Giường Đàn Bà

Chương 20 : Rất, rất... Rất tuyệt!

Ngày đăng: 21:14 20/04/20


Bob như sắp phải nhảy vào bịt lỗ châu mai, toàn thân đờ đẫn, lấy tiền trong túi ra, nói, Em muốn mua à? Để tôi mua cho em.



Mạch nhìn anh hồi lâu mới nói, Vì chuyện này mà vừa rồi anh toát mồ hôi đấy à?



Bob 26



Bob trần truồng nhìn lên tấm thảm len không nghĩ mình đang đối mặt với thử thách nào. Anh nghèo, ko có tiền. Anh muốn nói tất cả những điều trong lòng mình với một nữ trí thức bị anh lột sạch áo quần rằng, tôi sẽ trở thành người nổi tiếng, tôi đã nở nụ cười ghét bỏ với những người không thích tôi, tôi muốn tỏ ra hiển hách, muốn sẵn sàng bỏ tiền đến siêu thị Sogo mua những thứ tôi thích, đừng lúc nào cũng đến Nhị Lí Đồn mua gái loại ba đứng đường, những thứ hàng giả, hàng không có thương hiệu.



Bob còn muốn nói với Mạch, đi, đi với tôi, em sẽ không thất vọng, internet chẳng qua chỉ là đống rác, đừng để công nghệ tin hoặc Derrida làm mất cá tính của mình. Trung Quốc đã gia nhập WTO, điều quan trọng là phải nhận ra mình giữa toàn cầu hóa, đừng để mất, em có nước da vàng, em nói tiếng Anh chỉ là nói thế thôi, tiếng mẹ đẻ là tiếng người Hoa nói. Chỉ có dùng thứ tiếng ấy mới có những lời lẽ văn hoa, lời hay ý đẹp của em không có cách nào dịch ra tiếng nước ngoài. Nó chỉ tồn tại trong tiếng mẹ đẻ của em, người nước ngoài không thể cảm nhận được giọng điệu của nó, dù người Pháp này yêu thích Bắc Kinh đến mức nào. Một người có những lời lẽ đẹp rất có thể nói với người Mỹ: không; cũng có thể nói với người Pháp: không. Và có thể nói với các cô gái Trung Quốc: No, Yes, trên Sohu chửi Sina, trên Yahoo chửi 263.com. Tôi biết họ không thể kiếm được tiền, cho dù họ ở đâu về, bất kể họ là người của công nghệ thông tin, kinh tế mới vẫn là kinh tế, những việc không kiếm tiền cuối cùng cũng đổ bể. Tiền là tốt, tôi thích đôla, cũng thích nhân dân tệ. Tôi và gái không có mối quan hệ lợi ích nào, chỉ có tiền. Có lúc không bàn đến tiền, tôi chỉ nói đến tình ái, để chúng ta ngồi xuống, ngồi bên đường vành đai bốn mới được trồng cây. Chúng ta ngồi xe buýt đến đường vành đai bốn, lúc chúng ta đến đấy gió nhẹ nắng vàng, thời tiết Bắc Kinh vào mùa đẹp nhất... Anh còn muốn nói, nếu có tiền anh sẽ cho mấy cô gái điếm nhiều tiền hơn, không để cho các cô gái ấy theo đuôi tốn lời, luôn miệng gọi anh Hai, anh Hai.



***



Sáng sớm hôm ấy Mạch bị ánh nắng chói chang bên ngoài cửa sổ đánh thức. Cô lay Bob dậy, giục giã, Chúng ta đi siêu thị sắm áo quần nhé.



Bob đang trong giấc mơ nghe thấy Mạch nói, lập tức tỉnh ngủ. Anh hồi hộp hỏi, Mua gì, mua áo quần gì?



Mua cho anh và em, chúng ta cần thay đổi. Em có cảm giác lâu lắm không mua sắm áo quần, cảm giác ngày tận thế đã đến, ngày nào cũng bơi trong đống rác.



Bob đành phải đi với Mạch trong đường phố ngập tuyết. Anh vẫn chưa hết căng thẳng, nhẩm tính số tiền hiện có trong người. Hôm trước viết bài cho tờ “Phương Nam buổi chiều” được một nghìn đồng nhuận bút, phải trả tiền điện thoại và tiền thuê nhà tháng này. Bob nghĩ, đừng nói mình là thằng đàn ông rộng rãi hay nhỏ nhen, hoặc bần tiện, trước tiên mình bị cuộc sống dồn ép đến không thở ra hơi.



Bob buồn buồn bước đi, không có nhiệt tình của người đi dạo phố, vào các cửa hàng, cửa hiệu, cũng không có sức nói chuyện. Bỗng Mạch hỏi, Tại sao thấy em đi dưới nắng, anh lại tỏ ra không vui?



