Hai Số Phận
Chương 9 :
Ngày đăng: 15:10 19/04/20
- Dậy đi! Bé con! Dậy đi!
Một tên lính thúc báng súng vào cạnh sườn Wladek. Chú giật mình ngồi dậy, nhìn vào nấm mộ của chị chú, của Leon và của Nam tước. Rồi chú ngước lên nhìn tên lính. Chú không còn giọt nước mắt nào nữa.
- Tôi sẽ sống. Anh không giết tôi được, - chú nói bằng tiếng Ba Lan. – Đây là nhà tôi, Các anh đang ở trên đất của tôi.
Tên lính nhổ toẹt vào Wladek một cái và đẩy chú về bên bãi cỏ đang có tất cả đám người hầu ở đó, người nào cũng mặc áo ngủ màu xám trên lưng đều có ghi số. Vừa trông thấy thế Wladek đã khiếp sơ. Chú biết là mình sẽ không tránh khỏi số phận ấy. Tên lính dẫn chú về phía sau lâu đài và bảo quỳ xuống. Chú nghe có tiếng dao trên đầu và thấy mớ tóc đen rậm của chú rụng xuống cỏ. Chỉ độ mười nhát như thế là họ đã cạo sạch tóc trên đầu chú, chẳng khác gì người ra cắt lông cừu. Sau đó chú được lệnh mặc vào người bộ đồng phục mới, tức bộ áo ngủ màu xám gồm một chiếc sơ mi rộng thùng thình và một chiếc quần. Wladek cố giấu chiếc vòng bạc đeo ở cổ tay. Rồi chú được dẫn ra nhập bọn với đám người hầu ở phía trước lâu đài.
Họ đứng chờ trên bãi cỏ. Bây giờ không ai còn tên gì nữa, chỉ có số. Wladek bỗng nghe xa xa có tiếng ì ầm rất lạ tai. Chú quay về hướng có tiếng ghê rợn ấy. Một chiếc xe từ ngoài cổng sắt lớn tiến vào. Xe này có bốn bánh, không có ngựa hay bò kéo mà nó di chuyển được. Tất cả tù nhân đều nhìn vào đó mà không tin ở mắt mình. Khi chiếc xe đã dừng lại, bọn lính kéo đám tù nhân đến gần và bắt trèo lên xe. Rồi chiếc xe không có ngựa kéo ấy quay đầu đi ra ngoài những hàng cổng sắt. Không một ai dám mở miệng nói gì. Wladek ngồi phía sau xe, đăm đăm nhìn lại tòa lâu đài của chú cho đến lúc không còn nhìn thấy những tháp gôtích trên nóc nó nữa.
Chiếc xe không có ngựa kéo chạy về phía làm Slonim. Wladek vừa không hiểu sao chiếc xe đó chạy được, vừa không biết nó đưa mọi người đi đâu. Chú bắt đầu nhận ra những con đường chú đã từng đi học trước đây. Ba năm sống dưới hầm lâu đài khiến chú không còn nhớ được những con đường ấy đi đến tận nơi nào. Đi được mấy dặm thì chiếc xe dừng lại và mọi người bị xua xuống. Ra đây là nhà ga xe lửa. Wladek chỉ mới trông thấy chỗ này một lần trong đời, tức là khi chú cùng Leon ra đón Nam tước ở Warsaw về. Chú còn nhớ là khi họ bước vào sân ga thì người lính gác ở đó đã giơ tay chào. Lần này không có ai chào, và tù nhân thì chỉ được uống sữa dê, ăn súp củ cải và bánh mì đen. Wladek lại được đứng ra nhận thức ăn về đem chia cho mười ba người còn lại với chú. Chú ngồi trên một chiếc xe ghê gỗ và đoán rằng họ đang chờ một chuyến xe lửa. Đêm đó, mọi người nằm ngủ trên đất nhìn trời sao. Nếu so với căn hầm thì đây đã là thiên đường rồi. Chú cảm ơn Chúa là mùa đông này không lấy gì làm rét lắm.
Đến sáng hôm sau, mọi người vẫn chờ đợi. Wladek hướng dẫn mọi người vận động một chút, nhưng chỉ được vài phút thì phần lớn đã gục xuống. Chú bắt đầu nhẩm trong bụng để nhớ tên những người cho đến hôm nay còn sống sót. Tất cả còn lại có mười hai người đàn ông, hai người đàn bà, trong số hai mươi bảy người đã bị giam trong hầm trước đây. Cả ngày hôm ấy họ vẫn cứ phải ngồi chờ chuyến xe lửa mà không thấy nó đến. Có một chuyến tàu đến nhưng chỉ thả thêm lính xuống đây, rồi lại đi mà không chở đám người của Wladek. Họ lại ngủ một đêm nữa trên đất.
Wladek nằm nhìn lên trời cao trong bụng nghĩ không biết có thể làm thế nào để trốn đi được. Trong đêm, một trong số mười ba người của chú bỏ chạy sang bên kia đường xe lửa, nhưng chưa sang được đến nơi đã bị lính bắn chết. Wladek chăm chăm nhìn vào chỗ đồng bào của chú vừa ngã xuống. Chú sợ không dám chạy ra cứu vì rất có thể lại cùng chịu số phận ấy. Sáng hôm sau, bọn lính gác cứ để xác chết đó nằm trên đường để đe những người khác đừng có bắt chước chạy mà chết.
Không ai nói gì về chuyện đã xảy ra, nhưng suốt ngày hôm đó mắt Wladek không rời được người đã chết. Người đó chính là Ludwik, một trong hai người đã đến làm chứng lúc Nam tước dặn dò để lại gia tài cho Wladek.
Vào buổi tối ngày thứ bà, một chiếc xe lửa khác từ từ lăn bánh vào ga. Một chiếc đầu tàu rất to chạy bằng hơi nước kéo theo một lô toa chở hàng và chở hành khách. Những toa chở hàng chất đầy rơm và hai bên sườn có viêt chữ Gia Súc. Một số toa khác đã chở toàn những tù nhân mà Wladek trông họ cũng nhem nhuốc như đám người của chú vậy. Chú và tốp người của chú bị vứt lên một trong những toa đó để bắt đầu một cuộc hành trình. Phải chờ mấy tiếng đồng hồ nữa đoàn tàu mới bắt đầu ra khỏi ga và đi về một hướng mà Wladek đoán là hướng Đông vì mặt trời đang lặn phía sau.
Cứ ba toa lộ thiên thì có một lính gác ngồi bắt chéo chân ở toa bên trên có mái. Suốt dọc đường tưởng như không bao giờ hết ấy, thỉnh thoảng lại có tiếng súng bắn trên tàu, khiến Wladek nghĩ có muốn chạy trốn cũng vô ích.
