Hai Số Phận

Chương 33 :

Ngày đăng: 15:11 19/04/20


Tháng Mười 1952, Abel ở Istanbul nghe tin David Maxton chết vì đau tim đã vội trở về ngay. Ông cùng với George và Florentyna dự đám tang ở Chicago và sau đó nói với bà Maxton rằng bà là khách mời của bất cứ khách sạn Nam tước nào trên thế giới, tùy bà thích đi đâu thì đi đó và cứ như thế cho đến hết đời. Bà không hiểu được tại sao Abel lại có cử chỉ rộng rãi như thế.



Hôm sau, Abel quay về New York. Ông hài lòng thấy trên bàn làm việc của mình ở tầng 42 có báo cáo của Henry Osborue cho biết là chuyện kia bây giờ đã nguội rồi. Theo Henry thì chính quyền mới của Eisenhower không có khả năng tiến hành điều tra vụ thất bại của công ty hàng không Liên Mỹ, nhất là từ khi chứng khoán đã ổn định được gần một năm nay rồi. Vì thế cũng chẳng có lý do gì khơi lại vụ bê bối nữa. Phó Tổng thống của Eisenhower, Richard M.Nixon, hình như quan tâm nhiều hơn đến việc xua cuối bóng ma cộng sản là điều mà Joe Mccarthy trước đây đã không làm được.



Hai năm sau đó Abel tập trung vào xây dựng khách sạn ở Châu Âu. Florentyna khai mạc khách sạn Nam tước Paris năm 1953 và Nam tước London vào cuối năm 1954. Các khách sạn Nam tước khác theo nhau phát triển ở Brussels, Rome, Amsterdam, Geneva, Edinburgh, Cannes và Stockholm trong một chương trình mười năm.



Abel có quá nhiều việc nên không còn có thời gian nghĩ đến William Kane lúc này đang tiếp tục thịnh vượng lên. Ông cũng không nghĩ đến chuyện mua cổ phiếu ở ngân hàng Lester hay những công ty liên quan khác. Tuy nhiên ông vẫn bám vào những cổ phiếu đã có, hy vọng rằng thế nào cũng có dịp chơi cho William Kane một vố đến mức dù có phục hồi được cũng khó. Abel tự nhủ với mình là lần sau có làm gì cũng phải chắc chắn là không đụng chạm đến pháp luật.



Trong thời gian Abel thường đi vắng ở nước ngoài nhiều, George là người quản lý công ty Nam tước.



Abel hy vọng Florentyna sẽ tham gia vào Ban giám đốc ngay sau khi cô rời trường Radcliffe tháng sáu năm 1955. Ông đã quyết định là để cho cô chịu trách nhiệm về tất cả các cửa hàng trong khách sạn, lo về công việc mua sắm của những cửa hàng đó để làm sao tự chúng trở thành một giang sơn riêng sau này.



Florentyna nghe nói đến triển vọng ấy thì rất thích, nhưng cô đòi phải có thêm hiểu biết về kinh nghiệm bên ngoài đã rồi mới tham gia ban giám đốc của cha cô được. Cô không cho rằng những năng khiếu của mình về thiết kế, sử dụng màu sắc và về tổ chức có thể thay thế cho kinh nghiệm thực tế được. Abel gợi ý cho cô đi học lớp huấn luyện ở Thụy Sĩ tại Nhà trường nổi tiếng về phục vụ khách sạn ở Lausanne.



Florentyna không nghe, bảo là cô muốn làm việc hai năm ở một cửa hàng New York trước khi quyết định xem có nên tiếp quản những cửa hàng trong các khách sạn hay không. Cô quyết tâm nếu đã làm thì phải có năng lực thật và nói "... không nên chỉ là con gái bố mà thôi". Abel hoàn toàn đồng ý như vậy.



- Một cửa hàng ở New York, thế thì xong ngay, - ông nói, - Bố sẽ gọi cho Walter Hovinh ở nhà hàng Tiffany, và con có thể đến đó bắt đầu ở cương vị phụ trách ngay được.



- Không, - Florentyna nói, tỏ ra cô cũng đã thừa hưởng được cái tính ngang ngạnh của bố, - Tương đương với một người hầu bàn ở khách sạn Plaza là gì?



- Là một cô gái bán hàng trong cửa hàng bách hóa,- Abel cười đáp.



- Thế thì con muốn làm đúng như vậy, - cô nói.



Abel không cười nữa.



- Con nói thật đấy ư? Với bằng tốt nghiệp ở Radchffe và với tất cả những chuyện đã đi đây đó rồi, bây giờ con muốn làm một cô gái bán hàng vô danh ư?