Bob nói, Đúng vậy không?



Họ vào siêu thị Sogo gần cửa ô Tuyên Vũ.



Theo bản năng, Bob trốn tránh các siêu thị. Anh bị mỹ phẩm của đám con gái làm cho sợ hãi không còn cất đầu lên nổi, thấy mình giống ông bố già nua và bủn xỉn mà Mạch kể cho anh nghe.



Sau đấy, Bob bị áo quần, cho dù là áo quần nam hay nữ, đè cho nghẹt thở.



Hai người cùng lên thang máy, Mạch cầm tay anh. Cơ thể hai người như được nắng nâng lên bầu trời, lúc này Bob toát mồ hôi.



Tại sao anh lại nóng thế này? Mạch hỏi.



Nóng quá, nóng không chịu nổi.



Đúng vậy, đàn ông không thích vào siêu thị, trừ Bạch Trạch. Anh ấy thích đi chơi phố, thích mua áo quần cho tôi. Tất nhiên đấy là lúc đầu, khi hai người mới quen nhau. Sau đó tình hình có sự thay đổi, anh ấy vào siêu thị nhưng chỉ lượn xem âu phục nam và găng tay, đồng hồ mấy chục ngàn nhân dân tệ. Anh ấy không mua đồ cho tôi nữa. Tôi nhắc anh ấy, nhưng vô tác dụng.



Bob thấy mồ hôi vã ra ngày càng nhiều. Anh quyết tâm ra khỏi siêu thị. Chạy trốn, đấy là biện pháp duy nhất.



Mạch lại nói, anh thấy khi đàn ông muốn mua đồ cho phụ nữ, mua các thứ, không cần cô ta phải đi mua, không cần nhắc nhở, phải chăng đấy lúc anh yêu cô ta nhất?



Bob một lần nữa lại thấy người nóng hầm hập.



Mạch nói, Em hỏi anh, tại sao anh lại im lặng?



Bob nói, Em nói gì cơ, vừa rồi anh bị phân tán tư tưởng, không nghe rõ.



Mạch quên mất câu hỏi của mình. Cô đang bị hàng hóa hấp dẫn, reo lên, Anh xem, cái áo này đẹp không? Em mặc hợp đấy nhỉ?



Bob xem. Đấy là cái áo bò, may rất khéo, cúc rất cầu kì, Bob bị Mạch lôi đến trước cái áo. Anh nhìn hoa cả mắt, một trăm tám mươi tám đồng! Bob nói, Rất, rất... rất tuyệt!



Mạch cười to, nói, Rất rất, tuyệt tuyệt, tuyệt thế nào?



Bob biết Mạch đang nhại mình, nhưng không cười nổi. Anh nói, Ở đây nóng quá, chúng mình ra ngoài thôi.



Mạch im lặng, nhìn thẳng vào mắt Bob, nói, Không sao, anh đừng căng thẳng.



Bob càng ngượng, biết rằng đây là thời điểm đen tối nhất trong đời. Anh không sao nói nên lời.



Mạch nhìn anh, xoay mặt anh lại, lau mồ hôi cho anh, nói, Em nói rồi, anh đừng căng thẳng như vậy.


Anh nghĩ thế thật sao?



Anh nghĩ mình phải kiếm thật nhiều tiền để em được bảo vệ, để đời em không còn buồn vì đàn ông, không phải buồn vì tiền.



Tôi nói, Em không tin.



Bob nói, Anh nghĩ thế đấy.



Em vẫn không tin.



Chúng tôi ôm nhau, mặt áp mặt và ngủ trong tư thế ấy cho đến khi có tiếng gõ cửa.



* * *



Tôi sợ hãi ngồi bật dậy, do dự không biết có nên ra mở cửa hay không. Ánh trăng chiếu trên tấm thân trần truồng của chúng tôi. Bên ngoài cửa sổ có tiếng xao động.



Bob nói, Tiếng mở cửa gấp lắm, có thể có chuyện khẩn cấp, em ra mở cửa đi. Hay là, anh trốn đi?



Tôi nói, Không phải vì anh ở đây. Anh nghĩ xem, chúng ta cố tình làm cái chuyện kia cho anh ta trông thấy, liệu em còn sợ gì?



Bob nói, Vậy em do dự điều gì?



Có thể nhà hàng xóm, ông ta trong ban tự quản khu chung cư. Họ bị bảo vệ của nhà đầu tư đánh, đòi triệu tập họp toàn thể chủ hộ. Anh bảo, em có nên tham dự không? Căn hộ này Bạch Trạch bỏ tiền ra thuê. Chuyện của chủ hộ không liên quan gì đến em. Chúng ta có phải chủ hộ không nhỉ?



Tiếng gõ cửa gay gắt hơn, bên ngoài có tiếng hỏi, Có nhà không? Có ai ở nhà không, mời đi họp, đừng quên quyền lợi của chủ hộ.