Lúc tàu đỗ lại ở Minsk, họ được cho ăn một bữa đầu tiên gồm bánh mì đen, nước uống, lạc và kê. Rồi lại đi tiếp. Có khi họ đi đến ba ngày trời mà chẳng thấy một ga nào. Rất nhiều người trên tàu này bị đói lả và chết. Họ bị vứt xuống đường trong khi tàu đang chạy. Khi tàu dừng lại, có khi họ phải chờ đến hai ngày để nhường đường cho tàu khác đi về phía Tây. Những chuyến tàu ấy thường là chở lính. Wladek hiểu ra là tàu chở quân đội bao giờ cũng được ưu tiên đi trước. Trong đầu Wladek lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện trốn, nhưng có hai điều khiến chú chưa dám thực hiện tham vọng ấy. Thứ nhất chú thấy hai bên đường chỉ toàn là rừng thẳm không biết đến đâu mới hết, và thứ hai là tất cả những người còn sống sót ở nhà hầm ra đây đều chỉ biết dựa vào chú. Chính Wladek là người lo ăn uống cho họ và cố động viên cho họ còn muốn sống. Chú là người trẻ nhất trong cả bọn và cũng là người cuối cùng tin ở cuộc sống.
Từ đấy trở đi, đêm nào cũng rất lạnh, có khi lạnh tới 30 độ dưới không. Họ phải năm sát vào nhau trên sàn để người nọ truyền hơi ấm cho người kia. Wladek thầm đọc lại những đoạn Aeneid để cố ngủ cho được. Nếu một người muốn trở mình thì tất cả những người khác đều phải đồng ý giở mình một lượt mới được. Wladek nằm ở đằng đầu và cứ qua mỗi giờ đồng hồ, chú đoán như vậy vì chỉ có thể căn cứ vào bọn lính đổi gác, thì chú lại lấy tay gõ vào thành xe và mọi người lại cứ thế trở mình quay sang phía kia. Một đêm, có một người không trở mình nữa. Họ báo cho Wladek biết và chú báo lại cho tên lính gác biết. Đó là một người đàn bà trong nhóm, và ba ta đã chết. Phải bốn người mới nhấc được xác bà lên và vứt xuống cạnh đường trong khi tàu vẫn đang chạy. Tên lính gác còn bắn theo xác chết một loạt đạn nữa để biết chắc rằng đó không phải là người định trốn.
Đi qua Minsk hai trăm dặm, họ đến một thị trấn tên là Smolenski. Ở đây họ được ăn súp củ cải nóng hơn với bánh mì đen. Trong toa xe của Wladek có thêm mấy tù nhân nữa, và mấy người này nói cùng một thứ tiếng với bọn lính gác. Người cầm đầu nhóm mới này hình cũng cùng tuổi với Wladek. Wladek với mười một người còn lại trong nhóm đã thấy nghi ngờ ngay bọn mới lên này, Họ chia toa xe ra làm hai nửa, mỗi nhóm ở một bên toa.
Một đêm trong khi Wladek đang nằm thức và ngắm nhìn trời sao, chờ cho người nóng lên, chú bỗng thấy tên cầm đầu của nhóm người mới lên ở Smolenski bò đến chỗ người nằm ngoài của nhóm chú, tay hắn cầm một sợi dây thừng. Chú trông rõ thấy hắn luồn sợi dây và cổ Alfons lúc này đang ngủ. Alfons là người hầu cận của Nam tước trước đây. Wladek biết rằng nếu mình nhổm dậy ngay thì hắn sẽ nghe thấy và chạy về đầu toa bên kia, vì thế chú khẽ bò dọc theo nhóm người của chú. Họ biết chú bò qua mình nhưng không ai lên tiếng. Đến cuối hàng, chú nhảy chồm lên người tên kia. Mọi người trong toa thức dậy ngay. Ai nấy kéo dồn về một đầu toa, trừ có Alfons nằm lại đó không động đậy.
Tên cầm đầu đám Smolenski cao lớn và nhanh nhẹn hơn Wladek. Nhưng vật nhau trên sàu toa thì cũng như nhau cả. Cuộc đấu diễn ra đến mấy phút. Bọn gác nhìn cười và đánh cuộc xem ai được. Một tên thấy đánh nhau mà không có máu thì không thích, bèn quẳng một chiếc lưỡi lê xuống giữa sàn tàu. Cả hai tranh nhau giành lấy lưỡi lê sáng loáng. Tên Smolenski vớ được trước. Hắn đâm một nhát vào cạnh chân Wladek tóe máu. Bọn người Smolenski thấy thế hoan hô. Nhát đâm thứ hai trượt qua tai Wladek cắm xuống sàn tàu. Hắn chưa kịp rút lưỡi lê được thì Wladek đã dùng hết sức mình thúc một cái thật mạnh vào dái hắn. Hắn ngửa người ra sau và phải rời tay khỏi lưỡi lê. Wladek chồm lên, nắm lấy cán lưỡi lê và đè lên người tên Smolenski, thọc một nhát vào miệng hắn. Hắn thét lên một tiếng làm náo động cả đoàn tàu. Wladek rút lưỡi lê ra rồi lại liên tiếp thọc xuống mấy nhát nữa cho đến khi tên kia hết cựa quậy. Wladek quỳ lên người hắn thở dốc rồi lát sau nhác người hắn lên vứt ra ngoài tàu, Chú nghe rõ tiếng xác hắn rơi đành huỵch xuống cạnh đường tàu và cả tiếng súng của bọn gác bắn theo.
Wladek loạng choạng đi đến chỗ Alfons còn nằm đó. Chú quỳ xuống bên cạnh. Anh ta chết thật rồi. Thế là người làm chứng thứ hai của chú cũng chết nốt. Bây giờ còn ai tin được Wladek là người Nam tước đã chọn ra để thừa kế tài sản của ông nữa? Cuộc đời thế là không còn mục đích gì nữa rồi.
Chú cúi gục xuống, nắm chặt hai tay vào cán và xoay mũi lưỡi lê vào bụng. Bỗng một tên lính gác nhảu xuống giằng lưỡi lê ra khỏi tay chú.
- Ô, không được, không được, - hắn càu nhàu. – Chúng tao cần có những người sống như mày ở trong trại giam. Đừng hòng chúng tao làm mọi việc, nghe không.
Wladek ôm hai tay lên đầu. Bây giờ chú mới thấy đau buốt ở chỗ chân bị lưỡi lê đâm lúc nãy. Chú đã mất hết cả gia tài, để bây giờ cầm đầu luôn cả lũ người Smolenski kia nữa. Cả toa tàu bây giờ là giang sơn của chú, và chú phải quản hai chục tù nhânh. Chú lập tức chia họ ra để mỗi người Ba Lan bao giờ cũng phải nằm kề với một người Smolenski, và như vậy giữa hai nhóm không còn có chuyện lục đục với nhau được nữa.
Wladek bỏ thì giờ ra để học cái ngôn ngữ quái lạ của họ. Mãi sau chú mới biết đó chính là tiêng Nga, rất khác với thứ tiếng Nga cổ điển mà Nam tước đã dạy cho chú. Và bây giờ thì chú biết là đoàn tàu đi về hướng nào.
Ban ngày, chú lấy ra hai người Smolenski để dạy tiếng của họ cho chú. Khi nào hai người đó mệt quá rồi, chú lại lấy hai người khác, cứ thế cho đến lúc cả bọn người đó mệt rũ.
