng qua vì tình cảm nên cụ không tiện nổi giận thôi. Đến khi tới nhà cụ Ngụy, Trần Dương theo cụ vào buồng trong. Cụ Ngụy ngồi vào ghế dựa, tiện tay để cây gậy qua một bên, “Mấy thứ này vướng tay vướng chân quá, già rồi, nhớ năm đó ——” Tiếp theo, cụ bắt đầu đau lòng trần thuật lại lịch sử cách mạng, sự tích huy hoàng. Trần Dương nghe mà khóe môi giật giật, không phải ông cụ kéo anh đến đây để nghe mấy chuyện này đó chứ? Anh bèn cắt ngang dòng thao thao bất tuyệt của ông cụ, “Cụ à, rốt cuộc cụ định nói gì với cháu?” Cụ Ngụy đang kể đến chuyện bị thương trong thời chiến thì bị Trần Dương xen vào, cụ bất mãn trừng mắt với Trần Dương, vẻ mặt tang thương lắc đầu, “Mấy đứa lớp trẻ bây giờ cả ngồi nghe chút chuyện cũ của mấy ông già mà cũng chẳng chịu khó nghe, lòng người không hoài cổ gì hết. Thôi thôi, cứ nói tới chuyện chính cho cậu vậy.” Bị bảo thế, Trần Dương bèn ra dấu cụ mau nói đi. Cụ Ngụy hớp một ngụm trà, “Chuyện âm hôn ấy à, hôm nay Ngụy Thất gia nói với ta không thể tiến hành nghi lễ trong thôn được, phải đến ngôi nhà cũ bên ngoài kia.” Cụ đặt mạnh chung trà lên bàn, “Nói phép tắc thì hay lắm, đến phiên mình thì lại bắt đầu chối đây đẩy, đùa ta chắc, dám làm thế với ta à, ta không để lão yên đâu.” Thì ra là thế, dọc đường đi ngoài tranh cãi chuyện người thừa tự, giữa những lão bối còn có nội tình. Nhưng thật ra Trần Dương thấy tổ chức ở đâu cũng vậy thôi, không ở trong thôn Ngụy còn tốt hơn. Nghe bảo âm hôn mà tiến hành ở ngay trong thôn thì u ám đáng sợ lắm, người của thôn mà tụ tập lại thì thể nào cũng bày tỏ quan điểm, sẽ giống hệt như đêm nay thôi. Trần Dương nhìn cụ Ngụy ở bên kia chỉ trời mắng mỏ nước miếng tung bay, chờ cụ mắng đến hả lòng hả dạ rồi anh mới nói, “Tổ chức ở đâu cũng được, cháu không ý kiến.” Cụ Ngụy thở dài, “Mấy tên đó thì biết gì, chúng cứ nghĩ anh ta bỏ vợ bỏ con theo trai mà đi, thật ra hoàn toàn không phải.” “Phụtttt ——” Trần Dương nghe xong lời này thì phun sạch trà vừa mới vào miệng, tin này cũng chấn động gớm. Ngụy Lâm Thanh lại có thể là người như vậy? Vì một thằng đàn ông nên mới bị trục xuất khỏi gia tộc? Còn bỏ vợ bỏ con? Thế nên vì muốn thằng quỷ con kia đầu thai chuyển thế mà chấp niệm sâu nặng như vậy? Cụ Ngụy vẫn còn đang thao thao không ngừng, “Chị dâu ta vốn chưa từng trách anh ấy, hơn nữa anh ta liệu có phải bỏ đi cùng… cùng một gã trai hay không còn chưa chắc chắn! Mấy tên ấy chỉ dựa vào lời đồn đại đã dời anh ấy ra khỏi phần mộ tổ tiên!” Cụ Ngụy đập tay cái rầm lên thành ghế vịn, vẻ mặt giận dữ vô cùng, bộ dáng nghiến răng nghiến lợi. Trần Dương lau miệng, anh ho nhẹ một tiếng, “Cụ đừng giận, người đã đi rồi còn nói chuyện ấy làm gì. Rốt cuộc chuyện thế nào, chỉ cần người thân như cụ biết là đủ.” Cụ Ngụy yên tâm hẳn, cụ vỗ vai Trần Dương, “Cũng chỉ có cậu hợp ý ta, mà còn biết nói lời xuôi tai. Ta chẳng thèm để tâm đến mấy kẻ lắm