- Làm một anh hầu bàn vô danh ở Plaza có hại gì cho bố đâu khi bố xây dựng được một trong những công ty khách sạn nổi tiếng thế giới? - Florentyna nói.



Abel biết là mình chịu thua con gái rồi. Chỉ cần nhìn vào đôi mắt xám lạnh của cô con gái xinh đẹp ông cũng biết là cô đã quyết tâm, dù cho nói cách nào cũng chẳng làm cho cô thay đổi ý kiến được nữa.



Sau khi tốt nghiệp Radchffe, cô sống một tháng với bố ở Châu Âu, kiểm tra từng bước phát triển của khách sạn Nam tước mới. Cô chính thức khai mạc Nam tước Brussels. Ở đây, cô chinh phục được một anh chàng quản lý trẻ và đẹp trai biết nói tiếng Pháp, nhưng Abel thì bảo anh ta toàn mùi tỏi. Cô hạn cho anh ta ba ngày làm sao hết mùi đó đi rồi mới được hôn. Nhưng cô không bao giờ thừa nhận với bố rằng tỏi là một nguyên nhân.



Sau khi về New York với bố rồi, Florentyna lập tức xin việc làm người phụ việc bán hàng ở Bloomingdale. Lúc viết đơn xin việc, cô ghi tên là Jessie Kovats, vì cô biết rằng nếu khai mình là con gái Nam tước Chicago thì chẳng ai sẽ để yên cho cô được đâu.



Mặc dầu bố rất phản đối, cô cũng vẫn bỏ cả căn phòng đặc biệt của mình trong khách sạn Nam tước New York, đi tìm một chỗ riêng khác để ở. Một lần nữa Abel phải chịu thua và đành mua tặng cho cô con gái một căn hộ nhỏ nhưng rất lịch sự trên Đường 57 cạnh bờ sông, coi đó như quà sinh nhật thứ hai mươi hai cho con gái.



Florentyna đã biết kỹ các ngóc ngách ở New York và sống một cuộc sống bình dân. Từ lâu cô đã quyết tâm không cho các bạn mình biết là sẽ làm việc ở Bloomingdale. CÔ sợ nếu họ biết thì sẽ đến thăm cô và chẳng mấy chốc sẽ không giấu được tông tích của mình nữa, do đó không thể được đào luyện như mọi người bình thường khác đi học việc.



Khi các bạn cô dò hỏi, cô chỉ bảo là mình giúp trông nom một số cửa hàng trong khách sạn của bố thôi.



Nghe cô trả lời thế cũng không ai hỏi thêm.



Jessie Kovats - cô phải mất một thời gian mới quen với cái tên ấy - bắt đầu ở bộ phận hóa mỹ phẩm. Sau sáu tháng, cô có thể sẵn sàng tự mình trông coi được ngăn hàng này. Các cô gái ở Bloomingdale thường làm việc có đôi với nhau, Florentyna lập tức chọn cùng làm với cô nào lười nhất trong cửa hàng. Như vậy cả hai cô cùng được lợi. Cô được Florentyna chọn là Maisie, một cô gái tóc vàng mũm mĩm nhưng ít học và chỉ thích có hai thứ trên đời, đó là lúc đồng hồ chỉ sáu giờ và đàn ông. Cái trên mỗi ngày chỉ có một lần, còn cái dưới thì bất cứ lúc nào.



Hai cô chẳng mấy chốc đã trở thành bồ với nhau nhưng không phải là bạn. Florentyna học được của cô kia rất nhiều thứ, thí dụ như thế nào trốn việc được mà không bị người quản lý ở tầng phát hiện, và làm thế nào để được người đàn ông đến kéo đi.



Quầy hàng hóa mỹ phẩm kiếm được khá nhiều lãi sau sáu tháng đầu hai cô cùng làm với nhau, mặc dầu phần lớn thời gian Maisie chỉ đem những thứ hàng đó ra thử chứ không bán mấy. Cô ta thường bỏ hai tiếng đồng hồ để bôi lại móng tay. Florentyna, trái lại, thấy mình có năng khiếu bán hàng nên rất thích. Điều đó rất có lợi cho cô, vì chỉ mấy tuần sau là người quản lý đã coi cô như một người thạo việc không khác gì những người đã làm ở đây từ nhiều năm.