Dần dần chú đã có thể nói chuyện dễ dàng với bọn người mới phụ thuộc vào chú. Chú phát hiện ra một số trong bọn đó là lính Nga, sau khi về nước bị đi đày ngay về cái tội đã để cho bọn Đức bắt làm tù bình. Số còn lại toàn là dân làm ruộng, làm mỏ và lao động bình thường nhưng đều là những người rất chống đối cách mạng.
Đoàn tàu đi tiếp đến những vùng đất trơ trụi mà Wladek chưa hề thấy bao giờ. Họ đi qua những thị trấn mà chú cũng chưa từng nghe nói đến bao giờ, như Omsk, Novosbirsk, Krasnoyarsk. Chỉ những nghe đến tên thôi chú cũng đã thấy sợ. Cuối cùng, sau hai tháng trời và qua hơn ba ngàn dặm họ đến được Irkutsk, và đến đây là hết đường sắt.
Họ bị xua ra khỏi tàu, được cho ăn uống và được phát những đôi giày bằng da thô, và những chiếc áo choàng rất nặng. Họ phải tranh nhau để giành lấy áo ấm những cũng chẳng có thứ áo nào chống nổi cái lạnh mỗi lúc một ghê gớm hơn.
Lúc sau thấy xuất hiện những chiếc xe không có ngựa kéo, giống như loại xe Wladek đã thấy lúc rời khỏi lâu đài. Họ quẳng xuống một loạt dây xích. Các tù nhân bị khóa một tay vào dây xích dài ấy, mỗi bên hai mươi lăm người. Bọn lính gác trèo lên xe, còn đám tù nhân đi theo với dây xích buộc vào xe. Họ cứ đi bộ như thế liền trong mười hai tiếng đồng hồ, được nghỉ lại hai tiếng rồi lại đi tiếp. Sau ba ngày, Wladek tưởng mình sẽ chết vì lạnh và mệt, nhưng ra khỏi những vùng có dân cư rồi, họ chỉ phải đi ban ngày, còn ban đêm được nghỉ. Một bếp lưu động của tù nhân trong trại cứ sáng ra và tối trước khi nghỉ cho họ ăn súp củ cải và bánh mì. Wladek hỏi những tù nhân trong trại thì được biết rằng tình hình ở đó còn tệ hơn.
Trong tuần đầu, họ không được tháo ra khỏi xích nhưng dần dà thấy không ai có thể nghĩ đến trốn chạy được nữa, họ phải tháo xích vào ban đêm để ngủ. Tù nhân phải tự đào hố trong tuyết để tìm chỗ ấm. Đôi khi vào những ngày nắng ráo họ tìm được một khu rừng để ngả lưng, nằm ngổn ngang khắp chỗ. Họ vẫn tiếp tục đi, qua những hồ nước rất rộng và những con sông băng giá. Họ đi mãi về phía bắc, gió càng lạnh, tuyết càng dầy. Chỗ chân bị thương của Wladek luôn luôn đau buốt, nhưng đến giờ thì hai tai và các đầu ngón tay bị giá lạnh còn buốt hơn nữa. Chung quanh là cả một khoảng mênh mông trắng toát, không có dấu hiệu gì của sự sống và thứ gì ăn được. Wladek biết rằng ban đêm có trốn đi đâu thì cũng chỉ chết mòn vì đói. Những người già yêu ốm đau thì đêm đêm chết dần, và như thế họ cũng còn là may mắn. Còn những người không may, không bước đi được nữa, thì được tháo ra khỏi xích và bỏ lại một mình trong bãi tuyết vô tận. Những người còn sống sót với dây xích lại đi tiếp, đi mãi về phía Bắc, cho đến lúc Wladek hoàn toàn không còn khái niệm gì về thời gian nữa, chỉ còn biết tay mình vẫn bị khóa vào xích. Chú cũng không còn nhớ là mình đã đào hố vào trong tuyết để ngủ đêm và sáng hôm sau tỉnh dậy như thế nào nữa. Những ai không còn biết được như vậy coi như đã sắp đào mồ để chôn chính mình rồi.
Sau một chặng dài chín trăm dặm, những người nào còn sống sót thì được dân Ostyak đem xe trượt do hươu kéo ra đón. Ostyak là dân du mục trên thảo nguyên Nga. Bây giờ tù nhân lại bị xích vào những xe trượt ấy và được dẫn đi tiếp. Gặp một trận bão tuyết lớn, đoàn tù phải dừng lại mất hai ngày. Wladek tranh thủ nói chuyện được với một tay Ostyak trẻ trên chiếc xe trượt mà chú đang bị xích vào đó. Chú dùng thứ tiếng Nga cổ với giọng Ba Lan để nói lõm bõm với anh ta được ít câu. Chú phát hiện ra một điều là dân Ostyak cũng rất ghét những người Nga ở phía Nam, vì họ đối đãi với dân này tồi tệ chẳng khác gì các tù nhân. Dân Ostyak do đó có phần nào cảm tình với những người tù tội nghiệp không có tương lai này. Họ gọi tù nhân là những người bất hạnh.
Chín ngày sau, trong ánh sáng mờ của đêm mùa đông Bắc Cực, họ đến được trại 201. Wladek không thể nào ngờ được rằng mình còn có cái may mắn mà trông thấy chỗ này. Trước mắt chú là một dãy những căn lều bằng gỗ và một khoảng không gian mênh mông trống rỗng. Những căn lều cũng được đánh số như tù nhân vậy. Lều của Wladek số 33. Giữa căn lều có một chiếc lò đen sì. Chung quanh là những dãy giường ván có đệm rơm ở trên với chiếc chăn mỏng. Trong đêm đầu không có mấy tù nhân ngủ được. Tiếng gào tiếng khóc trong lều 33 có khi còn to hơn cả tiếng gầm rú của chó sói ở bên ngoài.
Sáng hôm sau, ngay từ lúc mặt trời chưa mọc, họ đã bị tiếng gõ vào thanh sắt tam giác đánh thức dậy. Sương giá đóng đầy cả mặt cửa sổ khiến Wladek nghĩ thế nào mình cũng chết rét. Ăn sáng chỉ được kéo dài mười phút trong một gian chung lạnh buốt với một bát cháo kê hơi âm ấm trong có vài miếng cá mòi và một cọng rau cải nổi lềnh bềnh. Những người mới đến bỏ xương cá lên bàn, nhưng những tù nhân đã quen với cảnh ở đây rồi thì ăn hết xương và cả mắt cá nữa.
Ăn sáng xong, họ được giao nhiệm vụ. Wladek trở thành anh chặt củi. Anh được dẫn đi bảy dặm đến một khu rừng hoang và được lệnh phải chặt được một số cây nhất định. Tên lính gác bỏ anh lại đó với nhóm sáu người và suất ăn của họ gồm có một ít cháo kê vàng nhạt nhẽo và bánh mì. Bọn lính gác không sợ tù nhân nào dám trốn, vì đến được thị trấn gần đó nhất cũng phải một nghìn dặm và dù có biết hướng đi cũng không đi nổi.
