Hào Môn Kinh Mộng III: Đừng Để Lỡ Nhau

Chương 151 : Tố Khải (I)

Ngày đăng: 11:46 19/04/20


Cô tự nhận mình chẳng phải một con người lương thiện. Bản thân đã không còn ngây thơ như trước, thời gian cũng không thể quay trở về lúc ban đầu. Thế nên đối mặt với quân địch hùng mạnh, cô chỉ biết nhe nanh, giương móng vuốt sắc nhọn, công kích đối phương không biết nể tình. Đây là thứ vũ khí sắc bén mà hiện thực trao cho cô. Cô từng tưởng rằng trên đường đời, chỉ cần đứng trên cùng một đường đua, thì có thể vai kề vai, hàng nối hàng. Chỉ tới khi bị đối thủ ngáng chân một cách tàn bạo, ngã một cách đau đớn, cô mới nhận ra, trong cuộc đua này chưa từng có cái gọi là “ngang tài ngang sức”.



“Giấc mơ, là một bí mật Thượng đế giao phó cho con người. Còn những nhà phân tích tâm lý như chúng ta muốn tìm hiểu những cơn mộng mị đó, cũng chính là đang dò tìm bí mật của Thượng đế.”



Trên giảng đường đại học, Tố Diệp ăn mặc trang nhã, một chiếc sơ mi trắng và váy dài màu đen rất quy củ. Mái tóc đen nhánh cũng được búi chỉnh chu sau gáy. Đôi mắt xinh đẹp bị chắn bởi một cặp kính cận khoa trương, khuôn mặt mộc không hề trang điểm, tay cầm một chiếc bút hồng ngoại, sau khi giảng xong nội dung của chương trước thì kết luận một câu như thật như đùa.



Đây là một môn học công khai. Cô là giảng viên được mời tới đã chuẩn bị sẵn những bài giảng đặc sắc. Tiết học đầu tiên, người tới nghe không nhiều, giảng đường rộng là thế, số người còn đếm được trên đầu ngón tay. Ai ngờ tới tiết học thứ hai, cả hội trường chật cứng, đây là tình huống chưa từng xảy ra.


“Rất đơn giản.” Ánh sáng trên màn chiếu rọi vào gương mặt Tố Diệp, khiến làn da của cô càng trở nên trắng sáng: “Hoặc bạn có đủ khả năng phá giải bí mật này, hoặc sẽ bị nó ép đến phát điên.”



Lý do của cô được mọi người hưởng ứng vỗ tay rào rào.



“Giấc mơ và thể xác có quan hệ phản chiếu trực tiếp nhất, thậm chí ở một mức độ nào đó giấc mơ có thể giảm nhẹ đồng thời nhắc nhở bạn tình trạng sinh lý của mình.” Tố Diệp tiếp tục giảng một cách nghiêm túc: “Tôi nghĩ các bạn đều từng gặp những giấc mơ như thế này. Trong mơ bạn không ngừng tìm nhà vệ sinh, nhưng cho dù có tìm thấy bạn vẫn cảm thấy buồn đi tiểu. Nếu lúc này tỉnh lại chắc chắn bạn sẽ muốn đi vệ sinh. Điều này chứng tỏ tình trạng sinh lý của bạn đã phản xạ vào não bộ. Giấc mơ của bạn lại tiếp nhận phản xạ đó và lấy giấc mơ làm hình thức để đánh thức cơ thể bạn. Việc cho dù bạn tìm được nhà vệ sinh trong giấc mơ mà vẫn buồn đi tiểu, là vì tiềm thức đang khống chế hành vi trong mơ của bạn, tiềm thức đã nói với bạn rằng, tè dầm là hành vi của trẻ con.”



“Ha ha…” Dưới giảng đường vang lên tiếng cười, mọi người gật đầu lia lịa.



“Giấc mơ còn có tác dụng hóa giải vấn đề sinh lý của bạn. Ví dụ như trong mơ bạn liên tục kiếm nước uống, thực tế là nhắc rằng cơ thể bạn đang khát, nhưng bạn lại không muốn tỉnh dậy, thế nên trong mơ đã giải quyết ngay yêu cầu cấp bách của bạn. Tới lúc bạn thức dậy, cảm giác khát nước sẽ không còn mãnh liệt như lúc đầu nữa, hoặc bạn cũng không vì khát nước mà thức giấc. Đây chính là lý luận hiện tượng kích thích cơ thể của Richelle Nair. Mặc dù lý luận này không phải hoàn toàn kín kẽ, nhưng lý luận của Richelle Nair và Volker giá trị ở chỗ có thể khơi gợi sự chú ý của chúng ta đối với một số giấc mơ đặc trưng còn chờ giải đáp. Những biểu tượng trong mơ đúng là sẽ tượng trưng cho những cơ quan trong cơ thể. Ví dụ như, nước trong giấc mơ luôn đại diện cho sự kích thích muốn được đi tiểu tiện. Rớt răng trong giấc mơ có nghĩa là bạn phải chú ý tới ruột và dạ dày của mình.” Nói tới đây, Tố Diệp cầm ly nước lên uống một ngụm, rồi dùng chiếc bút hồng ngoại chỉ vào vị trí cô vừa chiếu: “Những lý luận tôi trình bày trên đây đều có thể đề cập tới trong đề thi, mong các bạn chú ý một chút.”