Việc cộng tác với Maisie rất hợp với ý muốn của Florentyna. Khi hai người được chuyển sang quầy hàng khác gọi là áo Đẹp Hơn thì Maisie thỏa thuận với Florentyna là một người sẽ chuyên mặc thử áo, còn một người chuyên bán. Maisie hễ trông thấy người đàn ông nào hoặc đi với vợ hay người yêu là tìm cách thu hút được sự chú ý của họ vào đây, dù cho chất lượng hàng có thế nào đi nữa. Một khi họ đã rơi vào bẫy rồi, Florentyna xen đến và thế nào cũng bán cho khách được một thứ gì. Kể ra ở ngăn hàng gọi là áo Đẹp Hơn mà như thế thì không ổn, nhưng Florentyna bao giờ cũng thuyết phục được những nạn nhân của Maisie phải mua một cái gì đó. Ít người ra khỏi đây mà ví tiền vẫn còn nguyên.



Lợi nhuận trong sáu tháng đầu của bộ phận này tăng lên được 30 phần trăm, và kiểm soát viên của tầng cho rằng hai cô này rõ ràng làm với nhau rất hợp. Florentyna không nói gì để tỏ ra trái với cảm tưởng đó của ông ta. Trong khi bao nhiêu người khác trong cửa hàng phàn nàn về bạn cùng quầy với mình làm quá ít, thì Florentyna cứ tiếp tục ca ngợi Maisie là người bạn cùng làm việc lý tưởng và đã dạy cho cô biết rất nhiều điều về một cửa hàng lớn hoạt động như thế nào. Cô không nhắc đến lời khuyên mà Maisie đã tiết lộ với cô là xử lý như thế nào với những người đàn ông tỏ ra quá mức tình tứ.



Người bán hàng ở Bloomingdale coi như được khen hơn cả nếu được đưa ra một trong những quầy trông ra cửa vào ở Đại lộ Lexington, vì nếu ở đó sẽ là người đầu tiên được khách hàng trông thấy mỗi khi họ bước vào cửa trước. Được đưa ra một trong những quầy này coi như được đề bạt, và ít khi có cô nào được mời ra bán hàng ở đây nếu chưa làm việc trong cửa hàng ít nhất năm năm. Maisie đã làm ở cửa hàng Bloomingdale từ năm cô mười bảy, đến nay đã đủ năm năm còn Florentyna chỉ mới vừa được một năm.



Tuy nhiên do kỷ lục hai người bán được hàng là rất khá nên người quản lý quyết định cho hai cô xuống thử tầng dưới cùng và bán ở quầy văn phòng phẩm xem sao. Ở quầy này Maisie không phát huy gì được lợi thế cá nhân của mình, vì không những cô không quan tâm gì đến đọc mà cả đến viết cũng không để ý nữa. Florentyna đã sống với cô ta một năm rồi mà không biết chắc là cô ta có biết đọc biết viết không.



Tuy nhiên, chỗ mới này khiến Maisie thích vô cùng vì cô ưng được người ta chú ý đến mình. Thế là hai cô gái vẫn tiếp tục cộng sự với nhau rất tốt.



*****
Anh ta có vẻ ngập ngừng, rồi buông tay cô ra.



- Mong em sẽ gặp anh nữa, - Richard nói.



- Em rất muốn thế, - Florentyna đáp với một vẻ lễ độ nhưng lảng ra.



- Ngày mai chứ? - Richard dè dặt hỏi.



- Ngày mai ư?- Florentyna hỏi lại.



- Ừ tại sao chúng ta không đến nhà hàng Thiên Thần Xanh và xem Bobby Short, - anh lại cầm lấy tay cô - ở đó thơ mộng hơn Allen chứ?



Florentyna hơi chững người. Kế hoạch của cô dành cho Richard không có chỗ nào dành cho ngày mai cả.



- Nếu em không muốn thì thôi, - anh ta nói trước khi cô bình tĩnh lại.



- Em muốn chứ, - cô khẽ nói.



- Anh sẽ ăn tối với bố anh, vậy đón em vào mười giờ được không?



- Không, không, - Florentyna nói. - Em sẽ gặp anh ở đó. Chỉ cách đây có hai quãng thôi.



- Vậy mười giờ nhé. - Anh ta cúi xuống hôn nhẹ vào má cô. - Chúc em ngủ ngon, Jessie, - anh ta nói và đi khuất vào trong đêm.



Florentyna chậm chạp bước về nhà mình, trong bụng băn khoăn vì đã nói dối quá nhiều về mình. Cô nghĩ chỉ vài ngày là sẽ qua đi thôi. Nhưng cô lại mong nó đừng qua đi.



Ngày hôm sau Maisie vẫn chưa hết giận cứ hỏi mãi về chuyện Richard. Florentyna muốn lái sang chuyện khác mà không được với cô ta.