Đến cuối ngày tên lính gác sẽ quay lại đếm số củi đã chặt được. Anh ta cũng đã nói trước với tù nhân là nếu chặt không dủ số củi đã quy định thì anh ta sẽ giữ thức ăn lại đến hôm sau mới phát. Nhưng lúc anh ta quay lại thì đã bảy giờ tối, chỉ còn thu thập được cho đầy đủ tù nhân thôi, chứ không nhìn được xem họ đã chặt bao nhiêu củi. Wladek bày cho những người trong nhóm biết cách để một phần thời gian buổi chiều quýet dọn tuyết trên đống củi đã chặt hôm trước và xếp vào cùng với củi chặt hôm sau. Cách đó của anh rất có hiệu quả, vì vậy nhóm của Wladek không ngày nào bị cắt suất ăn cả. Đôi khi họ cố gắng đem theo một ít củi về trại bằng cách buộc nó vào chân ở trong quần, để đến đêm có thể cho vào lò mà sưởi. Nhưng họ cũng phải rất cẩn thận vì mỗi lần ra vào đều bị khám xét kỹ lưỡng. Nếu chẳng may bị bắt mang theo gì trong người, họ có thể bị phạt ba ngày không được ăn.
Qua mấy tuần nữa, cái chân của Wladek bị cứng ra và rất đau. Anh mong cho có những ngày cực rét, vì khi nào thời tiết xuống tới 40 độ dưới không thì họ không phải đi làm ở ngoài trại, mặc dầu ngày ở nhà ấy sẽ phải thế bằng một ngày chủ nhật khác, mà chủ nhật thì họ thường được phép nằm nghỉ cả ngày trên giường.
Một buổi tối trong khi Wladek đang vác củi, anh bỗng thấy vết sẹo do tên Smolenski gây ra, anh thấy nó sưng vù lên và bóng đỏ. Đêm đó anh giơ vết thương cho tên lính gác xem. Hắn bảo anh đến sáng mai sớm phải báo cho bác sĩ của trại biết. Wladek ngồi suốt đêm áp chân vào gần lò. Chung quanh lò toàn những ủng ướt. Lửa trong lò quá yếu nên không làm cho anh bớt đau tí nào.
Hôm sau Wladek dậy sớm hơn bình thường một giờ, vì anh nghĩ nếu không gặp được bác sĩ trước giờ làm việc thì sẽ lại phải để đến ngày hôm sau nữa. Nếu để qua một ngày nữa thì Wladek không thể chịu đau nổi. Anh đến báo cáo với bác sĩ, ghi tên và số tù của anh. Pierre Dubien hóa ra là một ông bác sĩ dễ tính. Ông ta hói đầu, hơi gù lưng. Wladek nghĩ có lẽ ông ta còn già hơn cả Nam tước trước khi qua đời. Bác sĩ khám chân Wladek và không nói gì.
- Vết thương có việc gì không, thưa bác sĩ? – Wladek hỏi.
- Anh nói tiếng Nga được hả?
- Thưa được.
- Mặc dầu, anh sẽ bị thọt, nhưng chân anh rồi sẽ khỏi. Nhưng khỏi để làm gì? Để suốt đời đi chặt củi ư?
- Không, thưa bác sĩ, cháu có ý muốn trốn và trở về Ba Lan. - Wladek nói.
Bác sĩ chằm chằm nhìn anh.
- Nói khẽ chứ, ngốc ở đâu... Đến bây giờ thì anh biết là không trốn được chứ. Chính tôi đã bị bắt ở đây mười lăm năm nay rồi, và không một ngày nào là tôi không nghĩ đến trốn. Nhưng không có cách nào được. Chưa hề có ai trốn mà lại sống được, mà chỉ nói đến chuyện trốn không thôi cũng đã bị phạt giam mười ngày dưới xà lim, mà ở đó ba ngày người ta mới cho anh ăn một lần, còn lò thì đốt chỉ đủ để tan giá ở trên tường thôi. Qua được cái đoạn trừng phạt ấy mà anh còn sống là may lắm rồi đấy.
- Cháu sẽ trốn, nhất định trốn, - Wladek nhìn ông già nói.
Bác sĩ nhìn vào mắt Wladek và mỉm cười.
- Này anh bạn ơi, chớ có nhắc đến chuyện trốn nữa, kẻo họ có thể giết anh đấy. Anh trở về làm việc đi, cố giữ cho cái chân tiếp tục vận động, rồi mỗi sáng đến đây tôi xem.
Wladek trở về rừng chặt củi, nhưng anh thấy bây giờ mình chỉ kéo được gỗ đi mấy bước thôi. Chân đau đến mức anh tưởng như nớ sắp rụng ra. Sáng hôm sau trở lại chỗ bác sĩ, ông ta khám chân anh cẩn thận hơn.
- Chà gay go đây, - bác sĩ nói. – Anh bao nhiêu tuổi rồi?
- Có lẽ cháu mười ba rồi, - Wladek nói. – Năm nay là năm bao nhiêu ạ?
- Một nghìn chín trăm mười chín. – Bác sĩ đáp.
- Vâng mười ba ạ. Còn ông bao nhiêu? – Wladek hỏi.
Ông ta nhìn xuống đôi mắt xanh của cậu thanh niên, hơi lấy làm ngạc nhiên về câu hỏi.
- Ba mươi tám, - ông khẽ nói.
- Ôi, lạy chúa. – Wladek nói.
- Nếu anh bị tù mười lăm năm thì cũng sẽ già như tôi thôi, - bác sĩ nói với một giọng bình thản.
- Nhưng tại sao ông lại ở đây chứ? – Wladek nói. - Tại sao đã bao nhiêu lâu thế mà họ không để cho ông đi?
- Tôi bị bắt ở Moscow năm 1904, ngay sau khi tôi có danh nghĩa bác sĩ. Tôi làm việc cho sứ quán Pháp ở đó. Họ bảo tôi là gián điệp nên bỏ tôi vào tù ở Moscow. Tôi nghĩ cho đến sau cách mạng cũng vậy. Họ tống tôi vào cái địa ngục này đây. Ngay cả đến những người Pháp cũng quên rằng tôi còn sống. Cả thế giới chả ai tin được là có một chỗ như thế này. Ở cái trại 201 này chưa từng có ai ở cho đến hết hạn được, vì vậy tôi sẽ chết ở đây như một người khác mà thôi. Có điều chưa chết ngay được thôi.
- Không, ông không nên mất hy vọng, bác sĩ ạ.