mồm thích xen vào việc người khác. Hừ hừ, chỉ cần đừng bị ta bắt là được.” Trần Dương dở khóc dở cười nhìn cụ Ngụy. Lời này chẳng phải là muốn tiếp tục trả đũa ư. Dù sao chuyện trong thôn Ngụy không liên quan gì đến mình, anh nghe một ít thì thôi. Sau khi công trình sửa đường ngừng vài ngày, Hai Mập khai thông đủ loại quan hệ, bồi thường cho người nhà của hai người chết, rồi thì hắn ta lại tuyển một nhóm người mới định mấy ngày nữa khởi công lại. Hơn nữa, lần này Hai Mập không dám làm ông chủ bỏ mặc mọi chuyện mà sẽ cùng đến ở thôn Ngụy. Trần Dương vốn không định làm việc ở đội sửa đường nữa, nhưng chắc do bôn ba bên ngoài đã quen, nên ru rú suốt trong nhà thì lại gò bó chân tay quá, chẳng thoải mái như khi ở ngoài. Trần Dương nghĩ, chắc tận trong xương cốt mình là kẻ thích lang thang. Tuy không có chỗ ở cố định, nhưng theo phương diện nào đó mà nói cũng là trời đất bao la, chỉ cần anh quay lại sẽ hiểu được tình đời thay đổi, sẽ hiểu được ấm lạnh của nhân tình. Sẽ đánh bài, uống rượu, cùng khoe khang khoác lác với đám bè bạn mới vừa quen được. Trần Dương cảm giác dường như anh có hơi nhớ loại cuộc sống này. Khi anh nói ý tưởng này ra với Hai Mập, ngay lập tức Hai Mập túm lấy góc áo anh, khóc đến nước mắt nước mũi tèm lem, rồi vẻ mặt cầu xin mà bảo, “Anh Trần à, anh như anh ruột của tôi đó, anh giúp tôi hoàn thành công trình này đi. Tôi thấy chuyện này dám còn xảy ra rắc rối nữa, năm đó trong bọn chúng ta chỉ có mình anh lớn gan.” Hai Mập khóc một hồi thì những thớ thịt của hắn cũng run lên bần bật, run đến mức Trần Dương nổi da gà toàn thân. Anh em tới tận cửa van xin rồi, tất nhiên Trần Dương chỉ đành tạm thời ở lại. Sau khi ngủ lại nhà cụ Ngụy một đêm, sáng hôm sau Trần Dương trở về nhà thím Sáu Ngụy. Thím đã tìm được số của Ngụy Thời. Trần Dương gọi cho cậu ấy, đến tối thì Ngụy Thời trở về thôn. Vừa vào cửa Ngụy Thời đã dạng tay dạng chân ngã nhào lên ghế, miệng thì cứ oai oái, “Mệt quá mệt quá, khốn nạn, chuyện này đâu phải chuyện cho người làm. Chạy tới chạy lui suốt ngày cứ như đi đầu thai, mấy ngày rồi thở còn chẳng nổi.” Cậu nhìn Trần Dương, đánh giá từ trên xuống dưới, “Giữa lông mày anh có hắc khí, dương khí không đủ, âm khí xâm chiếm, tình huống không hay lắm nhỉ.” Trần Dương đưa tay về phía Ngụy Thời, “Nếu không sao lại có câu châm ngôn, người đã xúi quẩy rồi thì uống nước cũng sặc cho bằng được.” Ngụy Thời gật đầu một cách tràn đầy đồng cảm. Trần Dương kể chuyện xảy ra vào lễ quỷ hôm ấy cho Ngụy Thời, Ngụy Thời mày nhăn mặt nhíu, vẻ mặt suy nghĩ sâu xa mà nói, “Anh không nói thì tôi cũng quên, kể từ năm mười sáu tuổi tôi đã không còn tham gia lễ quỷ ở thôn nữa. Lần nào không phải chuyện này thì cũng là chuyện nọ kéo tôi rời khỏi.” Rồi như chợt nhớ ra, Ngụy Thời mới thuận miệng nhắc, “Tôi có mấy cách chữa hồn phách bị thương, ngày mai anh cứ đến tìm.” Đăng bởi: admin