Cửa hàng Bloomingdale đóng cửa một cái là Florentyna ra về ngay. Lần đầu tiên từ hai năm nay, bây giờ cô mới về trước Maisie. Cô tắm một cái thật lâu mặc vào người chiếc áo đẹp nhất mà cô tưởng đã thôi không mặc nữa, rồi đi bộ đến nhà hàng Thiên Thần Xanh. Đến nơi, cô đã thấy Richard đứng chờ ở phòng ngoài. Anh cầm tay cô và hai người cùng đi vào nhà sảnh. Giọng hát của Bobby Short đang vang lên:



Em có nói thật không, hay để anh phải nói dối nữa đây?



Florentyna bước vào thì Short giơ tay lên chào. Florentyna làm như không để ý. Short đã từng là khách biểu diễn ở khách sạn Nam tước vài ba lần, và Florentyna chưa hề nghĩ là ông ta có thể nhớ mặt mình. Richard trông thấy cử chỉ đó của ông ta và lấy làm ngạc nhiên, nhưng lại nghĩ có lẽ Short chào một người khác. Khi họ đến ngồi ở một chiếc bàn trong góc phòng hơi tối, Florentyna ngồi quay lưng ra phía đàn piano để không ai trông thấy mình nữa.



Richard gọi một chai vang nhưng vẫn không rời tay cô và hỏi chuyện cô về ngày hôm nay thế nào. CÔ không muốn nói chuyện đó, mà muốn nói thật cho anh biết.



- Richard, có một điều em phải...



- A, chào Richard, - một người đàn ông cao lớn đẹp trai đến đứng ngay cạnh Richard.



- A, chào Steve. Giới thiệu với cậu đây là Jessie Kovats và đây là Steve Mellon. Steve với anh cùng học ở Harvard.



Florentyna nghe họ nói chuyện với nhau về đội dã cầu Yankee của New York, về Eisenhower nghiện đánh gôn và về trường Yale tại sao mỗi ngày một tồi đi thế. Sau đó Steve quay ra nói "vui mừng được gặp cô Jessie", rồi đi.



Florentyna thấy không còn đáng lo nữa.



Richard ngồi nói cho cô nghe về những kế hoạch của anh sau khi tốt nghiệp trường kinh doanh. Anh hy vọng về New York làm việc trong ngân hàng của bố, ngân hàng Lester. CÔ đã nghe nói đến cái tên này rồi nhưng không nhớ trong trường hợp nào. Không biết tại sao cô thấy lo lo.



Cả buổi tối họ ngồi với nhau cười đùa, ăn uống, nói chuyện, và chỉ cầm tay nhau nghe Bobby Short hát.



Khi về đến gần nhà, Richard dừng lại ở một góc đường 57 và hôn cô lần đầu tiên. Cô không nhớ rõ đã có bao giờ được biết về nụ hôn đầu như thế chưa nhỉ. Lúc chia tay ở quãng tối đường 57, cô biết rằng lần này anh ta không nhắc đến ngày mai nữa. Cô cảm thấy hơi buồn và tiếc về cả cuộc gặp gỡ mà không phải là hò hẹn này.



Nhưng rồi đến sáng thứ hai, cô ngỡ ngàng đến mức vui sướng khi Richard gọi điện thoại đến Bloomingdale hỏi xem cô có thể đi chơi với anh vào thứ sáu được không.



Cả mấy ngày cuối tuần đó, họ đều ở bên nhau, đi dự hòa nhạc, xem phim, thăm đủ các chỗ ở New York.



Hết mấy ngày cuối tuần rồi, Florentyna chợt hiểu ra mình đã nói dối anh ta quá nhiều về thân phận của mình, rút cục thái độ bất trắc của cô làm cho Richard thấy khó hiểu hơn là chính mâu thuẫn bên trong người cô. Hình như cô thấy rằng đã đến lúc này thì không thể nào nói lại cho anh ta nghe chuyện khác về cô được nữa, mặc dầu chính chuyện khác ấy là sự thật. Tối chủ nhật, khi Richard trở lại trường Harvard rồi, cô tự nhủ với mình rằng quan hệ thế là kết thúc rồi nên có lừa dối gì thì cũng chả quan trọng nữa.



Nhưng suốt trong tuần, ngày nào Richard cũng gọi điện cho cô, và mấy ngày cuối tuần sau đó lại vẫn đi với cô, cô bắt đầu hiểu ra ngay là chuyện này không dễ dàng kết thúc được đâu, vì cô đã yêu anh ta mất rồi. Thừa nhận điều đó với mình rồi, cô biết là đến tuần tới thế nào cũng phải nói hết sự thật cho anh ta rõ.