- Hy vọng? Tôi đã mất hết hy vọng từ lâu rồi. Có lẽ anh thì không, nhưng anh nên nhớ là đứng có nhắc đến hy vọng ấy với bất cứ ai. Ở đây có những tù nhân họ chỉ nghe nói thế là đi báo cáo ngay, để nhận về một phần thưởng hoặc đó là thêm một miếng bánh hoặc một chiếc khăn mà thôi. Bây giờ thế này nhé Wladek. Tôi sẽ cho anh làm việc phụ bếp trong một tháng, và suốt thời gian đó sáng nào anh cũng phải đến báo cáo. Đó là cơ hội duy nhất để anh khỏi phải mất cái chân kia, mà tôi có cưa chân của anh đi thì cũng chẳng sung sướng gì. Ở đây chúng tôi không có những dụng cụ giải phẫu tốt lắm đâu, - ông vừa nói vừa nhìn lên một con dao to.
Wladek rùng mình sợ hãi.
Bác sĩ Budien viết tên Wladek lên một mẩu giấy. Sáng hôm sau Wladek xuống trình diện dưới nhà bếp. Anh được giao việc rửa bát đĩa trong nước lạnh cóng và chuẩn bị thức ăn không cần phải ướp lạnh. Sau một thời gian phải chặt củi suốt ngày, anh thấy đây là một sự thay đổi đáng mừng. Được ăn thêm súp cá, thêm bánh mì đen, và nhất là được ở trong nhà ấm áp. Có hôm anh được nhà bếp chia cho một nửa quả trứng, mà không ai biết rằng đó là trứng con gì. Chân anh đã dần dần khỏi, tuy phải hơi chịu thọt một chút. Bác sĩ Dubien không thể có được thứ thuốc gì tử tế mà chữa cho anh, chỉ biết theo dõi từng ngày vậy thôi. Ngày giờ trôi qua, bác sĩ trở thành người bạn của Wladek, thậm chí còn tin ở hy vọng của tuổi trẻ đối với tương lai. Mỗi sáng hai người thường nói chuyện với nhau bằng các thứ ngôn ngữ, nhưng người bạn mới kia thích nhất là được nói tiếng Pháp vì đó là tiếng mẹ đẻ.
- Trong bảy ngày nữa, Wladek, anh sẽ phải trở lại với nhiệm vụ ở trong rừng. Bọn lính gác sẽ khám phá cái chân của anh, và tôi không thể giữ anh ở lại trong bếp nữa. Vậy anh nghe kỹ tôi nói đây nhé, vì tôi đã có một kế hoạch cho anh trốn đi.
- Cùng trốn, bác sĩ. – Wladek nói. – Chúng tôi cùng trốn.
- Không, chỉ mình anh thôi. Tôi nhiều tuổi rồi, không đi được xa như thế, mặc dầu hơn mười lăm năm nay lúc nào tôi cũng mơ đến chuyện trốn. Tôi sẽ chỉ làm vướng chân anh thôi. Biết có ai trốn đi được là tôi đủ hài lòng rồi, và anh là con người đầu tiên tôi gặp khiến tôi tin rằng anh có thể thành công được.
Wladek yên lặng ngồi trên sàn nghe bác sĩ nói kế hoạch của ông.
- Trong mười lăm năm qua, tôi đã dành dụm được hai trăm rúp. Đây là tiền làm "ngoài giờ" nhưng không phải như một tù nhân Nga đâu, - Wladek nhăn nhó cười. – Tôi giấu tiền trong một chai thuốc. Có bốn tờ, mỗi tờ năm mươi rúp. Khi nào anh đi thì phải khâu tiền đó vào trong áo. Tôi sẽ làm việc đó cho anh.
- Áo nào? – Wladek hỏi.
- Tôi có một bộ quần áo và một sơ mi trước đây mười hai năm tôi đã mua lại được của một tên lính gác, và hồi đó tôi còn tin ở chuyện trốn được. Bộ quần áo không mới lắm, nhưng có thể phục vụ cho mục đích của anh được.
Mười lăm năm dành dụm được hai trăm rúp, một chiếc áo sơ mi và một bộ quần áo, thế mà bác sĩ sẵn sàng chỉ trong chốc lát hy sinh tất cả nhưng cái đó cho Wladek. Suốt đời mình, Wladek sẽ chẳng còn bao giờ được thấy một hành động quên mình như thế nữa.
- Thứ năm tới sẽ là cơ hội duy nhất của anh, - bác sĩ nói tiếp. – Tù nhân mới sẽ đến Irkutsk bằng xe lửa. Bọn lính gác bao giờ cũng lấy bốn người của nhà bếp để tổ chức những chuyến xe thức ăn cho bọn người mới đến. Tôi đã thu xếp với bếp trưởng để anh được lên xe thức ăn. Tôi đem một ít thuốc đánh đổi cho anh ta đấy. Không khó khăn gì lắm đâu. Thực ra không ai muốn đi một chuyến đến tận đó rồi lại quay về đây, nhưng anh thì chỉ đi một lượt ra đến đó thôi.
Wladek vân nghe rất kỹ.
- Ra đến ga, anh hãy chờ cho đến khi nào tàu chở tù nhân vào ga. Một khi họ xuống ga cả rồi thì anh chạy qua đường sắt rồi nhảy lên chuyến tàu sẽ đi Moscow, mà chỉ sau khi tàu chở tù nhân đến rồi thì tàu đó mới khởi hành được vì bên ngoài ga chỉ có một đường tàu thôi. Anh phải mong làm sao cho đến lúc có hàng trăm tù nhân mới chạy đi chạy lại như thế thì bọn gác mới không để ý đến chuyện anh biến mất được. Từ lúc đó trở đi là tùy anh định liệu. Nên nhớ rằng nếu chúng trông thấy anh là chúng bắn liền chứ không cần hỏi han gì hết. Tôi chỉ có thể giúp anh được một điều này nữa. Mười lăm năm trước khi tôi bị đưa đến đây, tôi đã vẽ trong đầu óc một bản đồ con đường đi từ Moscow đến Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ đến bây giờ nó không còn chính xác nữa nhưng có thể đáp ứng cho mục đích của anh được. Anh phải tìm hiểu cho chắc chắn xem người Nga họ đã chiếm đóng Thổ Nhĩ Kỳ chưa. Có trời mà biết được cho đến nay họ đã làm những gì. Theo tôi biết thì có thể họ cũng đã kiểm soát được cả nước Pháp nữa.
Bác sĩ bước vào phòng thuốc và lấy ra một cái chai lớn trông như đựng một chất gì đó màu nâu. Ông mở nút lấy ra một tấm da khô đã cũ. Nét mực đen qua năm tháng đã bị nhạt màu, mang chữ "Tháng mười 1904". Trên mảng da vẽ con đường từ Moscow đến Odessa và từ Odessa đến Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả 1500 dặm đường đi đến tự do.
- Trong tuần này, mỗi sáng anh cứ phải đến đây và chúng ta sẽ lại bàn thêm về kế hoạch này. Nếu như không thành công thì đó không phải là do thiếu chuẩn bị.