Chúng tôi len lén nhỏm người lên khỏi giường, nhìn xuống dưới, vườn hoa đèn sáng trưng, đã có khá đông người. Hình như có chủ hộ bị đánh trên đầu còn quấn băng trắng. Bob cười, nói, Anh thà bị đánh để được quấn băng.



***



Chúng ta có phải chủ hộ không?



Câu hỏi khiến tôi và Bob đều buồn. Anh quấn băng trắng, anh là chủ hộ, anh có căn hộ hai trăm mét vuông. Nếu anh có, sẽ ghi tên Mạch trong giấy chứng nhận quyền sở hữu. Chợt nước mắt tôi trào ra, dựa đầu vào cánh tay anh, nói, Anh bảo, một ngày nào đó chúng ta có phải là chủ hộ không?



Anh không nói gì, chỉ lau nước mắt cho tôi. Anh nói, Em xem họ kìa, giống như thành lập tổ chức gì đó.



Tôi nói, Yêu cầu của em không cao, em không nghĩ đến hai trăm mét vuông, chỉ cần một căn hộ nhỏ. Căn hộ nhỏ thuộc về chúng ta, không phải nhà đi thuê, cũng không phải của người khác thuê cho em. Trong căn hộ đó, em sẽ kê một cái giường to, cái giường rộng hơn hai mét. Trên đệm có thêm một lớp mút, nằm lên rất êm, rất ấm. Nhưng, không có, hôm nay không có, hôm qua không có, không biết ngày mai có không.



Bob đang suy nghĩ thì dưới vườn hoa bỗn xôn xao. Nhân viên bảo vệ bắt đầu hành động, các chủ hộ hăng lên, hai lực lượng bắt đầu xung đột, xúm xít giằng co. Chỉ một lát sau người của đài truyền hình đến, dùng máy ghi hình ghi lại cảnh tượng trước mắt.



Bob nói, Chúng ta nhất định có nhà riêng. Đến lúc ấy anh sẽ cùng bà con chủ hộ đánh lại bảo vệ, em hãy tin ở anh.



Tôi nhìn Bob, cười, nói, Cứ dựa vào tiểu thuyết của anh viết, cái mà anh nói viết văn bằng thân xác người khác đọc không hiểu. Anh có thể viết cả ngàn truyện, đấy là tinh thần Foucault, nhưng không liên quan gì đến cuộc sống của người dân. Điều ấy coi như không có tiền, cũng không có nhà. Anh không có nhà, coi như không có tinh thần. Anh bảo, tinh thần Foucault là thế nào?



Lúc ấy, một nhân viên bảo vệ cao to, giơ cao cây dùi cui trong tay.



Xem kìa, kia là tinh thần Foucault.



Suốt ba ngày ở trong phòng không ra khỏi cửa, mọi chuyện bên ngoài không liên quan gì đến chúng tôi. Sau ba ngày, Phù Hiệu gọi điện bảo tôi đến họp toàn thể tòa soạn, họp chuyên đề. Tôi đáp bận. Nó nói, Đằng ấy mất tích nhiều ngày rồi, ít ra cũng đã hai tuần lễ, họp gì cũng không có mặt. Mọi người bảo Bạch Trạch dung túng đằng ấy. Đằng ấy không đến tòa soạn, không có bài viết, nhưng anh ấy vẫn phát lương cho đằng ấy.



Tôi nói, Tớ không rảnh, hôm nay có buổi chiếu phim, tớ phải đi xem. Phù Hiệu nói, Ít nhất đằng ấy phải ló mặt để bạn bè không còn bàn tán. Tôi nói, Hôm nay thì không thể. Đây là bộ phim đồng tính luyến ái rất quan trọng, tớ không thể bỏ qua.



Cuối cùng, Phù Hiệu nói, đổi phòng làm việc rồi, tớ vẫn ngồi cạnh đằng ấy.



Tôi trầm mặc giây lát rồi nói, Phù Hiệu, nghe nói đằng ấy đạo bài của người khác đã đăng hai năm trước đây, bị đuổi việc rồi phải không?



Phù Hiệu nói, Có mấy người cùng bị kỉ luật, nhưng mọi người vẫn trố mắt nhìn đằng ấy, xem anh ta có công bằng không? Bây giờ công chức cũng phải bảo vệ lợi ích của mình, không thể nói đuổi việc là đuổi việc được. Ngày nay nam nữ bình đẳng, ông chủ và nhân viên cũng phải bình đẳng.



Tôi tắt điện thoại rồi nhưng Bob vẫn không chịu đi xem phim. Anh nói không muốn tìm hiểu chuyện đồng tính luyến ái. Vậy là chúng tôi tung đồng xu. Kết quả tôi thắng.



_________________