Mỗi đêm, Wladek thức giấc nhìn ra ánh sáng mờ mờ ngoài cửa sổ, thử nghĩ trước những tình huống bất ngờ xem mình sẽ đối phó như thế nào. Đến sáng, anh lại đem bàn thêm với bác sĩ. Vào tối thứ tư trước ngày Wladek định trốn, bác sĩ gấp mảnh bản đồ đó làm tám, cùng để với bốn tờ bạc 50 rúp vào một gói nhỏ và ghim nó vào bên trong tay áo của bộ đò. Wladek cởi bộ quần áo cũ, mặc chiếc sơ mi vào người rồi mặc quần áo tù ra ngoài. Lúc anh mặc lại thì cặp mắt bác sĩ bỗng trông thấy chiếc vòng bạc của Nam tước.
Từ khi mặc áo tù, anh vẫn luôn luôn đeo nó lên trên khuỷu tay vì sợ bọn lích gác trông thấy sẽ cướp mất của quý duy nhất còn lại đó của anh.
- Cái gì thế?- bác sĩ hỏi. – Trông rất đẹp đấy.
- Đây là quà tặng của cha tôi, - Wladek nói. Tôi có thể tặng lại ông để tỏ lòng cảm tạ của tôi được không? – Anh trút chiéc vòng xuống cổ tay và đưa cho bác sĩ.
Bác sĩ nhìn chiếc vòng bạc một lúc lâu rồi cúi đầu nói:
- Không nên. Thứ này chỉ có thể thuộc về một người thôi. – Ông im lặng nhìn anh. - Hẳn cha anh là một người cao quý lắm.
Bác sĩ đeo trả lại chiếc vòng bạc vào cổ tay Wladek, rồi bắt tay anh nồng nhiệt.
- Chúc anh may mắn, Wladek. Có lẽ chúng ta không bao giờ còn gặp nhau nữa.
Họ ôm chầm lấy nhau và bước ra ngoài. Anh cầu cho đây là đêm cuối cùng của mình ở trong lều trại giam. Anh không sao ngủ được suốt đêm đó, chỉ sợ một trong những tên lính gác phát hiện ra bộ quần áo mặc dưới áo tù. Tiếng chuông buổi sáng vừa vang lên, anh đã mặc xong quần áo và xuống bếp sớm. Tù nhân bếp trưởng đẩy Wladek đi lên trước khi bọn lính gác kiểm soát xe thức ăn. Tổ phục vụ chọn ra có bốn người tất cả. Wladek là trẻ nhất trong đám.
- Tại sao lại thằng này? - một tên lính gác chỉ tay vào Wladek hỏi.
Wladek như chết đứng và khắp người lạnh run. Kế hoạch của bác sĩ thế là hỏng, và phải ba tháng nữa mới lại có một đợt tù nhân nữa đến trại. Đến lúc đó thì anh sẽ không còn ở bếp nữa.
- Nó nấu bếp rất giỏi, - tù nhân bếp trưởng nói. – Nó được rèn luyện trong lâu đài của một Nam tước đấy. Chỉ có nó mới nấu ăn được ngon lành cho lính gác thôi.
- À, thế đấy, - tên lính gác nói, nghi ngờ không bằng tham ăn. - Vậy thì nhanh lên.
Cả bốn người chạy ra xe, rồi đoàn xe lên đường. Cuộc hành trình lại một lần nữa chậm chạp, vất vả, nhưng lần này ít nhất anh không phải đi bộ và cũng không lạnh chết người vì bây giờ đang là mùa hè. Wladek làm việc cật lực để chuẩn bị thức ăn. Anh không muốn ai chú ý đến mình. Suốt dọc đường anh chỉ nói vài câu với bếp trưởng là Atanislaw.
Cuối cùng, sau khi họ đã đến được Irkutsk tính ra gần hết mười sáu ngày. Chuyến tàu chờ đi Moscow đã nằm sẵn ở ga. Nó đã đến đây mấy tiếng đồng hồ rồi nhưng không thể bắt đầu cuộc hành trình quay trở về Moscow chừng nào chuyến tàu chở tù nhân mới chưa đến được. Wladek cùng với mấy người làm bếp ngồi chờ ở sân ga bên này, ba người không quan tâm đến gì khác chung quanh, còn một người chú ý theo dõi đoàn tàu ở bên kia sân ga. Có nhiều cửa lên tàu, nhưng Wladek đã ngắm trước một cửa để đến lúc là anh sẽ nhảy lên đó.
Ông ta bước đi và Wladek ngoan ngoãn theo sau. Anh phải chạy mới theo kịp bước chân ông ta được. Ông ta đưa anh xuống tầng hầm sứ quán và dẫn vào một cằn phòng nhỏ, có cửa sổ bé tí. Ông bảo anh cởi quần áo rồi chờ đó. Lát sau ông vẫn xoay nguyên quần áo và ngồi ở cạnh giường xoay xoay chiếc vòng bạc quanh cổ tay.
- Nhanh lên cậu bé. Đây không phải chỗ dưỡng bệnh đâu nhé.
- Xin lỗi ngài ạ. – Wladek nói.
- Đừng gọi tôi là ngài. Tôi là ông cai Smithers. Gọi tôi là Cai thôi.
- Còn tôi là Wladek Koskiewicz. Ông gọi tôi là Wladek.
- Này đừng có đùa. Trong quân đội Anh đã có khối người đùa rồi, không cần phải có thêm cậu vào đấy nữa.
Wladek không hiểu ông ta nói gì. Anh vội cởi quần áo.
- Theo tôi nhanh lên.
Wladek lại được tắm một lần tuyệt vời với xà phòng và nước nóng. Wladek nghĩ đến người đàn bà Nga đã che chở cho anh. Suýt nữa thì anh đã trở thành con trai bà ta, nếu như không có chồng bà ta. Và lại bộ quần áo mới nữa, lạ nhưng sạch sẽ thơm tho. Không biết nó là của con ai thế nhỉ. Nhưng kia, ông ấy đã đến rồi kìa.
Ông cai Smithers dẫn Wladek vào bếp và giao cho anh một bà làm bếp to béo có bộ mặt hồng hào, một bộ mặt dễ thương nhất kể từ khi anh rời đất Ba Lan đến giờ. Bà ta khiến anh nhớ đến mẹ nuôi nhưng không biết bây giờ bà đã ra sao?
- Chào chú, - bà ta tươi cười nói, - Tên chú là gì nào?
Wladek xưng tên.
- Này chú, tôi sẽ cho chú ăn một bữa đàng hoàng của người Anh, chứ những cái món Thổ Nhĩ Kỳ ở đây là không ăn được đâu. Bắt đầu bằng súp nóng với thịt bò. Trước khi đi gặp ông Prendergast, thì chú phải chén cho đã vào chứ. – Bà ta cười. – Chú nhớ là đừng có sợ ông ấy, nghe không. Mặc dù ông ấy là người Anh, nhưng ông ấy cũng tốt đấy.
- Thế bà không phải là người Anh ư? – Wladek ngạc nhiên hỏi.
- Trời ơi, không đâu chú ạ. Tôi là người Scotland, khác lắm chứ. Người Scotland chúng tôi ghét người Anh hơn cả bọn Đức ghét người Anh nữa kia, - bà ta vừa nói vừa cười.
Bà đặt xuống trước mặt Wladek một đĩa súp nóng có rất nhiều thịt và rau trong đó. Anh đã hoàn toàn quên mất rằng thức ăn có thể thơm ngon như vậy. Anh ăn từ từ, trong bụng chỉ sợ rằng có thể còn rất lâu nữa mới lại được ăn như thế này.
Ông cai xuất hiện.
- Cậu bé đã no chưa?
- Dạ no lắm rồi, cảm ơn ông lắm.
Ông cai nhìn Wladek với vẻ nghi hoặc, nhưng thấy Wladek không có vẻ đùa, bèn nói:
- Tốt. Bây giờ đi thôi. Phải lên trình diện với ông Prendergast cho sớm.
Ông Cai đi khuất sau cửa bếp nhưng Wladek còn nán lại nhìn bà bếp. Anh rất không thích chia tay với người nào mới gặp, nhất là người đó lại tốt với mình.
- Thôi, chú đi đi, chúc chú gặp nhiều may mắn nhé.
- Cảm ơn bà, - Wladek nói. Thức ăn của bà là ngon nhất. Tôi sẽ nhớ mãi.
Bà bếp nhìn anh mỉm cười. Anh lại phải nhảy cà nhắc để chạy theo ông cai có những bước đi rất dài. Ông ta dừng lại bất ngờ trước một khung cửa khiến Wladek suýt đâm sầm vào.
- Nào cậu bé cẩn thận đấy, phải nhìn chứ.
Ông ta đưa tay lên gõ cửa.
- Vào, - một giọng nói bên trong vẳng ra.
Ông cai mở cửa và chào.
- Cậu bé Ba Lan, thưa ngài. Đã tắm rửa ăn uống tử tế rồi.
- Cảm ơn ông Cai. Có lẽ nhờ ông nói giùm với ông Grant bảo ông ấy cùng đến đây cho.
Edward Prendergast ngồi phía sau bàn giấy nhìn lên. Ông ta ra hiệu cho Wladek ngồi xuống. Ông không nói gì và lại tiếp tục xem giấy tờ. Wladek ngồi nhìn ông ta rồi lại nhìn lên những bức chân dung trên tường. Lại thấy những ông tướng và đô đốc và cả ông có râu anh đã thấy lúc trước, nhưng trong tranh này ông ta mặc quần áo ka ki của quân đội. Vài phút sau một người Anh khác mà anh nhớ là đã thấy ở ngoài chợ bước vào phòng.
- Cảm ơn anh cùng đến, Harry. Mời anh ngồi. – Ông Prendergast quay sang Wladek. – Nào chú bé, giờ chú nói từ đầu đi xem nào. Chú phải nói đúng sự thật, không được nói quá, hiểu không?
- Thưa ông, vâng.
Wladek bắt đầu câu chuyện từ những ngày sống ở Ba Lan. Anh phải dừng lại một đôi chỗ để tìm cho đúng từ tiếng Anh. Cứ xem nét mặt hai người Anh này, Wladek cũng thấy là lúc đầu họ tỏ ra không tin. Thỉnh thoảng họ ngắt lời và hỏi anh vài câu hỏi, rồi nhìn nhau gật đầu sau khi anh trả lời. Sau một giờ nói chuyện, những điều Wladek kể mới đi đến chỗ lúc này anh đang ngồi trong cơ quan lãnh sự của Nữ hoàng Anh tại Thổ Nhĩ Kỳ.
- Harry ạ, - ông Prendergast, phó lãnh sự nói, - tôi nghĩ bổn phận chúng ta là báo ngay cho đoàn Ba Lan biết rồi trao chú Koskiewicz này lại cho họ. Tôi thấy trong trường hợp này thì dứt khoát đó là trách nhiệm của họ.
- Đồng ý, - người có tên là Harry nói. – Chú bé này, hôm nay chỉ suýt nữa là chú chết ở ngoài chợ. Cái luật Hồi giáo đã cũ này, người ta gọi là Sher, quy định hễ ai ăn cắp là phải chặt một tay, về lý thuyết mà nói, đã bị chính thức bãi bỏ từ lâu rồi. Thực ra, trong bộ luật hình Ottman thì xử như thế là phạm tội ác rồi. Tuy nhiên, trên thực tế thì bọn man rợ vẫn tiếp tục thực hiện điều đó. – Ông ta nhún vai.
- Tại sao họ không chặt tay tôi? – Wladek hỏi và ôm lấy cổ tay.
- Tôi bảo họ là muốn chặt tay tất cả những người Hồi giáo thì tùy, không được chặt tay người Anh, - Edward Prendergast nói.
- Ôi, tạ ơn Chúa, - Wladek nói.
- Tạ ơn Edward Prendergast chứ, - ông phó lãnh sự nói và bây giờ ông ta mới mỉm cười. – Đêm nay chú có thể nghỉ lại đây, rồi mai chúng tôi sẽ đưa sang đoàn đại diện bên đó. Người Ba Lan không có sứ quán ở Constantinople, - ông ta nói bằng một giọng hơi khinh thường, - nhưng ông bạn đồng sự của tôi bên đó là một người tốt, vì là người ngoại quốc.
Ông ta bấm chuông và ông cai xuất hiện ngay.
- Ngài gọi gì ạ.
- Ông Cai, ông đưa chú bé Koskiewicz này về phòng. Sáng mai cho chú ấy ăn sáng rồi chín giờ đúng đưa đến chỗ tôi.
- Vâng. Đi lối này cậu bé, mau lên.
Wladek đi theo ông cai. Anh không kịp cám ơn hai người Anh đã cứu cho bàn tay của anh, có lẽ cứu cả mạng sống của anh nữa. Trở về văn phòng nhỏ có chiếc giường sạch sẽ chẳng khác gì như anh là khách danh dự ở đây, anh cởi quần áo ra, vứt chiếc gối xuống sàn rồi lăn ra ngủ một mạch cho đến tận sáng hôm sau khi mặt trời chiếu qua khung cửa sổ nhỏ tí.
- Dậy rửa mặt cậu bé, mau lên.
Đó là ông cai, mặc bộ quân phục trắng bong và là thẳng tắp như ông ta không nằm giường bao giờ. Trong khoảnh khắc bừng tỉnh dậy, Wladek tưởng như mình đang còn ở trong trại 201, vì tiếng đập bằng gậy của ông cai vào khung giường sắt giống như tiếng gõ cửa thanh sắt tam giác mà Wladek vẫn nghe quen trong trại. Anh trườn xuống giường và vơ lấy quần áo.
- Đi rửa mặt mũi đã cậu bé. Chúng ta không nên để ông Prendergast sáng sớm ra phải ngửi cái mùi của cậu, phải thế không nào?
Wladek không phải là mình phải rửa ráy như thế nào nữa, vì anh thấy đã sạch lắm rồi. Ông cai chăm chú nhìn anh.
- Chân cậu làm sao thế?
- Không sao, không sao, - Wladek nói và quay mặt đi chỗ khác.
- Thôi được, ba phút sau tôi trở lại. Ba phút đấy, nghe không? Phải sửa soạn cho xong đấy.
Wladek rửa tay rửa mặt thật nhanh rồi mặc quần áo. Anh phải ở đầu giường ôm chiếc áo lông cừu chờ ông cai đưa anh đi gặp ông phó lãnh sự. Ông Prendergast tỏ ra ôn hòa hơn hôm qua rất nhiều.
- Chào chú Koskiewicz.
- Dạ thưa chào ông.
- Chú ăn sáng ngon không?
- Dạ tôi không ăn sáng, thưa ông?
- Tại sao không? – ông phó lãnh sự nói, và quay nhìn ông cai.
- Ngủ quá giờ, thưa ngài. Nếu ăn sẽ đến muộn.
- Ồ, thế thì ta phải làm thế nào chú nhỉ. Ông cai, nhờ ông nói với bà Henderson cho đem một quả táo hay cái gì đó.
- Vâng, thưa ngài.
Wladek cùng ông phó lãnh sự chầm chạp bước theo hành lang đi ra phía cửa sứ quán, rồi đi tiếp qua sân rải sỏi ra một chiếc xe đỗ bên ngoài. Đó là chiếc xe Austin, một trong những chiếc xe hiếm có ở Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là lần đầu tiên Wladek được ngồi trên một chiếc xe riêng. Anh lấy làm tiếc phải rời sứ quán Anh. Đây là nơi an toàn đầu tiên mà từ bao nhiêu năm nay anh mới cảm thấy được. Anh không biết là suốt đời mình còn có dịp nào được ngủ một đêm nữa trên chiếc giường như ở đó nữa không. Ông cai chạy xuống ngồi vào tay lái. Ông đưa Wladek một quả táo với vài tấm bánh còn nóng.
- Cậu ăn đi và đừng để vãi ra xe nhé. Bà bếp gửi lời chào cậu đấy.
Chiếc xe từ từ chạy qua những phố đông đúc và nóng nực. Tốc độ như người đi bộ. Người Thổ Nhĩ Kỳ luôn luôn cho rằng chẳng có gì có thể đi nhanh hơn một con lạc đà, vì vậy họ cũng không tránh đường cho chiếc xe Austin đi lên làm gì. Xe mở tất cả các cửa kính mà Wladek vẫn thấy nóng đến ngạt thở, nhưng ông Prendergast thì vẫn cứ tỉnh như không, không hề tỏ ra khó chịu gì. Wladek chúi người vào sau xe, sợ có ai đã chứng kiến sự việc hôm trước và nhận ra trong xe có thể lại hô hoán lên chăng. Chiếc xe Austin nhỏ và sơn đen đỗ lại trước một ngôi nhà nhỏ đã cũ có biển đề Lãnh Sự Quán Ba Lan. Wladek cảm thấy xúc động pha lẫn với thất vọng.
Cả ba người bước xuống xe.
- Hạt táo đâu, cậu bé,- ông cai hỏi.
- Tôi ăn rồi.
Ông cai cười rồi gõ cửa. Một người đàn ông nhỏ bé, tóc đen, cằm vuông và có vẻ thân mật ra mở cửa. Ông ta mặc áo sơ mi ngắn tay, người sạm đen, rõ ràng là do cái nắng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ta nói tiếng Ba Lan. Đây là những tiếng mẹ đẻ đầu tiên Wladek được nghe thấy kể từ hôm rời trại giam đến nay.
Wladek nhanh chóng trả lời ngay và giải thích tại sao anh đến đây. Ông ta quay sang ông phó lãnh sự Anh.
- Xin mời ông đi lối này, ông Prendergast, - ông ta nói tiếng Anh rất thạo. – Ông đích thân đưa cậu bé đến đây, thật là quý hóa quá.
Họ trao đổi với nhau vài câu ngoại ngữ lịch sự rồi ông Prendergast và ông cai ra về. Wladek nhìn theo họ, cố nghĩ ra xem câu tiếng Anh nào đầy đủ hơn chữ "cảm ơn" không.
Ông Prendergast thân mật xoa lên đầu Wladek. Ông ra theo ông Cai rồi nháy mắt nói với Wladek.
- Chúc chú may mắn nhé. Chúa phù hộ cho chú được hưởng may mắn đấy.
Ông lãnh sự Ba Lan tự giới thiệu tên mình là Pawel Zeleski. Wladek lại một lần nữa kể lại câu chuyện của mình và anh thấy mô tả bằng tiếng Ba Lan dễ hơn tiếng Anh nhiều. Pawel Zeleski yên lặng nghe anh nói, và lắc đầu buồn bã.
- Tội nghiệp chú quá, - ông khẽ nói. – Chú còn trẻ thế mà đã phải chịu đựng quá nhiều cái đau khổ của đất nước ta. Bây giờ phải làm gì cho chú đây?
- Tôi phải trở về Ba Lan để đòi lại cái lâu đài của tôi, - Wladek nói
- Ba Lan ư? – Pawel Zeleski nói. – Đó là đâu? Mảnh đất chú đã sống ấy hiện nay còn đang tranh chấp, và chiến sự còn đang nổ ra giữa người Ba Lan với người Nga. Tướng Pilsudski còn đang làm mọi cách để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc chúng ta. Nhưng nếu chúng ta lạc quan thì sẽ là điên rồ. Ở Ba Lan bây giờ chẳng còn mấy chút gì cho chú đâu. Không, điều tốt nhất cho chú bây giờ là bắt đầu một cuộc sống mới hoặc ở Anh hoặc ở Mỹ.
- Nhưng tôi không muốn sang Anh hay Mỹ. Tôi là người Ba Lan.
- Chú vẫn cứ là người Ba Lan, Wladek ạ. Dù chú quyết định sống ở đâu thì cũng chẳng ai lấy đi được cái danh nghĩa đó của chú. Nhưng chú phải thực tế đối với cuộc sống của mình, mà cuộc sống ấy bây giờ mới chỉ là bắt đầu thôi.
Wladek cúi đầu thất vọng. Anh đã phải trải qua tất cả những điều trên đây để rồi bây giờ được nghe nói là sẽ chẳng bao giờ trở lại với quê cha đất tổ nữa hay sao? Anh cố nín khóc.
Pawel Zaleski quàng tay ôm lấy vai anh.
- Chú đừng bao giờ quên rằng chú là một trong những người may mắn đã có thể trốn thoát và sống sót được. Chú chỉ cần nhớ đến ông bạn bác sĩ Dubien để thấy rằng cuộc sống có thể như thế nào.
Wladek không nói gì.
- Bây giờ chú phải gạt bỏ tất cả những chuyện quá khứ lại phía sau, và chỉ nên nghĩ đến tương lai thôi. Có thể, trong đời chú, một ngày kia lại trông thấy đất nước Ba Lan đứng dậy, mà điều đó thì ai cũng mong muốn lắm.
Wladek vẫn im lặng, không nói gì.
- Nhưng thôi, chú không cần phải có ngay một quyết định gì, - ông lãnh sự thân mật nói. – Chú có thể ở lại đây muốn bao lâu cũng được, rồi sẽ tính đến tương lai của chú sau.